Nhớ mãi những ngày ấy.

Những ngày này, toàn ngành TDTT nói chung và tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ Báo Thể thao Việt Nam nói riêng đang hân hoan chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Thể thao Việt Nam. Website Uỷ ban TDTT xin trích đăng bài viết của Nhà báo lão thành Trương Xuân Hùng về những ngày đầu khó khăn nhưng hào hùng chẳng thể nào quên của các bậc tiền bối, đã đặt những viên gạch đầu tiên cho thành công rất đáng tự hào của tờ báo lớn mạnh nhất trong ngành TDTT như lời chúc mừng, tin tưởng nhất.

Những ngày này, toàn ngành TDTT nói chung và tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, cán bộ Báo Thể thao Việt Nam nói riêng đang hân hoan chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Thể thao Việt Nam. Website Uỷ ban TDTT xin trích đăng bài viết của Nhà báo lão thành Trương Xuân Hùng về những ngày đầu khó khăn nhưng hào hùng chẳng thể nào quên của các bậc tiền bối, đã đặt những viên gạch đầu tiên cho thành công rất đáng tự hào của tờ báo lớn mạnh nhất trong ngành TDTT như lời chúc mừng, tin tưởng nhất.

Sau khi Ban Thể dục thể thao trung ương được thành lập (tháng 3/1957), "Báo Thể dục thể thao" được Sở Báo chí trung ương cấp giấy phép số 14/GP ngày 29/4/1957. Ngày 16/6/1957, báo phát hành số đầu tiên ra mắt bạn đọc. Đây là tờ báo ngành đầu tiên ở miền Bắc. Tờ báo do ông Vương Bích Vượng là Chủ bút, ông Đàm Vệ Chính làm Thư ký toà soạn, ông Trần Văn Quý phụ trách nội dung và hai cán bộ Nguyễn Văn Nghĩa, Phạm Thêm thực hiện công tác trị sự - phát hành.

Thời gian đầu, Toà soạn mới có 15 người, làm việc tại 3 phòng nhỏ trong dãy nhà ngang mái ngói cấp 4 (giữa sân cầu lông Uỷ ban TDTT - 36 Trần Phú bây giờ). Tổ phóng viên ở tập thể 105 Nguyễn Trường Tộ gồm có: Phù Thăng, Thương Giang, Trần Nguyên Đào, Phạm Danh Dương, Thanh Tùng, Nguyễn Văn Tỵ, Mai Anh... Lê Chinh, Phan Ngọc, Phùng Bảo Kim, phóng viên ảnh Phan Sang cùng mấy anh chị Trị sự thì ở với gia đình. Còn một số phóng viên khác ở nhà ngay tại Hà Nội như: Trần Can, Đặng Thị Kim Chi, Hoàng Minh Tuệ, Nguyễn Minh Huệ. Tập thể phóng viên đang hồ hởi thể hiện các hoạt động TDTT, nhất là phong trào "Rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn" thì chiều ngày 5/8/1964, máy bay phản lực Mỹ đánh phá Hòn Gai, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình... Cả nước bước vào tình trạng chiến tranh. Ngày 7,8 và 11/2/1965, Mỹ - nguỵ leo thang ồ ạt đánh phá miền Bắc. Trước tình hình đó, ngành TDTT nhanh chóng phải tìm ra hướng hoạt động thích hợp, Báo phải khẩn trương kịp thời phục vụ sự chuyển hướng đó. Tất cả phóng viên lao đi cơ sở nắm bắt tình hình.

Chỉ sau 3 tháng đến với những "vùng nóng", hàng loạt bài phóng sự, ghi chép, ảnh về HLV, VĐV tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lập thành tích xuất sắc như: Trương Thị Khuê - Trưởng ban TDTT xã Vĩnh Thuỷ (Vĩnh Linh), Trần Thị Lý - VĐV Bóng chuyền xã Phú Hải (Quảng Bình), đại đội thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, tập thể Nhà máy Điện Hàm Rồng, đội Bóng chuyền nữ nông trường Sao Vàng (Thanh Hoá) cùng các điển hình xã, nông trường, xí nghiệp ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khu gang thép Thái Nguyên, khu công nghiệp Việt Trì... được giới thiệu lên báo. Những tấm gương anh dũng đó đã góp phần khẳng định: "Chiến tranh càng quyết liệt thì nhân dân ta càng cần phải có TDTT". Phong trào 5 môn: Chạy, Nhảy, Bơi, Bắn, Võ ra đời giữa năm 1965 đã giúp ích cho hàng triệu bộ đội TNXP thêm kỹ năng và sức khoẻ để "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Chi đoàn Báo Thể dục thể thao được Đoàn các cơ quan trung ương tặng Bằng khen "3 sẵn sàng", nhiều phóng viên cũng được công nhận "3 sẵn sàng". Cơ quan sơ tán theo Uỷ ban TDTT lên Viềng - Từ Sơn - Bắc Ninh rồi lên Thắng - Hiệp Hoà (Bắc Giang). Năm 1967 thì chuyển về Me - Lập Thạch - Vĩnh Phúc, được ít tuần lại về Phúc Thọ - Hà Tây rồi tiếp về Song Phương - Đan Phượng. Chỉ mỗi khi học tập chính trị, Nghị quyết thì cánh phóng viên tề tựu về toà soạn còn thông thường, các phóng viên thường trú ở khắp mọi nơi. Trần Nguyên Đào ở vùng mỏ Quảng Ninh, Hà Pha ở Hải Phòng và vùng duyên hải, Phùng Bảo Kim ở các tỉnh miền núi, ở Hải Dương có Hoàng Minh Tuệ, Phạm Danh Dương về Nam Định và Ninh Bình, Thương Giang trụ tại trường Từ Sơn và vùng Hà Tây, Hoà Bình còn Minh Huệ trường ở Toà soạn với các vấn đề "nóng" nhưng cũng đi khắp các tỉnh: Quảng Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng. Đến mùa thu năm 1967, Toà soạn tăng cường thêm các anh Lê Ngọc Phúc, Nguyễn Hùng, Nguyễn Quốc Hùng theo dõi các mảng chuyên sâu các môn thể thao nhưng khi đó cũng có một số cán bộ chuyển công tác.

Trong những ngày nước sôi lửa bỏng này, tập thể Toà soạn đã thể hiện là một khối đoàn kết gắn bó, Chi đoàn thanh niên thân thiết như ruột thịt. Suốt 10 năm chiến tranh phá hoại, cán bộ, phóng viên cơ quan Báo dù xông pha ở nơi hiểm nguy nhưng không phải chịu mất mát nào đáng kể.

Trong những ngày vui mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Thể dục thể thao nay là Báo Thể thao Việt Nam, ôn lại chặng đường hào hùng, cùng nhớ về lực lượng cán bộ ở Báo, đặc biệt những hình ảnh về lớp cán bộ đầu tiên ở Báo: Chủ bút Vương Bích Vượng (1957 - 1962) rất khả tính, vị Chủ bút thứ hai là ông Ngô Luân (1962 - 1967) rất gần gũi và sâu sát với cán bộ; bác Trần Văn Quý cần mẫn, đôn hậu; ông Phan Ngọc thạo nghề; ông Nguyễn Minh Huệ năng nổ; chị nhân viên đánh máy Trần Thị Mỹ chăm chỉ, hiền lành; vợ nhà báo Lê Bách - chị Đinh Thị Phương rất chịu khó, lo chu đáo từng bữa ăn, cơm nóng canh ngọt cho cả cơ quan hồi sơ tán ở Song Phượng; Phạm Thêm là 1 trong số 4 người đầu tiên về Báo ngay từ năm 1957; nắm bắt vấn đề tinh tế và viết sâu sắc là Hà Pha; Trần Nguyên Đào đa tài, văn phong chau chuốt, đằm thắm; ấn tượng bởi sự hóm hỉnh là Phùng Bảo Kim; Nguyễn Hữu Ái là thông tin viên ở Quảng Bình về Báo lúc giai đoạn khó khăn, về sau vào làm chi nhánh trưởng ở Sài Gòn...

Những cán bộ đó dù đã khuất nhưng hình ảnh của họ, bài báo viết ra in lên báo mãi là bàu nhiệt huyết của người làm Báo thể thao chân chính, yêu ngành, yêu nghề. Họ chính là lực lượng chủ đạo xây dựng Báo từ những ngày đầu mới thành lập còn nhiều khó khăn, đã phục vụ đắc lực cho sự nghiệp "trồng người" vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đề ra như là hạt nhân của công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước...

Trương Xuân Hùng

 

Ảnh trong bài
  • Nhớ mãi những ngày ấy.