Việt Nam
trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 đã chứng tỏ sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thay đổi to lớn, tích cực và toàn diện của đất nước ta trong suốt 20 năm đổi mới (từ 1986). Sự kiện này không chỉ tác động tới nền kinh tế của Việt Nam mà còn có sức ảnh hưởng sâu sắc trên mọi lĩnh vực: Chính trị, văn hoá, xã hội… mở ra những cơ hội phát triển to lớn cũng như những thách thức mới đối với Việt Nam.
|
PCN Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội thảo (Ảnh: HC)
|
Trước bối cảnh ấy, ngành TDTT Việt Nam cũng đã và đang có những giải pháp và hành động kịp thời để tìm ra con đường đi đúng nhất, hiệu quả nhất nhằm phát triển một nền thể thao vững mạnh, toàn diện. Hội thảo: “Phát triển kinh tế TDTT khi Việt Nam gia nhập WTO” do Uỷ ban TDTT phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giao cho Viện Khoa học TDTT tổ chức ngày 26 tháng 12 năm 2006 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia không nằm ngoài mục đích đó.
Tham dự Hội thảo có các đ/c Nguyễn Trọng Hỷ và đ/c Huỳnh Vĩnh Ái – Phó chủ nhiệm Uỷ ban TDTT; đ/c Đoàn Duy Khương – Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đ/c Trương Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Ban Khoa giáo Trung ương; đ/c Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch đô thị và cơ sở hạ tầng; đ/c Tạ Đức Quảng – Phó Vụ trưởng Vụ Lao động văn – xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham dự của các đồng chí: Tạ Quang Chiến, Lê Đức Chỉnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT (nay là Uỷ ban TDTT); đồng chí Đoàn Thao – nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban TDTT, Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt nam, đại diện Liên Hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Tổng Hội xây dựng Việt Nam; Uỷ ban Olympic Việt Nam; lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban TDTT, các Sở TDTT, các trường Đại học TDTT khu vực phía Bắc; đại diện Vụ công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phòng TDTT Quân Đội, Bộ Công An, các CLB thể thao chuyên nghiệp và nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TDTT khu vực phía Bắc.
|
GS. TS Dương Nghiệp Chí với tham luận về phát triển kinh tế TDTT khi Việt Nam gia nhập WTO (Ảnh: HC)
|
Tại Hội thảo, đã có 13 tham luận được báo cáo, trong đó nhận được sự quan tâm và thu hút của các thành viên là các báo cáo chính của
các đ/c: Đoàn Duy Khương; Bùi Đình Khoa; Dương Nghiệp Chí; Tạ Xuân Lai với các nội dung xoay quanh vấn đề về doanh nghiệp và hội nhập; Quy hoạch cơ sở vật chất – kỹ thuật TDTT toàn quốc đến 2020; khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế TDTT khi gia nhập WTO; đặt cược Bóng đá... Ngoài ra, những ý kiến đóng góp của các thành viên cũng đã gợi mở, khơi dậy nhiều ý tưởng táo bạo trong việc thực hiện mục tiêu của thể dục thể thao là vì sức khoẻ cộng đồng và tham gia đóng góp có hiệu quả vào phúc lợi công cộng; chú trọng phát triển TDTT vùng nông thôn, miền núi, tây nguyên, hải đảo, thể thao trường học, phát triển kinh doanh – dịch vụ TDTT...
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội thảo, PCN Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: “TDTT sẽ không phát triển nếu kinh tế TDTT không phát triển và không đồng hành với sự phát triển của đất nước. Trong thời gian qua, kinh tế TDTT có bước tiến bộ, nhưng còn nhỏ lẻ, quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, cách nhìn nhận kinh tế TDTT chưa được thường xuyên và đầy đủ. Việc tổng kết thực tiễn chưa được nhiều, khái quát lý luận cũng chưa thành hệ thống và đầy đủ. Nói chung, sự lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực này có cố gắng nhưng chưa đúng mức. Kinh tế TDTT là vấn đề rộng lớn và mới mẻ, cho nên ngay từ đầu Lãnh đạo Uỷ ban TDTT và Ban tổ chức Hội thảo xác định mục đích chính của cuộc Hội thảo là xới lên vấn đề, góp phần tạo ra cách nhìn mới về vị trí, vai trò của kinh tế TDTT khi Việt Nam gia nhập WTO và cũng nhằm nâng cao ý thức tư tưởng chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp đã giúp sức vượt qua những khó khăn thách thức, tranh thủ những cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế TDTT, sự nghiệp TDTT. Một vấn đề quan trọng nữa là từ tiếp cận, góp phần nâng cao nhận thức tại Hội thảo này mà từng cá nhân và đơn vị vẫn tự thân vận động bươn chải, phấn đấu trong “sân chơi lớn” WTO, vừa có ý kiến để chia sẻ, để hiến kế đến các cơ quan có thẩm quyền sớm xử lý những vấn đề thuộc hành lang pháp lý nhằm khơi thông động lực phát triển và bảo vệ tốt quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cá nhân, đơn vị đã, đang và sẽ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào kinh tế TDTT khi Việt Nam gia nhập WTO...”.
|
Toàn cảnh buổi hội thảo (Ảnh: HC)
|
Đồng thời PCN cũng cho rằng: Tiềm năng phát triển kinh tế nước ta còn rất rộng lớn, còn nhiều cơ hội để phát huy nội lực, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển TDTT và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Việc Việt Nam gia nhập WTO không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần mà còn liên quan đến cung cách làm việc, phục vụ hướng tới tính chuyên nghiệp, bài bản ở mọi lĩnh vực. Vì vậy, mặc dù chưa đặt ra tham vọng song Hội thảo có thể coi là “cột mốc” để toàn ngành, toàn xã hội nhìn nh
ận đúng mức và ủng hộ sự phát triển kinh tế TDTT, tăng nguồn lực lớn cho bước phát triển mới của TDTT nước nhà trong những năm tiếp theo.
Sau một ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương và hiệu quả, PCN ghi nhận những ý kiến đóng góp tích cực của các thành viên tham dự và nhân dịp năm mới 2007 sắp đến, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Uỷ ban TDTT và Ban tổ chức Hội thảo PCN đã gửi lời chúc sức khoẻ, thành công và thịnh vượng tới tất cả những người làm công tác TDTT trong cả nước và tin rằng, kinh tế TDTT sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hậu WTO.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Tạ Xuân Lai với tham luận "Đề án cá cược bóng đá"
Thịnh Hường