Lãnh đạo Uỷ ban TDTT ủng hộ chủ trương nâng cấp trường Nghiệp vụ TDTT Kiên Giang thành trường Trung học TDTT.

Để xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển TTTTC tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2007 - 2010 chất lượng và đặc biệt phù hợp với tình hình thực tế tỉnh nhà và Chiến lược phát triển TTTTC của ngành đến 2015 (chuẩn bị trình Chính phủ vào cuối năm 2006), ngày 7/11/2006, tại Uỷ ban TDTT, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.

Sau khi được tách ra từ Sở Văn hoá Thông tin (1998), Sở TDTT Kiên Giang đã được quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành có liên quan trên nhiều mặt và đã đạt được một số thành tích. Tuy nhiên, kết quả của ngành TDTT Kiên Giang còn chưa tương xứng với tiềm năng TDTT của tỉnh. Việc xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển thể thao thành tích cao (TTTTC) của tỉnh nhà trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết đối với sự nghiệp phát triển của TDTT Kiên Giang.

Để xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển TTTTC tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2007 - 2010 chất lượng và đặc biệt phù hợp với tình hình thực tế tỉnh nhà và Chiến lược phát triển TTTTC của ngành đến 2015 (chuẩn bị trình Chính phủ vào cuối năm 2006), ngày 7/11/2006, tại Uỷ ban TDTT, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Huỳnh Vĩnh Ái đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Tham dự buổi làm việc, về phía Uỷ ban TDTT còn lãnh đạo một số Vụ, đơn vị. Về phía tỉnh Kiên Giang có: đ/c Trần Thị Bình - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND và đ/c Võ Đồng Lập - Phó Giám đốc Sở TDTT.

Theo báo cáo của đ/c Võ Đồng Lập về thực trạng công tác đào tạo, quản lý VĐV trong thời gian qua, Kiên Giang đang phát triển 9 môn thể thao trọng điểm. Trong đó, có sự phát triển mạnh mẽ của các môn: Cờ Vua, Đua thuyền truyền thống, Bi a... Tuy nhiên, cơ sở vật chất nơi đây còn nhiều thiếu thốn, một số (nếu có) không đạt về tiêu chuẩn kỹ thuật. Nằm trong kế hoạch của Sở TDTT đến năm 2010, Kiên Giang sẽ phát triển 16 môn thể thao.

 

Các thành viên đã đóng góp ý kiến thiết thực trong buổi làm việc (Ảnh: HC)
 

 

Về mặt chuyên môn đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Tuy nhiên theo một số thành viên cho rằng: Kiên Giang cần tận dụng phong trào phát triển của những môn thể thao truyền thống, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục mở rộng phát triển các môn thể thao có kỹ thuật hỗ trợ nhau như: Bóng chuyền trong nhà đã được phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho môn Bóng chuyền bãi biển về nhân sự cũng như điều kiện cơ sở vật chất (vừa đơn giản vừa phù hợp với điều kiện vị trí địa lý của tỉnh), kỹ thuật VĐV đua thuyền truyền thống cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong môn thể thao Canoeing. Do đặc điểm địa lý (gần Thái Lan - phát triển mạnh môn Bi sắt) và văn hoá xã hội (nhiều người Thái sinh sống, kinh doanh... tại Kiên Giang), nên Bi sắt có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển...

Cũng tại buổi làm việc, Sở TDTT đã có những kiến nghị, trong đó nổi bật là việc nâng cấp trường Nghiệp vụ TDTT Kiên Giang thành trường Trung học TDTT. Tiến tới, nhà trường sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức các khoá tại chức TDTT nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đắc lực cho ngành TDTT Kiên Giang cũng như của các tỉnh lân cận. Đây được coi là chủ trương đúng đắn của Sở TDTT và phù hợp với định hướng của ngành.

Bên cạnh đó, nội dung buổi làm việc còn đề cập đến các vấn đề: hỗ trợ đào tạo VĐV tại một số môn thể thao, hỗ trợ tập huấn đối với VĐV Nguyễn Ngọc Trường Sơn cho tỉnh Kiên Giang, xây dựng cơ sở vật chất...

Trước tình hình thực tế của Kiên Giang, PCN Huỳnh Vĩnh Ái đã nhất trí với chủ trương nâng cấp trường Nghiệp vụ TDTT Kiên Giang thành trường Trung học TDTT và chọn Kiên Giang là trung tâm phát triển môn Đua thuyền truyền thống. Đồng thời, PCN cũng yêu cầu, các Vụ, đơn vị liên quan xem xét và phối hợp hỗ trợ Kiên Giang trong việc đào tạo VĐV nhằm tạo điều kiện để sự nghiệp TDTT Kiên Giang ngày càng phát triển hơn.

 

Hồng Xiêm


Ảnh trong bài
  • Lãnh đạo Uỷ ban TDTT ủng hộ chủ trương nâng cấp trường Nghiệp vụ TDTT Kiên Giang thành trường Trung học TDTT.