Tóm tắt kết luận thanh tra các nội dung đơn tố cáo tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I

Căn cứ Luật thanh tra; Căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo; Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11/3/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thể dục Thể thao; Căn cứ Báo cáo kết quả thanh tra... Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao kết luận:

Căn cứ Luật thanh tra;

Căn cứ Luật khiếu nại, tố cáo; Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11/3/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thể dục Thể thao;

Căn cứ Báo cáo kết quả thanh tra các nội dung đơn tố cáo tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I ngày 20/10/2006 của Đoàn thanh tra theo Quyết định số 1402/QĐ-UBTDTT ngày 11/8/2006; Quyết định số 1479/QĐ-UBBTDTT ngày 23/8/2006 và Quyết định số 1541/QĐ-UBTDTT ngày 31/8/2006 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT về việc thanh tra các nội dung đơn thư tố cáo tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I và ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm,

Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao kết luận:

I - Kết quả và kết luận thanh tra:

1- Trung tâm lập quỹ đen từ các nguồn thu: cho thuê ăng ten, cho các đội thể thao của các ngành, các địa phương về trung tâm ăn, ở, tập luyện,..

Từ ngày 01/01/2001 đến tháng 7/2006, Trung tâm HLTTQG I có các khoản thu ngoài ngân sách (chưa hạch toán vào sổ sách) như: tiền thu từ lãi căng tin; tiền thu từ việc cho các đội thể thao của một số địa phương, ngành thuê phòng nghỉ và sân bãi tập luyện, thi đấu; tiền cho thuê địa điểm và bảo vệ các cột ăngten; tiền thưởng hàng năm của tập thể Trung tâm và một số nguồn thu khác.

Các khoản thu trên đã được đơn vị chi cho một số nội dung chủ yếu như: chi đời sống hàng tháng, ngày lễ, tết, khen thưởng, nghỉ mát, mua bảo hiểm thân thể cho cán bộ, công nhân viên; chi hỗ trợ một số địa phương và một số khoản chi không thường xuyên khác. Trong hơn 5 năm đã thu 1.237.640.300đồng, đã chi 1.232.941.900đồng, đến ngày 24/8/2006 còn tồn 4.698.400đồng.

Việc Trung tâm HLTTQG I không hạch toán kế toán (để ngoài sổ sách) những khoản thu trên là vi phạm Khoản 1 Điều 72 Luật Ngân sách Nhà nước 2002. Tuy nhiên, đơn vị có theo dõi (có các chứng từ thu, chi cụ thể) và những khoản chi đều nhằm nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên. Qua thanh tra chưa phát hiện có biểu hiện tham nhũng, tư lợi cá nhân.

2. Vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện các chế độ đối với người lao động làm ngoài giờ:

Người tố cáo đưa ra một số nội dung Trung tâm HLTTQG I vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở như: trù dập những cán bộ dám đấu tranh thẳng thắn; 5 năm không công khai tài chính; không minh bạch trong việc xét tuyển người lao động vào làm việc theo hợp đồng lao động dài hạn.

Qua thanh tra cho thấy người tố cáo không nêu được lý do và những biểu hiện cụ thể của việc bị trù dập nên việc tố cáo Giám đốc đơn vị trù dập những người đấu tranh chống tiêu cực là không có cơ sở.

Đối với việc công khai tài chính, đơn vị có tiến hành công khai tài chính (dự toán, quyết toán) bằng nhiều hình thức khác nhau (giao ban đơn vị và họp Chi bộ) nhưng không thường xuyên và từ năm 2001 - 2005 về hình thức và nọi dung công khai chưa đúng: chưa lập theo biểu mẫu quy định, không niêm yết tại trụ sở làm việc của đơn vị và công bố trong hội nghị cán bộ, công chức, viên chức. Việc tố cáo Trung tâm HLTTQG I 5 năm không công khai tài chính là chưa hoàn toàn chính xác.

