![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/2442/48413776_1594520394025619_8501184848084336640_n.jpg)
Ông Đoàn Thao bên gia đình nhân kỷ niệm Thượng Thọ và 50 năm ngày cưới của ông với vợ (Ảnh: Hồng Dương)
Ngay từ khi còn trẻ, ông đã tích cực tham gia hoạt động trong các phong trào thanh thiếu niên ở địa phương. Do có nhiều thành tích trong học tập và công tác, tháng 5 năm 1961, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 9 năm 1962 đến tháng 7 năm 1966, ông được chọn cử sang học tại Đại học Thể dục thể thao Matxcơva, Liên Xô. Trong 4 năm học tập, ông đều đạt học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp về nước, ông được phân công công tác tại Bộ môn Điền kinh, Ủy ban Thể dục thể thao (nay là Tổng cục Thể dục thể thao). Tháng 10 năm 1971, ông tiếp tục được cử đi học nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Sau khi bảo vệ thành công luận án, ông trở về nước và được phân công giữ các chức vụ Phó ban, sau đó làm Quyền Trưởng ban, Bí thư chi bộ Ban Khoa học kỹ thuật, Tổng cục Thể dục thể thao. Tháng 4 năm 1979 đến tháng 3 năm 1990, ông được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng. Trong thời gian này, ông được cử đi làm chuyên gia tại Campuchia, góp phần xây dựng ngành Thể dục thể thao và đào tạo đội ngũ cán bộ Thể dục thể thao nòng cốt cho nước bạn. Tháng 1 năm 1991, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó cục trưởng Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch. Tháng 11 năm 1992, ông được bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao. Tháng 7 năm 1998, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao, được phân công phụ trách thể thao thành tích cao, công tác đối ngoại và thanh tra. Ông đã cùng lãnh đạo Ủy ban Thể dục thể thao chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao, đào tạo tài năng thể thao, tạo được bước chuyển biến rõ nét về thành tích thể thao của Việt Nam trên các đấu trường thể thao khu vực và châu lục.
Trong gần 40 năm cống hiến cho ngành TDTT, ông Đoàn Thao luôn thể hiện là một người Đảng viên tiên phong, gương mẫu, một cán bộ quản lý mẫn cán, cương trực và đầy trách nhiệm, để lại nhiều dấu ấn, được bạn bè, đồng nghiệp ghi nhận và tôn vinh. Những người làm công tác thể dục thể thao luôn nhớ tới hình ảnh đồng chí Đoàn Thao, một người lãnh đạo tận tụy, gương mẫu, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Thể thao Việt Nam trên các đấu trường thể thao quốc tế. Với những cống hiến xuất sắc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng chống Mỹ cứu nước hạng Ba, huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thể dục thể thao và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Mặc dù đã vĩnh biệt cõi trần, ông Đoàn Thao đã để lại cho thế hệ con cháu những câu chuyện để lưu truyền hay những ấn tượng tốt đẹp mà các đồng nghiệp dành cho ông trong suy nghĩ đó là - một phần lịch sử quan trọng của thể thao Việt Nam trong 30 năm qua. Ông là người có đóng góp không nhỏ cho thể thao Việt Nam trong giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước khi năm lần làm trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á (Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 16 năm 1991 tại Philippines cho tới Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 20 năm 1999 tại Brunei), hai kỳ Đại hội thể thao châu Á (năm 1994 và năm 1998 tại Bangkok (Thái Lan) và một kỳ Olympic (Sydney năm 2000). Có thể nói, cái tên Đoàn Thao đã trở nên quen thuộc với bạn bè quốc tế.
Gần 40 năm gắn bó với ngành TDTT, tám kỳ dẫn quân tham dự các Đại hội thể thao tại Olympic, Asian Games và SEA Games, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông có thể nói tới Thế vận hội mùa hè Sydney năm 2000. Đây không chỉ là kỳ Thế vận hội không thể quên đối với cá nhân ông Đoàn Thao mà còn đối với Thể thao Việt Nam khi lần đầu tiên thể thao nước nhà ghi dấu ấn tại một đấu trường thể thao lớn nhất thế giới.
