Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền Thể dục thể thao
Trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chỉ gần 5 tháng sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, trong thế nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn, với bộn bề công việc cấp bách phải giải quyết, Bác Hồ vẫn hết sức quan tâm sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) với việc ký Sắc lệnh số 14-SL ngày 30/1/1946, thành lập Nha Thể dục Trung ương (thuộc Bộ Thanh niên lúc đó) - bộ máy đầu tiên của ngành TDTT cách mạng nước ta. Sau đó ít ngày, trường thể dục ra đời và đặt cơ sở tại căn nhà ở đường Cột Cờ (Hà Nội). Ngày 27 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33 thành lập Nha Thanh niên - Thể dục thuộc Bộ quốc gia giáo dục. Cùng ngày, Báo Cứu quốc đăng bài "Sức khỏe và thể dục" của Người. Bài báo là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Từ đó chính thức khai sinh ngành thể dục, thể thao cách mạng.
Lời kêu gọi tập thể dục thể thao của Người chỉ ngắn gọn với lối văn phong bình dị nhưng nội dung bài báo đã trở thành những định hướng cho ngành Thể dục thể thao và cho toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung cũng như phát triển ngành Thể dục thể thao nói riêng. Trong bài báo, Người khẳng định: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công” và “mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”. Theo Người: “Dân cường thì quốc thịnh”. Bởi, có sức khỏe là có tất cả, chỉ có sức khỏe mới đem lại cho con người có cuộc sống hạnh phúc, có sức lao động, công tác, chiến đấu và học tập tốt.
Vốn có lòng quý trọng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu và thông cảm sâu sắc con người Việt Nam trải qua hơn 1000 năm nô lệ, hơn 80 năm dưới ách thống trị của phong kiến, đồng bào mình mong muốn điều gì và càng thấm thía đói khổ, bệnh tật, sự áp bức bóc lột tàn bạo của đế quốc đã tàn phá hao mòn sức lực của nhân dân. Chính vì vậy, Người khuyên mỗi người dân: “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe…". Người chủ trương "Chúng ta nên phát triển phong trào Thể dục thể thao cho rộng khắp".Chủ trương của Người đã dấy lên phong trào TDTT sâu rộng ngay từ những ngày đầu chính quyền cách mạng cho đến những năm dài kháng chiến, hòa bình xây dựng đất nước, góp phần tích cực thúc đẩy cuộc kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Và ngày nay đã trở thành cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đang được hiện thực hóa trên mọi miền đất nước ta.
Người cũng luôn dành sự quan tâm cho sức khỏe của thế hệ trẻ. Ngày 17/9/1946, tết trung thu đầu tiên của Việt Nam độc lập, Người đã gửi thư cho học sinh, trong đó Người căn dặn: “…phải siêng năng tập thể dục thể thao cho mình mẩy được nở nang và ra sức giúp việc cho nhi đồng cứu Vong Hội… Ngày 10/11/1946, Bác đến dự lễ khai mạc buổi lễ Thanh niên quốc tế tổ chức tại Quảng trường Nhà hát lớn Thành phố do trường Thể dục Việt Nam tổ chức. Phát biểu tại buổi lễ Người căn dặn, trong thanh niên còn nhiều người rất yếu ớt, cán bộ, học sinh của Trường Thể dục phải làm cho toàn thể đồng bào cùng khỏe, phải phổ thông hóa, đại chúng hóa, dân chủ hóa thể dục. Bác còn nói rõ: “Các học sinh đã tập luyện công phu và sức đã khỏe. Hiện tại ở nông thôn cũng như thành thị còn rất nhiều đồng bào yếu ớt. Mang danh cán bộ thể dục thể thao, các học sinh có bổn phận tổ chức cho đồng bào cùng tập luyện. Có như vậy công phu tập luyện của các em mới hữu ích.
Không chỉ quan tâm đến phát triển phong trào TDTT, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến các tài năng thể thao, phát triển thể thao thành tích cao. Từ năm 1956 đến mùa hè năm 1969, Bác Hồ có hàng trăm cuộc tiếp đón, gặp gỡ, thăm hỏi các đoàn thể thao các nước bạn đến thăm và thi đấu hữu nghị tại Việt Nam. Đặc biệt có các hoạt động thể thao lớn: Giải Bóng chuyền Việt-Trung-Triều-Mông (1958), Giải Bóng đá Quân đội Hữu nghị các nước (SKDA) 1963, Đại hội Thể thao Các lực lượng mới trỗi dậy (GANEFO) 1963, GANEF.
