Thể thao Việt Nam - một năm nhìn lại.

Năm 2005 qua đi với nhiều sự kiện đáng chú ý của TTVN. Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã tổng hợp những nét chấm phá của bức tranh xây dựng và phát triển TDTT trong năm 2005. Hội nghị ngành TDTT tổ chức tại Hà Nội (3/2005) đánh giá năm 2005 là năm bản lề, với những thách thức cũng như vận hội mới vô cùng quan trọng...

Năm 2005 qua đi với nhiều sự kiện đáng chú ý của TTVN. Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã tổng hợp những nét chấm phá của bức tranh xây dựng và phát triển TDTT trong năm 2005, năm mà tại Hội nghị ngành TDTT tổ chức tại Hà Nội (3/2005) đã đánh giá là năm bản lề, với những thách thức cũng như vận hội mới vô cùng quan trọng (thứ tự sắp xếp không đồng nhất với giá trị và tầm vóc của các sự kiện)...

1. Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng:

Thành tích của Thể thao Việt Nam những năm qua luôn gắn liền với ý chí, tinh thần quyết tâm, hy sinh, vượt khó của tập thể các nhà lãnh đạo, VĐV, HLV, và cán bộ ngành TDTT. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và các VĐV Việt Nam nói riêng học tập, phấn đấu. Năm 2005, ngay trước thềm SEA Games 23 , toàn ngành TDTT phấn khởi, hân hoan dự Lễ Khánh thành Tượng Bác tại Trung tâm HLTTQG I. Sự kiện này có ý nghĩa lớn lao đối với ngành TDTT, bởi từ nay, trước lúc lên đường tới các kỳ thi đấu, những VĐV ưu tú của chúng ta sẽ có cơ hội bày tỏ trước Bác sự quyết tâm, nỗ lực thi đấu để mang vinh quang về cho Tổ Quốc, để giai điệu bài Quốc ca và lá Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp năm châu, như thông điệp của một nước Việt Nam dũng cảm trong đấu tranh giữ nước, bền bỉ, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.

Cán bộ lão thành ngành TDTT chụp ảnh lưu niệm tại Lẽ khánh thành tượng đại Bác Hồ. Ảnh: Website UBTDTT.
Biên soạn Lịch sử TDTT cũng là công việc hết sức cần thiết, bởi hệ thống hoá quá trình hình thành cũng như xây dựng và phát triển, "Lịch sử TDTT Việt Nam" sẽ là đòn bẩy, động lực cần thiết cho mỗi cán bộ, người làm Thể thao trong giai đoạn tới. Lịch sử TDTT gắn liền với lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, đó là niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi chúng ta nỗ lực vươn lên vì đất nước Việt Nam giàu đẹp vì một nền TDTT Việt Nam phát triển.

Đại hội thi đua yêu nước ngành TDTT lần thứ II là Đại hội tuyên dương, động viên tinh thần những người làm công tác TDTT đã có đóng góp lớn lao trong sự nghiệp TDTT nước nhà. Tại đây, 4 đồng chí đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua Toàn quốc (Hoàng Vĩnh Giang, Nguyễn Hồng Minh, Đặng Ngọc Tuấn và VĐV Bùi Thị Nhung); 90 cán bộ, VĐV, HLV được công nhận đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua yêu nước của Ngành giai đoạn 2001 - 2005; 35 tập thể được nhận Cờ thi đua xuất sắc giai đoạn 2001 - 2005 của Uỷ ban TDTT và 9 tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của Uỷ ban TDTT.

Đuốc sáng Việt Nam - Hành trình theo chân Bác là cuộc chạy tiếp sức xuyên Việt nhân kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước, 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong phát triển phong trào TDTT quần chúng và ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục chính trị tư tưởng cho toàn thể cán bộ, HLV, VĐV ngành TDTT.

Việc phát giác, phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ những tiêu cực mà đỉnh điểm là hàng loạt các vụ việc tiêu cực của trọng tài, một số CLB Bóng đá, và một số cầu thủ U-23 tại SEA Games vừa qua cho thấy quyết tâm của Uỷ ban TDTT hướng tới mục tiêu ổn định và phát triển lâu dài, kiên quyết dẹp bỏ tiêu cực trong Bóng đá và Thể thao nói chung.

2. Thể dục Thể thao quần chúng:

Nhiều chuyên gia và các nhà khoa học trong lĩnh vực TDTT đều cho rằng Chương trình phát triển nâng cao tầm vóc - thể lực con người Việt Nam là một chương trình rất quan trọng, cơ bản, quyết định tốc độ cũng như chất lượng phát triển của ngành TDTT. Việc Chính phủ xem xét, nghiên cứu và giao cho Uỷ ban TDTT chủ trì Chương trình này cùng với các Bộ, ban ngành liên quan như: Y tế, Giáo dục... cho thấy tầm nhìn chuẩn xác của các nhà lãnh đạo Quốc gia khi đã quan tâm tới một khía cạnh quan trọng của việc phát triển con người (thể chất) - hạt nhân trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Chương trình hứa hẹn là đột phá khẩu cho hàng loạt vấn đề - điều kiện phát triển quan trọng đối với ngành TDTT như: trình độ cán bộ - viên chức được nâng cao, mối quan hệ, sự ảnh hưởng mang tính hai chiều giữa ngành TDTT với toàn thể xã hội...

