Ngày 21/1/2006, tại kỳ họp thứ X Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Thể dục, Thể thao (TD,TT) gồm 9 chương 79 điều quy định về TD,TT có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Để Luật TD,TT khi có hiệu lực là thi hành được, Chính phủ đã giao cho Ban soạn thảo Luật chuẩn bị soạn thảo nội dung hướng dẫn thi hành Luật.
Quán triệt tinh thần đó, từ khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội chấp thuận trình Quốc hội dự án Luật TD,TT, Ban soạn thảo dự án Luật đã căn cứ vào ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2006), ý kiến của các đại biểu chuyên trách (tháng 8/2006), ý kiến chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội để triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TD,TT.
Sáng 6/12, tại Hội trường tầng 5 nhà B - Uỷ ban TDTT, Hội thảo xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TD,TT đã chính thức diễn ra dưới sự chủ trì của PCN Nguyễn Trọng Hỷ - Phó trưởng ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật TD,TT. Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban TDTT, Sở TDTT, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, Uỷ ban Olympic quốc gia và các thành viên Ban soạn thảo thuộc khu vực phía Bắc.
Trên thực tế, Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý TDTT và ý kiến đóng góp của một số bộ, ngành có liên quan (tháng 10/2006). Song để đảm bảo tiến độ xây dựng và chất lượng của dự thảo Nghị định trình Chính phủ nên Ban soạn thảo Luật TD,TT đã quyết định mở rộng lấy ý kiến của lãnh đạo các Vụ, đơn vị, Sở TDTT các tỉnh, ngành và tổ chức xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Dương Nghiệp Chí - nguyên Viện trưởng Viện khoa học TDTT đã đóng góp nhiều ý kiến mang tính định hướng về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phát triển TD,TT quần chúng (hướng dẫn thi hành khoản 1 điều 11) như giũp đỡ, hỗ trợ Người khuyết tật tham gia vào hoạt động TDTT quần chúng; phổ biến các phương pháp tập luyện đúng, khoa học cho người cao tuổi; đưa việc tập luyện TDTT trở thành thói quen của mọi người... Ý kiến của GS.TS Dương Nghiệp Chí đã nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên trong Hội thảo và cho rằng vấn đề nêu ra rất phù hợp với thực tế phong trào TDTT quần chúng tại các địa phương. Ông cũng đề nghị trong Nghị định phải có thông tư hướng dẫn cụ thể, có như vậy việc thi hành Luật TD,TT mới đảm bảo theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, vấn đề xã hội hoá thể thao thành tích cao (hướng dẫn thi hành điều 31) cũng rất được quan tâm. Bởi hiện nay, nước ta có tổng số 18 Liên đoàn, Hiệp hội (chính thức) và rất nhiều các Liên đoàn, Hiệp hội (lâm thời) đã và đang hoạt động có hiệu quả. Về lâu dài, các Liên đoàn, Hiệp hội này cần được thành lập để có thể tư vấn về chuyên môn kỹ thuật cho Uỷ ban TDTT, chịu trách nhiệm về hoạt động thể thao trong nước và quan hệ với các tổ chức thể thao quốc tế. Thể hiện rõ điều này trong Nghị định sẽ thúc đẩy xã hội hoá các tổ chức thể thao nước ta theo tiến trình hội nhập quốc tế. Khi đó, Uỷ ban TDTT có chức năng quản lý nhà nước và giám sát, còn các tổ chức thể thao sẽ hoàn toàn thực hiện chức năng hoạt động theo luật pháp và tự quản.
Ngoài ra, tại buổi Hội thảo, các thành viên cũng đã đóng góp ý kiến cho các vấn đề về chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp TDTT; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động TDTT; Đất dành cho TDTT trong trường học, khu chung cư; Địa vị pháp lý, mục đích thành lập, hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao...
Sau một ngày làm việc tích cực, Hội thảo đã thành công tốt đẹp, PCN Nguyễn Trọng Hỷ kết luận: Qúa trình soạn thảo Luật TD,TT rất công phu và nhận được sự đóng góp của đông đảo cán bộ trong ngành cũng như nhiều ban, ngành khác, các tổ chức xã hội và những người tâm huyết với nền thể thao nước nhà... Ban soạn thảo dự án Luật TD,TT ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các thành viên trong buổi Hội thảo và mong rằng sẽ còn nhận được sự ủng hơn nữa cho dự thảo trước khi nó ra đời. Mọi ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TD,TT đều được các thành viên gửi bằng văn bản cụ thể tới Ban soạn thảo. Điều này sẽ giúp cho Ban soạn thảo tổng hợp một cách nhanh và chính xác nhất các ý kiến đóng góp của các đại biểu, góp phần hoàn chỉnh dự thảo trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tiến độ trình Chính phủ phê duyệt.
Cũng với nội dung như trên, trong 3 ngày tới, Ban soạn thảo Luật TD,TT sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của lãnh đạo các Sở TDTT địa phương, ngành và tổ chức xã hội thuộc khu vực phía Nam.