Theo đó, các thành viên dự họp đã chia sẻ những khó khăn khi triển khai thực hiện các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao. Trong đó, ý kiến của Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên chỉ rõ: Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 (của Chính Phủ chỉ quy định về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung, tập huấn, thi đấu) và Thông tư số 61/2018/TT-BTC ngày 26/7/2018 của Bộ trưởng Bộ tài chính (quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao) mới chỉ đề cập đến đối tượng là các vận động viên, huấn luyện viên được cử đi tập huấn, thi đấu (nhóm thứ 1) mà chưa nêu rõ về đối tượng là các vận động viên tập, huấn luyện viên tập luyện thường xuyên (nhóm thứ 2). Điều này, gây không ít khó khăn cho địa phương trong công tác hoạch toán chi trả kinh phí cho nhóm đối tượng thứ 2. Mặc dù chưa có quy định về việc chi trả tiền công tập luyện cho các huấn luyện viên, vận động viên tập luyện thường xuyên nhưng trên thực tế tỉnh Phú Yên vẫn phải chi trả kinh phí cho đối tượng này. Chính vì vậy, Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên cho rằng, Nghị định 152/2018/NĐ-CP cần làm rõ về mặt câu chữ giữa tập huấn và tập luyện. Bởi tập huấn là hoạt động tập luyện và huấn luyện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mặc dù không thường xuyên tập luyện tại địa phương nhưng vẫn có quyền được hưởng chế độ.
Về điều này, trong văn bản báo cáo Vụ Pháp chế- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phối hợp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thi hành pháp luật về TDTT, Tổng cục Thể dục Thể thao đã nêu rõ: Hiện nay văn bản của cơ quan nhà nước ở Trung ương không điều chỉnh riêng cho đối tượng là huấn luyện viên, vận động viên tham gia tập luyện thường xuyên theo hình thức hợp đồng lao động hoặc văn bản thỏa thuận, vì tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương khác nhau, nhu cầu sử dụng huấn luyện viên, vận động viên ở từng thời điểm khác nhau, các Sở VHTTDL, Sở VHTT sẽ tham mưu chính sách, pháp luật trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua để áp dụng cho phù hợp nhằm đảm bảo tính chủ động và khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Còn đối với những vận động viên, huấn luyện viên tham dự tập huấn, thi đấu có quyết định của cơ quan nhà nước cử đi thì đương nhiên được hưởng các chế độ, chính sách theo đúng Nghị định số 152/2018/NĐ-CP và Thông tư số 61/2018/TT-BTC.
Về kiến nghị của Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên đối với những khó khăn, vướng mắc về chế độ dinh dưỡng đặc thù cho huấn luyện viên, vận động viên đang tập luyện thường xuyên, đại diện bộ phận pháp chế Tổng cục TDTT cho hay: Tổng cục Thể dục Thể thao đang phối hợp với Bộ tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 61/2018/TT-BTC quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao trong thời gian tập huấn, thi đấu, nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao. Do đó, nếu Thông tư 61/2018/TT-BTC sớm được sửa đổi, bổ sung thì sẽ giải quyết được rất nhiều những trăn trở, khó khăn của nhiều địa phương trong công tác đảm bảo chế độ dinh dưỡng đặc thù cho huấn luyện viên, vận động viên đang tập luyện thường xuyên.
Bên cạnh đó, các thông tư đề cập về chế độ tài chính đối với các giải thể thao; điều quy định về cơ sở vật chất kinh doanh hoạt động thể thao, đại diện Sở VHTTDL Bình Định đưa ra ý kiến cần điều chỉnh các mức chi, đồng thời bỏ quy định khống chế “không quá 3 buổi hoặc 3 trận đấu/người/ngày tại điểm b khoản 1 điều 4” để đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, điều chỉnh các quy định về điều kiện đối với những bể bơi không dùng trong thi đấu tạo cho các khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch có điều kiện hoạt động tốt hơn.
Trong khi đó, các văn bản liên quan đến lĩnh vực Thể thao cơ sở và vùng sâu, vùng xa chưa có nhiều và được quy định rõ ràng thành các Thông tư, quy định hướng dẫn riêng về việc thành lập câu lạc bộ thể thao tại xã, phường, thị trấn; câu lạc bộ thể thao ở tổ dân phố, làng. Do đó, đại diện Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum đã đưa ra ý kiến đề nghị xây dựng cơ chế, chính sách về hoạt động Thể dục, Thể thao của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiếu số vùng sâu, vùng xa; cơ chế xã hội hóa các hoạt động Thể dục Thể thao ngay từ cấp Trung ương.
Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục triển khai các Chương trình mục tiêu, đề án cấp quốc gia trong lĩnh vực xã hội cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, các nội dung về xây dựng công trình thể thao, trang thiết bị thể thao và đào tạo nhân lực (cán bộ thể thao cơ sở, huấn luyện viên, hướng dẫn viên thể thao cơ sở); tăng cường chính sách ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế, phí và lệ phí nhằm thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động Thể dục Thể thao tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nên việc sớm xây dựng cơ chế, chính sách về hoạt động Thể dục, Thể thao của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiếu số vùng sâu, vùng xa càng cụ thể và chi tiết là vô cùng cần thiết.
Cuộc họp còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp bổ ích từ đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị. Các ý kiến cơ bản tán thành với những đề xuất, đóng góp từ các Sở VHTTDL, Sở VHTT cho việc phối hợp giải quyết một số các vướng mắc của địa phương trong quá trình thi hành pháp luật trong lĩnh vực TDTT.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng nhấn mạnh: trước những đề xuất, kiến nghị từ các địa phương nhằm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật, bộ phận pháp chế Tổng cục Thể dục Thể thao tập trung tổng hợp thông tin để sớm hoàn thiện nội dung văn bản trả lời Vụ pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 5/8. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thi hành pháp luật về TDTT cần được phối hợp, giải quyết kịp thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của toàn ngành Thể dục Thể thao ngay từ tuyến cơ sở.
N.H