Đầu xuân trò chuyện với niềm tin.

TDTT Việt Nam có thuận lợi được Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đầu tư, được nhân dân ủng hộ. Nền TDTT của chúng ta có bề dày truyền thống, đạt được nhiều thành tích tốt, đáng biểu dương . Bên cạnh đó, TDTT Việt Nam còn nhiều khó khăn về đổi mới quản lý Nhà nuớc, nâng cao trình độ xã hội hoá TDTT, khoa học- công nghệ, kinh tế dịch vụ. Tri thức và kỹ năng làm TDTT còn hạn chế so với yêu cầu xây dựng nền TDTT hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc

Trước thềm Hội nghị tổng kết ngành TDTT năm 2004, tôi tìm gặp các ông : Giáo sư- tiến sĩ Dương Nghiệp Chí, Viện truởng viện khoa học TDTT; Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ sức khoẻ Ban khoa giáo TƯ và Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Đình Bẩm, Phó hiệu trưởng trường Đại học TDTT I . Không chỉ bởi uy tín, trình độ của cả ba người trong ngành TDTT từ lâu đã được thừa nhận, mà còn bởi như tục lệ của dân tộc, đầu năm, ta hay tìm tới những người lớn tuổi, các bậc cha chú uyên thâm. Trước là để vấn an sức khoẻ, thứ nữa là đến, để được nghe những lời tâm sự, trăn trở của các ông về ngành, nghề. Mùa xuân, mùa sinh sôi nảy nở, mùa của niềm hy vọng, có lẽ vì thế, nên trong câu chuyện với các ông, tôi đã thấy niềm tin vào sự phát triển của ngành TDTT, trong sức vóc đang chuyển biến từng ngày của Đất Nước.
-Đầu tiên, năm mới xin kính chúc các ông sức khoẻ để có thể đóng góp sức mình cho nền TDTT nước nhà trong giai đoạn tới. Là những người được đào tạo và nghiên cứu nhiều năm ở các nuớc có nền TDTT phát triển như Đức, Liên Xô (cũ) và Trung Quốc...xin các ông cho biết những yếu tố cấu thành nên một nền TDTT phát triển?

Giáo sư-tiến sĩ Dương Nghiệp Chí - Chủ yếu có thể kể ra như: TDTT truờng học phát triển tốt, thanh thiếu

Niên học sinh có điều kiện và có thói quen tham gia mọi hoạt động, luyện tập, thi đấu thể dục thể thao. Thông qua TDTT thế hệ trẻ được giáo dục về đạo đức, ý chí, lối sống, dinh dưỡng. Thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng rãi, chất lượng cao, trong đó thể thao giải trí, thể dục tăng cuờng sức khoẻ được phát triển với đầy đủ điều kiện và cơ sở khoa học. Thể thao thành tích cao phát triển xứng đáng với tầm vóc dân tộc, phù hợp với quy luật, trình độ phát triển kinh tế và yêu cầu hội nhập, giao lưu quốc tế. Ngoài ra còn phải có trình độ xã hội hoá thể dục thể thao cao, trong đó chú trọng nâng cao trình độ khoa học- công nghệ thể dục thể thao và phát triển kinh tế, dịch vụ thể dục thể thao.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đình Bẩm : Nền TDTT phát triển có các yếu tố : Tư tưởng chỉ đạo thống nhất, (như ở nước ta có chủ trương đường lối của Đảng về TDTT), từ đó Nhà nước có sự triển khai nhất quán mang đậm tính dân tộc, khoa học, vì nhân dân. Phải có lực lượng cán bộ đông đảo, trung thành với lý tưởng (do Đảng đề ra). Cơ cấu cán bộ TDTT kết hợp giữa chuyên trách và bán chuyên trách, trong đó đội ngũ cán bộ TDTT bán chuyên trách cần phát triển rộng khắp. Cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu tập luyện của nguời dân và những đòi hỏi nâng cao của thể thao thành tích cao. Có phương thức quản lý TDTT thống nhất của Nhà nước, cùng với sự vận hành và nỗ lực của các tổ chức xã hội TDTT khác. Phát triển khoa học TDTT và mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế theo chiều hướng hai bên cùng có lợi.

Tiến sĩ Truơng Anh Tuấn : Trước hết theo tôi, một nền TDTT phát triển là một nền TDTT tạo cho mọi người dân những điều kiện thuận lợi để hưởng thụ các giá trị của TDTT: tham gia các hoạt động TDTT nâng cao sức khoẻ và thể lực, thưởng thức nghệ thuật TDTT ( trực tiếp và gián tiếp), thoả mãn nhu cầu giao lưu văn hoá thể chất, phát triển, tài năng thể thao, tham gia phát triển sự nghiệp TDTT, các tổ chức xã hội về TDTT, các hoạt động dịch vụ và kinh tế TDTT...nói tóm lại là một nền TDTT của dân, do dân và vì dân.

-Xin các ông cho biết đặc điểm riêng của TDTT Việt Nam, khó khăn cũng như thuận lợi của chúng ta trên con đường đưa TDTT- Việt Nam phát triển?

