Sau hơn 60 năm hình thành và phát triển, đặc biệt sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh TD,TT đã có nhiều vấn đề chưa phù hợp với tình hình mới, ngành TDTT đã tiến hành xây dựng và trình Chính phủ Luật Thể dục, Thể thao (thay thế cho Pháp lệnh TD,TT). Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XI, Luật TD,TT đã được thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 là một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển ngành TDTT, đánh dấu sự phát triển nhanh, mạnh, đồng thời mở ra cơ hội mới thúc đẩy hơn nữa cho sự phát triển ổn định, toàn diện của nền TDTT nước nhà.
Lãnh đạo Uỷ ban TDTT đã xác định kế hoạch triển khai Luật Thể dục, Thể thao (TD,TT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2007. Nhằm hoạt động một cách hiệu quả, khoa học, ngành TDTT đã xây dựng kế hoạch triển khai Luật TD,TT để phổ biến, hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nội dung của Luật TD,TT giúp các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, HLV, VĐV, trọng tài thể thao và toàn thể nhân dân nắm bắt và nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật. Đồng thời, việc triển khai Luật sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mọi người về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác TDTT, từ đó phát huy trí tuệ và sức mạnh tập thể, thu hút mọi nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển sự nghiệp TDTT.
Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, lãnh đạo Uỷ ban TDTT yêu cầu việc triển khai thực hiện Luật TD,TT phải sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm; phải cụ thể, rõ ràng từng nội dung công việc cần triển khai; công tác tuyên truyền, phổ biến phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp, lựa chọn các hình thức, biện pháp phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đồng thời, cần lồng ghép một cách hợp lý và có hiệp quả với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách chung của Đảng và Nhà nước.
Một trong những nội dung được coi là trọng tâm của kế hoạch này là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TD, TT. Trong đó, tổ chức xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trình Chính phủ sẽ gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với VĐV, HLV và học sinh trường năng khiếu thể thao; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc biệt cho giáo viên, giảng viên TDTT; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao các hoạt động sự nghiệp thể thao cho các đơn vị sự nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT.
Các văn bản QPPL của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT sẽ được xây dựng theo kế hoạch gồm: Quyết định ban hành quy định về trình tự, thủ tục thành lập đoàn thể thao quốc gia, đội thể thao quốc gia; Thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn đánh giá phong trào TDTT quần chúng, Thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn chuyên môn đối với các cơ sở thể thao.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các văn bản QPPL ở địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đóng vai trò quyết định tới việc triển khai luật TD, TT đến cơ sở. Theo kế hoạch, Sở TDTT chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành có liên quan chủ động nghiên cứu đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát các quy định của địa phương về TDTT để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp với Luật TDTT nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản QPPL. Trên cơ sở đó, Sở TDTT có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành có liên quan trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kế hoạch xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của UBND để triển khai thực hiện Luật TD,TT.
Kế hoạch cũng đã nêu rõ, trong năm 2007, các địa phương cần tập trung vào những văn bản điều chỉnh các nội dung: Thực hiện chính sách phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn theo tinh thần Quyết định 100/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao của địa phương theo định hướng Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao quốc gia; Thực hiện chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV, trọng tài, cộng tác viên TDTT; Thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập trong lĩnh vực TDTT; Quản lý nhà nước đối với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT, hệ thống giải thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao tại địa phương.
Nội dung chính của kế hoạch tuyên truyền bao gồm: Sự cần thiết phải ban hành Luật TD,TT; những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật TD,TT so với Pháp lệnh TD,TT; nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các tổ chức, cá nhân được quy định trong Luật. Để thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền đó, kế hoạch đề ra một số giải pháp thực hiện. Trong đó, phải biên soạn tài liệu, tổ chức các Hội nghị triển khai phổ biến, quán triệt, tập huấn Luật TD,TT ở trung ương, ở địa phương. Ngoài ra, việc xây dựng chuyên mục, đưa tin, viết bài tuyên truyền về Luật TD,TT trên các phương tiện thông tin đại chúng (đặc biệt tại các cơ quan tuyên truyền của ngành TDTT: Báo Thể thao Việt Nam, Website Uỷ ban TDTT, Tạp chí Thể thao) cũng đã được đề cao và đưa vào trong kế hoạch.
Linh Giang