Chiếc Huy chương Bạc mà nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân xuất sắc giành được đã góp phần nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trên bản đồ thể thao thế giới sau bốn lần tham dự Olympic. Olympic Sydney cũng là kỳ thể thao đầu tiên Việt Nam có hai đại diện vận động viên xuất sắc vượt qua vòng loại để có vé chính thức tham dự Olympic là Trần Hiếu Ngân, Nguyễn Xuân Mai đều của môn Taekwondo. Kể từ đó, số lượng vận động viên, số môn tham dự Thế vận hội ngày càng tăng lên. Đó là tiến bộ xuất sắc của Thể thao Việt Nam trong quá trình tham gia đấu trường thể thao lớn nhất thế giới.
Trước Olympic lần thứ 27 năm 2000 tại Sydney, Úc, Thể thao Việt Nam tham dự các kỳ Olympic lần thứ 22 năm 1980 tại Matxcơva (Liên Xô cũ), Olympic lần thứ 24 năm 1988 tại Seoul, Hàn Quốc, Olympic lần thứ 25 năm 1992 tại Barcelona, Tây Ban Nha và Olympic lần thứ 26 năm 1996 tại Atlanta, Hoa Kỳ đều là bước làm quen và hội nhập với thể thao thế giới. Chủ yếu các vận động viên tham dự với tư cách khách mời ở hai môn thể thao cơ bản của Chương trình thi đấu Olympic là Điền Kinh và Bơi. Một số vận động viên ưu tú của các môn Judo, Bắn súng, Vật, Boxing cũng được cử tham gia. Đó là giai đoạn hội nhập và chưa mang lại thành tích gì đáng kể.
Bên cạnh đó, thành công từ các lần tham gia Đại hội thể thao Đông Nam Á, châu Á cho thấy Thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập với thể thao khu vực, châu lục từ đó có thể tăng thêm số vận động viên dự thi và giành thêm huy chương, nâng cao vị trí xếp hạng trong số các môn dự thi cũng như vươn lên vị trí nhóm ba nước thứ hạng cao ở khu vực đối với Đại hội thể thao Đông Nam Á và lọt tốp mười quốc gia đừng đầu khu vực châu Á.
Thành công ở hai kỳ Đại hội thể thao châu Á do ông Đoàn Thao làm trưởng đoàn cũng đã góp phần chắp cánh cho thể thao Việt Nam bay cao, bay xa trong đấu trường châu lục. Tại ASIAN Games Hiroshima (Nhật Bản) năm 1994, đoàn thể thao Việt Nam cử 84 VĐV góp mặt và đã làm nên kỳ tích với tấm huy chương Vàng ở môn taekwondo. Người làm rạng danh thể thao Việt Nam ở đấu trường châu lục là võ sĩ Trần Quang Hạ ở hạng cân 58 kg. Cũng kỳ ASIAN Games năm đó, thể thao Việt Nam có thêm 2 huy chương Bạc của Phạm Hồng Hà, Trần Văn Thông cùng môn karatedo.
Thành công của Quang Hạ tại ASIAN Games bốn năm trước đã mang đến quả ngọt cho thể thao Việt Nam tại ASIAN Games năm 1998 ở Bangkok (Thái Lan) khi võ sĩ Taekwondo Hồ Nhất Thống (hạng cân 58 kg) đã thi đấu xuất sắc, giành về chiếc huy chương Vàng. Thành công của Trần Quang Hạ là bước đệm để taekwondo được đầu tư mạnh mẽ và Hồ Nhất Thống là thành quả từ việc đầu tư đúng hướng. Đây cũng là giai đoạn mà taekwondo Việt Nam trở thành thế lực đáng gờm ở nội dung đối kháng hạng cân 58 kg.
Đối với những người làm trong ngành thể thao, không ai là không biết đến ông Đoàn Thao với một vai trò là người lãnh đạo, một vị trưởng đoàn xuất sắc nhưng vô cùng giản dị. Sự quyết đoán, linh hoạt và bền bỉ về tính cách cộng thêm cả sự nếm trải vinh quang, cay đắng trong mỗi lần cầm quân "đem chuông đi đánh nước người" đã mang tiếng Vang đến cho thể thao Việt Nam, làm bàn đạp cho những dấu mốc chói lòa mà thể thao Việt Nam có được hôm nay.
