Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020

Ngày 25/12, tại Bảo tàng lịch sử quốc gia đã diễn ra Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu đại diện các Sở VHTT, Sở VHTTDL, các cục Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: VDuy)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh "Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển, đến năm 2020, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Hội nghị là dịp để đánh giá một cách tổng quát nhất về tình hình thực hiện Chiến lược, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành Chiến lược mới, xác định những căn cứ cho các chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành văn hóa trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, làm rõ nguyên nhân của khó khăn, hạn chế, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học tốt, phân tích thời cơ, thách thức và các vấn đề đặt ra trong việc xây dựng Chiến lược văn hóa mới, đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến trong xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.

Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã thu được nhiều kết quả, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng.

Văn hóa đã góp phần quan trọng tạo không khí dân chủ, dân trí được nâng cao, tính năng động sáng tạo, tính chủ động và tính tích cực xã hội của con người được phát huy, dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được mở rộng, góp phần hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến quan trọng.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được mở rộng và đi vào chiều sâu mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều phong trào, cuộc vận động về văn hóa đạt kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ đa dạng của công chúng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng, chất lượng; đã và đang hình thành thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa.

Văn hóa đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Nhận thức rõ hơn trong việc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quốc phòng-an ninh, đối ngoại với phát triển văn hóa và xây dựng con người. Vì thế, những năm gần đây, vai trò của văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững đã và đang được khẳng định.

Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (Ảnh: VDuy)

Một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và Nghị quyết số 33-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là: “Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội”.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tích cực triển khai đưa văn hóa, thể thao về cơ sở, ưu tiên hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận văn hóa, tập luyện thể dục thể thao nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển và mức hưởng thụ đời sống kinh tế - xã hội giữa các dân tộc, vùng, miền, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi thông qua các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2009-2019, đầu tư cho phát triển văn hóa đã được Nhà nước quan tâm. Ngoài việc đầu tư cho văn hóa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương, công tác xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa trong thời gian qua cũng được quan tâm. Nhận thức về xã hội hoá của các ngành, các cấp và cộng đồng được nâng lên một bước, đặc biệt là các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác xã hội hoá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, đời sống văn hóa của nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số, ở vùng gặp khó khăn như miền núi, hải đảo, biên giới dần được cải thiện. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa được mở rộng và có nhiều khởi sắc, từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bước đầu cố gắng giữ vai trò chủ động trong việc tiếp nhận có chọn lọc, làm giàu văn hóa dân tộc, việc quảng bá hình ảnh dân tộc và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài được chú ý.

Cùng với những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Hội nghị cũng đã được nghe các tham luận của Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội; Vụ Gia đình, Vụ Văn hóa cơ sở...

Các tham luận cũng tập trung làm rõ các biện pháp thực hiện chiến lược tùy thuộc vào thực tiễn từng địa phương, đơn vị. Trong đó, hầu hết các tham luận đều chỉ ra rằng, việc xây dựng con người là công việc vô cùng phức tạp, phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để. Nếu chỉ có một hay một vài giải pháp đột phá thì khó giải quyết được vấn đề.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Thời gian qua, nguồn lực của toàn xã hội cho văn hóa đã lớn hơn rất nhiều. Đây là hệ quả từ nhận thức về văn hóa được nâng lên.  Khi nhận thức thay đổi sẽ dẫn đến nhiều sự thay đổi khác trong hành động, trong đầu tư về thời gian, con người, vật chất, nguồn vốn. "Chúng ta đã nhận thức văn hóa là sức mạnh mềm và đã bàn rất nhiều về sức mạnh này. Nhưng, văn hóa sẽ còn phát triển hơn nữa nếu được đầu tư tốt hơn nữa: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

VD