Đối với việc xét tuyển lao động vào làm việc theo hợp đồng lao động dài hạn, theo quy định của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ đơn vị được chủ động thực hiện theo các quy định của pháp luật về lao động. Tuy nhiên, là đơn vị sự nghiệp nên Trung tâm HLTTQG I đã thực hiện việc tuyển dụng theo một trình tự nhất định và đã thể hiện được tính công khai, minh bạch nên việc tố cáo đơn vị không công khai, minh bạch trong việc xét tuyển người lao động vào làm việc theo hợp đồng lao động dài hạn là không có cơ sở.

Đối với việc thực hiện chế độ với người lao động làm ngoài giờ, theo quy định của Bộ luật Lao động, người lao động chỉ được hưởng chế độ tiền lương làm thêm giờ khi đã làm việc ngoài số giời làm việc hàng ngày theo tiêu chuẩn (8 giờ/ngày), làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ và không được bố trí nghỉ bù. Mặt khác tính chất công việc được giao của từng người lao động cũng khác nhau, vì vậy việc chi trả tiền làm thêm giờ của mỗi người lao động không thể giống nhau. Việc tố cáo đơn vị không thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động làm ngoài giờ là không có cơ sở.

3. Đối với các công trình xây dụng (Trường bắn Quốc gia, đường chạy dốc điền kinh, sửa chữa bể nước) và việc thay thế một số tài sản:

Về trình tự, thủ tục đầu tư xây dụng các công trình được thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước tại Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng và được Uỷ ban TDTT đã phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành. Các công trình khi đưa vào sử dụng đảm bảo phục vụ tốt cho việc tập luyện của các vận động viên và tổ chức các giải thi đấu trong nước, quốc tế, được LĐ bắn súng, LĐ điền kinh đánh giá tốt. Về chất lượng của công trình xây dựng đã đưa vào sử dụng nhiều năm, Uỷ ban TDTT không có thẩm quyền và khả năng để đánh giá.

Việc đào hồ, đắp đảo tại khu vực Trường bắn đĩa bay đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nên việc tố cáo có sự lãng phí là không có cơ sở. Việc "xây miếu" không thể hiện trong thiết kế được phê duyệt, không có trong dự toán, quyết toán và thực tế trên phần đảo đất nằm trong hồ nước hiện không có "miếu" vì vậy tố cáo xây miếu có sự lãng phí tài sản Nhà nước là không đúng.

Việc thay thế một số tài sản thuộc dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị của nhà ở VĐV khu A - Trung tâm HLTTQG I để phục vụ SEA Games 22 nên việc tố cáo có sự lãng phí là không có cơ sở. Số tài sản này đơn vị đã điều chuyển cho Sở Thể dục Thể thao Thái Nguyên - tài sản đã hết thời gian khấu hao, vì vậy không thể gọi là lãng phí.

4. Mua sắm dụng cụ tập luyện và thi đấu, mua quần áo SEA Games và Para Games, mua 04 xe ô tô và thanh lý 01 xe ô tô:

Việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu tại Trung tâm HLTTQG I được thực hiện theo một trình tự nhất định. Việc phân bổ kinh phí mua sắm cho các đội dự tuyển hàng năm căn cứ kinh phí được Uỷ ban TDTT giao và kế hoạch của các đội dự tuyển đã được phê duyệt đầu năm, Giám đốc Trung tâm thống nhất với các đơn vị chức năng, cân đối và phân bổ kinh phí cho các đội dự tuyển là đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Việc phân bổ này khác nhau là tất yếu khách quan do nhu cầu sử dụng của từng đội tuyển và các trang thiết bị của từng môn có tính chất và công năng sử dụng khác nhau. Như vậy, việc tố cáo phân bổ kinh phí mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cho các đội tuyển không đều là do quan hệ thân thiết giữa huấn luyện viên của từng đội tuyển với Giám đốc là không có cơ sở.

Đối với việc may, đo quần áo Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 22, Uỷ ban TDTT đã có văn bản đề nghị Cục quản lý giá - Bộ Tài chính cung cấp giá may một bộ quần áo comple với các tiêu chí như hợp đồng đã ký với Nhà may Phú Thành tại thời điểm tháng 10/2005. Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời như sau: "dịch vụ may, đo quần áo comple không thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá mà do các cơ sở may, đo tự thoả thuận với khách hàng phù hợp với thị trường. Vì vậy Cục Quản lý giá không có đủ thông tin để cung cấp theo đề nghị của Uỷ ban TDTT."

Như vậy, việc may, đo quần áo comple cho Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 23 theo đơn tố cáo cao hơn giá thị trường là không có cơ sở.

Trung tâm HLTTQG I không thực hiện việc mua quần áo cho Đoàn thể thao tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật (Para Games) nên đơn tố cáo đơn vị may, đo quần áo cho Đoàn thể thao người khuyết tật có giá cao hơn giá trị trường là không có cơ sở.

Đối với việc mua 04 xe ô tô, Trung tâm HLTTQG I đã tuân thủ các trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành của Nhà nước (văn bản số 5732/TC-QLCS ngày 15/11/1999 của Bộ Tài chính về việc mua xe lắp ráp trong nước thông qua đấu thầu). Qua xác minh tại hai công ty bán xe đều khẳng định: giá bán xe được thể hiện trên hợp đồng là đúng giá đơn vị đã thu tiền về và không chi hoa hồng cho một cá nhân nào hoặc đơn vị đi mua. Trên các hồ sơ, chứng từ mua ô tô của Trung tâm HLTTQG I không thể hiện việc chi tiền hoa hồng cho cá nhân hoặc đơn vị đi mua. Như vậy, mua xe ô tô được hưởng hoa hồng theo như đơn tố cáo là không có cơ sở.

Đối với việc thanh lý xe ô tô mang biển khiểm soát 31A-1212 (định giá lần 1 là 25.000.000đồng; lần 2 là 5.000.000đồng) có sự đồng ý của Uỷ ban TDTT và ý kiến của Bộ tài chính. Việc thanh lý được thực hiện theo quy định tại Mục III về trình tự, thủ tục xử lý thanh lý tài sản Nhà nước - Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp. Như vậy, việc tố cáo đơn vị bán 01 xe ô tô có giá trị thực tế là 50.000.000đồng với giá 5.000.000đồng là không đúng.

5. Về việc sử dụng các nguồn tài trợ

Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm nhận được một số khoản tài trợ sau:

- Tiền mặt: 428.000.000đồng của 07 đơn vị, số tiền này đơn vị đã sử dụng:

+ 65.000.000đồng được sử dụng để thăm hỏi, động viên các vận động viên và gia đình vận động viên không may bị chấn thương nặng hoặc tử vong trong khi tập luyện, thi đấu.

+ 363.000.000 được sử dụng xây dựng tượng đài Bác Hồ đặt tại khuôn viên Trường bắn Quốc gia và mua tượng Bác Hồ (bán thân) bằng đồng.

Đối với khoản tài trợ để xậy dựng tượng đài Bác Hồ, đơn vị đã vào sổ theo dõi tài sản cố định nhưng chưa ghi tăng tài sản cố định.

- Về hiện vật gồm cây cảnh và lịch: do các cá nhân, tổ chức tài trợ trực tiếp bằng hiện vật.

Như vậy, các khoản thu trên đã được chi theo mục đích của các khoản tài trợ, chưa phát hiện có hiện tượng tham ô, tham nhũng.

6. Về việc thanh toán tiền ở cho các vận động viên từ năm 2002 - 2005:

Theo các quyết định triệu tập huấn luyện viên, vận động viên một số đội dự tuyển quốc gia tập huấn tại Hà Nội được thanh toán các chế độ liên quan tại Trung tâm HLTTQG I trong đó những vận động viên, huấn luyện viên không thuộc Hà Nội được thanh toán tiền ở. Việc thanh toán tiền ở của các đối tượng trên được Trung tâm HLTTQG I tuân thủ theo các quy định hiện hành về quản lý Ngân sách Nhà nước (có hoá đơn, chứng từ, hợp đồng...) và do các huấn luyện viên quản lý đội dự tuyển đứng ra thanh toán.