Khi còn sinh thời, ông Đoàn Thao từng chia sẻ cần phải xác định được vị trí của mình cũng như hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các đồng nghiệp, các vận động viên không gì đáng quý bằng việc các vận động viên của mình giành được những chiếc huy chương cao quý và giây phút mà quốc ca Việt Nam vang lên. Ông Đoàn Thao cũng thấu hiểu sự uất ức của các vận động viên mỗi khi bị xử ép, chính vì vậy, với vai trò trưởng đoàn cần phải có sự quyết đoán trong xử lý, giải quyết. Suốt đời gắn bó với thể thao, với các kỳ thể thao, hơn ai hết, ông hiểu rõ vễ những nỗi khổ, sự hy sinh, sự phấn đấu của các vận động viên, huấn luyện viên để làm thế nào giành được thành quả tốt nhất, tuy nhiên, điều mà ông muốn gửi gắm tới các thế hệ vận động viên, huấn luyện viên tương lai đó là trong mỗi trường hợp, mọi tình huống phải vô cùng khéo léo, bình tình xử lý sao cho hiệu quả nhất mà vẫn đảm bảo được tình hữu nghị, anh em giữa các quốc gia tham dự.
Không chỉ là một lãnh đạo gương mẫu của ngành thể thao, ông Đoàn Thao còn là trụ cột tinh thần vững chắc của gia đình, là thần tượng của chị Đoàn Thị Hồng Dương (con gái cố Phó Chủ nhiệm UBTDTT Đoàn Thao) cũng như thế hệ cán bộ trẻ hiện nay đối với các bậc tiền bối trong ngành thể thao. Nói về người cha đã khuất, chị Đoàn Thị Hồng Dương nghẹn ngào nhớ lại "mặc dù rất bận với công việc cơ quan, nhất là mỗi khiđảm nhiệm vai trò trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại mỗi kỳ Đại hội thể thao quốc tế, nhưng với gia đình, cha tôi là người rất chu toàn. ,cha Nếu bận thì thôi, rảnh một chút là ông dành thời gian cho gia đình, dù chỉ là rất ít ỏi. Theo lời chị Hồng Dương thì mỗi bữa cơm trưa ngắn ngủi cũng đầy ắp tình cảm và cũng đủ để khỏa lấp những ngày tháng mà ông phải chỉa sẻ với ngành. Nếu hàng ngày mẹ chị luôn phải tất tả lo toan cho con cái, chuyện đối nội, đối ngoại hay giải quyết chuyện gia đình thì khi không phảỉ dành thời gian cho công việc, bố chị sẽ đảm nhiệm việc đi họp phụ huynh cho con hay lo bữa sáng tươm tất cho cả gia đình. Ông rất chủ động chia sẻ gánh nặng với vợ, để vợ không cảm thấy tủi thân khi ông quá bận bịu với việc nước.
Không chỉ vậy, đối với chị Dương, phụ thân của chị còn là hình mẫu của ý chí vươn lên, tự hoàn thiện mình. Mặc dù là du học sinh Nga nhưng ông luôn dành thời gian học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp để có thể trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp khi dẫn quân tham dự các giải đấu quốc tế. Ông là người luôn đau đáu với sự nghiệp thể thao, bởi khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục đồng hành với ngảnh khi đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, sau đó là Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Ông đã nỗ lực hết sức mình cho tới ngày ra đi, để kịp hoàn thành việc cho ý kiến Hội đồng và phản biện cho bốn nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học Thể thao Việt Nam. Chính vì vậy, chị Dương vô cùng tự hào khi nhắc tới người cha thân yêu của mình, người mà dòng máu thể thao luôn chảy trong huyết quản.
Có thể nói, Thể Thao Việt Nam có được thành công và vị thế ngày hôm nay là do công sức của biết bao thế hệ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên đi trước những người đã vượt qua biết bao khó khăn của ngày đầu hội nhập để dần tìm được chỗ đứng và khẳng định được vị trí của Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế trong đó có một phần công sức của vị trưởng đoàn Đoàn Thao - người anh cả của Thể thao Việt Nam trong suốt một thập kỷ.
A.T