Ngày 23/5/2006, tại Uỷ ban Thể dục Thể thao đã diễn ra buổi họp về việc sửa đổi Quyết định số 49/1998/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao. Tham gia buổi họp có đại diện các Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp. Về phía Uỷ ban Thể dục Thể thao có đ/c Nguyễn Trọng Hỷ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao, đ/c Tạ Xuân Lai - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, đ/c Vương Bích Thắng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, đ/c Vũ Trọng Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và các thành viên trong Ban soạn thảo.
Theo đề nghị của Bộ Tư pháp, trong Quyết định cần quy định cụ thể số ngày tập trung huấn luyện tối đa trong năm đối với từng môn thể thao. Tuy nhiên, trên thực tế điều này thật khó thực hiện, bởi để thực hiện kế hoạch tập huấn nhằm đảm bảo và nâng cao thành tích các môn thể thao nên hầu hết các VĐV các môn đều được tập trung dài hạn (thường là cả năm). Mặt khác, nhiều môn thể thao (như: canoening, bắn súng... ) không có điều kiện tập luyện ở địa phương cho nên các VĐV xuất sắc thường xuyên phải tập luyện tại Trung tâm HLTTQG hay ở nước ngoài trong thời gian dài thậm chí quanh năm. Chính vì vậy Uỷ ban Thể dục Thể thao đề nghị sẽ phân cấp cho các đơn vị, cơ quan trực tiếp quản lý VĐV quyết định.
Các thành viên trong buổi họp còn thống nhất Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu và trình bày vấn đề bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với HLV, VĐV thật cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn nữa. Một vấn đề không chỉ được các thành viên buổi họp quan tâm mà tất cả các HLV, VĐV đều rất mong chờ đó là mức tiền công đối với HLV, VĐV và mức tiền thưởng khi VĐV giành thành tích cao tại giải thi đấu các cấp độ.
Theo quy định năm 1998, chưa đề cập đến vấn đề tiền công cho HLV, kể cả HLV không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (HLV những năm 1998 thường là viên chức nhà nước nên sẽ hưởng lương theo chế độ Nhà nước). Trong dự thảo Quyết định sẽ đề cập đến vấn đề này, Uỷ ban Thể dục Thể thao đã đề nghị mức tiền công đối với HLV: HLV trưởng đội tuyển QG: 150.000đồng/ngày, HLV đội tuyển QG và HLV trưởng đội tuyển trẻ QG: 100.000đồng/ngày, HLV đội tuyển trẻ QG và HLV đội tuyển của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 55.000đồng/ngày... Quy định này không những sẽ làm cơ sở để trả tiền công cho các HLV mà còn là cơ sở khi mời các HLV tham gia huấn luyện các đội tuyển.
Nếu như mức tiền công đối với VĐV được quy định trong Quyết định số 49/1998/QĐ-TTg ở mức cao nhất là 25.000đồng/ngày (VĐV cấp quốc gia) thì nay Uỷ ban Thể dục Thể thao đề nghị tăng lên gấp 3 lần, tức 75.000đồng/ngày (VĐV cấp quốc gia), 50.000đồng/ngày đối với VĐV trẻ quốc gia...
Tiền thưởng cho các HLV, VĐV đạt thành tích cao tại các giải đấu sẽ được phân định rõ ràng đối với từng môn thể thao, từng giải đấu theo các cấp độ, kể cả mức tiền thưởng đối với VĐV Người khuyết tật lập thành tích tại giải thể thao các cấp độ. Ngoài ra, mức thưởng cộng thêm đối với các thành tích phá kỷ lục không phải là 5.000.000đồng mà sẽ phân biệt theo cấp độ các giải thi đấu và các nhóm môn thi đấu. Trong đó, Uỷ ban Thể dục Thể thao đề nghị mức thưởng thấp nhất là 25.000.000đồng/HCV của Đại hội Thể thao Đông Nam Á và cao nhất là 100.000.000đồng/HCV của Đại hội Olympic.
Trong buổi họp, đã có nhiều ý kiến của các Bộ nhất trí với mức tiền công, tiền thưởng mà Uỷ ban Thể dục Thể thao đề nghị. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ hơn các căn cứ và sẽ xác định mức tiền công và tiền thưởng phù hợp.
Đề nghị các mức tiền công và tiền thưởng như vậy, Ủy ban Thể dục Thể thao đã căn cứ vào mức lương tăng do cải cách tiền lương mới được ban hành; tương quan tỉ lệ mức tiền công, tiền thưởng được quy định trong Quyết định với mức tiền lương tối thiểu được quy định tại thời điểm năm 1998 là 144.000đồng, hiện nay là 350.000đồng (tăng 2,43 lần) và sẽ tiếp tục tăng trong cuối năm 2006; căn cứ vào lượng vận động, độ khó trong tập luyện và thi đấu, căn cứ vào tích chất đặc thù của thể thao (là loại hoạt động nặng nhọc, nguy hiểm, đòi hỏi trình độ kỹ thuật, sự khổ luyện và ý chí quyết tâm cao... và căn cứ vào tích chất đặc thù của ngành Thể dục Thể thao có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế...).
Nếu như chỉ căn cứ vào sự hy sinh thầm lặng với những tháng ngày vất vả, cố gắng tập luyện, tâm huyết và nhiều khi cả máu của lực lượng HLV, VĐV cùng với những đóng góp to lớn của họ (bằng những thành tích thể thao đã đạt được) khẳng định vị thế của nước nhà trên trường quốc tế cũng đã đủ để thấy được họ hoàn toàn xứng đáng được hưởng quy định mới về chế độ đó. Có thể khẳng định, Uỷ ban Thể dục Thể thao cùng các Bộ, Ngành đã nỗ lực thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt Quyết định này là hoàn toàn đúng đắn và rất cần thiết. Hy vọng mức tiền công, tiền thưởng và một số chế độ khác đối với HLV, VĐV mà Uỷ ban Thể dục Thể thao đề nghị sẽ được các Bộ, Ngành nhất trí và trình Chính phủ để sớm đưa vào triển khai trong thực tế.
Hồng Xiêm