Bộ VHTTDL tọa đàm về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 – 2020

Chiều ngày 1/12, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có buổi tiếp đoàn Khảo sát, đánh giá việc thực hiện kết luận số 16 –KL/TW, ngày 14/2/2012 của Bộ Chính tri (khóa XI) về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 – 2020 do đồng chí Bùi Trường Giang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại làm trưởng đoàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Trường Giang đại diện đoàn khảo sát mong muốn được nghe những nội dung quan trọng đã được triển khai, những vấn đề còn tồn tại và những kiến nghị, đề xuất nhằm phát triển hơn nữa công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn 2021 – 2030, để công tác vận hành của Ban chỉ đạo được tốt hơn.

Đại diện Cục Hợp tác Quốc tế, ông Trần Nhất Hoàng – Phó Vụ trưởng đã báo cáo về việc thực hiện kết luận số 16 –KL/TW, ngày 14/2/2012 của Bộ Chính tri (khóa XI) về chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 – 2020.

Theo đó, trong 10 năm qua, công tác thông tin đối ngoại luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo triển khai thực hiện theo kết luận số 16 –KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 – 2020 và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ và giải pháp thuộc phạm vi quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.

Việc cụ thể hóa kết luận số 16 –KL/TW bằng xây dựng chiến lược, ban hành các văn bản pháp quy, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã góp phần đẩy mạnh việc chỉ đạo, định hướng, quản lý tuyên truyền thông tin đối ngoại lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Công tác định hướng tuyên truyền giữ vững chủ quyền biển, đảo, biên giới, lãnh thổ, thành tựu về đảm bảo quyền con người, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch; Công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được đa dạng hóa hình thức, phương tiện thông tin, tranh thủ các lực lượng thông tin truyền thông, tăng cường thông tin bằng tiếng nước ngoài và Công tác huy động nguồn lực xã hội tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến phát biểu tại buểi làm việc

Có thể nói trong đó, thể thao là phương tiện mạnh mẽ trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Ở lĩnh vực thể thao thành tích cao, trong giai đoạn 2011 – 2020 đã có những chuyển biến với một số thành tích lớn đầu tiên, cùng với thành tích nổi trội của những môn thi Olympic, của Bóng đá Việt Nam.. đã được báo chí quốc tế đưa tin rộng rãi, vị thế của Việt Nam có thay đổi đáng kể trong khu vực và trên thế giới. Tại Olympic lần thứ 31 năm 2016, Thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành huy chương Vàng và 01 huy chương Vàng tại Paralympic Brazil. Tại SEA Games 2017, Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành được tổng cộng 166 huy chương các loại, phá 12 kỷ lục SEA Games và xếp thứ 03/11 quốc gia tham dự SEA Games 29. Trong đó các môn thể thao Olympic giành được 51/59 huy hương Vàng, chiếm trên 86% tổng số huy chương của đoàn; đội tuyển Điền kinh Việt Nam lần đầu tiên vượt qua đội tuyển Điền kinh Thái Lan, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tại ASIAN Games 18 năm 2018, Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành 38 huy chương các loại, trong đó có 04 huy chương Vàng, xếp thứ 16/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự ASIAN Games 18 năm 2018, đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam giành được huy chương Vàng ở những môn thể thao Olympic là Điền kinh, Rowing. Tại SEA Games 30 năm 2019, Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành 98 huy chương Vàng, xếp vị trí thứ 2/11 quốc gia tham dự SEA Games 30. Trong tổng số 288 huy chương đạt được có 23 môn thể thao Olympic giành được 197 huy chương  (chiếm tỷ lệ 68,4%), 18 môn thể thao Olympic giành được 71/98 huy chương Vàng (chiếm tỷ lệ 74,55%).

