Bản tin Phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Thể dục Thể thao số 2/2004

 

UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO

 

 Bản Tin

 

 

Phổ biến, giáo dục pháp luật

 

ngành Thể dục Thể thao

 

 

(Thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ

 

giai đoạn 2003- 2007) 

Số 2/2004

Hà Nội- 2004

 

 

Hoạt động của Uỷ ban thể dục thể thao và các Liên đoàn Thể thao quốc gia 

 

Uỷ ban Thể dục Thể thao

+ Ngày 16/12/2002, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, Quốc Hội đã ra Nghị quyết 12/2002/QH11 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc Hội nhiệm kỳ khoá XI (2002-2007). Trong đó xác định 61 dự án Luật thuộc chương trình chính thức và 19 dự án Luật thuộc chương trình chuẩn bị. Luật Thể dục thể thao là một trong 19 dự án Luật thuộc chương trình chuẩn bị của Quốc Hội khoá XI.

Để chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng dự thảo Luật Thể dục thể thao trình Quốc Hội vào năm 2007, từ tháng 5/2004 Uỷ ban Thể dục thể thao tiến hành sơ kết 4 năm thực hiện Pháp lệnh thể dục thể thao năm 2000. Theo đó, bước 1 Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ cử đoàn cán bộ tiến hành khảo sát, kiểm tra, sơ kết tại các địa phương, ngành để hình thành văn bản báo cáo chung; bước 2, Uỷ ban Thể dục thể thao tiến hành tổ chức Hội nghị toàn ngành sơ kết 4 năm thực hiện Pháp lệnh thể dục thể thao vào tháng 10/2004. Những kết quả thu được từ việc sơ kết 4 năm thực hiện Pháp lệnh thể dục thể thao sẽ là những nội dung, căn cứ quan trọng để từ đó xây dựng dự thảo Luật thể dục thể thao theo sự phân công của Quốc Hội và Chính phủ.

+ Thực hiện Nghị định 22/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thể dục thể thao, Uỷ ban Thể dục thể thao đã tiến hành thành lập Ban soạn thảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, đơn vị trực thuộc do đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ làm trưởng ban. Đến nay, Ban soạn thảo đã xây dựng dự thảo và trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 14 trong tổng số 15 Vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban TDTT. Riêng đối với đơn vị Thanh tra Uỷ ban TDTT, do những quy định đặc thù của chuyên ngành thanh tra nên cần có ý kiến thêm của các cơ quan chuyên môn.

Những quyết định trên là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các Vụ, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý nhà nước cũng như hoạt động sự nghiệp của cơ quan Uỷ ban Thể dục thể thao.

+ Triển khai Kế hoạch số 190/UBTVQH-XI ngày 3/2/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội và văn bản số 143/VPQH ngày 5/2/2004 về việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp góp ý cho dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự, ngày 3/3/2004 Lãnh đạo Uỷ ban Thể dục Thể thao đã có công văn gửi các Vụ, đơn vị trực thuộc yêu cầu tổ chức thảo luận, lấy ý kiến tại đơn vị mình về dự thảo Bộ luật nói trên. Tiếp đó, ngày 29/3/2004 Uỷ ban Thể dục Thể thao đã tổ chức Hội thảo chuyên đề để thống nhất ý kiến của cán bộ, công chức toàn cơ quan, trên cơ sở đó hoàn thành văn bản tham gia ý kiến gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội theo đúng thời hạn quy định.

+ Thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản  quy phạm pháp luật các Bộ, ngành khác gửi đến, trong quý 2/2004, Uỷ ban Thể dục Thể thao đã tham gia góp ý cho 11 dự thảo văn bản pháp quy đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng và thời gian. Trong đó có những dự thảo Luật quan trọng như: Luật Dược, Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Đường sắt Việt Nam, Luật Xuất bản…Đây là hoạt động hết sức bổ ích, vừa thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật của Ngành, vừa góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật của cán bộ, công chức trong cơ quan.

+ Nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao, thực hiện Nghị định 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh quảng cáo, Uỷ ban Thể dục Thể thao và Bộ Văn hoá thông tin đã thống nhất việc phối hợp soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn quảng cáo trong các hoạt động thể dục thể thao. Hiện tại, các bước thành lập Ban soạn thảo, xây dựng đề cương…đang được tiến hành. Thông tư này dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm 2004. 

+ Theo đề nghị của Uỷ ban Thể dục Thể thao và Bộ Ngoại giao, ngày 19/3/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 275/QĐ-TTg về việc gia nhập Tuyên bố Cophenhagen về chống doping trong thể thao. Theo đó, Việt Nam chính thức gia nhập Tuyên bố này và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao được Thủ tướng uỷ quyền trực tiếp ký văn bản Tuyên bố. Đây là văn bản hết sức quan trọng kêu gọi sự ủng hộ về mặt chính trị từ Chính phủ các quốc gia cho cuộc chiến toàn cầu về chống doping trong thể thao; đồng thời là bước đệm để sắp tới UNESCO dự thảo Hiệp định thế giới về chống doping trong thể thao dự kiến thông qua vào tháng 11/2005. Thực hiện quyết định trên, ngày 22/4/2004 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao đã thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký kết và Việt Nam trở thành quốc gia thứ 106 tham gia Tuyên bố. Sự kiện này thể hiện quyết tâm của Ngành thể dục thể thao trong cuộc chiến chống doping, góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

+ Thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Ngành năm 2004; nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong Ngành thể dục thể thao về Ngày bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (25/4/2004), ngày 13/4/2004 Uỷ ban Thể dục Thể thao đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004- 2009. Buổi nói chuyện đã thu hút được đông đảo cán bộ, công chức trong Ngành.

+ Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về công tác cải cách hành chính năm 2004, ngày 17/3/2004 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của cơ quan Uỷ ban Thể dục Thể thao gồm 6 thành viên do Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính có trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của cơ quan Uỷ ban Thể dục Thể thao theo Chương trình tổng thể  về cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ giai đoạn 2001- 2010.

+ Trên cơ sở các vướng mắc, bất cập về một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao theo văn bản hiện hành, vừa qua Uỷ ban Thể dục Thể thao đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định 49/QĐ-TTg ngày 28/2/1998 để trình Thủ tướng xem xét. Việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 49 lần này sẽ tập trung vào các vấn đề về chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao ở địa phương và chế độ đối với các đối tượng là vận động viên  khuyết tật.

