Khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc

Đề cương Đề án chia thành 8 phần phác thảo rõ nét về tính cấp thiết, mục tiêu, đối tượng, nội dung cũng như các giải pháp thực hiện Đề án. Trong đó nội dung chủ yếu của Đề án sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính: khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc; xây dựng cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu.

Trong thời điểm hiện nay, việc đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Rất nhiều văn bản, chính sách, quyết định của Thủ tướng đã được ký như chương trình 135 giai đoạn 1 và 2, chương trình xoá đói, giảm nghèo, chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã người dân tộc thiểu số…nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Đứng trước thực trạng đó cũng như nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số muốn khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, Bộ trường Nguyễn Danh Thái - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT đã ký Quyết định số 949/QĐ-UBTDTT ngày 25/05/2006 về việc thành lập Ban soạn thảo Đề án phát triển thể dục thể thao vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn.

Nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng Đề án, chiều 13/4, tại Uỷ ban TDTT đã diễn ra buổi họp giữa các thành viên trong Ban soạn thảo Đề án. Buổi họp được thực hiện dưới sự chủ trì của Phó chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Huỳnh Vĩnh Ái. Các thành viên đã nghe ông Lê Anh Thơ, Vụ trưởng Vụ Thể thao Quần chúng trình bày bản đề cương Đề án. Theo đó, đề cương chia thành 8 phần phác thảo rõ nét về tính cấp thiết, mục tiêu, đối tượng, nội dung cũng như các giải pháp thực hiện Đề án. Trong đó nội dung chủ yếu của Đề án sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính: khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc; xây dựng cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu.

Đây là một đề án có phạm vi tương đối rộng nên việc quản lý, đầu tư sẽ gặp không ít khó khăn chính vì vậy cần phải xem xét kỹ lưỡng nhằm đưa ra giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả cao nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số, tránh những lãng phí không cần thiết. Do vậy, bản đề cương đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên trong buổi họp. Phần lớn các ý kiến đều nhất trí lấy tên gọi là Đề án "Hỗ trợ việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2007 - 2010" và nên tập trung hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo vùng, miền. Có như vậy việc quản lý cơ sở vật chất sau khi đầu tư sẽ dễ dàng và mang lại kết quả cao hơn.

Kết luận tại buổi họp, PCN Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: "Đây là một việc làm cấp thiết vì vậy tất cả các thành viên có liên quan phải tập trung, nỗ lực để sớm hoàn thành Đề án trình Chính phủ phê duyệt."

V.A

 

Ảnh trong bài
  •  Khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc