Năm 2020, Việt Nam sẽ có một Trung tâm đào tạo và huấn luyện VĐV mang tầm cỡ quốc tế

Mục tiêu của Trung tâm HLTT Quốc gia I đến năm 2020 sẽ trở thành một Trung tâm đào tạo, huấn luyện VĐV mang tầm cỡ quốc tế, với sự ra đời của nhiều môn thể thao hiện đại (Bắn đĩa bay, Đua xe đạp địa hình, Thể dục nghệ thuật....) Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay nằm ở hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho tập luyện. Chính vì vậy xây dựng quy hoạch chi tiết về hệ thống cơ sở vật chất của Trung tâm là điều hết sức cấp thiết và mang tính chiến lược lâu dài.

Mục tiêu của Trung tâm HLTT Quốc gia I đến năm 2020 sẽ trở thành một Trung tâm đào tạo, huấn luyện VĐV mang tầm cỡ quốc tế, với sự ra đời của nhiều môn thể thao hiện đại (Bắn đĩa bay, Đua xe đạp địa hình, Thể dục nghệ thuật....) Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay nằm ở hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho tập luyện.

Chính vì vậy xây dựng quy hoạch chi tiết về hệ thống cơ sở vật chất của Trung tâm là điều hết sức cấp thiết và mang tính chiến lược lâu dài. Hơn nữa, quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất của Trung tâm HLTT Quốc gia cũng nằm trong chương trình quy hoạch chung của ngành TDTT (sẽ trình Chính phủ trong năm nay) nên rất cần sự đóng góp ý kiến của lãnh đạo các Vụ, đơn vị. Buổi họp sáng 30/6, tại Uỷ ban TDTT do đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái - Phó chủ nhiệm chủ trì không ngoài mục đích đó.

Theo báo cáo của ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm HLTT Quốc gia I: hiện nay, Trung tâm có 4 khu, trong đó có 3 khu đã đưa vào sử dụng và hoạt động có hiệu quả. Gồm khu A: Nằm trên khu đất cũ, nay mở rộng thành 15 ha, có sức chứa 450 người, phục vụ cho công tác tập huấn cho các môn: Bắn súng, Điền kinh, các môn Bóng, Boxing và Vật; Khu B: Có diện tích 2 ha, nằm trên địa bàn xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội có sức chứa 300 người, là khu tập huấn cho các môn: Bơi, Lặn, các môn Võ, Cử tạ, Thể dục, Bơi lội; Khu C: có diện tích 11 ha nằm trên địa bàn thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (Khu này chưa quy hoạch xây dựng); Khu D có diện tích 2 ha nằm tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, có sức chứa trên 100 người. Đây là khu giành cho các đội tuyển tập dã ngoại và nghỉ ngơi.

Tuy hiên, do vị trí địa lý nên việc quy hoạch cũng như sử dụng các công trình, hạng mục của 3 khu này còn tản mạn. Qua nhiều năm đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất của chúng đã cũ, bị hao mòn nhiều cần được duy tu và bảo dưỡng. Thậm chí, có những công trình xây dựng xong không sử dụng được nằm trong tình trạng “đắp chiếu” rất lãng phí. Phần đông các ý kiến trong buổi họp đều nhất trí với phương án xây dựng cơ sở vật chất cho cả 4 khu theo hướng chuyên môn hoá, phù hợp với đặc thù của từng môn thể thao. Song trong giai đoạn trước mắt phải ưu tiên cho việc xây dựng Trung tâm Y học để điều trị chấn thương và phục hồi thể lực cho các VĐV.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi họp, đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái – Phó chủ nhiệm nhấn mạnh: Quy hoạch phải cụ thể và tính đầy đủ tới các phương án phát sinh. Có nghĩa là phải có cái nhìn tổng quát, lâu dài để tránh lãng phí song vẫn đảm bảo phục vụ tốt các nhiệm vụ cũng như thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển của Trung tâm. Khi xây dựng quy hoạch nên tham khảo, học hỏi cách làm của các nước bạn nhằm tiết kiệm quỹ đất một cách tối đa khi việc xin đất và giải toả đền bù gặp nhiều khó khăn.

Tin rằng, với việc kiện toàn hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ hiện đại sẽ đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo VĐV của Trung tâm HLTT Quốc gia I, góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.
 

NTH

Ảnh trong bài
  • Năm 2020, Việt Nam sẽ có một Trung tâm đào tạo và huấn luyện VĐV mang tầm cỡ quốc tế