+ Từ ngày 22/3 đến 6/4/2004 tại TP Đà Nẵng, Uỷ ban Thể dục Thể thao đã tổ chức Hội nghị công tác thanh tra Ngành thể dục thể thao năm 2004 và tập huấn nâng cao nghiệp vụ thanh tra. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Uỷ ban Thể dục Thể thao, Thanh tra Nhà nước và đại diện thanh tra TDTT của 61 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động của Thanh tra thể dục thể thao năm 2003 và bàn phương hướng cho năm 2004. Tiếp theo, Thanh tra các Sở Thể dục Thể thao được tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ thanh tra và xử lý tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao với 12 chuyên đề như: một số vấn đề về thanh tra, tổ chức Thanh tra Nhà nước và thanh tra viên, thực hiện quyền hoạt động thanh tra, phương pháp tiến hành một cuộc thanh tra, chứng cứ trong hoạt động thanh tra, thanh tra nhân dân. Những nội dung về khiếu nại, tố cáo và xử lý đơn thư, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo cũng được phổ biến tại Hội nghị.

 

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

 

Ngày 7.4.2004, tại Nha Trang, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã tổ chức buổi “Hội thảo toàn quốc về công tác quản lý, giáo dục cầu thủ và công tác tổ chức trận đấu.” Tham dự hội thảo có các cán bộ lão thành của Ngành thể dục thể thao, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các ban chức năng của liên đoàn, đại diện lãnh đạo các câu lạc bộ, ban tổ chức sân của 24 câu lạc bộ chuyên nghiệp và hạng nhất quốc gia và các phóng viên thông tấn báo chí, truyền hình.

Sau khi nghe báo cáo chung do đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trình bày và nghe 3 bản tham luận  của đại diện lãnh đạo các câu lạc bộ, Ban tổ chức sân, hội nghị đã thảo luận và đi đến thống nhất những giải pháp về công tác quản lý, giáo dục cầu thủ, về công tác tổ chức trận đấu.

Công tác quản lý, giáo dục cầu thủ phải được tiến hành triệt để, thường xuyên, đồng bộ ở mọi cấp trong ngành và trong xã hội, trong đó trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và của các câu lạc bộ là chủ yếu.

 

Để nâng cao hiệu quả của công tác tổ chức thi đấu, nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong nhận thức cũng như trong hành động của tất cả các lực lượng tham gia điều hành trận đấu từ cấp độ Ban tổ chức giải, Ban tổ chức trận đấu và các câu lạc bộ. 

 

Hoạt động ở các địa phương

1.  Sở Thể dục Thể thao và Công an tỉnh Nam Định

 

Ngày 5/5/2004, Sở Thể dục Thể thao và Công an tỉnh Nam Định đã phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 15/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 222/2003/TTLT- UBTDTT- BCA của Uỷ ban Thể dục Thể thao và Bộ Công an về phối hợp phòng chống tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao. Hội nghị đã nghe các tham luận về: công tác phòng ngừa, đấu tranh với đối tượng cá độ bóng đá; về tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo đảm phòng chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao; về quản lý cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trong tập luyện và thi đấu…Đặc biệt, tại Hội nghị, đại diện hai ngành Công an và Thể dục thể thao đã ký bản Kế hoạch liên ngành số 94/KHLN/TDTT-CA nhằm phối hợp phòng, chống các hành vi tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao. Bản kế hoạch nêu rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ chung và các nhiệm vụ cụ thể của ngành thể dục thể thao và ngành công an trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao.

 

 

 2. Hưng Yên

 

Sở Thể dục Thể thao tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị giữa lãnh đạo Sở, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở, lãnh đạo các Phòng Văn hoá thông tin- Thể thao, Trung tâm Thể dục Thể thao các huyện, thị xã về công tác phòng chống tiêu cực trong thể dục thể thao. Hội nghị đã thảo luận, thống nhất cao một số biện pháp chủ yếu để tăng cường công tác chống tiêu cực, gian lận trong thi đấu thể thao của tỉnh, nhằm thực hiện Chỉ thị số 15/ 2002/ CT- TTg ngày 26.7.2002 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 111/2002/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Thể dục Thể thao. Các biện pháp đó là: triển khai mạnh mẽ, mở đợt tuyên truyền, giáo dục, học tập trong toàn ngành; tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, rà soát nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực; tổ chức tốt việc giải quyết, xử lý các khiếu nại, tố cáo liên quan tới tổ chức và cá nhân công chức trong quá trình làm nhiệm vụ tổ chức hoạt động thể dục thể thao; coi trọng công tác khen thưởng, kỉ luật...

 

3. Tuyên Quang

 

Nhận rõ trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Thể dục Thể thao tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền. Ngoài ra, chỉ thị này còn được tuyên truyền thông qua tổ chức các lễ hội văn hoá thể thao, các giải thi đấu thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Sở Thể dục Thể thao đã có văn bản hướng dẫn toàn ngành, các tổ chức xã hội hoạt động thể dục thể thao học tập Chỉ thị. Sau đó, Sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện để mỗi đơn vị, cơ sở nắm được nội dung, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Việc kiểm tra thực hiện Chỉ thị đã phát hiện ra một số vi phạm như 9 vận động viên bóng đá giải thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh năm 2003 sai độ tuổi, 2 đội bóng đá thiếu niên, nhi đồng tỉnh đi tham gia thi đấu khu vực không làm đầy đủ thủ tục cho vận động viên, do vậy không được tham gia. Sở Thể dục Thể thao tỉnh Tuyên Quang đã không cho 9 vận động viên nói trên tiếp tục thi đấu, kỉ luật 3 huấn luyện viên trong đó 1 cảnh cáo, 2 khiển trách, đề nghị hình thức kỉ luật 4 trường hợp khác do tỉnh quản lý. Trong kế hoạch đến cuối năm 2003, Sở Thể dục Thể thao sẽ kiểm tra độ tuổi của 3 lớp năng khiếu bóng đá U11, U13, U15 thuộc Trung tâm Thể dục Thể thao. Nếu vi phạm trong công tác tuyển chọn vận động viên và công tác khác sẽ cương quyết xử lý theo chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Giám đốc Sở.

 

4. Đồng Tháp

 

Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp có công văn giao Sở Thể dục Thể thao tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thể dục thể thao.

Trong thời gian từ quý IV năm 2002 cho đến nay, Sở Thể dục Thể thao Đồng Tháp đã tổ chức 4 buổi triển khai quán triệt Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg và Nghị định số 111/2002/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên thuộc Sở và lãnh đạo Phòng Văn hoá- Thông tin Thể thao, Trung tâm Thể dục Thể thao huyện, thị trong tỉnh, trong đó có 3 buổi triển khai lồng ghép với các nội dung khác và một buổi triển khai riêng các văn bản trên. Kết quả là: 110 cán bộ, huấn luyện viên và hơn 350 vận động viên các môn thể thao tham dự. Các đối tượng tham dự đã được phổ biến  về nội dung, mục đích và yêu cầu của Chính phủ trong công tác thể dục thể thao. Sau khi được quán triệt ở tỉnh, các Phòng Văn hoá- Thông tin- Thể thao, Trung tâm Thể dục Thể thao huyện, thị tiếp tục về triển khai quán triệt cho cán bộ, công chức trong đơn vị mình.

