Ngày 29/5/2006, tại Uỷ ban Thể dục Thể thao, đ/c Huỳnh Vĩnh Ái - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao đã chủ trì buổi họp về tình hình xây dựng Bệnh viện Thể thao. Buổi họp còn có sự tham gia của đ/c Tạ Xuân Lai - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, về phía Viện khoa học có đ/c Lê Quý Phượng - Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, đ/c Nguyễn Chiến - Phó Viện trưởng Viện Khoa học TDTT (quản lý trực tiếp việc xây dựng Bệnh viện Thể thao Việt Nam). Ngoài ra, còn có đại diện các đơn vị: thi công, nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế...
Tại buổi họp, lãnh đạo Uỷ ban Thể dục Thể thao đã nghe báo cáo tình hình xây dựng Bệnh viện Thể thao Việt Nam. Theo kế hoạch, Bệnh viện sẽ được hoàn thiện cuối năm 2004, nhưng vì một số lý do nên đến nay Bệnh viện mới đang hoàn thiện giai đoạn cuối. Theo lãnh đạo Viện Khoa học TDTT, 438 ngày để xây dựng hoàn thành Bệnh viện là rất khó khăn, hơn nữa, kinh phí đưa về hàng năm phục vụ công trình còn chưa kịp thời và nhỏ giọt. Mặt khác, do tình hình phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến trượt giá vật liệu xây dựng và một số sản phẩm không còn phổ biến trên thị trường nên đã có những thay đổi so với thiết kế ban đầu... những điều đó là một phần lý do ảnh hưởng đến tiến độ của công trình, gây thiệt hại không nhỏ đối với Viện khoa học TDTT (vì ước tính một năm Bệnh viện có thể thu 10 tỷ đồng).
Bệnh viện Thể thao Việt Nam là một công trình mang đặc điểm riêng của chuyên ngành y tế phục vụ cho thể thao. Theo báo cáo, trong cả quá trình thiết kế, Viện Khoa học cùng các nhà tư vấn thiết kế đã được Chuyên gia Đức đóng góp ý kiến; đơn vị Vinaconex 15 cũng đã tuân thủ việc giám sát kỹ thuật thi công của công trình; kết cấu công trình ổn định và được đánh giá là tốt, chưa có sai sót lớn xảy ra. Bệnh viện được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 2 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, hiện nay Bệnh viện vẫn còn thiếu nhiều cơ sở vật chất (chỉ có một phòng mổ được trang bị đầy đủ các trang thiết bị...)
Một số những tồn tại của công trình đã được các thành viên trong buổi họp bàn và thống nhất hướng giải quyết. Theo dự kiến, sau một tuần nữa Bệnh viện có thể bàn giao cho Viện Khoa học TDTT. Nhằm chuẩn bị chu đáo về mọi mặt trước khi Bệnh Viện đi vào hoạt động, đ/c Huỳnh Vĩnh Ái đã đề nghị Viện Khoa học TDTT làm kế hoạch di rời. Sau khi Bệnh viện Thể thao Việt Nam đầu tiên được xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, hy vọng thời gian tới, sẽ có những Bệnh viện Thể thao Việt Nam khác được xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Cần Thơ...nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế của ngành. Mặt khác, có thể coi việc nghiên cứu, xây dựng và đưa vào sử dụng thành công Bệnh viện Thể thao Việt Nam là nền móng, tiền đề quan trọng cho sự ứng dụng, phát triển khoa học kỹ thuật, phục vụ các mục tiêu của Thể thao Việt Nam trong thời kỳ mới.
HX