![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/2192/hb2.jpg)
Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Bình chủ trì cuộc họp (Ảnh: Văn Duy)
Theo báo cáo, trong năm 2019, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, ở lĩnh vực thể dục thể thao, phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động. Phong trào tập luyện thể dục thể thao trong cả nước gắn với gắn với Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và :"Chương trình xây dựng nông thôn mới" diễn ra sôi nổi, thu hút hàng triệu người tham gia, trong đó tập trung chỉ đạo hướng dẫn các ngành, địa phương tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2019; chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, các ngành tuyên truyền, phát động phong trào Toàn dân tập luyện môn Bơi, phòng chống đuối nước năm 2019 đã đạt kết quả khả quan với 100% các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, trên 80% quận, huyện, thành phố, thị xã triển khai. Năm 2019, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 33,5%; số gia đình tập luyện thể dục thể thao ước đạt 24,6; số câu lạc bộ thể thao: 57.218 câu lạc bộ; số cộng tác viên thể thao: 51.820 người.
Thể thao thành tích cao được coi là một năm gặt hái được nhiều thành công. Năm 2019, các vận động viên thể thao Việt Nam giành tổng số 587 huy chương Vàng, 428 huy chương Bạc và 468 huy chương Đồng. Thành tích nổi bật: đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành 98 huy chương Vàng, 85 huy chương Bạc và 105 huy chương Đồng, xếp vị trí thứ 2/11 quốc gia tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 30, đặc biệt đội tuyển bóng đá U22 nam lần đầu tiên trong lịch sử vô địch SEA Games, đội tuyển bóng đá nữ lần thứ sáu vô địch SEA Games. Trong số 45 môn và phân môn tham dự Đại hội có 41 môn và phân môn đạt huy chương chiếm tỷ lệ 91,1%; trong tổng số 288 huy chương đạt được có 23 môn thể thao Olympic giành được 197 huy chương chiếm 68,4%; 18 môn Olympic giành được 71/98 huy chương Vàng chiếm 74,55%; các đội tuyển thể thao đi bằng nguồn kinh phí xã hội hóa giành được 18/98 huy chương Vàng.
Lĩnh vực du lịch cũng đạt được những con số đáng khích lệ. Năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu có ý nghĩa đột phá. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2019 và ba năm liên tiếp từ năm 2016 đến năm 2019 đạt 30%/năm. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Indonesia để vươn lên vị trí thứ tư về lượng khách quốc tế đến.
Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 18.008.591 lượt, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỷ đồng tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp; Điềm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; thành phố Hội An được bình chọn là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019. Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017 và năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế.
Đối với lĩnh vực văn hóa, trong năm 2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 07 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) và công nhận 27 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 8). Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng 37 di tích quốc gia; đưa 30 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều di tích, danh thắng tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch. Các hồ sơ "Nghệ thuật Xòe Thái", "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" tiếp tục được hoàn thiện để trình UNESCO. Hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước đã diễn ra trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia, ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội được nâng lên, những hiện tượng tiêu cực, phản cảm đã giảm nhiều so với mùa lễ hội trước.
Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động cho các thư viện trong cả nước triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019 được tổ chức lần đầu tiên trên phạm vi toàn quốc đã thu hút hơn 536.000 bài dự thi trong cả nước, góp phần khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ. Các chỉ tiêu về hoạt động thư viện năm 2019 đã đạt và vượt so với kế hoạch. Mạng lưới thư viện tiếp tục được duy trì và có sự phát triển, cả nước đã có 24.080 thư viện (tăng 14% so với năm 2018)
Hoàn thiện trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi); Chỉ đạo, tổ chức 05 đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI tại thành phố Vũng. Năm 2019, cả nước có 264 đội chiếu phim lưu động, đã phục vụ khoảng 9 triệu lượt người xem. Thị trường phát hành phim thương mại có số lượng phòng chiếu là 1050 phòng tại 204 cụm rạp với hơn 148.500 ghế trên cả nước, ước tính doanh thu chiếu phim thương mại đạt hơn 4000 tỷ đồng.
Tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn, đã thẩm định hồ sơ, ban hành 448 Giấy phép các loại cho các đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật; tổ chức 10 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Các đơn vị nghệ thuật Trung ương đẩy mạnh hoạt động tự chủ, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật , kinh phí thu từ các buổi biểu diễn có bán vé ước đạt 72,3 tỷ đồng. Các đơn vị nghệ thuật địa phương tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, biểu diễn lưu động ở nhiều địa phương, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan; quản lý nhà nước về gia đình cũng đạt nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2020, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch; Xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường giải pháp thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Bộ, Quy chế dân chủ ở cơ quan, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong và ngoài nước.
A.T