Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Du lịch Việt Nam cần tích lũy đủ về Lượng để đạt được thay đổi về Chất

Chiều ngày 7/7 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã long trọng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Hội nghị được tổ chức cũng nhằm góp phần kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960 – 09/7/2020). Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đã tới dự Hội nghị. Cùng dự về phía Tổng cục Thể dục Thể thao còn có Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của Tổng cục Du lịch Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2019 là một năm được đánh giá là rất thành công của Du lịch Việt Nam đã tạo nên kỳ tích khi thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018 (cao nhất từ trước tới nay), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Cho tới tháng 1/2020, khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đạt con số cao kỷ lục, ước tính đạt 1.994,1 nghìn lượt người, tăng 16,6% so với tháng trước và tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau đó do tác động của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đã chịu tác động mạnh và thiệt hại nặng nề thế nhưng Tổng cục Du lịch đã nhanh chóng triển khai đổi mới trong công tác quảng bá, xúc tiến các chương trình hành động nhằm đưa Du lịch Việt Nam phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng đã thay mặt lãnh đạo Tổng cục, báo cáo trước Hội nghị kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có Du lịch. Du lịch là ngành chịu tác động mạnh và thiệt hại vô cùng nặng nề. 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đã tạm dừng hoạt động; 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép tăng gần 3 lần so với cùng kỳ; số doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế giảm 48% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%, giảm mạnh so với công suất trung bình năm 2019, 52%. Trong bối cảnh đó, để sớm phục hồi hoạt động du lịch trong nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình "Người Việt Nan đi du lịch Việt Nam" đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, tạo hiệu ứng lan tỏa trên cả nước, góp phần đẩy mạnh các hoạt động kinh tế của đất nước.

Với những đổi mới và nỗ lực trong công tác quảng bá, xúc tiến và các chương trình hành động để tái khởi động hoạt động du lịch, hình ảnh du lịch Việt Nam liên tục xuất hiện trên các trang báo lớn như The Guardian, The New York Times, Reuters... gắn liền với thông điệp an toàn, thành công trong công tác chống dịch Covid-19. Ngoài việc tập trung đẩy mạnh du lịch nội địa, ngành du lịch chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch, tận dụng lợi thế là một trong những quốc gia kiểm soát thành công Covid-19 sớm nhất, được thế giới đánh giá cao.

Nổi bật nhất trong các nhiệm vụ mà Tổng cục Du lịch đã triển khai trong 6 tháng đầu năm phải nhắc tới là phối hợp với các địa phương như Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Ninh Bình, 8 tỉnh Tây Bắc, 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long ... triển khai chương trình kích cầu Du lịch nội địa "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Báo điện tử VnExpress, hội đồng tư vấn Du lịch, hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức Hội nghị "Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt" tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), hội nghị "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19".

Ngành Du lịch cũng có đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống Covid-19 như tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch, công văn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động, quyết định hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp, lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Hoàn thiện kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch sau khi hết dịch Covid-19, kế hoạch truyền thông Du lịch Việt Nam và Bộ Tiêu chí du lịch an toàn. Xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế.

6 tháng cuối năm 2020, Tổng cục đã xây dựng 14 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nổi bật là tập trung triển khai hiệu quả đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025; đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; đề án nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình kích cầu du lịch nội địa. Phối hợp tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam online, kết nối doanh nghiệp (webinar) tới thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và ASEAN. Đẩy mạnh hoạt động e-marketing; tăng cường công tác truyền thông sản phẩm "Stay at home with Viet Nam" và "Visit Viet Nam from home".

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đánh giá cao những nỗ lực của Tổng cục Du lịch trong 6 tháng đầu năm góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch Covid-19 cũng như khẳng định được giá trị của Du lịch Việt Nam. Thứ trưởng Lê Quang Tùng bày tỏ sự thống nhất với các nội dung được nêu ra trong báo cáo sơ kết đã đánh giá kỹ lưỡng, chi tiết những khó khăn, vướng mắc cũng như đưa ra được những giải pháp ban đầu giúp du lịch vượt qua đại dịch. Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng nhấn mạnh trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch đã có thành công lớn trọng việc phối hợp với các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp, và việc này cần được duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch được thực hiện tốt hơn thông qua xúc tiến quảng bá qua internet, xây dựng hệ thống du lịch thông minh tạo hiệu ứng tích cực.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có vai trò vô cùng quan trọng nhưng rất dễ tổn thương, chính vì vậy cần có kịch bản dài hơi cho công tác dự báo, không chỉ 6 tháng cuối năm mà còn cho cả năm 2021 và xa hơn. Đại dịch Covid-19 chính là ví dụ điển hình cho việc cần thiết phải xây dựng một kịch bản dài hơi cho công tác dự báo. Bên cạnh đó, là cơ quan tổng tham mưu cho du lịch cả nước, Tổng cục Du lịch mặc dù đã có sự chủ động nhưng trong thời gian tới cần chủ động hơn nữa, thậm chí đi trước một bước trong công tác tham mưu, điều hành để ngành du lịch Việt Nam có được sự vận hành trơn tru.

Đại dịch Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Tổng cục Du lịch tiến hành đánh giá từ đó điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm, nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu du lịch của 12 triệu lượt khách ra nước ngoài vào năm 2019. Nếu làm tốt vấn đề này, 12 triệu lượt khách này sẽ trở thành lượng khách nội địa đáng kể. Thúc đẩy mạnh mẽ chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", tạo hiệu ứng để tháng nào trong năm cũng là tháng cao điểm. Thứ trưởng Lê Quang Tùng, cũng nhấn mạnh việc xây dựng quy hoạch du lịch quốc gia nếu được làm tốt sẽ tạo nên cơ cấu du lịch bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao những việc mà ngành Du lịch đã làm được trong 6 tháng đầu năm 2020 đặc biệt là góp phần vào công cuộc phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định mặc dù trong 6 tháng đầu năm, ngành Du lịch Việt Nam gặp không ít khó khăn tuy nhiên nếu đặt trong tình hình chung của thế giới, chúng ta vẫn có những kết quả đáng ghi nhận đối với thị trường du lịch nội địa.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành Du lịch Việt Nam cần thảo luận nhằm xây dựng các phương thức để phát triển du lịch nội địa để du lịch nội địa trở thành một phong trào, một làn sóng, tạo ra sức lan tỏa, phản ứng dây chuyền góp phần tạo nên tính bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh cần tích lũy đủ về Lượng để đạt được thay đổi về Chất, có như vậy người Việt Nam mới thích đi du lịch Việt Nam.

Quan trọng hơn cả, Tổng cục Du lịch cần xây dựng sẵn những kịch bản mở cửa quốc tế. Mặc dù chưa biết lúc nào đại dịch Covid-19 trên thế giới mới thực sự được kiểm soát thế những chúng ta cần chủ động ngay từ lúc này, xây dựng kịch bản cho mọi thời điểm, thời điểm nay khi mở cửa, thời điểm một tháng sau mở cửa và xa hơn. Trong kịch bản cần tính toán tới sự cạnh tranh khốc liệt (bởi sau đại dịch Covid-19, du lịch sẽ là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất), sản phẩm thế nào, quảng bá ra sao cùng các phương thức triển khai để không để mất thị trường.

Bài và ảnh A.T

Ảnh trong bài
  • Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Du lịch Việt Nam cần tích lũy đủ về Lượng để đạt được thay đổi về Chất
  • Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Du lịch Việt Nam cần tích lũy đủ về Lượng để đạt được thay đổi về Chất