Song song với việc triển khai trong nội bộ, Sở Thể dục Thể thao cũng đã phối hợp với Đài phát thanh, truyền hình của tỉnh để thông tin tuyên truyền rộng rãi về Chỉ thị và Nghị định nêu trên để các cấp, các ngành và nhân dân được biết và thực hiện.

Việc thực hiện Chỉ thị và Nghị định cũng được tiến hành nghiêm túc. Trong thời gian cuối năm 2003, Ban giám đốc đã giao cho Thanh tra Sở kiểm tra tuổi của 404 vận động viên thuộc 15 bộ môn thể thao trong tỉnh đang đào tạo nhằm chống tiêu cực trong gian lận tuổi. Về cơ bản, cuộc kiểm tra đạt kết quả tốt, các bộ môn và huấn luyện viên nghiêm túc chấp hành, đến nay, chưa phát hiện được trường hợp vận động viên nào gian lận tuổi.

Đồng thời, Sở Thể dục Thể thao đã xử lý kỉ luật huấn luyện viên trưởng đội bóng đá U21 Đồng Tháp tham dự vòng chung kết giải bóng đá U21 Báo Thanh niên 2003 với hình thức khiển trách vì đã không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra hiện tượng vận động viên trong đội thi đấu thiếu tích cực.

 

5. Vĩnh Phúc

 

Sau khi Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg và Nghị định số 111/2002/NĐ-CP được ban hành, Sở Văn hoá- Thông tin- Thể thao Vĩnh Phúc kịp thời tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện 2 văn bản pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Sở cũng tổ chức các hội nghị đánh giá việc thực hiện các quy định của nhà nước trong lĩnh vực thể dục thể thao và triển khai quán triệt Chỉ thị 15 và Nghị định 111 trong Đảng uỷ, lãnh đạo các đơn vị của ngành; ra văn bản hướng dẫn thực hiện đến tất cả các địa phương, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cơ quan trung ương, các doanh nghiệp... đóng trên địa bàn và 150 xã, phường trong tỉnh.

Sở cũng tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo Vĩnh Phúc, Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, 21 bản tin các ngành (đặc biệt là 2 bản tin của ngành văn hoá thể thao Vĩnh Phúc và Thông tin tuyên truyền Vĩnh Phúc), tuyên truyền bằng trực quan, cổ động trên mạng lưới truyền thanh cơ sở... Việc tuyên truyền được thực hiện sâu rộng trong nhân dân, gắn việc thực hiện Chỉ thị và Nghị định với phong trào “toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, để toàn xã hội thực hiện với tinh thần tự giác, trách nhiệm và có hiệu quả.

Trong công tác điều hành và tổ chức thi đấu các giải thể thao, Sở Thể dục Thể thao Vĩnh Phúc đã thực hiện đầy đủ, chính xác, chặt chẽ, khách quan, vô tư. Đặc biệt trong việc tham gia thi đấu các giải thể thao quy định lứa tuổi như giải bóng đá thiếu niên nhi đồng, U­18, U20, giải bắn súng thanh thiếu niên, giải vô địch trẻ, giải cầu lông phụ nữ các lứa tuổi..., Vĩnh Phúc đều chấp hành nghiêm túc. Các lớp nghiệp dư năng khiếu thực hiện đúng theo yêu cầu chuyên môn, lứa tuổi ngay từ khi làm công tác tuyển chọn. Nhìn chung, hoạt động thể dục thể thao năm 2003 trên địa bàn tỉnh không có sai phạm, tiêu cực xảy ra, kể cả việc thi đấu cấp tỉnh.

 

6. Bến Tre

 

Sở Thể dục Thể thao Bến Tre đã xây dựng chương trình hành động của Sở thực hiện Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg với những công việc cụ thể: chú trọng công tác giáo dục chính trị, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống văn hoá đối với đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý thể dục thể thao các cấp, nâng cao năng lực tổ chức, điều hành các giải thi đấu, hạn chế đến mức thấp nhất những sơ hở có thể phát sinh tiêu cực; củng cố, tăng cường bộ phận thanh tra chuyên trách, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động thi đấu thể thao và các hoạt động có liên quan khác của ngành, xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực phát sinh; tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, tuyển chọn, đào tạo vận động viên, học sinh năng khiếu theo hướng công khai, dân chủ, đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ vận động viên, học sinh ngay từ đầu vào, kiên quyết loại bỏ những trường hợp không đúng tuổi, không đúng đối tượng trong công tác tuyển sinh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình và lực lượng công an nhằm tuyên truyền ý nghĩa việc chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao tạo sự đồng tình ủng hộ trong nhân dân nhằm giáo dục đấu tranh, ngăn ngừa và kịp thời phát hiện những dấu hiệu tiêu cực để có biện pháp xử lý thích hợp.

Cùng với việc xây dựng chương trình hành động, Sở Thể dục Thể thao Bến Tre cũng tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị; chỉ đạo Phòng Văn hóa thông tin- Thể thao các huyện, thị điểm lại các hoạt động thể dục thể thao và việc quản lý nhà nước đối với hoạt động thể dục thể thao của địa phương, trên cơ sở đó có biện pháp chống tiêu cực hữu hiệu, phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

 

7. Bình Dương

 

Sở Thể dục Thể thao Bình Dương đã có kế hoạch tuyên truyền  rộng rãi Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26.7.2002 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao. Sở Thể dục Thể thao đã thông báo quán triệt cho các bộ môn đang được Sở trực tiếp quản lý, phối hợp công an tỉnh điều tra đối với những đối tượng có hành vi gian lận trong thi đấu thể thao cấp tỉnh. ở các huyện, thị xã, Sở Thể dục Thể thao đã có buổi họp giao ban khối huyện, thị trong đó có giành một nội dung riêng nói về Chỉ thị và Nghị định 111/2002/NĐ-CP ngày 31.12.2002 của Chính phủ.

Từ khi triển khai Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26.7.2002 của Thủ tướng Chính phủ,Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh Bình Dương chỉ đạo cho Sở Thể dục Thể thao Bình Dương kiên quyết, tuyệt đối không có gian lận tuổi trong thi đấu đối với tất cả các bộ môn. Trong quá trình thực hiện, đa số các bộ môn thực hiện tốt nhưng trong đó có môn cờ vua vẫn còn sai sót. Sở Thể dục Thể thao đã có một buổi làm việc với bộ môn cờ vua, có hình thức kỉ luật đối với những cá nhân vi phạm gian lận tuổi trong thi đấu. Qua sự việc trên, Sở Thể dục Thể thao Bình Dương có quyết định số 993/QĐ- STDTT thành lập tổ kiểm tra tuổi các vận động viên thuộc Sở quản lý.

