Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chúng ta phải nắm bắt CNTT, sử dụng viễn thông để đưa đất nước phát triển

Thủ tướng đã khẳng định vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng hội nhập, báo chí xuất bản phải tranh thủ CNTT và ngược lại, trong truyền thông có nội dung thông tin nên đưa mảng xuất bản, báo chí về Bộ Bưu chính Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông - quản lý nhà nước phải theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, gắn kết giữa nội dung thông tin và CNTT.

Sáng 21/8/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai công tác của Bộ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nghiêm túc của các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngay sau khi có Quyết định thành lập đã tiến hành bàn giao, triển khai bảo đảm công việc liên tục, nhanh chóng xây dựng dự thảo Nghị định về chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Thông tin và Truyền thông phải đảm bảo chức năng quản lý nhà nước trên 4 lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, CNTT, xuất bản và báo chí. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ khi xây dựng chức năng nhiệm vụ phải bảo đảm tính thực thi trong toàn xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, trong đó phải tạo khung pháp lý nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế- xã hội. Thủ tướng yêu cầu Bộ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện những vấn đề chưa hợp lý để sửa đổi bổ sung phù hợp chức năng và nhiệm vụ.

Về cơ cấu tổ chức, ngoài việc giữ nguyên trạng các đơn vị thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông (trước đây) và Cục Báo chí, Cục Xuất bản từ Bộ Văn hoá - Thông tin chuyển sang, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất thành lập: Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Thông tin đối ngoại; nâng cấp Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam hiện nay thành Cục An toàn thông tin; đổi tên một số đơn vị cho phù hợp với chức năng và nhiệm vụ quản lý mới.

Hiện nay, thị trường CNTT Việt Nam đang ngày càng lớn, cùng với nguồn nhân lực trẻ, có trình độ và là lĩnh vực có thể “mạnh dạn phát triển”. Trước đây, Thủ tướng đã quan tâm, kỳ vọng nhiều vào ngành phần mềm nhưng cho đến nay phần mềm phát triển chậm. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tìm ra cơ chế hợp lý để tạo cho ngành này phát triển nhanh chóng “vì đây là ngành dịch vụ rất quan trọng”. Thủ tướng cũng sẵn sàng chấp thuận các cơ chế đặc thù dành cho ngành CNTT, từ đào tạo nguồn nhân lực đến ứng dụng...

Bên cạnh việc đào tạo nguồn lực con người có trình độ về CNTT (theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay, về lĩnh vực CNTT trung bình mỗi năm nước ta chỉ đào tạo được 200 nghìn người có trình độ từ Trung cấp đến Đại học, con số này quá thấp (chỉ bằng 1/5) so với các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ...) việc đào tạo nguồn nhân lực Báo chí cũng rất quan trọng. Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải có đội ngũ nhà báo giỏi, sắc sảo chứ không phải ai cũng làm báo được. Phải có những nhà báo lớn, bản lĩnh cả về nghiệp vụ và chính trị”...

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã khẳng định vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng hội nhập, báo chí xuất bản phải tranh thủ CNTT và ngược lại, trong truyền thông có nội dung thông tin nên đưa mảng xuất bản, báo chí về Bộ Bưu chính Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông - quản lý nhà nước phải theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, gắn kết giữa nội dung thông tin và CNTT. “Chúng ta phải tranh thủ đi nhanh, nắm bắt công nghệ thông tin, sử dụng viễn thông để đưa năng suất lao động, đất nước phát triển” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

KT (tổng hợp)
 

Ảnh trong bài
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chúng ta phải nắm bắt CNTT, sử dụng viễn thông để đưa đất nước phát triển