Sở dĩ, Sao la được chọn là bởi mẫu biểu tượng vui đảm bảo được các tiêu chí về bố cục, tính thẩm mỹ và ý nghĩa. Hơn thế nữa, Sao la là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, sinh sống trong núi rừng Việt Nam và Lào. Sao la được xếp hạng bảo tồn nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Thông qua mẫu biểu tượng Sao la, bạn bè trong khu vực và quốc tế biết thêm những giá trị đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam.
Được lựa chọn từ 557 mẫu biểu tượng vui tham gia dự thi, sao la cùng với hai linh vật khác gồm nghê cười và hổ đã được đưa ra thảo luận qua nhiều phiên làm việc về ý nghĩa cũng như tính thẩm mỹ của từng linh vật này. Cuối cùng, tác phẩm Sao la của tác giả Ngô Xuân Khôi (Hà Nội) được chấm giải nhất và được đánh giá là hoàn toàn xứng đáng là linh vật của SEA Games 31 lần này.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của biểu tượng vui Sao la, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến cho biết: “Sao la được xếp hạng bảo tồn nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Thông qua mẫu biểu tượng vui Sao la giúp cho bạn bè trong khu vực và quốc tế biết thêm những giá trị rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam. Hình tượng Sao la gợi lên sự thân thiện, nhanh nhẹn, hoạt bát phù hợp với tíinh chất, hoạt động thể thao.
Phó Tổng cục trưởng Lê Thị Hoàng Yến cũng đánh giá cao tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc của Ban tổ chức cuộc thi trong quá trình chấm điểm. Để đưa ra được kết quả cuối cùng, Ban tổ chức cuộc thi đã trải qua nhiềêu phiên làm việc, thảo luận, trao đổi ý kiến chuyên môn nhằm tìm ra tác phẩm phù hợp, tốt nhất đại diện cho SEA Games 31.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến, sau khi được Ban tuyên giáo Trung ương xem xét, cho ý kiến, sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) hay còn được mệnh danh là Kỳ Lân châu Á được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới là năm 1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Sao là là một loài đặc hữu của dãy Trường Sơn, nơi tiếp danh giữa Lào và Việt Nam, không thể tìm thấy ở bất kì nơi nào khác. Với vẻ đẹp kiêu hãnh, sự bí ẩn và cổ đại, Sao la được mệnh danh là "Kỳ lân châu Á". Đặc điểm nổi bật của loài này là các đốm trắng trên mặt và một cặp sừng rất đặc biệt mà cả con đực và con cái đều có. Cặp sừng của sao la thẳng, thuôn dài, tạo thành hình chữ V – là biểu tượng chiến thắng (Victory) và đại diện cho chữ Việt Nam. Do đó, ngoài vẻ đẹp thuần khiết và bí ẩn, sao la còn có thể coi là một biểu tượng cho tinh thần chiến thắng và đại diện cho quốc gia. Ngoài ra, sao la còn có sự dẻo dai, sức mạnh tiềm ẩn và sự bền bỉ hơn các loài thú móng guốc khác và chúng thích sống những cánh rừng nguyên sinh, đồi núi hiểm trở, vách đá cheo leo. Sao la có hình thể đẹp, cân đối, cơ bắp chắt nịch, di chuyển nhẹ nhàng nhưng lại đầy năng lượng. Chúng có thể di chuyển trên triền đá nghiêng trên các thác nước cao, các khu vực với địa hình hiểm trở mà các loài thú khác hiếm khi tới được. Điều này cũng khiến cho các nhà khoa học khó tiếp cận chúng hơn và đó là một trong những lý do tại sao chúng vẫn đang là một loài thú vô cùng bí ẩn.
Với sự bí ẩn, quý hiếm và độc đáo, Sao la là một trong những loài được chú trọng bảo tồn nhất trên thế giới. Một nhóm Bảo tồn Sao la (Saola Working Group) cũng được thành lập, quy tụ các nhà khoa học và bảo tồn hàng đầu trên thế giới. Rất nhiều dự án bảo tồn trị giá hàng chục triệu đô đã được đầu tư vào khu vực Trường Sơn để bảo vệ Sao la bởi đây là loài chỉ thị và biểu trưng cho sự tồn tại của rừng nguyên sinh, các loài thú quý hiếm khác cùng sinh cảnh với chúng. Chính phủ Việt Nam cũng dồn rất nhiều tâm huyết để bảo tồn loài này. Năm 2011 và 2013, hai Khu Bảo tồn Sao la đã được thành lập tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt đề án nhân giống để bảo tồn Sao la cho cả Việt Nam và Lào với trung tâm đặt tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.
|
A.T