Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái làm việc với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái đã giải trình những nội dung chính cần tiếp thu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua. Bộ trưởng đã trình bày 10 nội dung, bao gồm: Cách thiết kế chương, điều của Dự án; Chính sách phát triển thể dục, thể thao; Giải thích từ ngữ; Cá cược hợp pháp trong hoạt động thể thao; TD, TT cho mọi người; Thể thao thành tích cao; Thể thao chuyên nghiệp; Cơ sở Thể thao; Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TD, TT và các điều khoản thi hành.

Sau khi Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Thể dục, Thể thao (TD, TT) kết thúc; trên cơ sở ý kiến đóng góp của 21 đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo Dự án Luật TD, TT đã bước đầu nghiên cứu và dự kiến các hướng tiếp thu ý kiến, nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật TD, TT. Ngày 29/8/2006 Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái tiếp tục làm việc với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái đã giải trình những nội dung chính cần tiếp thu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua. Bộ trưởng đã trình bày 10 nội dung, bao gồm: Cách thiết kế chương, điều của Dự án; Chính sách phát triển thể dục, thể thao; Giải thích từ ngữ; Cá cược hợp pháp trong hoạt động thể thao; TD, TT cho mọi người; Thể thao thành tích cao; Thể thao chuyên nghiệp; Cơ sở Thể thao; Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TD, TT và các điều khoản thi hành.

Sau khi nghe giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái, các đại biểu đã tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm đưa ra kết luận cuối cho những vấn đề giải trình đó. Trong số các vấn đề được đề cập đến, cá cược hợp pháp thể thao là vấn đề được thảo luận sôi nổi, đa số ý kiến đồng tình với việc cần quy định có tính nguyên tắc về việc cho phép cá cược thể thao vào Luật TD, TT. Tuy nhiên, theo điều 148 của Luật Hình sự thì đây lại là một hình thức đánh bạc. Hơn nữa, Dự án cá cược thể thao (trước mắt là cá cược bóng đá) đang trình Chính phủ và hiện nay vẫn chưa có kết luận. Do đó, loại bỏ vấn đề này khỏi luật và khi Dự án được phê duyệt thì Chính phủ sẽ ban hành Nghị định (phải qua Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội) có lẽ được coi là phương án khả thi.

Có ý kiến đề nghị phải cụ thể hoá hơn nữa chính sách đối với VĐV sau khi thôi tập luyện. Tuy nhiên, nếu đưa cụ thể vấn đề này vào luật thì khó giải quyết triệt để. Mà thực tế đã có một số chính sách đối với VĐV đạt đẳng cấp Kiện tướng sẽ được vào thẳng các trường Đại học, Cao đẳng TDTT và VĐV đạt Cấp I sẽ được điểm 10 môn thi năng khiếu khi dự thi vào trường. Ngoài ra, Uỷ ban Thể dục Thể thao cũng đang tiến hành xây dựng chính sách đãi ngộ đối với các VĐV, HLV TDTT có tài năng, có nhiều cống hiến cho đất nước để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, các chính sách đối với VĐV, HLV sẽ không đề cập cụ thể trong luật mà được thể hiện ở các văn bản pháp luật dưới luật.

Xung quang vấn đề tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TD, TT, có ý kiến cho rằng, không nên quy định việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TD, TT tránh tình trạng các hội chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước (vì các hội này hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính). Thế nhưng, trong thực tế, đa số các liên đoàn, hiệp hội chưa thể có sự độc lập về tài chính. Trước thực trạng đó, để giúp các tổ chức này bước đầu hoạt động, gây dựng phong trào nhằm từng bước phát triển thì cần được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, điều này sẽ không có lợi cho các liên đoàn, hiệp hội thể thao của Việt Nam trong các quan hệ quốc tế (liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế là tổ chức xã hội hoạt động độc lập với cơ quan quản lý nhà nước). Như vậy, việc soạn điều luật về vấn đề này làm sao vừa đảm bảo thuận lợi cho các liên đoàn, hiệp hội trong quan hệ quốc tế lại vừa đảm bảo hoạt động trong nước thực hiện tốt là điều cần được Ban soạn thảo cân nhắc, sáng tạo để điều luật được phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác cũng đã được các đại biểu thảo luận. Các thành viên tại buổi họp đã thống nhất phần giải thích từ ngữ sẽ thực hiện theo nguyên tắc: chỉ giải thích những thuật ngữ khi sử dụng chúng trong luật và ngoài xã hội lại mang ý nghĩa khác nhau. Cụm từ "thể dục, thể thao cho mọi người", "thể dục, thể thao quần chúng" hay "thể dục, thể thao cộng đồng" cũng được thảo luận để lựa chọn sử dụng cụm từ nào. Các cụm từ đó đều có nghĩa như nhau và chỉ khác về câu chữ nên cũng không ảnh hưởng đến nội dung khi lựa chọn từ sử dụng. Một số khoản về các vấn đề như: cơ sở vật chất trong trường học, bố trí giáo viên trong trường học, các chế độ đối với VĐV... cũng được điều chỉnh phù hợp.

 

Hồng Xiêm


Ảnh trong bài
  • Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái làm việc với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng