Tại phiên làm việc của Ban Y tế, nước chủ nhà SEA Games 30 Philippines đã báo cáo nhanh về công tác y tế và doping. Theo đó, công tác y tế và doping của SEA Games 30 tại 44 địa điểm thi đấu và 8 địa điểm không thi đấu trong suốt 12 ngày diễn ra Đại hội được tiến hành thông suốt, nhận được đánh giá cao từ các quốc gia tham dự. Nước chủ nhà SEA Games 30 đã tiến hành xử lý cho hơn 800 trường hợp cần tới sự hỗ trợ của y tế và không có trường hợp nào nghiêm trọng tới tính mạng.
Bên cạnh lĩnh vực y tế, nước chủ nhà SEA Games 30 cũng chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện công tác kiển tra doping như: các yêu cầu kiểm tra doping, địa điểm kiểm tra doping, trình tự kiểm tra, thủ tục triển khai, thực hiện và hoàn tất báo cáo về vấn đề này.
Tại phiên làm việc, Ban Y tế chủ nhà SEA Games 31 Việt Nam nhấn mạnh nghĩa vụ và trách nhiệm của Ủy ban Y tế tại Đại hội là cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết, tập huấn tình nguyện viên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho VĐV, HLV, quan chức các đoàn tham dự Đại hội cũng như toàn thể người dân, công chúng, Bên cạnh đó, Ban Y tế SEA Games 30 cũng khẳng định các kinh nghiệm của Philippines sẽ là những bài học quý báu cho công tác y tế và doping của Việt Nam tại SEA Games 31.
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/2891/0007358_IMG_8667.jpg.jpeg)
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến - Trưởng Ban Phụ nữ và Thể thao (Ảnh: Văn Duy)
Tại phiên họp Ủy ban Phụ nữ và Thể thao, các đại biểu dự họp đã tiến hành thông qua các nội dung của Phiên họp được tổ chức trước đó tại Philippines. Trong đó nhấn mạnh một trong những nội dung Chương trình nghị sự 2020 của Ủy ban Olympic quốc tế hướng tới là thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong thể thao. Để làm được điều này thì vai trò của các Ủy ban Olympic quốc gia trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn cũng như nắm quyền nhiều hơn trong thể thao là vô cùng quan trọng. Mục tiêu đặt ra là phụ nữ phải chiếm tới 40% số lượng người tham gia các giải thể thao cũng như trong các sự kiện truyền thông cho thể thao.
Đại diện Ban Phụ nữ và Thể thao các quốc gia dự họp cũng chia sẻ các hoạt động của phụ nữ thể thao tại mỗi quốc gia. Theo đó, hầu hết các hoạt động trong những tháng đầu năm đều chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, tuy nhiên một số hoạt động được tổ chức theo hình thức trực tuyến đều phát huy hiệu quả tối đa thể hiện ở số lượng người tham gia là phụ nữ rất lớn. Các hoạt động trực tuyến được tổ chức bao gồm: hướng dấn tập luyện thể dục, thể thao, thi đấu thể thao trực tuyến hoặc tổ chức hội thảo trực tuyến giữa các trẻ em gái tại các trường học với các vận động viên nữ, thực hiện các khảo sát về vai trò của thể thao đối với nữ giới.
Ban Phụ nữ và Thể thao Việt Nam bên cạnh việc thông tin về công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 cũng chia sẻ về các hoạt động đã được triển khai trong lĩnh vực phụ nữ với thể thao tại quốc gia mình. Cũng theo Ban Phụ nữ và thể thao nước chủ nhà, trong 450 nội dung của 36 môn thê thao của SEA Games 31 có tới 200 nội dung dành cho nữ, chiếm 44,1%. Ban Phụ nữ và Thể thao Việt Nam cũng đưa ra hai đề xuất, ba ý tưởng nhằm nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong thế thao.
Ban Phụ nữ và Thể thao nước chủ nhà SEA Games 31 không chỉ có một bài thuyết trình ấn tượng mà còn đưa ra những ý tưởng được các thành viên dự họp đánh giá cao đó là phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới triển khai thực hiện một SEA Games không khói thuốc và không sử dụng túi nhựa dùng một lần.
Sáng 22/7 sẽ diễn ra hai phiên họp quan trọng nhất của Hội nghị trực tuyến Liên đoàn thể thao Đông Nam Á lần thứ Nhất năm 2020 đó là phiên họp Ban chấp hành SEAGF và phiên họp Hội đồng SEAGF
A.T