Vấn đề dinh dưỡng cho VĐV: Bài toán khó giải

Nhằm tập trung góp ý cho 2 vấn đề chính là chế độ dinh dưỡng đối với HLV, VĐV trong thời gian tập luyện, thi đấu và phân loại trình độ VĐV, đ/c Vũ Trọng Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã chủ trì buổi họp về Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật TD,TT vào sáng nay (4/5) tại trụ sở Uỷ ban TDTT.

Nhằm tập trung góp ý cho 2 vấn đề chính là chế độ dinh dưỡng đối với HLV, VĐV trong thời gian tập luyện, thi đấu và phân loại trình độ VĐV, đ/c Vũ Trọng Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã chủ trì buổi họp về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số quy định tại Điều 32, 33 của Luật TD,TT vào sáng nay (4/5) tại trụ sở Uỷ ban TDTT. Thành phần tham dự gồm 17 đ/c là lãnh đạo, đại diện các Vụ, Liên đoàn, Hiệp hội, bộ môn cùng các thành viên trong Ban soạn thảo và tổ biên tập.

Theo đ/c Hoàng Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ thể thao thao thành tích cao I: "Trong Quyết định dự thảo trình Thủ tướng chưa nêu rõ về vấn đề dinh dưỡng cho VĐV. Đây là một nội dung rất quan trọng nên cần cụ thể, chi tiết theo nhu cầu của từng loại hình môn thể thao, theo đặc điểm lứa tuổi, giới tính, trình độ cũng như đặc điểm của địa phương - nơi VĐV đó tập luyện". Ý kiến đưa ra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số các thành viên trong buổi họp.

Những nhà chuyên môn cho rằng VĐV ở môn Cử tạ, Thể hình, Thể dục dụng cụ... không thể có chế độ ăn như các VĐV ở môn Cờ vua hay Bắn súng. Bởi lẽ, những môn thể thao đòi hỏi sự vận động cơ bắp nhiều sẽ tiêu tốn năng lượng Calo hơn các VĐV thuộc nhóm môn thể thao tĩnh. Điều đó hoàn toàn chính xác và khi xây dựng Quyết định trình Thủ tướng, Ban soạn thảo sẽ lưu ý tới yếu tố này nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp và mang tính khoa học.

Đề cập tới vấn đề phân loại trình độ VĐV để hưởng theo các chế độ tương ứng, có ý kiến cho rằng việc phân loại trình độ VĐV theo đẳng cấp (KT, DBKT, CI) mà Ngành TDTT vẫn áp dụng là hoàn toàn phù hợp nhưng cũng có những ý kiến không đồng tình vì như thế là chưa thoả đáng. VĐV, HLV là những người trực tiếp làm rạng danh nền thể thao Việt Nam trên bản đồ thế giới, họ xứng đáng được nhận những danh hiệu cao quý hơn như VĐV xuất sắc, xuất sắc có triển vọng... Một số khác lại thống nhất với dự thảo là nên phân loại trình độ VĐV theo thành tích mà VĐV đó đạt được qua các giải đấu như: VĐV xuất sắc là VĐV phá kỷ lục hoặc đạt được huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại giải thi đấu thể thao ở Thế vận hội Olympic, ASIAD, các giải thể thao vô địch thế giới, vô địch Châu Á trong chương trình thi đấu Olympic.

Vấn đề đặt ra là việc phân loại như vậy đã hợp lý chưa? thành tích xuất sắc của các VĐV Cầu mây tại ASIAD 15 vừa qua là một ví dụ điển hình. Cầu mây không phải là môn thể thao của Olympic nhưng họ lại đem vinh quang về cho đất nước. Vậy đó có phải là VĐV xuất sắc không, có xứng đáng được hưởng các chế độ đãi ngộ như các VĐV khác không? Câu hỏi của đ/c Nguyễn Kim Lan - Trưởng Bộ môn Thể dục được nêu ra trong buổi họp.

Sau 3h làm việc, buổi họp đã thu nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp song chưa thống nhất một phương án nào. Chế độ dinh dưỡng và phân loại trình độ VĐV là những vấn đề quan trọng, cần có thời gian để các cơ quan liên quan bàn bạc, góp ý giúp Ban soạn thảo hoàn thành Quyết định trình Chính phủ nhằm ban hành một Quyết định thoả đáng nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các Liên đoàn, hiệp hội, địa phương đầu tư hợp pháp cho các VĐV.

NTH 
 

Ảnh trong bài
  • Vấn đề dinh dưỡng cho VĐV: Bài toán khó giải