Đặc biệt, Bóng đá Việt Nam có nhiều thành tích xuất sắc, đội tuyển Bóng đá U23 Việt Nam thi đấu giành huy chương Bạc tại giải vô địch U23 châu Á năm 2018. Đội tuyển Bóng đá quốc gia giành huy chương Vàng giải vô địch giải bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) năm 2018, đội tuyển Bóng đá nam Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất ASIAN Games 18; đội tuyển Bóng đá bãi biển nam quốc gia giành huy chương Vàng Đông Nam Á. Đội tuyển Bóng đá nữ quốc gia giành huy chương Đồng Đông Nam Á và đội tuyển U15 nữ quốc gia giành huy chương Đồng Đông Nam Á. Đội tuyển Bóng đá U23 thi đấu nhất bảng K và giành quyền tham dự vòng chung kết châu Á năm 2020. Đội tuyển Bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á năm 2019. Đội tuyển U23 Việt Nam giành huy chương Bac giải Bóng đá King Cup 2019 tại Thái Lan, xếp trong tốp 16 đội mạnh nhất châu Á. Đặc biệt, đội tuyển Bóng đá U22 nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch SEA Games, đội tuyển Bóng đá nữ lần thứ 6 vô địch SEA Games. Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016 tại Đà Nẵng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 16-KL/TW như: hệ thống pháp luật về thông tin đối ngoại thuộc phạm vị quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch chưa thực sự hoàn thiện; cơ chế, chính sách còn có những bất cập, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin mới. Một số luật, quy định trong quá trình triển khai thực tế đã không phù hợp với vị thế của Việt Nam hiện tại, tạo rào cản nhất định cho việc tăng cường hợp tác với quốc tế, tăng cường hiệu quả công tác thông tin đối ngoại ở lĩnh vực văn hóa; Sự phối hợp giữa trung ương và địa phương còn hạn chế; lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại còn mỏng, không được đào tạo chuyên nghiệp, thực hiện nhiệm vụ theo cơ chế kiêm nhiệm; Nguồn lực tài chính còn hạn chế.

Đề xuất, kiến nghị để triền khai, xây dựng chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2021 – 2030, báo cáo cũng chỉ rõ cần nghiên cứu, xây dựng và thực hiện kế hoạch mang tính chiến lược về truyền thông, quảng bá hình ảnh Việt Nam tại nước ngoài; Đổi mới cách thức, coi trọng chuyển đổi số trong quảng bá; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch với các nước; Xây dựng cơ chế và hành lang pháp lý hỗ trợ công tác Đại sứ Du lịch Việt Nam; Khai thác hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền về Việt Nam; Từng bước xúc tiến để mở thêm Trung tâm văn hóa, du lịch Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, Du lịch là ngành kinh tế hướng ngoại, chính vì vậy ngành du lịch từ rất sớm đã nhận định việc sử dụng thông tin đối ngoại là chiến lược đối với du lịch. Thông tin đối ngoại quảng bá du lịch luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết và tập trung vào giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, tài nguyên, giá trị, những điểm nổi bật để trở thành thông tin thu hút khách du lịch quốc tế. Cũng tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết những khó khăn mà ngành du lịch phải đối mặt đó là văn phòng đại diện của du lịch Việt Nam chưa có, mới chỉ xã hội hóa được hai văn phòng tại Hàn Quốc và Anh; nguồn lực chưa được lớn; các hoạt động còn rời rạc, chưa kết dính. Để khắc phục những hạn chế này, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng đề xuất, trong thời gian tới, cần có văn phòng đại diện của du lịch Việt Nam ở nước ngoài; các bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ với du lịch nhằm lồng ghép tổ chức các sự kiện, đạt kết quả cao hơn

