Ngày 01/7/2007 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển TDTT nước nhà khi Luật TD, TT chính thức có hiệu lực. Với 9 Chương, 79 Điều, Luật TD, TT đã quy định chi tiết những quy định về: phát triển TD, TT cho mọi người (TD, TT quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; TD, TT trong lực lượng vũ trang - Chương 2: Điều 11 đến Điều 30); Thể thao thành tích cao (Thể thao thành tích cao, Thể thao chuyên nghiệp - Chương 3: Điều 31 đến Điều 53); cơ sở thể thao (Chương IV - Điều 54 đến Điều 63); nguồn lực phát triển TD,TT (Chương V - Điều 64 đến Điều 67); Uỷ ban Olympic Việt Nam và tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao (Chương VI - Điều 68 đến Điều 73); Hợp tác quốc tế về thể thao (Chương VII - Điều 74, 75); Khen thưởng và xử lý vi phạm (Chương VIII - Điều 76, 77) và các Điều khoản thi hành (Chương IX - Điều 78, 79).
Luật TD, TT ra đời là nền tảng pháp lý vững chắc cho ngành TDTT trong quá trình hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, Luật TD, TD có thực sự đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai đồng bộ bộ Luật đó. Thực tế đã cho thấy một số bộ Luật sau khi được ban hành chưa mang lại hiệu quả trong quá trình áp dụng vào thực tiễn. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này Uỷ ban TDTT đã sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số điều để xây dựng những Nghị định, Thông tư hướng dẫn việc thi hành cũng như triển khai Luật TD, TT; đồng thời tiến hành mở các lớp tập huấn về bộ Luật này cho các cán bộ, công chức, viên chức ngành TDTT.
Để kịp thời nắm bắt được những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật, sáng 6/7, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Trọng Hỷ đã có buổi làm việc với lãnh đạo các Vụ, đơn vị và đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia về một điều của Luật, trong đó vấn đề về hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội trong thời gian tới đã thu được nhiều ý kiến thảo luận của các thành viên dự họp.
Theo Điều 71 (chương VI) của Luật TD, TT quy định về quyền và nghĩa vụ của các Liên đoàn thể thao quốc gia có ghi: Các Liên đoàn thể thao quốc gia có quyền và nghĩa vụ quản lý VĐV, HLV, trọng tài; cử VĐV, đội tuyển thể thao tham gia thi đấu quốc tế; tổ chức quản lý các giải thể thao quốc gia, quốc tế tại Việt Nam theo thẩm quyền; Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển thể thao chuyên nghiệp của môn thể thao và tổ chức triển khai, quản lý, điều hành sau khi được Uỷ ban TDTT phê duyệt; Công nhận thành tích thi đấu thể thao, đẳng cấp VĐV, HLV, trọng tài... Quy định này đã phân cấp cho các Liên đoàn thể thao quốc gia cần phải phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng như vai trò của mình chứ không thể trông chờ vào nguồn ngân sách của nhà nước. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn cho các Liên đoàn trong quá trình triển khai Luật, bởi lẽ cho đến nay vẫn còn nhiều môn thể thao chưa thành lập Liên đoàn.
Hiện tại mới chỉ có 18 Liên đoàn, Hiệp hội chính thức có con dấu riêng, 10 Liên đoàn, Hiệp hội hoạt động dưới dạng lâm thời nhưng hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội thực sự chưa mang lại hiệu quả cao. Không những thế việc quy định trách nhiệm, quyền hạn giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các Liên đoàn, Hiệp hội cũng chưa rõ ràng. Giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian trước mắt, các Liên đoàn đã thành lập cần củng cố lại bộ máy tổ chức, đổi mới tư duy của các cán bộ trong Liên đoàn, xây dựng quy chế, phương thức hoạt động phù hợp cũng như trang bị về cơ sở vật chất để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội. Cũng có ý kiến cho rằng nên thành lập 1 Liên đoàn chung quản lý một số môn chưa phát triển mạnh.
Kết luận tại buổi họp, PCN nhấn mạnh: "Để Luật TD,TTđược triển khai tốt, cần phải có sự thống nhất và phân rõ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia. Trong thời gian tới, cần tổ chức Hội thảo nhằm rút ra những kinh nghiệm trong việc nghiên cứu thực hiện Luật TD, TT".
V.A