Qua xác minh một số cơ sở (tên trên hoá đơn) có các vận động viên, huấn luyện viên ở thường xuyên, liên tục phần lớn các đội tuyển các đội thể thao đã từng ở tại các cơ sở này và số tiền trên hoá đơn GTGT là số chi thực tế. Tuy nhiên, có một số đội không ở tại các cơ sở có tên trên hoá đơn, các huấn luyện viên phụ trách đội tuyển đã lấy hoá đơn để đảm bảo hợp thức thủ tục thanh toán. Như vậy, các huấn luyện viên này đã vị phạm các quy định về quản lý hoá đơn của Nhà nước.

7. Việc mua thuốc cho vận động viên 2005:

Việc mua thuốc cho vận động viên 2005 được Trung tâm HLTTQG I gồm: thuốc y tế hàng tháng phục vụ cho việc khám, chữa bệnh cho vận động viên và thuốc bổ thực phẩm bổ dưỡng phục vụ các đội tuyển tham dự SEA Games 23 năm 2005 (gồm cả mua cao tụ đường).

Việc mua thuốc y tế hàng tháng được thực hiện theo một quy trình nhất định, phần lớn được mua của Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương I - Traphaco (trên 200 triệu đồng).

Đối với những trường hợp mua thực phẩm bổ dưỡng và cao tụ đường, Trung tâm HLTTQG I chỉ là đơn vị thực hiện nhiệm vụ mua thuốc được Uỷ ban TDTT giao trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban y học và chăm sóc sức khoẻ vận động viên - Ban trù bị SEA Games 23 (đã có ý kiến của các Tiểu ban chuyên môn và được Lãnh đạo Uỷ ban TDTT phê duyệt). Khi thực hiện nhiệm vụ được giao đơn vị đã tuân thủ các thủ tục theo quy định hiện hành về chỉ định thầu, có thẩm định giá, ý kiến của Cục quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, đơn vị cung cấp có chứng chỉ ISO, giấy phép lưu hành sản phẩm.

Hơn nữa việc mua, sử dụng thuốc và các sản phẩm bổ dưỡng tăng lực thuộc danh mục bí mật Nhà nước ngành Thể dục Thể thao theo Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước ngành TDTT ban hành kèm theo Quyết định 664/2004/QĐ-UBTDTT ngày 11/5/2004 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT và Quyết định số 146/2004/QĐ-BCA ngày 17/2/2004 của Bộ trưởng Bộ Công An về danh mục nhà nước độ Mật trong ngành TDTT đồng thời còn liên quan đến lĩnh vực kiểm soát doping. Do vậy việc mua và sử dụng phải có ý kiến của Viện khoa học TDTT để tránh trường hợp mua và sử dụng thuốc thuộc danh mục cấm của các tổ chức thể thao Quốc tế.

Thực tế giá cả của các loại thuốc trên thị trường luôn luôn thay đổi ở các thời điểm khác nhau, cùng một loại thuốc nhưng của các nhà sản xuất khác nhau có giá khác nhau. Như vậy, việc tố cáo mua thuốc với giá cao là không có cơ sở.

8. Việc quản lý nhà ăn

Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho vận động viên theo quy định trên, Trung tâm HLTTQG I đã ban hành văn bản số 26/TTI ngày 27/5/2004 quy định một số biện pháp cụ thể để tăng cường quản lý tiêu chuẩn chế độ ăn của vận động viên và xây dựng quy trình quản lý tiêu chuẩn ăn vận động viên.

Phần lớn các thực phẩm được mua của những hộ nhỏ lẻ ngoài thị trường nên không có hoá đơn hợp pháp theo quy định hiện hành chỉ có giấy biên nhận. Một số mặt hàng như gas, tôm sú... mua tại các siêu thị, công ty, đại lý nên có hoá đơn hợp pháp theo quy định hiện hành. Qua kiểm tra giá nhập một số mặt hàng thiết yếu tại đơn vị từ năm 2005 đến tháng 8/2006, đối chiếu với bản tin thị trường của Bộ Thương mại (tháng 7, 8/2006) và báo giá do người tố cáo cung cấp, về cơ bản giá cả hàng hoá đơn vị mua vào là tương đương, một số mặt hàng có giá thấp hơn so với giá thị trường.

