Viện khoa học TDTT với Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đến năm 2020

Nằm trong chương trình quy hoạch chung của toàn ngành, sáng 30/6, tại Uỷ ban TDTT, đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái – Phó chủ nhiệm đã chủ trì buổi họp Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất của Viện Khoa học TDTT. Cùng tham dự còn có các đồng chí lãnh đạo Vụ, đơn vị chức năng.

Nằm trong chương trình quy hoạch chung của toàn ngành, sáng 30/6, tại Uỷ ban TDTT, đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái – Phó chủ nhiệm đã chủ trì buổi họp Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất của Viện Khoa học TDTT. Cùng tham dự còn có các đồng chí lãnh đạo Vụ, đơn vị chức năng.

Nội dung của buổi họp là bàn về quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của Viện Khoa học TDTT, nhưng vấn đề thu hút sự quan tâm của các thành viên tới dự lại là thực trạng đội ngũ cán bộ của Viện khoa học hiện nay. Tưởng chừng 2 lĩnh vực này không liên quan tới nhau nhưng trên thực tế thì việc nắm rõ thực trạng đội ngũ cán bộ là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Là cơ quan khoa học công nghệ đứng đầu ngành TDTT nên Viện khoa học TDTT được đầu tư những máy móc, thiết bị rất hiện đại (máy quay phim công nghệ cao 2D – 3D, các thiết bị đánh giá tim mạch, hô hấp và tiêu hao năng lượng, về cấu tạo sợi cơ, thần kinh cơ…) nhưng số người biết sử dụng chúng rất ít và sử dụng thành thạo lại càng “hiếm hoi”. Nhiều trang thiết bị được mua về nhưng lại không có người biết sử dụng nên vẫn trong tình trạng “nguyên tem”. Vì vậy vấn đề đặt ra khi quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật cần tính kỹ tới các yếu tố trên để tránh tình trạng lãng phí, không thiết thực.

Trên quan điểm của Viện Khoa học TDTT: Tập trung đầu tư công nghệ cao phục vụ nâng cao thành tích, phát triển Y học thể thao. Đồng thời chú trọng đầu tư các phương tiện kỹ thuật, dụng cụ đơn giản cho việc đánh giá sức khoẻ và thể chất nhân dân, ông Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao I cho rằng: ưu tiên hàng đầu phải giành cho Bệnh Viện thể thao (có diện tích 13.200m2 tại Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) và xây dựng Trung tâm kiểm tra Dopping. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho 2 công trình này sẽ rất có lợi về mặt kinh tế. Vì khi Bệnh viện thể thao đi vào hoạt động, ngoài phục vụ đối tượng chính là VĐV bệnh viện còn có thể tiếp nhận chữa trị cho các đối tượng khác. Còn xây dựng Trung tâm kiểm tra Dopping không những tiết kiệm về mặt kinh phí lấy mẫu và xét nghiệm (hiện nay tại Việt Nam chỉ có thể thực hiện lấy mẫu thử mà chưa có đủ điều kiện để tiến hành xét nghiệm. Mỗi lần có giải đấu lớn đều phải gửi mẫu ra nước ngoài xét nghiệm rất tốn kém và mất nhiều thời gian) mà còn mở ra những hướng nghiên cứu mới mang tính đột phá, phục vụ cho việc nâng cao thành tích của VĐV.

Ngoài ra, các thành viên trong buổi họp còn góp ý về phương án chuyển nhượng địa điểm, sắp xếp vị trí các phòng, ban chức năng cho hợp lý, nội dung công việc cho từng giai đoạn cụ thể…

Kết thúc buổi họp, ông Lê Quý Phương - Viện trưởng Viện khoa học TDTT đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của các thành viên và cho biết: Trong những năm qua, với việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, Viện khoa học TDTT đã phát huy tốt vai trò nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng thành quả của công nghệ cao trong công tác đào tạo, huấn luyện VĐV. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của ngành thì việc tiếp tục đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật là hoàn toàn đúng đắn. Song yêu cầu đặt ra với tập thể cán bộ Viện Khoa học TDTT là phải không ngừng cố gắng, nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn cũng như tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại để ứng dụng một cách có hiệu quả trong công tác nghiên cứu của mình, góp phần thúc đẩy thể thao nước nhà phát triển vững mạnh .
 

NTH
 

Ảnh trong bài
  • Viện khoa học TDTT với Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đến năm 2020