Nhằm có những định hướng rõ ràng cũng như đề ra lộ trình cụ thể trong việc xây dựng các Đề án của ngành TDTT trong năm 2007, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT đã ký Quyết định thành lập Tổ soạn thảo các Đề án của ngành TDTT. Chiều qua (30/05), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Huỳnh Vĩnh Ái đã chủ trì buổi họp với các thành viên trong Tổ soạn thảo nhằm tập trung lấy ý kiến về 2 Đề án của ngành đó là Đề án: Khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi vận động dân gian ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Đề án chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành TDTT.
Các thành viên trong buổi họp đã nghe ông Lê Anh Thơ - Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng trình bày về Đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi vận động dân gian ở vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2007 - 2015. Trong thời điểm hiện nay, các trò chơi vận động dân gian của đồng bào dân tộc đang dần bị mai một, vì vậy việc khôi phục và phát triển các trò chơi này trở thành những môn thể thao dân tộc trong hệ thống thi đấu quốc gia là rất cần thiết. Bởi lẽ các trò chơi vận động dân gian không chỉ là những hoạt động thể dục thể thao mà nó còn mang những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc.
Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu phát triển TDTT, ngành TDTT đã xây dựng Đề án này với mục tiêu tập trung chủ yếu vào việc khôi phục, bào tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc (8 môn: Bắn cung, Đẩy gậy, ...) và các trò chơi vận động dân gian ( 10 môn: nhảy bao bố, đua bò, ném Còn ...) cũng như xây dựng cơ sở vật chất (nhà tập và trang thiết bị) tại trung tâm 45 tỉnh có đồng bào dân tộc (theo Quyết định 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ).
Đề án sẽ tập trung vào đối tượng là các dân tộc thiểu số và mọi người dân sinh sống trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi của cả nước (Theo đánh giá, phân loại của Uỷ ban Dân tộc và Chính phủ có khoảng 10 triệu người ở 11.257 thôn bản, 4.384 xã, 392 huyện, 45 tỉnh). Đây là lần thứ 2 Đề án được đưa ra lấy ý kiến của đại diện các Vụ, đơn vị. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng cần phải kéo dài giai đoạn thực hiện của Đề án đến năm 2015 (theo dự thảo là năm 2010), đồng thời cần phải định hướng cụ thể về đối tượng, phạm vi cũng như mục tiêu cụ thể của Đề án.
Cũng có ý kiến cho rằng nên luật hoá và chuẩn hoá các trò chơi vận động dân gian nói riêng của cả 54 dân tộc thành các môn thể thao dân tộc đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia chứ không chỉ tập trung vào một số môn như theo dự thảo. Tuy nhiên, đây là một việc làm mang tính "dài hơi" cần phải có sự đầu tư, phối hợp của nhiều Bộ, ban, ngành, chính vì vậy, theo PCN Huỳnh Vĩnh Ái, trong giai đoạn hiện nay ngành sẽ tập trung vào các môn, trò chơi trọng điểm như theo dự thảo.
Tiếp đó, các thành viên đã nghe ông Đàm Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm tin học trình bày dự thảo Đề án chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành TDTT. Đây cũng là một trong những Đề án quan trọng của ngành trong năm 2007. Theo báo cáo của ông Đàm Quốc Chính, hiện tại 11 Bộ, ngành (Bộ Giáo dục & đào tạo, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Bưu chính - viễn thông...) đã xây dựng xong Đề án chiến lược phát triển CNTT của ngành mình, do vậy, ngành TDTT cần phải sớm triển khai Đề án này để có những định hướng rõ nét hơn trong việc phát triển CNTT của ngành. Riêng về Đề án này, PCN yêu cầu cần phải nêu rõ tính khả thi của Đề án cũng như mối liên kết về ứng dụng CNTT giữa ngành TDTT với các Bộ, ngành khác. PCN cũng chỉ đạo các Vụ, đơn vị liên quan phải sớm gửi văn bản góp ý cho 2 bản dự thảo của các Đề án trên đến Ban soạn thảo Đề án để sớm hoàn chỉnh và trình Chính phủ phê duyệt.
V.A