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đình Bẩm: TDTT Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt, thống nhất của Đảng

Cũng như Chính Phủ. Chúng ta đang từng bước xây dựng nền TDTT mới, theo sự vận hành của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (bước đầu). Trong giai đoạn hiện nay TDTT còn có những khó khăn như nhận thức của nhiều cán bộ quản lý và chuyên môn đối với những quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường còn nhiều bỡ ngỡ, cần cố gắng học hỏi nâng cao trình độ. Cơ cấu cán bộ TDTT còn chưa đầy đủ, thiếu cán bộ bán chuyên trách, và những cơ chế chính sách cho loại hình cán bộ này (nhất là cấp cơ sở). Ngoài ra cơ sở vật chất cũng còn thiếu và lạc hậu, chưa thoả mãn hết nhu cầu tập luyện của nhân dân.Cơ sở pháp lý cho TDTT chưa đủ: luật, pháp lệnh, những điều kiện đáp ứng cho việc xã hội hoá TDTT, chế độ chính sách...Nhưng chúng ta cũng có những thuận lợi riêng đó là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển TDTT, tinh thần, thói quen ham thích thể thao của nhân dân Việt Nam.Ý chí vuơn lên, bến bỉ, khắc phục khó khăn cũng là những yếu tố đáng kể của hạt nhân con nguời trong công cuộc nâng cao thành tích cũng như phong trào TDTT ở nước ta.

Tiến sĩ Truơng Anh Tuấn :Thể dục thể thao (văn hoá thể chất) – là một bộ phận của nền văn hoá xã hội, do đó TDTT Việt nam mang những đặc điểm riêng phản ánh rõ nét bản sắc văn hoá thể chất Việt Nam với tinh thần quyết tâm, lòng dũng cảm, năng lực khéo léo dẻo dai. TDTT Việt Nam có những thuận lợi như: trước hết phải kể đến yếu tố văn hoá trong con người Việt Nam. Nước ta là nước có nền văn hiến lâu đời. Con người Việt Nam giàu truyền thống, đặc biệt là tinh thần thượng võ, do vậy người dân Việt Nam ham thích luyện tập TDTT. Đây là yếu tố đặc biệt thuận lợi để thu hút nhân dân và xã hội tham gia phát triển TDTT. Thứ hai phải kể đến sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với TDTT. Có thể nói TDTT là một ngành, một lĩnh vực được Đảng ta, đặc biệt là Bác Hồ kính yêu quan tâm xây dựng ngay từ những ngày đầu thành lập nước. Đảng và Nhà nước ta coi “TDTT là một bộ phận trong chính sách xã hội nhằm chăm lo, bồi dưỡng nguồn lực con người”, ”Phát triển TDTT là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cũng là trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức xã hội và của mỗi người dân. Đường lối đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước đã tạo ra cho TDTT nước ta những thời cơ và động lực phát triển: việc tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngọai theo phương châm đa phương hoá, đa dạng hoá đã tạo điều kiện cho TDTT nước ta có cơ hội mở rộng giao lưu quốc tế, so sánh trình độ thể thao, tiếp thu những thành tựu TDTT tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế để phát triển TDTT. Tiếp nữa phải kể đến đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT, giàu tâm huyết, được đào tạo tốt và đủ năng lực hoàn thành các nhiệm vụ trong các lĩnh vực TDTT.Khó khăn lớn nhất của chúng ta hiện nay là vấn đề quản lý TDTT, trong đó bao gồm: quản lý nhà nước và quản lý xã hội về TDTT. Quản lý nhà nước chậm đổi mới và còn mang nặng tính bao cấp, do đó kết quả thực hiện các chức năng quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa tạo được những hành lang pháp lý thuận lợi để quản lý TDTT theo pháp luật và thu hút, phát huy các tiềm năng, các nguồn lực to lớn từ nhân dân, từ xã hội để phát triển TDTT. .

Giáo sư-tiến sĩ Dương Nghiệp Chí : TDTT Việt Nam có thuận lợi được Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đầu tư, được nhân dân ủng hộ. Nền TDTT của chúng ta có bề dày truyền thống, đạt được nhiều thành tích tốt, đáng biểu dương . Bên cạnh đó, TDTT Việt Nam còn nhiều khó khăn về đổi mới quản lý Nhà nuớc, nâng cao trình độ xã hội hoá TDTT, khoa học- công nghệ, kinh tế dịch vụ. Tri thức và kỹ năng làm TDTT còn hạn chế so với yêu cầu xây dựng nền TDTT hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc.

-Năm 2005 được coi là năm bản lề, đánh dấu sự quyết tâm (đột phá), nâng thành tích TTVN tiến lên tầm châu lục và Thế giới. Xin các ông cho biết, để hiện thực hoá hoài bão đó, chúng ta cần phải làm gì?

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đình Bẩm: Theo tôi, trước nhất chúng ta cần có sự quan tâm đồng bộ của Đảng, Nhà nước, cho mục tiêu nâng cao thành tích Thể thao. Cần những đầu tư về chính sách, tài chính, vật chất cho TT thành tích cao, nhưng cũng cần sự cân đối nhất định đối với việc củng cố, nhân rộng TDTT quần chúng. Chỉ đạo đầu tư có trọng điểm cho những môn Thể thao cá nhân phù hợp với tầm vóc, ý chí, tâm lý của nguời Việt Nam và có biện pháp phổ biến những môn TT dân tộc có triển vọng. Chú trọng những môn TT nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội như bóng đá. Mỗi môn TT trọng điểm cần có hệ thống đào tạo VĐV theo 4 cấp ( cơ sở, tỉnh- thành phố- tuyển trẻ; tuyển quốc gia) mỗi tuyến đều có nhiều lớp, nhiều độ tuổi. Học tập kinh nghiệm quốc tế về việc đãi ngộ HLV, VĐV có thành tích xuất sắc, nhằm mục đích khuyến khích, cổ vũ các tài năng.Từng bước tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho công tác huấn luyện ở từng tuyến, từng độ tuổi của mỗi môn TT ( các bộ môn kết hợp với từng liên đoàn đề ra kế hoạch huấn luyện, tiêu chí đánh giá, chỉ tiêu thành tích TT từ trung ương tới cơ sở) Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ HLV, cán bộ chuyên môn.

Tiến sĩ Truơng Anh Tuấn: Về lâu dài, chúng ta cần tiếp tục phát huy trí tuệ của toàn ngành để hoàn thiện chiến lược phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2020 để trình Chính phủ phê duyệt.Trước mắt theo tôi cần tập trung vào một số nội dung sau: Đánh giá thật toàn diện và nghiêm túc những yếu kém trong khâu tổ chức quản lý và điều hành toàn bộ hệ thống bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ hiện nay. Trên cơ sở đó, cần có giải pháp khắc phục ngay, đồng thời cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, mang tính hệ thống. Nghiên cứu và cập nhật thông tin về đối thủ thể thao. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ TDTT vào quá trình bồi dưỡng tài năng thể thao. Đặc biệt cần hình thành một tập thể thống nhất giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học, các huấn luyện viên, giáo viên và cán bộ phục vụ để tham gia trực tiếp vào quá trình bồi dưỡng tài năng thể thao.Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho HLV, VĐV và cán bộ TDTT

Giáo sư-tiến sĩ Dương Nghiệp Chí: Năm 2005 đúng là năm bản lề và hết sức quan trọng, vị thế của ngành TDTT trong xã hội cần được khẳng định rõ nét hơn nữa, tạo tiền đề tốt cho giai đoạn tiếp theo.

-Cuối cùng như tục lệ tốt đẹp của cha ông ta từ bao đời truyền lại, trong những ngày Tết, chúng ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, vậy ông sẽ chúc gì cho TTVN?

Tiến sĩ Truơng Anh Tuấn: Trước hết tôi xin chúc ngành TDTT thực hiện tốt các mục tiêu trong kế hoạch công tác năm 2005. Thứ hai xin chúc cho TDTT nuớc ta với tư cách là một bộ phận của nền văn hoá xã hội không ngừng phát huy truyền thống văn hiến Việt Nam, để trở thành một bộ phận vững chắc trong đời sống xã hội nước ta..

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đình Bẩm: Tổ quốc Việt Nam anh hùng, nhân dân Việt Nam cần cù, sáng tạo, dũng cảm. Lịch sử đã chứng minh, mỗi khi đứng truớc khó khăn thử thách, nhân dân Việt Nam lại đứng lên kiên cường bất khuất hơn. Năm mới xin chúc TDTT Việt Nam vượt qua những khó khăn truớc mắt, có được những thành tựu mới, sánh bước cùng sự phát triển tất yếu của dân tộc.

Giáo sư-tiến sĩ Dương Nghiệp Chí: Nhân dịp năm mới tôi xin chúc TDTT Việt Nam tiến bộ mới: được Chính phủ phê duyệt để phối hợp với các ngành liên quan khác thực hiện " Chuơng trình nâng cao tầm vóc và thể lực của nguời Việt Nam bằng giải pháp dinh dưỡng và luyện tập TDTT". Thành tích thi đấu của đoàn TTVN tại Sea Games 23 từ thứ 3 trở lên, trong đó có thành tích của đội tuyển bóng đá. Chúc công tác quản lý Nhà nuớc về TDTT tiếp tục đổi mới theo chiều hướng tốt hơn. Xin kính chúc sức khoẻ các vị lão thành của TTVN. Chúc các vị lãnh đạo TDTT, các bạn đồng nghiệp có nhiều nỗ lực mới, sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.

Xin chân trọng cảm ơn cuộc trò chuyện của các ông

 

Lưu chu Hưng Thực hiện
 

Ảnh trong bài
  • Đầu xuân trò chuyện với niềm tin.