Không phải chỉ là chuyện "cơm - áo - gạo - tiền"
Ngay từ đầu buổi gặp mặt, cách đặt vấn đề của ông Đặng Ngọc Tuấn - Giám đốc Trung tâm HLTTQG I đã khiến cho không khí buổi gặp mặt trở nên thân mật và thoái mái. Thường thì những cuộc gặp tương tự thế này, Ban tổ chức hay "chiếm" diễn đàn nhưng cuộc gặp lần này thì khác. Sau những thủ tục cần thiết, Bộ trưởng nêu ngắn gọn yêu cầu, trọng tâm nội dung cuộc gặp mặt và đề nghị các HLV trưởng phát biểu. Có 11 ý kiến của HLV trưởng các đội tuyển Điền kinh, Wushu, Karatedo, Thể dục dụng cụ, Billiards & Snooker, Canoeing, Cầu mây... trong đó có ý kiến của HLV, chuyên gia Bắn súng người Trung Quốc và HLV Quyền Anh người Cu Ba. Có 8 ý kiến của các VĐV đại diện cho các môn Bắn súng, Wushu, Thể dục dụng cụ, Điền kinh, Judo. Hầu hết các ý kiến đều xoay quanh vấn đề "cơm-áo-gạo-tiền". Chẳng hạn như ý kiến của ông Nguyễn Đức Uýnh (HLV trưởng đội tuyển Bắn súng): "Cần mua 300 ngàn viên đạn và 4 khẩu súng loại mới" (vì luật mới thay đổi); hay ý kiến của HLV Nguyễn Văn Thắng (Canoeing) cần mua máy tập bổ trợ, mua đồng hồ xác định tốc độ...; nhiều ý kiến đề nghị nên tăng chế độ tiền công, tiền lương; chế độ bảo hiểm cho VĐV; chế độ dinh dưỡng trong quá trình tập huấn; chế độ điều trị chấn thương trong quá trình tập luyện; trang thiết bị cho tập luyện, cho đi nước ngoài tập huấn tăng mức độ cọ xát nhiều hơn…
Theo thống kê, có khoảng 15 ý kiến xung quanh vấn đề "cơm - áo - gạo - tiền" đều là những ý kiến thẳng thắn, cần thiết nhằm phục vụ cho một đội tuyển hoặc cho cả Trung tâm huấn luyện. Để từng bước thoả mãn các đề nghị này là một việc không quá khó. Tất cả đều trong "tầm ngắm" của các nhà chức trách.
Nhưng, cái khó là gì?
Trong 19 ý kiến đề xuất thì, các ý kiến của ông Hà Khả Luân (HLV đội tuyển Cầu Mây), Phạm Quốc Trọng (HLV đội tuyển Karatedo) và ý kiến của chuyên gia Bắn súng Trung Quốc, ông Lý Trung Kỳ được mọi người tâm đắc nhất. Ba ý kiến này đều tập trung vào 3 vấn đề lớn đang được chúng ta quan tâm: đó là vấn đề học văn hoá (cho VĐV) và đại học (cho HLV); việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác huấn luyện; cuối cùng là vấn đề giải quyết đầu ra cho VĐV sau khi nghỉ thi đấu. Ông Trọng phân tích "Phải xác định HLV và VĐV các môn thể thao là một nghề và muốn họ gắn bó với nghề nghiệp của mình thì họ phải có tích luỹ, bởi theo chế độ hiện hành, sau khi "hết thời" thì cả HLV và VĐV đều trắng tay. Ông Trọng cũng ghi nhận rằng, HLV và VĐV đều có chế độ tiền thưởng (tuy chưa cao) song số tiền thưởng được nhận khi đạt huy chương chưa đủ trang trải cho việc học văn hoá (cho VĐV), đại học (cho HLV). Bởi, thường thì các HLV và VĐV phải học bù sau thời gian tập huấn. Theo ý kiến của chuyên gia Bắn súng Trung quốc - ông Lý Trung Kỳ - thì công tác đào tạo, huấn luyện phải tiến hành một cách đồng bộ và khoa học. Nếu không có sự hỗ trợ tích cực của khoa học công nghệ thì thành tích không thể ổn định được.
Bộ trưởng giải quyết như thế nào?
Sau ý kiến phát biểu của ông Nguyễn Hồng Minh (Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao I), ông Tạ Xuân Lai (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính), ông Đặng Ngọc Tuấn (Giám đốc Trung tâm HLTT QG I), Bộ trưởng phát biểu và chia các ý kiến của HL, VĐV thành 4 nhóm vấn đề cần phải giải quyết gồm: chế độ chính sách; trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu; học văn hoá, học đại học và cuối cùng là đầu ra cho VĐV. Đối với các nhóm vấn đề trong phạm vi, trách nhiệm của mình, Bộ trưởng đồng ý và giao cho các Vụ chức năng phối hợp tổ chức thực hiện ngay, đáp ứng nhu cầu tập huấn, còn các vấn đề liên quan đến các Bộ, ban, ngành của Trung ương, Bộ trưởng hứa sẽ báo cáo Chính phủ để sớm giải quyết. Trong các vấn đề được nêu, Bộ trưởng tập trung phân tích và nhấn mạnh việc điều trị chấn thương cho VĐV không chỉ là nghĩa vụ, là trách nhiệm mà còn thể hiện tính nhân đạo, đạo lý "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta. Công tác học tập (học văn hoá đối với VĐV, học đại học đối với HLV) cũng được Bộ trưởng hết sức quan tâm. Bộ trưởng đồng ý cho mở 2 lớp học (theo hình thức cấp chứng chỉ học phần) và 1 lớp đại học tại chức ngay tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I.
Hiện nay, công tác chuẩn bị cho SEA Games 23 đang rất khẩn trương, các đội tuyển đã và đang tích cực tập luyện nhằm đạt kết quả cao nhất. Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm và mong muốn Thể thao Việt Nam gặt hái thêm nhiều thành công mới. Cuộc gặp gỡ lần này là một trong nhiều biện pháp nhằm giải tỏa về mặt tâm lý cho các VĐV, tháo gỡ nỗi lo về mặt quản lý cho các nhà cầm quân và quan trọng hơn đó là liều thuốc "kích thích" có hiệu quả, là nguồn động viên tinh thần, vật chất không chỉ cho các đội tuyển đang tập huấn mà còn là bài học quý trong công tác quản lý và chỉ đạo cho các Vụ chức năng của ngành.
Mong rằng Bộ trưởng sẽ có nhiều chuyến thăm và gặp mặt như thế!
Theo Tạp chí Thể thao