 

8.  Ninh Bình

 

Sở Thể dục Thể thao Ninh Bình đã tổ chức hội nghị triển khai và quán triệt Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26.7.2002 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phần gồm toàn bộ công nhân viên, huấn luyện viên, vận động viên trong ngành thể dục thể thao, phòng văn hoá thông tin các huyện, thị xã. Sở đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện chỉ thị tại cơ sở một cách nghiêm túc và cam kết không để tình trạng tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao tại các đơn vị do mình quản lý.

Trong thời gian qua, Sở Thể dục Thể thao đã cùng các cấp, các ngành thống nhất về quan điểm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các hoạt động và các giải thi đấu, cụ thể: về nhân sự, về ban tổ chức, trọng tài, đảm bảo khách quan, vô tư, chính xác trong giải thi đấu; kiểm tra tiêu chuẩn vận động viên thuộc các đơn vị cơ sở tham gia thi đấu các giải thể thao của tỉnh và tham gia thi đấu các giải toàn quốc; gây dựng được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, tạo được sự đoàn kết nhất trí, góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương.

Trong năm qua, Ban Thanh tra Sở đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của Sở tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, cụ thể như:

-         Kiểm tra, giám sát các giải thi đấu ở cấp tỉnh.

-         Kiểm tra thực hiện chủ trương xã hội hoá thể dục thể thao ở cơ sở.

-         Kiểm tra quá trình tuyển chọn, đào tạo huấn luyện đi thi đấu của các vận động viên các môn thể thao thành tích cao.

-         Kiểm tra các chương trình giáo án, các vận động viên các lớp năng khiếu thể dục thể thao mở tại các huyện, thị xã và trung tâm thể dục thể thao tỉnh.

Kết quả: Trong thời gian qua 100% các giải thi đấu ở cấp huyện và tỉnh không có hiện tượng gian lận, vận động viên các môn đảm bảo đầy đủ hồ sơ, đúng tiêu chuẩn, không có các đơn thư khiếu nại, tố cáo.

 

9.  Tiền Giang

 

Quán triệt Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26.7.2002 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 111/2002/NĐ-CP ngày 31.12.2002 của Chính phủ, Ban lãnh đạo Sở Thể dục Thể thao Tiền Giang đã kịp thời tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt tinh thần 2 văn bản trên tới cấp uỷ, cán bộ chủ chốt ngành thể dục thể thao; huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài các huyện, thị, thành trong cả tỉnh. Song song đó, Sở đã soạn thảo những văn bản chỉ đạo, chương trình hành động của ngành phổ biến đến cán bộ thể dục thể thao toàn tỉnh, yêu cầu tổ chức thể dục thể thao các cấp, đề ra những biện pháp ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc những hiện tượng tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao.

Để đánh giá những thành quả thể dục thể thao đạt được trong những năm vừa qua, ngành thể dục thể thao Tiền Giang đã tổ chức sơ kết 4 năm thực hiện Thông tư 03/TT-TƯ của Ban bí thư về việc tăng cường quản lý công tác thể dục thể thao và Chỉ thị 73/ CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về xã hội hoá công tác thể dục thể thao và từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành thể dục thể thao tỉnh cần phải thực hiện đến năm 2010.

Sở Thể dục Thể thao chỉ đạo thực hiện Công văn số 1646/CV-UBTDTT của Uỷ ban Thể dục thể thao về việc kiểm tra tuổi vận động viên, kiên quyết loại bỏ những vận động viên không đúng độ tuổi, xây dựng một hệ thống quản lý vận động viên các tuyến chặt chẽ, đặc biệt là khâu tuyển chọn từ cơ sở, tránh tình trạng gian lận tuổi một cách hệ thống. Giám đốc Sở đã ký Công văn số 534/CV-TDTT về việc nghiêm cấm các hình thức gian lận, tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao của tỉnh, phổ biến rộng rãi đến các cơ quan, đoàn thể và các cơ quan thể dục thể thao.

 

10. Bình Thuận

 

Sau khi nhận được Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26.7.2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao, Nghị định 111/2002/NĐ-CP ngày 31.12.2002 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Thể dục thể thao và Công văn số 382/UBTDTT-PC ngày 18.10.2002 của Uỷ ban Thể dục Thể thao về việc kế hoạch thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo cấp uỷ, Ban Giám đốc Sở đã nhận thức sâu sắc nội dung của các văn bản, đồng thời, triển khai phổ biến, học tập đến từng cán bộ, công chức trong đơn vị, bộ phận trực thuộc Sở, các Liên đoàn, Hội thể thao của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng xây dựng những văn bản hướng dẫn để thực hiện đến các tổ chức, đoàn thể, ban, ngành cùng phối hợp hành động theo tinh thần chỉ đạo của các cấp góp phần đưa Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26.7.2002 của Thủ ưtướng Chính phủ vào cuộc sống hoạt động thể dục thể thao.

Trong một năm qua, ngành thể dục thể thao đã có những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, việc cạnh tranh của các đơn vị thể dục thể thao được cụ thể hoá, công khai hoá. Với sự quan tâm và chủ trương của Đảng và Nhà nước, Sở Thể dục Thể thao đã thực hiện tốt 2 văn bản trên. Cán bộ, công chức và các tổ chức hoạt động thể dục thể thao trong tỉnh nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi tham gia công tác thể dục thể thao, thể hiện tính cương quyết loại trừ những hành vi tiêu cực chỉ vì lợi ích cá nhân. Đồng thời, Sở cũng giáo dục chính trị tư tưởng, lối sống, đạo đức đến từng cán bộ, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, vận động viên hiểu rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của mình làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh trong các hoạt động thể dục thể thao.

Việc tăng cường công tác thanh tra trong lĩnh vực thể thao như: gian lận tuổi, tráo người, chạy theo thành tích trong thi đấu thể thao… đã phần nào làm trong sạch hoá lĩnh vực thể dục thể thao. Trong năm 2003, Sở Thể dục Thể thao Bình Thuận đã phối hợp  với các ngành chức năng cùng tiến hành kiểm tra hồ sơ đối với các vận động viên thi đấu đã thành công trong việc tổ chức vòng loại  Giải bóng đá Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc cúp MIKKA – Bảng VI và Giải Bóng đá U18 Quốc gia- Bảng E.

 

11. Thái Bình

 

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26.7.2002 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 111/2002/NĐ-CP ngày 31.12.2002 của Chính phủ, Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Thái Bình yêu cầu Phòng Văn hóa thông tin- Thể thao, Trung tâm Văn hoá thông tin- Thể thao, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện tốt những nội dung trong tâm, cụ thể như:

-         Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên trong toàn ngành; triển khai sâu rộng 2 văn bản trên tới các cơ sở, trong cán bộ, công nhân viên chức, lao động, huấn luyện viên, vận động viên thể dục thể thao.

-          Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của ngành thể dục thể thao về chống các tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao, tạo các dư luận xã hội, phê phán những hành vi tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao, trong điều hành tổ chức giải thi đấu các môn thể thao từ cơ sở đến toàn tỉnh.

-         Phòng Văn hoá thông tin- Thể thao, Trung tâm văn hoá thông tin- thể thao các huyện, thị xã cần rà soát lại lực lượng vận động viên trẻ, thiếu niên, nhi đồng, vận động viên nghiệp dư của đơn vị về các mặt để chuẩn bị lực lượng tổ chức, tham gia giải các môn thể thao trẻ, thiếu niên, nhi đồng ở cơ sở và toàn tỉnh, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm điều lệ, gian lận tuổi, tráo vận động viên thi đấu, thuê mượn vận động viên không đúng quy định của điều lệ giải.

-         Các đơn vị trực thuộc Sở, Trường năng khiếu thể dục thể thao, Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao rà soát, kiểm tra lại hồ sơ quản lý vận động viên, các vận động viên năng khiếu, vận động viên nghiệp dư, vận động viên trẻ… tham gia giải khu vực, toàn quốc; đăng ký độ tuổi vận động viên thi đấu từng bộ môn theo yêu cầu của Uỷ ban Thể dục thể thao, các Liên đoàn Thể thao đã hướng dẫn.

-         Các Liên đoàn thể thao quan tâm phối hợp việc triển khai thực hiện Chỉ thị

-         Thanh tra Sở cùng Ban tổ chức giải tỉnh phát hiện các vi phạm điều lệ của các đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm.

 

 12.  Sơn La

 

Sở Văn hoá thông tin – Thể thao Sơn La đã triển khai Chỉ thị 15/2002/CT-TTg ngày 26.7.2002 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 111/2002/NĐ-CP ngày 31.12.2002 của Chính phủ xuống các cơ sở ngay từ khi nhận được 2 văn bản trên và chỉ đạo Phòng Văn hoá thông tin- Thể thao, Trung tâm văn hoá thông tin- Thể thao các huyện, thị, Trung tâm thể dục thể thao tỉnh tổ chức học tập, quán triệt. Đặc biệt, Sở Văn hoá thông tin- Thể thao phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ của Uỷ ban Thể dục thể thao tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thể dục thể thao cho 198 cán bộ phụ trách văn hoá- thể thao xã, phường và cộng tác viên, yêu cầu các học viên căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các văn bản trên. Trong quá trình tổ chức các giải thi đấu, lãnh đạo Sở đều giành nhiều thời gian nhấn mạnh tới việc chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao; cương quyết xử lý nghiêm minh các biểu hiện tiêu cực trong thi đấu. Đối với các đội tuyển vận động viên của tỉnh tham gia thi đấu các giải Trung ương và khu vực, nếu đội nào vi phạm thì đồng chí Trưởng đoàn, huấn luyện viên hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở. Tại bản tin hàng tháng của Trung tâm văn hoá thông tin – triển lãm tỉnh đã đăng tải toàn bộ 2 văn bản trên (bản tin gửi tới tất cả xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.)

Trong thời gian qua, Sở Thể dục Thể thao tỉnh Sơn La đã cương quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao, trong đó có một vài trường hợp vi phạm đã được phát hiện trước khi tổ chức thi đấu, ban tổ chức giải quyết kịp thời, các đoàn vi phạm đều nhận lỗi và xin sửa chữa ngay, vì vậy không ảnh hưởng tới quá trình thi đấu cũng như kết quả chuyên môn của vận động viên.

Trong thời gian tới, Sở Thể dục Thể thao Sơn La đã đề ra các biện pháp cụ thể để triển khai nội dung các văn bản trên:

- Tiếp tục triển khai 2 văn bản trên xuống cơ sở thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, các lớp năng khiếu do Sở Thể dục Thể thao và Phòng Văn hoá thông tin- thể thao các huyện, thị tổ chức.

- Thường xuyên nhắc nhở và phổ biến tại các giải thi đấu từ cấp tỉnh đến cơ sở, giữa các buổi thi đấu, tạo điều kiện để vận động viên và nhiều người được biết.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng có các chuyên mục giới thiệu 2 văn bản trên.

- Phối hợp với các cơ quan đoàn thể: Mặt trận tổ quốc tỉnh và Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn lao động tỉnh, Hội nông dân…phổ biến 2 văn bản trên cho toàn hội viên, đoàn viên của mình nắm và thực hiện.

13.  Bà Rịa- Vũng Tàu

Ngày 01.01.1004, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành Kế hoạch 02/KHLT-TDTT về phối hợp phòng và chống tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Kế hoạch đưa ra các giải pháp triển khai về công tác tuyên truyền giáo dục, về công tác quản lý và công tác tổ chức, cụ thể như sau:

- Công tác tuyên truyền, giáo dục:

+ Tổ chức 1 đợt triển khai, quán triệt nội dung của Chỉ thị15/2002/CT-TTg đến các đơn vị hành chính địa phương, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, trong đó tập trung chuyên sâu vào lực lượng huấn luyện viên, vận động viên và những đơn vị quản lý các nguồn lực xây dựng phong trào thể dục thể thao

+ Phối hợp với các cơ quan báo, đài địa phương thường xuyên có những nội dung tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng

- Công tác quản lý:

+ Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thể dục thể thao.

+ Ban hành các văn bản hướng dẫn trong ngành

+ Triển khai các quy chế về quản lý và sử dụng huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài.

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

- Công tác tổ chức:

+ Rà soát và hoàn chỉnh danh sách đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài; đồng thời xây dựng kế hoạch quản lý hồ sơ đúng quy trình khoa học làm cơ sở thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát trước, trong và sau các giải thi đấu.

+ Ban tổ chức thi đấu các giải thể thao cấp tỉnh, ngoài các thành viên theo yêu cầu chuyên môn sẽ có cán bộ ngành công an và Thanh tra thể dục thể thao tham gia.

Ngành công an và ngành thể dục thể thao có trách nhiệm phối hợp triển khai kế hoạch này.

14.  Sở Thể dục Thể thao và Công an tỉnh Tuyên Quang

Ngày 29.3.2004, Công an tỉnh Tuyên Quang và Sở Thể dục Thể thao tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quy chế phối hợp phòng và chống các hành vi tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao. Quy chế này đã đưa ra trách nhiệm của từng ngành và trách nhiệm phối hợp thực hiện của cả 2 ngành.

