Mới đây, trong khi sưu tầm các văn bản có liên quan đến sự nghiệp TDTT thời kỳ còn trứng nước trong giai đoạn 1945 -1946, các nhà nghiên cứu lịch sử TDTT Việt Nam đã có được lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Hồ Chủ tịch được đăng tải trên tờ Cứu quốc tháng 3/1946. Bác Hồ đã viết: " Tự tôi ngày nào tôi cũng tập" Hồ Chủ tịch là tấm gương trong sáng về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trí tuệ lỗi lạc, lối sống lành mạnh và tinh thần rèn luyện thân thể để giữ gìn sức khoẻ và nâng cao thể lực nhằm phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Ai cũng biết, năm 1991, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đi Phan Thiết để dạy học tại trường Dục Thanh. Ông giáo Nguyễn Tất Thành không dạy văn hoá đơn thuần, ông còn khéo léo tuyên truyền lòng yêu nước cho con trẻ và ông cũng dạy học trò tập luyện TDTT. Sáng sáng, thầy giáo Thành thường dẫn học trò ra bờ sông hay bãi biển để tập thể dục. Cứ thứ năm mỗi tuần, ông giáo Thành lại dành ra một số thời gian để dạy học trò tập nhảy cao, nhảy xa, xà đơn, kéo co, nhảy đây... Chính thầy giáoThành sáng nào cũng tập thể dục và đi bộ hàng giờ trên các đường phố của Thị xã Phan Thiết.
Bác am hiểu sâu sắc và có lòng tin mãnh liệt vào phương pháp bảo vệ sức khoẻ bằng tập luyện TDTT. Chẳng hạn, ở nước Nga, trong mùa Đông rét mướt, Bác Hồ vẫn đều đặn dậy sớm tập thể dục tay không, kết hợp với tập các loại tạ và dây thun... Còn ở Vân Nam, trong những nơi ở chật chội của người dân Trung quốc lại phải hoạt động bí mật ở nhiều địa điểm, Bác Hồ vẫn tập thể dục, vận động thường xuyên kết hợp với dọn dẹp trong nhà,trong vườn. Chúng ta đều nhớ, Bác Hồ từ Trung Quốc về nước ngày 8/2/1941 và lưu lại trong vùng rừng núi Cao Bằng. Lúc ở hang PắcPó, lúc ở lán Khuổi Nậm, khi vào vùng rừng núi căn cứ du kích Lam Sơn, Hồ Chủ Tịch duy trì nếp ăn, ở, sinh hoạt,học tập đều đặn. Chủ tịch Hồ Chí Minh có thói quen tránh ăn quá no, rèn luyện thân thể vào buổi sáng, không ngủ trưa, và buổi chiều Người đi làm vườn, vác củi cho đồng bào trong xóm... Các vị lão thành cách mạng còn kể lại, thời kỳ chuẩn bị Hội nghi Trung ương Đảng lần thứ 18 năm 1941, sáng nào, Cụ Hồ cũng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm, rồi dành một lúc tăng gia và đi tắm suối rồi sau đó mới bắt tay vào công việc nghiên cứu, viết lách tài liệu.
Lúc ở Liễu Châu (Trung Quốc) Bác Hồ vẫn tập luyện thể dục đều đặn, nhiều hôm Bác tập Thái Cực quyền và chạy bộ 4-5 km, rồi xuống sông tắm cho dù có nhiều hôm trời rất giá rét. Nhờ rèn luyện sức khoẻ thường xuyên như vậy, nên Bác đã qua được cơn hiểm nghèo trong lần ốm nặng trước khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra. Lúc đó, Bác đã rời về ở căn cứ Tân Trào. Khi về Hà Nội thời kỳ 1945 - 1946, mặc dù công việc quá bề bộn, Bác của chúng ta vẫn giữu nếp dậy sớm tập thể dục. Theo hồi ức của các bậc lão thành có dịp tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp trong chuyến đi năm 1946 với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp tại Paris, Bác Hồ vẫn dậy sớm tập thể dục mỗi ngày. Một Việt Kiều đã viết "Công việc của Bác ngày càng bận, nhưng không bao giờ Bác bỏ thói quen dậy sớm tập thể dục và đọc báo... Hôm ấy là một ngày trung tuần tháng 9/1946, Bác Hồ có lịch đi làm việc với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại, vào khoảng 3 giờ sáng mới thấy Bác về. Lạ thay, Bác làm việc khuya như thế mà đến 5 giờ sáng, Bác đã dậy tập thể dục và rửa mặt".
"Bây giờ chúng ta đều biết, do nhận rõ tầm quan trọng và thiết thực của TDTT nên trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 14 ngày30/1/1946 thành lập Nha Thể dục TW trong Bộ Thanh Niên, Người hiểu rõ vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam". Cuối tháng 3/1946 tự tay Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Lời kêu gọi này lần đầu tiên được tăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 27/3/1946. Đó là cội nguồn khởi phát của phong trào "khoẻ vì nước" được Nha thể dục TW phát động sôi nổi khắp đất nước ta trong năm 1946. Kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người, chúng ta thật xúc động và tự hào nhắc lại tấm gương rèn luyện thân thể để bảo vệ sức khoẻ, tăng cường thể lực để phục vụ lợi ích của Cách Mạng và của Nhân dân của Người. Bác Hồ vị Cha già của dân tộc, Người là biểu tượng cả của trí tuệ và lương tri con người Việt Nam trong thế kỷ XX, Người cũng đã khai sinh ra nền TDTT cách mạng ở nước ta ngay từ những ngày đầu chính quyền nhân dân còn trứng nước. Công lao ấy, vinh quang ấy, không bao giờ phai mờ trong ký ức của nhân dân ta.
Lam Sơn