Như vậy, việc tố cáo công tác quản lý nhà ăn không chặt chẽ, có sự thông đồng giữa một số cá nhân trong đơn vị và người cung cấp thực phẩm để "ăn bớt" khẩu phần ăn của vận động viên, huấn luyện viên là không có cơ sở.

9. Kiến nghị, tố cáo của cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên tố cáo ông Nguyễn Mạnh Hùng ép buộc, xúi giục viết đơn tố cáo:

Qua làm việc với một số vận động viên, cán bộ và ông Nguyễn Mạnh Hùng đồng thời qua xác minh và kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an về những chữ viết chèn, đè, viết thêm trong lá đơn viết tay của ông Sỹ với bản viết tay của ông Hùng cho thấy là cùng một người viết ra. Đồng thời đối chiếu với các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Phó Giám đốc Trung tâm thì:

Đối với việc ông Đào Quang Sỹ tố cáo ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đọc cho ông Sỹ viết 01 lá đơn tố cáo Giám đốc và Trung tâm (tại một quán nước trên đường sang khu B) ghi ngày 14/4/2006, ông Hùng không những chưa thực hiện đúng chức trách của mình mà còn có hành vi khuyến khích họ viết đơn tố cáo, gây mất đoàn kết nội bộ và tạo dư luận không tốt trong đơn vị.

Với tư cách là một Đảng viên, ông Hùng đã vi phạm điều thứ 3 trong 19 điều Đảng viên không được làm theo Quy định số 19/QĐ-TW ngày 03/01/2002 của Bộ Chính trị.

II. Biện pháp xử lý:

1. Yêu cầu Trung tâm HLTTQG I nghiêm túc thực hiện Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành "Quy chế về việc tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước" nhằm tăng cường chất lượng quản lý các khoản thu, chi và sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị, đồng thời nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Vụ Kế hoạch - Tài chình chỉ đạo các bộ phận liên quan đến công tác quản lý tài chính, đầu tư xây dựng thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và các nguồn thu khác.

3. Về các khoản thu để ngoài ngân sách:

- Việc Trung tâm thu, chi quỹ ngoài ngân sách, không phản ánh vào sổ sách kế toán của đơn vị là sai, về nguyên tắc phải yêu cầu đơn vị có biện pháp thu hồi và nộp vào ngân sách nhà nước các khoản đã chi;

- Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế và giải trình của Trung tâm thì việc thu hồi khó có khả năng thực hiện được. Yêu cầu Trung tâm nộp vào ngân sách nhà nước số tiền của quỹ còn tồn là 4.698.400 đồng;

Hạch toán vào sổ sách kế toán các khoản thu, chi trên từ ngày 01/09/2006;

Yêu cầu Giám đốc, các Phó Giám đốc, Trưởng phòng Tài vụ, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính và các cá nhân có liên quan của Trung tâm HLTTQG I kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm cá nhân của mình gửi về Uỷ ban TDTT để lãnh đạo Uỷ ban xem xét và có biện pháp kỷ luật cho phù hợp;

Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý tài sản, tài chính, kế toán và để nâng cao đời sống vật chất của cán bộ, công nhân viên Trung tâm HLTTQG I xây dựng đề án thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính báo cáo Uỷ ban TDTT.

4. Về việc công khai tài chính, yêu cầu Trung tâm HLTTQG I nghiêm túc rút kinh nghiệm, Giám đốc Trung tâm thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về công tác công khai tài chính.

5. Yêu cầu Trung tâm HLTTQG I báo cáo công tác tổ chức cán bộ và xây dựng kế hoạch sử dụng lao động hàng năm của đơn vị trình Uỷ ban TDTT xem xét, phân bổ chỉ tiêu biên chế và hợp đồng lao động không xác định thời hạn để Trung tâm HLTTQG I hoàn thành nhiệm vụ được giao.