Sở Thể dục Thể thao chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các tập thể và cá nhân có hành vi tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao.

Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các hoạt động thể dục thể thao; chủ động phát hiện và kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và kiên quyết xử lý theo quy định hiện hành đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao.

Quá trình thực hiện luôn có sự phối hợp giữa 2 ngành để thực hiện tốt các quy định của Chỉ thị 15/2002/CT-TTg.

Thông tin về xử lý tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao

 

1.     Thanh tra ngành Thể dục Thể thao:

 

Trong năm 2003, Thanh tra ngành Thể dục Thể thao đã tiễn hành 386 cuộc thanh tra, trong đó có 160 cuộc về lĩnh vực kinh tế xã hội, 226 cuộc về chuyên ngành thể dục thể thao. Trong công tác chông tiêu cực, đã kiểm tra nhân sự trước các cuộc thi đấu thể thao, công tác tuyển chọn, đào tạo, quản lý, sử dụng VĐV và kết quả là đã loại 26 đội và 137 VĐV vi phạm điều lệ thi đấu các giải của địa phương.

Kiểm tra tuổi VĐV trẻ ở Trường Đại học Thể dục Thể thao 1 và một số Trung tâm HLTT quốc gia và địa phương: Thanh tra Uỷ ban Thể dục Thể thao phối hợp với Thanh tra các sở tiến hành tổng kiểm tra hồ sơ những vận động viên trẻ do Uỷ ban Thể dục Thể thao và các sở quản lý từ 1/10 đến 31/12/2003. Kết quả là khi kiểm tra 135/290 VĐV do Uỷ ban Thể dục Thể thao quản lý thì có 36 trường hợp sai phạm. Theo báo cáo của 36/61 địa phương, thì có 24/36 có 110 VĐV sai phạm về tên và tuổi. Trong 146 VĐV sai phạm có 8 VĐV vừa gian lận tuổi vừa tráo người trong thi đấu. Gian lận 1 đến 2 tuổi chiếm gần 50%, gian lận 3 tuổi chiếm trên 30%. Số còn lại là 4 tuổi, cá biệt có VĐV gian lận đến 5 tuổi. Hành vi vi phạm nói trên có ở hầu hết các môn thể thao, đặc biệt là bơi lội có số VĐV sai phạm nhiều nhất là 58 chiếm 39,8% tổng số VĐV trong danh sách.

            2.      Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

 

Giải Vô địch quốc gia –Kinh đô 2004:

+ Trong trận đấu ngày 18/1/2004 giữa LG Hà Nội-ACB gặp Nam Định, cầu thủ Achilefu đã có hành vi khiêu khích, nhạo báng một cách thiếu văn hoá ở trước khu vực kỹ thuật của đội Sông Đà Nam Định, Ban Tổ chức giải đã quyết định truất quyền thi đấu 2 trận kế tiếp và phạt 2.000.000đ đối với Achilefu. Đồng thời, phê bình trọng tài chính trận đấu vì đã không nghiêm khắc và xử lý kịp thời đối với hành vi trên.

+ Ngày 10/3/2004 Ban tổ chức giải đã có văn bản phê bình Ban tổ chức sân Bình Dương vì không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, để xảy ra hiện tượng ném chai nước và bịch nước xuống đường chạy trong trận đấu Bình Dương- Thể Công ngày 7/3/2004.

+ Do công tác bảo đảm an toàn không tốt, để xảy ra tình trạng khán giả ném vật cứng xuống sân và các nhóm cổ động viên tấn công nhau làm mất trật tự trên khán đài, Ban tổ chức giải đã quyết định cảnh cáo và phạt tiền 10.000.000đ đối với Ban tổ chức sân Cao Lãnh (trận Delta Đồng Tháp- Ngân Hàng Đông á Thép Pomina); 5.000.000đ đối với Ban tổ chức sân Hàng Đẫy (trận Thể Công- SLNA); 10.000.000đ đối với Ban tổ chức sân Long An (trận GĐT-Long An gặp HAGL); 15.000.000đ đối với Ban tổ chức sân Bình Dương (trận Bình Dương- SLNA) và 5.000.000đ đối với Ban tổ chức sân Thiên Trường theo đúng quy định của Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp.

+ Ngày 14/5/2004 Ban tổ chức giải đã quyết khiển trách Ban huấn luyện đội Gạch Đồng Tâm Long An vì đã đồng ý cho 3 VĐV ra ngoài sân không tiếp tục thi đấu để phản đối quyết định của trọng tài, gây bất bình trong khán giả; phạt 5.000.000đ đối với Ban tổ chức sân Vinh- Nghệ An do gửi băng hình không đúng quy định của Ban tổ chức giải vi phạm Điều 87.8 Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp.

+ Ngày 5/4/2004 Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật đối cầu thủ Lê Thanh Xuân (CLB Gạch Đồng Tâm Long An) do có biểu hiện tiêu cực trong thi đấu. Theo đó, Lê Thanh Xuân bị đình chỉ làm nhiệm vụ trong hệ thống các giải bóng đá do LĐBĐVN tổ chức với thời hạn 18 tháng (từ 3/2/2004-3/8/2005)

 

Giải hạng nhất quốc gia- Picenza 2004

+ Trong trận đấu ngày 14/2/2004 giữa Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn và Bưu Điện, do đã để xảy ra tình trạng lộn xộn sau thi kết thúc trận đấu và đặc biệt là thủ môn Đặng Phước Anh đã có hành động bạo lực tấn công trọng tài, Ban Tổ chức giải đã quyết định cảnh cáo và phạt 5.000.000đ đối với Ban tổ chức sân; cảnh cáo và phạt 2.000.000đ đối với trưởng đoàn CLB Thép MN- Cảng Sài Gòn.

Cầu thủ Cầu thủ Đặng Anh Phước (CLB Thép Miền Nam- Cảng Sài Gòn) bị LĐBĐVN quyết định phạt đình chỉ làm nhiệm vụ trong hệ thống các giải bóng đá do LĐBĐVN tổ chức trong thời hạn 2 năm (từ 21/2/2004- 21/2/2006).

+ Trong trận đấu giữa KS. Khải Hoàn và TT-Huế ngày 28/2/2004, HLV phó Trần Văn Hiệp của đội KS. Khải Hoàn đã có hành động thô bạo đối với VĐV Hứa Hiển Vinh, Ban Tổ chức giải đã quyết định xử lý kỷ luật đình chỉ làm nhiệm vụ 6 trận kế tiếp và phạt tiền 2.000.000đ.

+ Do có sự xô xát của cầu thủ hai đội làm ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu giữa Quảng Nam và Bưu Điện, ngày 9/4/2004 Ban tổ chức giải đã quyết định đình chỉ thi đấu 3 trận kế tiếp và phạt 1.000.000đ đối với cầu thủ Robson của Quảng Nam; đình chỉ 2 trận kế tiếp đối với cầu thủ Nsoga Alain của Bưu Điện.

 

Những văn bản mới về thể dục thể thao

 

* Ngày 17/2/2004 Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định 146/2004/QĐ-BCA(A11) về danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong ngành Thể dục Thể thao. Theo Quyết định này, danh mục bí mật nhà nước độ Mật ngành Thể dục Thể thao gồm những tin trong phạm vi sau: phương pháp và bí quyết tuyển chọn HLV, VĐV các môn thể thao thành tích cao chưa được công bố; các biện pháp và bí quyết phục hồi sức khoẻ cho VĐV sau khi tập luyện, thi đấu; kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học về thể dục thể thao, số liệu nghiên cứu về tình trạng thể lực của lực lượng vũ trang, các vùng, các tầng lớp nhân dân chưa được công bố; kế hoạch hợp tác của ngành Thể dục Thể thao với nước ngoài chưa công bố; phương án bảo vệ các cuộc thi đấu thể dục thể thao lớn của quốc gia, quốc tế tổ chức tại Việt Nam; phương án bảo vệ đoàn thể thao Việt Nam thi đấu ở nước ngoài chưa công bố; hồ sơ liên quan tới công tác đấu thầu, các hợp đồng thuộc lĩnh vực thể dục thể thao chưa công bố; hồ sơ tài liệu về kiểm tra, thanh tra; kết quả kiểm tra, thanh tra trong ngành Thể dục Thể thao chưa công bố; hồ sơ cán bộ lãnh đạo từ cấp Vụ và tương đương trở lên trong ngành, các tài liệu liên quan đến vấn đề chính trị nội bộ của ngành Thể dục Thể thao chưa công bố; tài liệu về thiết kế mạng máy tính, cơ sở dữ liệu nội bộ ngành Thể dục Thể thao; khoá mật khẩu, quy ước về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thể dục Thể thao.

* Ngày 3/3/2004 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao ban hành Quyết định 308/2004/QĐ-UBTDTT về việc ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngành Thể dục Thể thao năm 2004. Theo Quyết định này, trong năm 2004 Uỷ ban Thể dục Thể thao sẽ chỉ đạo các Vụ, đơn vị xây dựng trình lãnh đạo Uỷ ban ban hành 13 văn bản gồm: quy chế chuyển nhượng vận động viên bóng chuyền và các môn thể thao khác; quy định về trình tự, thủ tục tổ chức giải thi đấu thể thao; quy định về phong cấp HLV, VĐV, trọng tài các môn thể thao; quy chế quản lý và sử dụng VĐV đội tuyển quốc gia; quy chế bảo đảm sức khỏe cho VĐV trong tập luyện và thi đấu thể thao; quy chế về Đoàn thể thao VN ra nước ngoài thi đấu và các đoàn thể thao nước ngoài vào Việt Nam; quy định về quản lý, truy cập, khai thác trang thông tin điện tử của Uỷ ban Thể dục Thể thao; Thông tư liên tịch về chế độ dinh dưỡng, bồi dưỡng đối với HLV, VĐV thể thao; Thông tư hướng dẫn về thực hiện chế độ giảng dạy cho giáo viên thể dục thể thao các trường ĐH và CĐ chuyên nghiệp; Thông tư liên tịch về chế độ tài chính tổ chức giải thi đấu thể thao; Thông tư liên tịch hướng dẫn sử dụng tiền tài trợ trong các hoạt động thể dục thể thao; Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện hoạt động quảng cáo, tiếp thị trong thể dục thể thao; Thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định 73/NĐ-CP về thuế trong các hoạt động thể dục thể thao.

* Ngày 6.4.2004, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ra Chỉ thị 04/2004/CT-UBBT về phòng, chống tội phạm tổ chức cờ bạc dưới hình thức cá độ bóng đá và những tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao. Nội dung của Chỉ thị nêu các vấn đề sau:

- Mở đợt tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với những vận động viên, huấn luyện viên, cầu thủ của các môn thể thao nhận thức sâu sắc Chỉ thị 15/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao.

-Sở Thể dục Thể thao chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành, Mặt trận, các đoàn thể có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các tập thể, cá nhân có hành vi tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao nói chung và có hành vi đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá nói riêng.

- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với ngành thể dục thể thao và các ngành chức năng tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho mọi hoạt động thể dục thể thao ở các cấp, các ngành trong tỉnh; chủ động, kịp thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Viện Kiểm sát, Toà án tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật các hành vi tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao, nhất là hành vi đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, mua, bán tỷ số…

- Sở Văn hoá thông tin phối hợp với cơ quan báo, đài có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên đi sâu, nắm tình hình, thu thập tin tức, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích tốt, trong sáng, lành mạnh, cao thượng trong hoạt động thể dục thể thao, đồng thời phê phán, lên án những hành vi tiêu cực trong thể thao, tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá.

- Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống văn hoá đối với cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, học sinh, sinh viên… nhằm nâng cao nhận thức và kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao.

* Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 275/QĐ-TTg ngày 19/3/2004, ngày 22/4/2004 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao đã thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trực tiếp ký gia nhập Tuyên bố Cophenhagen về chống doping trong thể thao và Việt Nam trở thành quốc gia thứ 104 tham gia Tuyên bố trên.

Tuyên bố Cophenhagen gồm lời nói đầu và 9 thoả thuận nhằm thống nhất hành động giữa các thành viên tham gia nhằm chống doping trong thể thao. Cụ thể như sau:

Về mục đích: các quốc gia khi thực hiện các điều khoản của Tuyên bố đều dựa trên Hiến pháp và Pháp luật của nước mình nhằm công nhận và ủng hộ vai trò của Tổ chức chống doping quốc tế (WADA), ủng hộ Luật chống doping thế giới và duy trì sự hợp tác liên chính phủ trong việc chống doping trong thể thao.

Về việc hỗ trợ WADA: các quốc gia thành viên phải tham gia việc sửa đổi hoặc thông qua kế hoạch hợp tác liên Chính phủ và triển khai kế hoạch, dự định của mình về chống doping trong thể thao dự trên một số khuôn khổ nhất định.

