Tới dự Lễ Tổng kết và trao giải có bà Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà Trịnh Thị Thủy - Ủy viên Bán cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng 250 em học sinh, sinh viên đã đạt giải của cuộc thi.
Lễ Tổng kết và trao giải được tổ chức tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
vào chiều ngày 23/10/2020
Sau 08 tháng phát động và triển khai, cuộc thi được tổ chức với hai vòng: sơ khảo (tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Hội người mù Việt Nam, các địa phương và trường đại học/học viện) và vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội.
Các em học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi có 03 đề để lựa chọn đối với học sinh và 2 đề để lựa chọn đối với sinh viên. Các câu hỏi tập trung vào việc chia sẻ cuốn sách yêu thích, phương pháp đọc sách hiệu quả hay khuyến khích sáng tác tác phẩm, viết tiếp lời cho một câu chuyện, xây dựng kế hoạch và đề xuất biện pháp khuyến khích đọc khi mình trở thành Đại sứ Văn hóa đọc. Các bài thi được trình bày theo hình thức viết hoặc quay clip bằng tiếng Việt hoặc song ngữ Việt - Anh.
Phát biểu tại buổi Lễ Tổng kết và trao giải, bà Vũ Dương Thúy Ngà -Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: rút kinh nghiệm từ cuộc thi trước, Ban tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 – Dấu ấn và Sự lan tỏa đã sớm triển khai, tổ chức cuộc thi, chính vì vậy, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, có lúc cần thực hiện giãn cách xã hội song cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 đã thu hút được sự tham gia của 1.007.321 học sinh, sinh viên của gần 5.400 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện. Đây là con số vô cùng ấn tượng, gần gấp đôi số lượng dự thi của Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019. Điều đó cho thấy sự quan tâm của cộng đồng đối với cuộc thi nói riêng và văn hóa đọc nói chung. Kết quả này cũng là minh chứng cho thấy Văn hóa đọc đã âm thầm lan tỏa và có hiệu ứng tốt đẹp.
Từ Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020, có thể thấy sự sáng tạo của các thí sinh mà đặc biệt là các em học sinh là không có giới hạn. Có em học sinh chia sẻ: để thực hiện tác phẩm dự thi của mình em đã mất hai tháng để nghiên cứu, hình thành ý tưởng và hơn hai tuần để triển khai thực hiện ý tưởng đó. Còn em học sinh khác lại bày tỏ về dự án triển khai audio book cho người khiếm thị…
Cũng theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, nét mới của Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 đó là đối tượng đã được mở rộng tới người khiếm thị và các trường thuộc lực lượng vũ trang. Ban giám khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 với các thành viên là những nhà văn giàu kinh nghiệm cũng có sự đòi hỏi cao hơn về hình thức trình bày cũng như trích dẫn để hình thành thói quen tôn trọng tác giả của các tác phẩm mà thí sinh sử dụng để trích dẫn trong bài dự thi của mình.
Trao thưởng cho các học sinh, sinh viên đạt giải
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 02 giải Đại sứ, 08 giải Nhất, 16 giải Nhì, 52 giải Ba, 180 giải Khuyến khích và các giải chuyên đề cho các bài thi xuất sắc nhất. Theo đó, 02 giải Đại sứ Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 – Dấu ấn và Sự lan tỏa được trao cho em Nguyễn Hoàng Yến học sinh trường Trung học Phổ thông Đông Triều - Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và em Đặng Phương Nam sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân Dân, Bộ Công An.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức phát động từ tháng 02 năm 2020. Đây là một trong những hoạt động triển khai Đề án Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017. Đây là hoạt động dành cho học sinh, sinh viên bao gồm cả người khiếm thị với mục đích khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và phương pháp, kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên – một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Kết thúc vòng sơ khảo, gần 1.200 bài dự thi lọt vào vòng chung kết, trong đó có hơn 1.000 bài dự thi bằng văn bản, hơn 100 bài dự thi là các clip thuyết trình. Rất nhiều bài dự thi thể hiện ý tưởng hay, độc đáo, mới lạ, được thực hiện công phu, đẹp mắt, các mô hình kỳ công, những bức tranh minh họa sinh động, các bản chép tay với nét chữ đẹp . Nội dung các bài dự thi cũng hết sức phong phú: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; bày tỏ cảm nhận về các tác phẩm kinh điển, về văn học trong nhà trường; chia sẻ phương pháp đọc sách, đề ra kế hoạch và biện pháp khuyến đọc; tập sáng tác, làm thơ hoặc viết tiếp lời cho một câu chuyện; kể các tấm gương về nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống; tình thầy trò, tình cảm gia đình... Nhiều bài viết ghi lại cảm nhận sâu sắc của các em học sinh, sinh viên, tạo sự xúc động và gây hiệu ứng mạnh mẽ đối với người đọc. Cùng với việc trao giải thưởng, Ban tổ chức cuộc thi dự kiến tuyển chọn những bài dự thi hay để xuất bản thành sách, qua đó tiếp tục lan tỏa tinh thần cổ vũ văn hóa đọc ngay cả khi cuộc thi đã kết thúc. |
Bài và ảnh: A.T