Đấu trường Asiad và Olympic tiêu điểm phấn đấu của Thể thao Thành tích Cao Việt Nam

Năm 2004 đã trôi qua cùng với những bài học quý báu đối với thể thao Việt Nam đặc biệt là với bóng đá, vốn được mệnh danh là môn thể thao vua, được nâng niu quý trọng trong niềm vui chiến thắng hân hoan nhưng cũng lắm áp lực khi bị thất bại ê chề. Không chỉ bóng đá mà bất cứ môn thể thao nào cũng vậy, cũng cần có sự bao dung của người hâm mộ để đứng lên sau những thất bại, và lấy đó làm bài học kinh nghiệm mà tiến lên vững chắc hơn.

Làm sao để thể thao Việt Nam có thể tiến xa hơn trên đấu trường quốc tế, để một ngày chúng ta có thể chinh phục được đấu trường Asiad và Olympic, ghi danh và đem lại niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam! Muốn làm tốt được điều đó, thể thao Việt Nam cùng với những định hướng rõ ràng của các nhà lãnh đạo, quản lý còn có cả nỗ lực của bản thân những HLV, VĐV và cả toàn thể những người hâm mộ làm hậu phương vững chắc, đặt nền tảng cho niềm tin chiến thắng.

Với những thành tựu mà thể thao Việt Nam đạt được tại Asiad 2002 tại Busan (Hàn Quốc), thì mục tiêu của chúng ta đặt ra không phải là quá xa vời. Vươn lên vị trí thứ 15, thể thao Việt Nam đã chứng tỏ năng lực thực sự để lấy đó làm cột mốc phấn đấu cho các môn thể thao tiềm năng như: Taekwondo, Thể hình, Cầu mây, Đua thuyền, Cử tạ, Billiards... với 6-7 huy chương là điều hoàn toàn có thể. Quan trọng hơn nữa là ta phải biết chớp lấy thời cơ nhanh để đầu tư định hướng, nỗ lực rèn quân liên tục và mạo hiểm trong cách hành động. Phải biết sàng lọc, thực hiện chú trọng chất hơn lượng, tránh tình trạng đánh đồng VĐV mà phải biết phân loại chính xác, phù hợp. Phải biết chọn môn, chọn nội dung sở trường để đầu tư một cách khoa học, bài bản.

Chúng ta hãy nhìn những gì mà nước láng giềng Trung Quốc đã làm được tại Athens 2004 và đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta không làm được như vậy? Trung Quốc đã phá vỡ một quy luật tưởng như bất di bất dịch từ xưa đến nay trên đấu trường thể thao thế giới với VĐV Liu Xiang với thành tích 12 giây 91 phá kỷ lục Olympic ở nội dung vượt rào, Vô địch Quần vợt đôi nữ Li Ting - Sun Tian Tian và Wei Luo vô địch Taekwondo nữ hạng 67kg, Zhong chen vô địch nữ hạng trên 67kg. Người ta vẫn nghĩ chỉ có Mỹ mới là số một ở cự ly chạy vượt rào hay quần vợt hoặc chỉ có Hàn Quốc mới là đỉnh cao của Taekwondo...

Nếu người Trung Quốc có được những phút giây huy hoàng thì tại sao các nước Châu Á khác lại không thể có được những khoảnh khắc đăng quang để cả thế giới phải ngưỡng mộ! Kiên trì, bền bỉ và nỗ lực đó là bài học quý giá mà Thể thao Việt Nam thấy được từ thành công của Trung Quốc, bài học mà thể thao của bất kỳ một nước nào muốn vươn lên đỉnh cao đều phải trải nghiệm.

Mục tiêu của thể thao Việt Nam không chỉ còn trong khuôn khổ các nước Đông Nam Á mà vươn xa hơn tới Châu Á và thế giới. Ông Nguyễn Hồng Minh Vụ trưởng Vụ TTTT Cao I, trong một cuộc trao đổi với các phóng viên báo chí tại chuyến đi công tác các Tỉnh miền Tây cho biết "Mục tiêu đoạt thứ hạng 15-22/44 nước ở Châu Á của thể thao Việt Nam từ nay tới năm 2015 đã bước đầu mang lại hiệu quả vì chúng ta đã có thể tranh chấp ở các môn Taekwondo, Billiards&Snooker, Karatedo, Bắn súng, Thể hình, Wushu..."

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đặt ra thể thao Việt Nam còn nhiều vấn đề phải làm như đầu tư về mặt khoa học công nghệ và ứng dụng y học Thể dục Thể thao trong đào tạo VĐV tài năng. Hy vọng 2005 sẽ là một năm khởi sắc, tạo tiền đề cho Thể thao Thành tích Cao Việt Nam đạt được mục tiêu chinh phục đấu trường Asiad 2006 và Olympic 2008, để nụ cười Việt Nam rạng rỡ trên bục vinh quang, xứng đáng là một quốc gia thể thao hùng mạnh.

A.T
 

Ảnh trong bài
  • Đấu trường Asiad và Olympic tiêu điểm phấn đấu của Thể thao Thành tích Cao Việt Nam