Từ nay đến SEA Games 24 và ASIAN Indoor Games II không còn xa, việc xây dựng bộ khung cũng như chi tiết thành phần của đoàn Thể thao Việt Nam tham dự 2 sự kiện trọng đại này đã trở thành tâm điểm buổi làm việc giữa lãnh đạo Uỷ ban TDTT với các lãnh đạo Trung tâm HLTT QG I, II, III do đ/c Nguyễn Trọng Hỷ - PCN Uỷ ban TDTT chủ trì. Buổi họp còn có sự tham dự của các đ/c lãnh đạo, đại diện Vụ thể thao thành tích cao I, II và Vụ Kế hoạch Tài chính... Theo đó, các vấn đề liên quan tới chế độ dinh dưỡng; đăng ký chỉ tiêu tại SEA Games 24, ASIAN Indoor Games II; xây dựng đối tượng, thời gian, quy trình sử dụng thuốc bổ cho VĐV, tập huấn và mua trang thiết bị đã được các Giám đốc Trung tâm HLTT QG trình bày rất kỹ lưỡng.
Đ/c Phạm Ngọc Viễn - Giám đốc Trung tâm HLTT QG I cho biết: "Hiện nay với quân số lên tới hơn 800 VĐV của 50 đội tuyển, tình trạng quá tải về số lượng VĐV tập huấn tại Trung tâm HLTTQG I đã trở thành vấn đề hết sức lo ngại đối với Ban lãnh đạo. Có nhiều đội tuyển tới Trung tâm tập huấn ngay từ những ngày đầu năm, kéo dài quá trình ăn, ở lên mấy tháng cùng số lượng đông như đội tuyển Vật (lên tới 100 người) đã gây lên không ít khó khăn trong công tác quản lý cũng như theo dõi chế độ ăn uống, tập luyện của VĐV".
Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm gần đây, một mặt khẳng định uy tín của Trung tâm trong công tác đào tạo VĐV cấp cao cho Ngành, hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư tương thích với yêu cầu, nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác đào tạo, song mặt khác, sự quá tải về số lượng đội tuyển tập huấn đã khiến một số hạng mục công trình, trang thiết bị tập luyện của Trung tâm xuống cấp trầm trọng cần được tu sửa, bảo dưỡng và xây mới. Trong thời gian tới để đảm bảo tốt cho việc phục vụ các đội tuyển cũng như nâng cao chất lượng chuyên môn cho các VĐV tham dự SEA Games 24 và ASIAN Indoor Games II thì việc giảm thiểu số lượng VĐV tập huấn tại đây là điều cấp thiết.
Bên cạnh đó, với chỉ tiêu đạt 11 HCV (gồm 17 đội tuyển Quốc gia, 9 đội tuyển trẻ với hơn 200 VĐV) tại SEA Games 24, đ/c Lâm Quang Thành - Giám đốc Trung tâm HLTT QG II đã nêu lên sự cần thiết trong việc sử dụng thuốc (một loại dinh dưỡng thực phẩm cao cấp, không phải là Doping) và các biện pháp hồi phục nhanh cho các VĐV trước thời gian thi đấu. Thêm vào đó, ý tưởng xây dựng một khu Spa với đầy đủ trang thiết bị hiện đại cho VĐV có thể thư giãn, phục hồi sức lực sau những buổi tập luyện với cường độ lớn ngay tại Trung tâm đã được Ban lãnh đạo ấp ủ từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí.
Còn đối với Trung tâm HLTT QG III, hiện có khoảng 150 VĐV đang tập huấn, trong đó chỉ có 6 VĐV Quốc gia còn lại đều là các VĐV trẻ nhưng Ban lãnh đạo đã đặt ra chỉ tiêu đạt 3 HCV tại SEA Games 24. Điều này khiến một số ý kiến cho rằng như vậy là quá "mạo hiểm". Tuy nhiên, đ/c Lê Tấn Đạt - Giám đốc Trung tâm HLTT Quốc gia III lại rất tự tin với con số đó; bởi lẽ tất cả những VĐV Điền kinh số 1 của cự ly trung bình - dài như: Đỗ Thị Bông, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương, Trần Văn Thắng, Nguyễn Văn Hân đều "đóng quân" tại đây. Hơn nữa, nếu được đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện (giày tập, sân bãi, dụng cụ..) chắc chắn các VĐV này sẽ còn đạt được thành tích cao hơn nữa.
Kết thúc buổi họp, PCN Nguyễn Trọng Hỷ đã đưa ra những ý kiến mang tính định hướng với giải pháp đưa các VĐV thuộc đội tuyển trẻ về địa phương tập luyện trong thời gian tới để giảm thiểu tình trạng quá tải tại Trung tâm HLTT QG I; Viện Khoa học TDTT phối hợp với các Trung tâm HLTT QG, các HLV trưởng và VĐV để xây dựng chi tiết quy trình sử dụng thuốc nhằm đạt hiệu quả huấn luyện cao nhất; Ưu tiên mua sắm các trang thiết bị trực tiếp phục vụ cho nhu cầu tập luyện của từng đội tuyển... Đặc biệt, PCN nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác rà soát, đánh giá lực lượng VĐV nhằm đăng ký chính xác chỉ tiêu thành tích tại SEA Games 24 và ASIAN Indoor Games II, chậm nhất đến ngày 25/5 các Trung tâm phải trình lãnh đạo Uỷ ban TDTT về bản danh sách này.
NTH