Sáng 20/01/2007, tại Hội trường Xí nghiệp sản xuất dụng cụ TDTT, 181 Nguyễn Huy Tưởng - Thanh Xuân - Hà Nội, Đại hội Cổ đông Công ty cổ phần TDTT Việt Nam lần thứ I đã diễn ra với sự tham dự của đ/c Huỳnh Vĩnh Ái - PCN Uỷ ban TDTT, Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp Nhà nước Uỷ ban TDTT; đ/c Vương Bích Thắng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đ/c Tạ Xuân Lai - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính; đ/c Nguyễn Văn Quân - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; đ/c Nguyễn Văn Bình - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính; đ/c Bùi Duy Nghĩa - Giám đốc Công ty cổ phần TDTT; các nhà đầu tư cùng toàn thể 208 cổ đông của Công ty.
Là Doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Uỷ ban TDTT (còn có Nhà xuất bản TDTT), Công ty cổ phần Thể thao Việt Nam đã áp dụng hình thức cổ phần hoá: giữ nguyên phần vốn Nhà nước và phát hành thêm cổ phiếu. Đến nay, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Công ty đã thu được những thành tựu ban đầu đáng biểu dương. Vì vậy, bên cạnh việc thông qua Điều lệ tổ chức, hoạt động; phương án sản xuất kinh doanh; bầu Hội đồng quản trị, ban Kiểm soát, Bộ máy điều hành Công ty cổ phần và tiến hành các bước sau Đại Hội theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đây còn là dịp tốt để Ban đổi mới doanh nghiệp Nhà nước Uỷ ban TDTT sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá Công ty Thể thao Việt Nam.
Ngày 24 tháng 7 năm 2006, đánh dấu sự kiện quan trọng có tính đột phá trong công tác chuyển đổi thành Công ty cổ phần của Công ty Thể thao Việt Nam khi bán đấu giá thành công 320.500 cổ phần phổ thông ra bên ngoài với giá cao nhất là 11.300 đồng/cổ phần, giá thấp nhất là 10.120 đồng/cổ phần và 287.730 cổ phần ưu đãi cho cán bộ công nhân viên với giá bán bình quân 10.346 đồng/cổ phần. Đồng thời giải quyết số lao động dôi dư theo đúng chế độ quy định của Quỹ lao động dôi dư Bộ Tài chính.
Sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Uỷ ban TDTT trong việc chỉ đạo sát sao từng nội dung công việc, các giải pháp cụ thể và ban hành các văn bản, quyết định để Ban đổi mới Uỷ ban TDTT cũng như Ban đổi mới công ty có căn cứ hoạt động đúng hướng và hiệu quả đã góp phần không nhỏ trong hoạt động sản xuất nói chung và làm nghĩa vụ đầy đủ với ngân sách Nhà nước, đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập cho cán bộ, công nhân viên toàn Công ty.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động Công ty đã gặp khó khăn vì giá trị tài sản doanh nghiệp không nhiều (chiếm gần 40%). Vì vậy, khi tính toán số vốn điều lệ để xác định số lượng cổ phiếu phát hành không nhiều (trong khi Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần chi phối) đã làm hạn chế sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, dẫn đến giá mỗi cổ phiếu không cao, việc huy động bán cổ phiếu lần đầu bị hạn chế; nhà xưởng, máy móc đã lỗi thời, lạc hậu, công nhân chủ yếu làm thủ công; lúng túng trong các khâu chuẩn bị cũng như các bước triển khai, tiến hành các thủ tục theo quy định của Nhà nước... là nguyên nhân khiến Công ty chưa thể tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ khi bước vào thực hiện mô hình mới.
Tin rằng, với việc nâng cao hơn nữa chất lượng sản xuất kinh doanh sau cổ phần hoá, đẩy mạnh việc phát hành thêm cổ phiếu lần 2, kiện toàn bộ máy quản lý... Công ty cổ phần TDTT tiếp tục sẽ có những bước đi vững chắc, mang lại kết quả tích cực, đóng góp đáng kể vào quá trình tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.
NTH