Sau nhiều cuộc họp bàn, xin ý kiến của các chuyên gia, sáng nay 29/8, tại Cơ quan TDTT, Dự thảo chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến đến năm 2015 và định hướng 2020 đã tiếp tục được đưa ra nhằm lấy ý kiến đóng góp của các Nhà quản lý. Cuộc họp do đ/c Nguyễn Danh Thái - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT chủ trì.
Cùng tham dự cuộc họp có: đ/c Trần Văn Quỳnh - phụ trách lĩnh vực thể thao thành tích cao II; đ/c Tạ Xuân Lai - phụ trách lĩnh vực Kế hoạch Tài chính TDTT; đ/c Nguyễn Hùng Quân - Chánh Văn phòng; đ/c Lê Quý Phượng - Viện trưởng Viện Khoa học TDTT; đ/c Phạm Ngọc Viễn - Giám đốc Trung tâm HLTT Quốc gia I và các thành viên trong tổ thư ký của Ban soạn thảo...
Dự thảo chiến lược phát triển thể thao thành tích cao (TT TTC) đến năm 2015 và định hướng 2020 được xây dựng trên nền tảng của Chiến lược TT TTC trước đó. Vì vậy, nội dung chính của bản dự thảo gần như không có nhiều thay đổi, tuy nhiên để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của phát triển các môn thể thao trong giai đoạn mới, nhất thiết phải có sự sửa đổi, bổ sung.
Bản Dự thảo chiến lược phát triển TT TTC đến năm 2020 sẽ gồm 2 phần: phần I - Thực trạng TT TTC cao nước ta trong những năm qua và phần II - Chiến lược phát triển TT TTC đến năm 2015 và định hướng 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2015 và định hướng đến 2020, TT TTC Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ chính sau:
- Quy hoạch các môn thể thao trọng điểm và các cơ sở đào tạo, huấn luyện VĐV. Về vấn đề này, các thành viên trong cuộc họp đều cho rằng: các tỉnh, thành trong cả nước cần tiếp tục phát triển những môn thể thao trọng điểm trong hệ thống thi đấu Olympic, đồng thời chú trọng đầu tư cho các môn thể thao thế mạnh của từng vùng, miền để bổ sung lực lượng cho đội tuyển Quốc gia.
- Đào tạo lực lượng VĐV (trong đó có chương trình mục tiêu về đào tạo tài năng thể thao quốc gia giai đoạn mới).
- Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, trọng tài, HLV. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng bởi hiện nay, công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, HLV, Trọng tài thể thao chưa đáp ứng với tốc độ phát triển TT TTC ở nước ta. Số lượng các Trọng tài cấp quốc tế còn ít và HLV có trình độ chuyên môn cao chưa nhiều.
- Xây dựng, nâng cấp các Trung tâm đào tạo VĐV cấp quốc gia, cấp vùng. Về vấn đề này, ông Lê Quý Phượng đã phát biểu: "Nhất thiết phải chú trọng công tác này, phải xây dựng được các Trung tâm đạt tiêu chuẩn quốc tế, chí ít cũng là 1 Trung tâm, để Việt Nam trở thành điểm đến của đội tuyển quốc gia các nước, là nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao tầm cơ quốc tế, đồng thời giải quyết khâu tập huấn của các đội tuyển trong nước, góp phần tiết kiệm nguồn kinh phí tập huấn nước ngoài trong khi nguồn tài chính còn hạn hẹp".
- Đẩy mạnh chuyên nghiệp hoá thể thao thành tích cao.
- Phát triển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, y học thể thao. Đây cũng chính là một trong những hạn chế, yếu kém mà Dự thảo chiến lược phát triển TT TTC đến năm 2015 và định hướng 2020 đã thẳng thắn nhìn nhận
- Mở rộng hợp tác quốc tế về TDTT.
- Chuẩn bị các điều kiện đăng cai tổ chức ASIAD và các sự kiện thể thao quốc tế lớn tại Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2020. Nhiệm vụ này đã được coi là động lực trực tiếp để thúc đẩy thể thao Việt Nam phát triển.
Kết thúc buổi họp, đ/c Nguyễn Danh Thái đã ghi nhận tinh thần làm việc tích cực của các thành viên dự họp, sự nỗ lực cố gắng của tổ thư ký nói riêng và Ban soạn thảo chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2015 và định hướng 2020 nói chung, yêu cầu tổ thư ký tiếp thu ý kiến sửa đổi, hoàn chỉnh Bản dự thảo, đảm bảo tiến độ trình Chính phủ vào tháng 10/ 2007.
Thịnh Hường