Về ủng hộ Luật chống doping thế giới: các bên tham gia công nhận Luật như cơ sở cho các hoạt động chống doping; có biện pháp cải tiến, điều chỉnh (nếu có thể được) các chính sách và hoạt động chống doping của mình cho phù hợp với Luật; khuyến khích các tổ chức quốc gia và quốc tế công nhận Luật, hoạt động phù hợp với Luật; hỗ trợ WADA nhằm phối hợp, điều hoà và tiêu chuẩn hoá các nỗ lực chống doping theo Luật…

Về các biện pháp hạn chế sự có mặt và việc sử dụng các chất và cách thức bị cấm: Mỗi thành viên phải có các quy định, biện pháp hành chính hoặc tư pháp nhằm kiểm soát việc xuất nhập khẩu, phân phát, buôn lậu và sản xuất các chất bị cấm, việc sử dụng các chất bị cấm; khuyến khích thông tin liên lạc nhằm giảm thiểu sự có mặt của các chất bị cấm. Tuy nhiên, sẽ khuyến khích việc sử dụng các chất bổ trợ trong tập luyện và thi đấu một cách có thông tin tránh nhầm lẫn.

Về các biện pháp chống doping quốc gia: các quốc gia thành viên cần xây dựng chương trình quốc gia về chống doping trong thể thao với những nội dung cơ bản như: quản lý, khống chế doping, giáo dục, nghiên cứu và thông tin tuyên truyền.

Về hợp tác quốc tế: các bên tham gia hợp tác với WADA và các tổ chức khác nhằm kiểm soát đối với vận động viên nước mình ở trong hoặc ngoài lãnh thổ; xúc tiến việc vận chuyển hay mang mẫu vật qua biên giới; công nhận song phương các thủ tục kiểm soát doping và quản lý mẫu vật; khuyến khích và hỗ trợ việc tổ chức kiểm tra chéo giữa các chính phủ hoặc tổ chức chống doping về vấn đề doping…

Với việc thực hiện tốt các điều khoản trong Tuyên bố, Việt Nam sẽ cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế quyết tâm triển khai các kế hoạch và hợp tác nhằm loại bỏ doping ra khỏi thể thao. Qua đó, khẳng định truyền thống và tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam, kiên quyết loại trừ mọi tiêu cực, bảo đảm tính trung thực, cao thượng của thể thao, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

* Ngày 11/5/2004 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao đã ký Quyết định 664/2004/QĐ-UBTDTT ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước ngành Thể dục thể thao. Quy chế gồm 3 chương 13 điều; phần quy định chung: quy định về đối tượng áp dụng và phạm vi bí mật nhà nước ngành Thể dục thể thao thuộc độ Mật. Phần quy định cụ thể: nêu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức trong ngành Thể dục Thể thao đối với việc bảo vệ bí mật; quy định rõ nguyên tắc trong việc soạn thảo, in ấn, sao chụp tài liệu thuộc danh mục bí mật; việc bảo quản, phổ biến sử dụng bí mật, trao đổi thông tin, chế độ báo cáo kiểm tra tài liệu mật, việc thanh lý, tiêu huỷ tài liệu mật. 

* Tại cuộc họp lần thứ 115 của Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) tại Praha- Cộng hoà Séc, IOC đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến chương Olympic. Cụ thể như sau: Điều luật 20 về các thành viên IOC: Tổng số thành viên IOC không quá 115 người. Theo cơ cấu, thành viên IOC bao gồm 15 VĐV Olympic tiêu biểu, 15 chủ tịch các Uỷ ban Olympic quốc gia. 15 Chủ tịch các Liên đoàn thể thao quốc tế. 70 quan chức IOC, các Liên đoàn thể thao quốc tế đã có quá trình công tác thâm niên và uy tín (với danh nghĩa cá nhân), đến 31/12/2007 tổng số thành viên sẽ là 130 thành viên. Mọi thành viên IOC đã phục vụ ít nhất 10 năm đến tuổi (70) sẽ phải rút lui và được IOC công nhận là thanh viên danh dự. Thành viên danh dự được mời tham dự các kỳ họp IOC, các kỳ Thế vận hội Olympic, được phát biểu ý kiến tư vấn nhưng không có quyền biểu quyết và bầu cử. Nhiệm kỳ của các thành viên IOC là 8 năm. Điều luật 25: Hội đồng tư cách và tuyển chọn thành viên IOC gồm 7 thành viên của IOC (1 đại diện của các Uỷ ban Olympic quốc gia, 1 đại diện của Liên đoàn thể thao quốc tế, 3 đại diện của IOC và 1 đại diện cho Hội đồng VĐV Olympic). Điều luật 46 về quốc tịch của VĐV:  Một đấu thủ đồng thời mang 2 quốc tịch cả hai nước khác nhau, khi đã lựa chọn đại diện cho một trong các nước đó tham gia thi đấu thi sau 3 năm mới được đại diện cho nước khác tham gia thi đấu. Thời hạn này có thể thay đổi nếu được Ban chấp hành IOC chấp thuận. Điều luật 49 về Luật đăng ký: chỉ có Uỷ ban Olympic quốc gia được IOC công nhận mới có quyền đăng ký cho VĐV nước mình tham gia Thế vận hội, Uỷ ban Olymic quốc gia thực hiện quyền hạn này theo đề nghị đăng ký của Liên đoàn thể thao quốc gia đề xuất. Nếu một nước chưa có Liên đoàn thể thao quốc gia thì việc đăng ký cho VĐV đó sẽ do Uỷ ban Olympic quốc gia nước đó đăng ký theo tiêu chuẩn chuyên môn quy định và được Ban chấp hành IOC và các Liên đoàn thể thao quốc tế chấp nhận. Điều luật 52 về môn thể thao trong chương trình Thế vận hội: đối với một môn thể thao mùa Hè, để đưa vào chương trình thi đấu Thế vận hội mùa Hè cần có 75 nước của 4 châu lục đề nghị đối với nam và 40 nước của 3 châu lục đề nghị đối với nữ. Đối với môn thể thao mùa Đông muốn đưa vào chương trình thi đấu Thế vận hội mùa Đông cần có 25 nước và 3 châu lục đề nghị. Môn thi được IOC chấp thuận 7 năm trước Thế vận hội và không cho phép sửa đổi chương trình thi đấu trong kỳ Thế vận hội này. Các nội dung thi muốn đưa vào chương trình Thế vận hội phải có 50 nước của 3 châu lục đối với nam và 35 nước của 3 châu lục đối với nữ đề nghị và phải được IOC chấp thuận từ 4 năm trước Thế vận hội, không được phép thay đổi trong chương trình thi đấu Thế vận hội này. Điều luật 74 về toà án trọng tài thể thao: bất kỳ một tranh cãi hay khiếu nại nảy sinh trong Thế vận hội đều phải trình lên toà án trọng taì thể thao giải quyết theo luật của Hội đồng trọng tài liên đới.

 

Chịu trách nhiệm nội dung: TS Lê Anh Thơ

Ảnh trong bài
  • Bản tin Phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Thể dục Thể thao số 2/2004