Là Khu Liên hợp Thể thao lớn nhất toàn quốc, sở hữu 2 công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế (SVĐ quốc gia Mỹ Đình và Cung Thể thao dưới nước) cùng hàng loạt hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập huấn, tổ chức thi đấu, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia được đánh giá là một trong những công trình thể thao có quy mô và tầm cỡ của châu lục và thế giới. Được sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo Ngành, năm 2006 Khu Liên hợp thể thao Quốc gia (Mỹ Đình) đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Chiều 25/01, đ/c Huỳnh Vĩnh Ái - PCN Uỷ ban TDTT đã chủ trì buổi họp tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2006 và chương trình công tác năm 2007 của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia. Tham dự buổi họp còn có: đ/c Nguyễn Văn Quân - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; đ/c Nguyễn Hùng Quân - Chánh Văn phòng; đ/c Vũ Trọng Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế; đ/c Hồ Công Kỳ - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính; đ/c Sầm Văn Trường - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đ/c Nguyễn Hữu Thu - Giám đốc Khu liên hợp Thể thao Quốc gia cùng các trưởng phòng, cán bộ của đơn vị.
Bên cạnh việc ghi nhận kết quả đạt được về công tác quản lý, vận hành và khai thác cơ sở vật chất; thực hiện việc phối kết hợp, cộng tác giữa các phòng, ban trong và ngoài cơ quan; phục vụ tốt công tác tập luyện, tập huấn của các CLB, đoàn thể thao, đội tuyển góp phần vào sự thành công của các giải thi đấu quốc gia và quốc tế; đa dạng hoá các loại hình dịch vụ trên cơ sở khai thác lợi thế và tiềm năng sẵn có của công trình (cho thuê bãi đỗ xe, thuê sân tập, mở lớp dạy bơi...)..., PCN Huỳnh Vĩnh Ái còn đặc biệt nhấn mạnh tới công tác bảo trì, bảo dưỡng công trình xây dựng, thiết bị và các cơ sở vật chất khác của Khu liên hợp. Theo PCN đây là công việc rất quan trọng, ảnh hưởng tới chất lượng của các công trình - một trong những yếu tố thiết thực tạo nên bộ mặt của Thể thao Việt Nam.
Năm 2007, trong tổng 42 hạng mục công trình cần bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế, các hạng mục thuộc nhóm công trình xây dựng như: sơn giả đá; trần treo thạch cao; chống thấm mái; lát gạch Terazo, contera; hệ thống cống thoát nước và bể xử lý nước thải... chiếm nguồn kinh phí lớn nhất, ước tính lên tới trên 3 tỷ đồng. Các công trình có chu kỳ bảo dưỡng (âm thanh công cộng, chiếu sáng sân bãi, bảng điện tử..) và các chi phí vật tư, nhiên liệu phục vụ cho việc vận hàng bảo trì cũng rất được chú trọng. Như vậy, chỉ riêng công tác bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế đã chiếm hơn 5 tỷ đồng trong ngân sách dự tính của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia.
Ngoài ra, các báo cáo chi tiết, cụ thể và xác thực về công tác thực hiện kế hoạch dự toán thu chi ngân sách; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; kế hoạch hợp tác - quốc tế; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; công tác Đảng, đoàn thể, quy hoạch đào tạo bỗi dưỡng và chăm lo đời sống cán bộ... của đơn vị năm 2006 cũng đã nhận được sự biểu dương của các thành viên trong buổi họp.
Mặc dù đã phát huy hiệu quả trong việc khai thác các công trình thể thao, song Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia cần có định hướng và biện pháp cụ thể để quảng bá hình ảnh của Khu Liên hợp Thể thao nói chung và SVĐ Quốc gia Mỹ Đình nói riêng. Điều này sẽ góp phần không nhỏ trong mục tiêu thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính theo tinh thần của Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Thịnh Hường