Là tỉnh có trữ lượng "Vàng đen" lớn nhất nước, đồng thời có địa thế quan trọng của vùng Đông Bắc, Quảng Ninh đã góp một phần không nhỏ trong bảng Vàng thành tích của Thể thao Việt Nam trên đấu trường trong và ngoài nước. Với mục đích phát triển sâu rộng phong trào TDTT quần chúng và nâng cao chất lượng thể thao thành tích cao, công tác đào tạo VĐV, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, HLV, trọng tài rất được chú trọng đầu tư. Song, trước những yêu cầu của tình hình mới, khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành TDTT Quảng Ninh cũng đã xác định cho mình hướng đi riêng với những mục tiêu phấn đấu mới. Xây dựng SVĐ lớn nhất vùng Đông Bắc, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể tổ chức các giải thể thao trong nước và quốc tế là một trong những mục tiêu đó.
Sáng 30/01/2007, PCN Uỷ ban TDTT Nguyễn Trọng Hỷ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở TDTT Quảng Ninh về tiến độ xây dựng công trình SVĐ Hồng Gai. Tham dự cuộc họp còn có: đ/c Trần Văn Quỳnh - Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao II; đ/c Nguyễn Hùng Quân - Chánh Văn phòng; đ/c Hoàng Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao I; đ/c Mai Đức Chung - Trưởng bộ môn Bóng đá; đ/c Nguyễn My - Giám đốc Sở TDTT Quảng Ninh cùng Ban thiết kế, tư vấn công trình.
Với sức chứa lên tới 2 vạn chỗ, SVĐ Hồng Gai là công trình lớn nhất trong tổ hợp Khu Liên hợp thể thao của tỉnh. Ngoài các hạng mục công trình chính, gồm: Nhà thi đấu đa năng, Cung Thể thao dưới nước, Khu Liên hợp thể thao này còn có nhiều công trình phụ với hệ thống sân tập phụ, hệ thống sân, vườn, nhà để xe, hệ thống phòng dành cho báo chí, cho VĐV... cũng được thiết kế chi tiết và tiết kiệm nhất.
Tại buổi họp, đ/c Hoàng Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao I và đ/c Mai Đức Chung - những nhà chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các giải Điền kinh, Bóng đá đã đưa ra nhiều ý kiến chuyên môn thiết thực đóng góp cho bản quy hoạch. Theo đó, Ban thiết kế sẽ phải tính toán kỹ lưỡng về kích thước, cự ly, chất liệu các đường chạy, mặt sân cỏ... Nhằm đáp ứng đúng theo tiêu chuẩn của quốc tế. Ngoài ra, hệ thống bảng điện tử, phòng dành riêng cho các thiết bị tính thành tích của VĐV, phòng thay đồ... cũng cần được xem xét cẩn trọng, tránh tình trạng sau khi hoàn thành nhiều thiết bị không sử dụng được hoặc sử dụng không có hiệu quả gây lãng phí như nhiều SVĐ đã gặp phải.
Kết thúc buổi họp, PCN Nguyễn Trọng Hỷ đã ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của tổ thiết kế trong việc xây dựng bản quy hoạch và đưa ra những ý kiến chỉ đạo cụ thể về các vấn đề nêu trên. Đề cập tới tiến độ công trình, PCN nhấn mạnh: "Bên cạnh việc xây dựng các hạng mục công trình chính, nhất thiết phải tiến hành đồng thời việc xây dựng các công trình phụ trợ (sân tập Bóng đá, đường chạy Điền kinh). Như vậy sẽ đảm bảo được chất lượng của các công trình chính (vì chỉ sử dụng cho mục đích thi đấu)". Hơn nữa, cần rà soát, xem xét kỹ lưỡng các hạng mục công trình khác nhằm tiết kiệm được quỹ đất, chuẩn bị đầu tư cho những năm tiếp theo.
Nhân dịp này, PCN Nguyễn Trọng Hỷ cũng đã bày tỏ niềm vui mừng trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh của thể thao quê nhà - Quảng Ninh và ủng hộ cho việc "ra đời" SVĐ Hồng Gai. Qua đây, PCN Nguyễn Trọng Hỷ còn gửi lời chúc sức khoẻ tới toàn thể cán bộ làm công tác TDTT tại Sở và mong muốn UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Uỷ ban TDTT, hỗ trợ để bản quy hoạch xây dựng SVĐ Hồng Gai tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thành và đi vào thực thi.
Như vậy, sau nhiều lần xin ý kiến, có thể nói công trình SVĐ Hồng Gai đã được Ban thiết kế chỉnh sửa tương đối hoàn chỉnh và sẵn sàng cho việc thi công. Tổng kinh phí xây dựng SVĐ ước tính lên tới 400 tỷ đồng. Theo kế hoạch đến cuối năm 2009, Quảng Ninh sẽ có 1 SVĐ lớn nhất khu vực Đông Bắc. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn, góp phần kiện toàn hệ thống cơ sở vật chất của địa phương, phục vụ tốt các nhiệm vụ được giao về công tác tổ chức thi đấu, nâng cao chất lượng các tuyến đào tạo VĐV từ cơ sở và đặc biệt đối với môn thể thao Vua khi Quảng Ninh vừa được thăng hạng lên giải hạng Nhất quốc gia.
NTH