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để định hướng phát triển nền TDTT nước nhà
Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao cho sự nghiệp TDTT nước nhà với nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về TDTT. Theo đó, ngày 3/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu quan trọng hướng đến xây dựng và phát triển nền TDTT nước nhà nâng cao sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng tuổi thọ của người Việt Nam…Tiếp đó, ngày 1/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”, tiếp tục khẳng định: Phát triển TDTT là một yêu cầu khách quan của xã hội, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất là về lĩnh vực thể dục thế thao nâng cao sức khỏe, ngày nay mỗi người dân Việt Nam đã, đang và sẽ học theo quan điểm của Người “dân cường thì quốc thịnh” góp phần xây dựng Việt Nam xã Hội chủ nghĩa theo Bác hằng mong muốn. Minh chứng rõ nét là những kết quả đạt được thông qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Số lượng người dân tập luyện TDTT tăng theo từng năm, đến nay số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 33,5%; số gia đình tập luyện TDTT ước đạt 24,5%; số câu lạc bộ thể thao: 60.000 câu lạc bộ; số cộng tác viên thể thao: 40.000 người. Có 9.599 xã, phường, thị trấn trên cả nước tổ chức Ngày chạy, chiếm tỷ lệ 86%, thu hút 6.155.000 người tham gia. Riêng Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em được triển khai rộng khắp cả nước.. HÌnh thức tập luyện ngày càng được mở̉ rộng đa dạng với nhiều đối tượng ở mọị lứa tuổi tham gia, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm. Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường có những chuyển biến tích cực cả về hình thức lẫn nội dung.
Nhờ những chủ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả, một số môn đã vươn tới trình độ châu lục và thế giới. Các vận động viên của chúng ta đã mang về những tấm huy chương danh giá trên đấu trường thể thao quốc tế đầy khó khăn, thử thách. Đầu tiên phải kể đến SEA Games 28 diễn ra tại Singapore trong năm 2015, đoàn thể thao Việt Nam vẫn giành được vị trí tốp 3 các nước tham dự. Thành tích này được đánh giá cao hơn các kỳ SEA Games trước đó khi có đến hơn 85% trong tổng số 73 huy chương vàng mà đoàn giành được thuộc về các môn Olympic. Trong đó, riêng 3 môn trọng điểm luôn có tên trong các kỳ Olympic đó là: Điền kinh đã giành được 11 huy chương Vàng; bơi lội giành được 10 huy chương Vàng; thể dục dụng cụ được 9 huy chương vàng. Các môn còn lại như đua thuyền (9 vàng), đấu kiếm (8 vàng), taekwondo (5 vàng) và bắn súng (4 vàng) cũng là thành công rực rỡ, đóng góp vào thành tích chung cho đoàn thể thao Việt Nam.
Kế đến là tấm huy chương Vàng danh giá, tạo nên dấu mốc lịch sử mới cho Thể thao Việt Nam tại đấu trường Thế vận hội OLympic, của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Thế vận hội Bazil 2016. Hay tấm huy chương Bạc của Đội tuyển U23 Việt Nam tại Giải vô địch bóng đá U23 châu Á diễn ra tháng 1/2018 tại Trung Quốc đã làm tan chảy trái tim của hàng triệu người hâm mộ trên khắp đất nước hình chữ S bởi sự dũng cảm thi đấu bằng cả trái tim nhiệt huyết, vì màu cờ sắc áo mang về chiến công lịch sử đầu tiên cho bóng đá nước nhà ở đấu trường châu lục của các cầu thủ. SEA Games 30 cũng lần nữa khẳng định sự phát triển của thể thao thành tích cao Việt Nam trên đấu trường thể thao thế giới với 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ, xếp vị trí thứ thứ 2/11 quốc gia tham dự. Tại SEA Games 30, Thể thao Việt Nam tự hào ngẩng cao đầu tại sân chơi khu vực với những thành tích đáng nể nhất là trong những môn thi Olympic. Trong đó, môn thể thao “nữ hoàng” điền kinh đã tiếp tục khẳng định vị trí thống trị. Bên cạnh đó những môn thể thao trọng điểm như Bóng đá, Bơi lội,… đã tự khẳng định được chính mình ở đấu trường khu vực, với thành tích xuất sắc của đội tuyển bóng đá nữ và đội tuyển U22 nam Việt Nam đã giành được hai tấm Huy chương Vàng quý giá, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe với câu nói “Tự tôi ngày nào cũng tập” đã in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người, chúng ta thật xúc động và tự hào nhắc lại tấm gương rèn luyện thân thể để bảo vệ sức khoẻ, tăng cường thể lực để phục vụ lợi ích của Cách Mạng và của Nhân dân của Người. Bác Hồ -vị Cha già của dân tộc, Người khai sinh ra nền TDTT cách mạng ở nước ta ngay từ những ngày đầu chính quyền nhân dân còn trứng nước. Công lao ấy, vinh quang ấy, không bao giờ phai mờ trong ký ức của nhân dân ta.
KC