Chia sẻ về vai trò của thể thao đối với hoạt động thông tin đối ngoại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến cho biết, qua các hoạt động của thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng, thông tin thể thao đối ngoại cũng đã được phát huy. Các sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức tại Việt Nam đã thu hút hàng nghìn phóng viên trong và ngoài nước tham dự. Qua đó, góp phần tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Mỗi vận động viên được coi là đại sứ truyền đạt thông tin đến với bạn bè quốc tế tại mỗi sự kiện mà họ tham gia. Nhằm tích cực quảng bá về SEA Games 31, sự kiện mà Việt Nam đóng vai trò là nước chủ nhà đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, Chương trình “Khởi động cùng SEA Games 31” cũng đã được tổ chức với sự tham gia của đại diện Đại sứ quán các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nội dung của báo cáo mà Cục Hợp tác quốc tế trình bày bám sát với tình hình triền khai thực hiện kết luận số 16–KL/TW của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, lãnh đạo Bộ đã tổ chức quán triệt bài bản và xây dựng được văn bản cụ thể để trển khai kết luận số 16–KL/TW. Thứ trưởng cũng khẳng định trong quá trình triển khai có rất nhiều khó khăn bởi phải đảm bảo được yếu tố trọng tâm, trọng điểm và phải lồng ghép nhiệm vụ chinh trị của Bộ với từng đơn vị. Thứ trưởng cũng chỉ rõ những kết quả nổi bật trong quá trình Bộ triển khai, thực hiện kết luận số 16–KL/TW. Đó là bám sát và triển khai được những nhiệm vụ cụ thể. Tổ chức được tuần văn hóa, ngày văn hóa tại các quốc gia giúp quảng bá về đất nước, con người và thành tựu của Việt Nam. Xây dựng hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, muốn là bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Thông điệp này được truyền đi dưới góc độ văn hóa. Tổ chức các liên hoan phim, tuần phim; Thông qua những thị trường du lịch lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản để quảng bá hình ảnh đất nước. Nâng cao chất lượng du lịch,  qua đó Việt Nam được bình chọn là điểm đến an toàn.

Năm 2019, Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế. Con số này không chỉ dừng lại tại đây mà còn được nâng lên với cấp số nhân. Đặc biệt hơn cả phải đề cập tới việc tổ chức các triền lãm trong nước, đưa thông tin đối ngoại về với nhân dân Việt Nam như Tổ chức triển lãm về biển đảo để khẳng định chủ quyền về biên giới, xuất bản sách về biển đảo… đều là những thành tựu góp phần vào kết quả triển khai Kết luận số 16-KL/TW trong suốt những năm qua. Thứ trưởng cũng chỉ rõ những khó khăn trong bối cảnh hội nhập sâu, trào lưu tư tưởng, trào lưu văn hóa ngoại lai đang tác động rất lớn tới đời sống văn hóa người dân Việt Nam. Lực lượng cả về chuyên trách và bán chuyên trách công tác thông tin đối ngoại không có chiều sâu và thiếu tính chuyên trách. Chính vì vậy, để công tác thông tin đối ngoại được phát triển sâu rộng, hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng cũng đã đưa ra một số đề xuất, trong đó có nội dung tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm nhìn nhận, đánh giá lại vấn đề này.

Đại diện đoàn khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 16-KL/TW, ông Bùi Trường Giang đánh giá cao kết quả triển khai Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Những sản phẩm cụ thể cho thấy Bộ là một đơn vị triển khai rất mạnh công tác đối ngoại. Quan trọng nhất là cung cấp thông tin rất chính thống cho công chúng và bạn đọc, tăng cường thông tin tích cực về con người, đất nước, thành tựu phát triển của đất nước ra nước ngoài.

Ông Bùi Trường Giang cũng chỉ ra một số nội dung để hai Bên cần tiếp tục phối hợp nhằm phục vụ cho công tác tổng kết Kết luận số 16-KL/TW trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần phải chú ý những vấn đề tác động tới công tác triển khai thực hiện Kết luận số 16-KL/TW như tình hình đại dịch Covid-19, quá trình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chuyển đổi số, bối cảnh quốc phòng an ninh. Riêng với ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải tiếp xúc với trào lưu tư tưởng văn hóa mới xâm nhập vào Việt Nam, trong khi nguồn lực chưa theo kịp công tác kiểm tra, giám sát những hiện tượng văn hóa mới này. Ông Bùi Trường Giang cũng đồng thuận với các đề xuất: nên có nghị quyết mới về công tác đối ngoại nói chung; Nâng tầm của Ban chỉ đạo thông tin đối ngoại và cần có cơ chế đặc thù cho thông tin đối ngoại và người làm thông tin đối ngoại./.

Bài và ảnh: A.T