6. Yêu cầu Giám đốc Trung tâm HLTTQG I xây dựng quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Trung tâm theo quy định của Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 8/9/1998 của Chính phủ.

7. Về việc mua sắm trang thiết bị dụng cụ tại nước ngoài.

- Trung tâm HLTTQG I cần xây dựng quy trình mua trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu (mua trong nước và mua tại nước ngoài) có sự giám sát của các phòng chức năng như phòng Quản lý huấn luyện, Tổ chức - Hành chính, Tài vụ đồng thời có biện pháp kiểm tra về xuất xứ, chất lượng, chủng loại, giá cả đối với các trang thiết bị, dụng cụ mua tại nước ngoài.

- Đối với những trang thiết bị có đơn vị cung cấp ở trong nước, Trung tâm HLTTQG I không duyệt cho mua tại nước ngoài. Trường hợp đã được cấp có thẩm quyền cho phép mua tại nước ngoài phải yêu cầu người mua cam kết, chứng minh sự phù hợp giữa giá hàng hoá với chủng loại, thương hiệu và chất lượng của hàng hóa.

8. Về việc thanh lý xe ô tô yêu cầu đơn vị rút kinh nghiệm khi đã có quyết định thanh lý của cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng thực hiện tránh làm lãng phí tài sản nhà nước.

9. Về việc thanh toán tiền ở của vận động viên.

- Trung tâm HLTTQG I phải có biện pháp quản lý, kiểm tra thường xuyên các đội tuyển không ở tại Trung tâm.

- Yêu cầu Vụ Kế hoạch - Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý ngân sách hỗ trợ tiền ở cho vận động viên.

- Yêu cầu Trung tâm HLTTQG I phối hợp với các Vụ chức năng và các Sở Thể dục thể thao quản lý các huấn luyện viên trưởng, huấn luyện viên các đội Bóng ném, Cầu mây nữ, Cầu mây nữ trẻ tổ chức kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm khắc các huấn luyện viên này và báo cáo kết quả về Uỷ ban TDTT.

10. Về các khoản tài trợ, yêu cầu Trung tâm HLTTQG I hạch toán ghi tăng tài sản cố định theo quy định hiện hành, khi công trình đã được đưa vào sử dụng và quyết toán (công trình tượng đài Bác Hồ).

11. Yêu cầu Trung tâm HLTTQG I có biện pháp sớm khắc phục bể nước 93,3 m3 đang trong thời gian bảo hành đưa vào sử dụng.

12. Đối với những loại thực phẩm có thể bảo quản trong thời gian dài (đường, sữa, đồ uống đóng hộp...) yêu cầu Trung tâm HLTTQG I ký hợp đồng cung cấp thường xuyên với những cơ sở sản xuất hoặc tổng đại lý nhằm đảm bảo về chất lượng, giá cả và thủ tục thanh toán theo quy định.

13. Đối với việc một số huấn luyện viên, vận động viên và cán bộ Trung tâm HLTTQG I tố cáo ông Nguyễn Mạnh Hùng: Yêu cầu Đoàn thanh tra hoàn thiện và chuyển hồ sơ của ông Nguyễn Mạnh Hùng đến Đảng bộ cơ quan Uỷ ban TDTT xem xét, giải quyết.

14. Yêu cầu các vụ chức năng có liên quan tăng cường chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức đối với cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Trung tâm HLTTQG I nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng, củng cố sự đoàn kết để Trung tâm phát triển vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nơi nhận:

-Bộ trưởng;

-Các Phó Chủ nhiệm;

- Vụ Tổ chức cán bộ;

-Vụ Kế hoạch-Tài chính;

-Vụ TTTTC I, II;

- Trung tâm HLTTQG I;

- Lưu VP-TTr.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM

PHÓ CHỦ NHIỆM

Nguyễn Trọng Hỷ (Đã ký)

 

 

 

 

 

 


Ảnh trong bài
  • Tóm tắt kết luận thanh tra các nội dung đơn tố cáo tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia I