Chính phủ nhiệm kỳ mới dự kiến có 5 Phó Thủ tướng

Trong Tờ trình Quốc hội tại phiên làm việc sáng 30/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị nhiệm kỳ Chính phủ khóa 12 sẽ có 5 Phó Thủ tướng, tăng thêm 2 Phó Thủ tướng so với hiện nay. Cũng theo tờ trình, sau khi thực hiện việc thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ, số bộ, cơ quan ngang bộ trong nhiệm kỳ Chính phủ khoá XII dự kiến là 22, giảm 4 bộ, cơ quan ngang bộ so với nhiệm kỳ Chính phủ khoá trước.

Trong Tờ trình Quốc hội tại phiên làm việc sáng 30/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị nhiệm kỳ Chính phủ khóa 12 sẽ có 5 Phó Thủ tướng, tăng thêm 2 Phó Thủ tướng so với hiện nay.

Trong số các Phó Thủ tướng, sẽ có Phó Thủ tướng thường trực, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, Phó Thủ tướng phụ trách văn hoá-xã hội, Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, và một Phó Thủ tướng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương.

Chính phủ hiện nay có 3 Phó Thủ tướng là các ông Nguyễn Sinh Hùng (thường trực), Phạm Gia Khiêm (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao), Trương Vĩnh Trọng (kiêm Phó ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương).

Theo tờ trình, sau khi thực hiện việc thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ, số bộ, cơ quan ngang bộ trong nhiệm kỳ Chính phủ khoá XII dự kiến là 22, giảm 4 bộ, cơ quan ngang bộ so với nhiệm kỳ Chính phủ khoá trước.

Bộ Thuỷ sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ được hợp nhất thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại sẽ hợp nhất thành Bộ Công thương. Uỷ ban Thể dục thể thao hợp nhất với Bộ Văn hoá Thông tin, giao Bộ Văn hoá Thông tin quản lý Tổng cục Du lịch và đổi tên thành Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em sẽ được giải thể và phân tách các chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực trên cho các bộ có chức năng, nhiệm vụ liên quan.

Bộ Thông tin Truyền thông được lập trên cơ sở Bộ Bưu chính Viễn thông và lĩnh vực báo chí, xuất bản của Bộ Văn hóa Thông tin. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được bổ sung chức năng quản lý Nhà nước về biển và đổi tên thành Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biển.

Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII gồm Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biển; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Uỷ ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

Trong tờ trình này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ: “Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ được thực hiện theo hướng tiếp tục xây dựng cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt và hiện đại, sắp xếp kiện toàn cơ cấu tổ chức, điều khiển và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, hợp lý, đúng với vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, bao quát hết các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội, quốc phòng và an ninh đối ngoại của Nhà nước”.

Cơ cấu tổ chức của Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương phụ trách các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với những ngành, lĩnh vực có mối quan hệ liên thông và phù hợp với điều kiện thực tế; chuyển thích hợp các cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc Bộ quản lý, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong của các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo hướng quản lý tổng hợp, đa ngành, liên thông, giảm đầu mối, khắc phục trùng lặp, phân rõ chức năng, nhiệm vụ.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đọc báo cáo thẩm tra về tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về nội dung trên.

Báo cáo cho biết, Uỷ ban Pháp luật tán thành với đa số nội dung do Chính phủ trình; tuy nhiên, cũng đề nghị Chính phủ xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ và cơ quan ngang bộ, nhất là đối với những vấn đề mà trên thực tế đang có sự chồng chéo, đan xen trong quản lý Nhà nước để Quốc hội thảo luận và quyết định, làm cơ sở cho Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII ban hành các Nghị định tổ chức thực hiện.

Theo chương trình, buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận ở đoàn về dự kiến số Phó thủ tướng, việc thành lập, bãi bỏ các Bộ, cơ quan ngang Bộ của Chính phủ.

Theo TTXVN
 

Ảnh trong bài
  • Chính phủ nhiệm kỳ mới dự kiến có 5 Phó Thủ tướng