Nội dung thi tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi toàn quốc lần thứ 4 - khu vực 1.Ảnh Website UBTDTT
Chương trình TDTT xã - phường cũng là một trong những chương trình lớn của ngành Thể dục thể thao Việt Nam nhằm đưa việc tập luyện thể dục thể thao vào cuộc sống hàng ngày của từng người dân theo phong trào "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Dự kiến, đến năm 2010 sẽ có khoảng 23 đến 25% dân số nước ta tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Đồng thời còn khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian ở mỗi địa phương; từng bước đưa các môn thể thao dân tộc vào các Lễ hội truyền thống, Ngày hội thể dục thể thao ở xã, phường, thị trấn; nâng cao hơn nữa đời sống văn hoá tinh thần cho mỗi người dân Việt Nam. Một khía cạnh khác được đề cập ở chương trình này là việc xây dựng bộ máy tổ chức, cơ chế hoạt động của các tổ chức thể dục thể thao cấp xã. Tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan đoàn thể đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, công tác viên thể dục thể thao nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao.

3. Thể thao thành tích cao

Thành công của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 23, PARA Games 3 và Indoor Games I: Như đánh giá của hầu hết các cơ quan thông tấn, báo chí và các chuyên gia về Thể thao trong và ngoài khu vực, vị trí thứ 3 toàn đoàn tại SEA Games 23 là minh chứng rõ nét cho sự tiến bộ vượt bậc của Thể thao Việt Nam trong thời gian qua. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu, nhưng Thể thao Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh của mình một cách hết sức thuyết phục, bằng cả sự ổn định và đồng đều - điều kiện tiên quyết của một nền thể thao phát triển. Xin mượn lời của một nhà báo Thái Lan trong bài bình luận về SEA Games 23: "Sau SEA Games 22 tổ chức ở Hà Nội, Manila đã một lần nữa khẳng định vị thế của một ông lớn trong làng Thể thao khu vực Đông Nam Á - đó là Việt Nam". Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu đã đề ra, thành công của những nội dung Olympic, trên đấu trường khu vực, đã tạo ra niềm tin vào khả năng phát triển của thể thao thành tích cao, bởi thành tích thi đấu của những môn thể thao này chỉ có được trên cơ sở một nền thể thao có trình độ huấn luyện, tập luyện bài bản, hệ thống, khoa học với những chương trình đầu tư cụ thể, chi tiết, dài hơi.

Năm 2005, cũng là năm đánh dấu sự thành công rực rỡ của Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam tại PARA Games 3 (với 83 HCV,36 HCB, 37 HCĐ). Ngoài việc hoàn thành lời hứa trước Đảng, Chính phủ và nhân dân đó là đạt được vị trí thứ 3 cùng với số lượng huy chương tương ứng (60 - 80 HCV) tại SEA Games 23 và thứ 2 toàn đoàn tại PARA Games 3, thành tích này thể hiện sự quan tâm, đầu tư, chuẩn bị khoa học, công phu và chính xác của ngành TDTT.

Việt Nam tham gia Indoor Games lần đầu tiên ngoài nhiệm vụ thi đấu hết mình, hội nhập khu vực, còn mục đích tham quan, khảo sát cách thức tổ chức tại các địa điểm thi đấu để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà lần thứ ba sẽ được tổ chức tại Việt Nam năm 2009. Kết quả đoàn Việt Nam đạt được tại Đại hội tuy còn thấp (1 HCB, 1 HCĐ), xếp thứ 21/37 nhưng đó cũng là kết quả đáng khích lệ.

4. Quản lý nhà nước:

Nằm trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội, việc nghiên cứu, xây dựng, tiến tới trình Quốc Hội phê duyệt, cho ra đời Luật Thể dục thể thao là sự phát triển tất yếu, biện chứng, khẳng định sự tiến bộ rất đáng khen ngợi của ngành TDTT trong thời gian qua. Sự ra đời của Luật TDTT là chỗ dựa vững chắc cho những người làm công tác TDTT từng bước hoàn thiện nhiệm vụ chính trị của mình theo hướng chuyên môn hoá và chuyên nghiệp hoá cao độ. Đồng thời hạn chế một cách tối đa các tiêu cực, phát sinh đáng tiếc trong giai đoạn quá độ nhiều thách thức, khó khăn.

Trung tâm tin học - Uỷ ban TDTT - đơn vị thành lập theo đề án 112 của Chính phủ - được sự ủng hộ của lãnh đạo Uỷ ban TDTT, đã phối hợp với các Vụ, đơn vị, triển khai xây dựng thành công hệ thống mạng LAN,WAN, và một số mô hình tác nghiệp và cơ sở dữ liệu chung cho toàn ngành. Sau hơn một năm đưa vào ứng dụng, với những ưu điểm vượt trội (thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, liên lạc giữa các cá nhân, tập thể, đơn vị, hiệp hội, liên đoàn trực thuộc Uỷ ban TDTT) chắc chắn Chương trình tin học hoá quản lý hành chính nhà nước sẽ còn thu được nhiều thành công trong thời gian tới. Ngoài ra, trong năm vừa qua tại Uỷ ban TDTT, Vụ TCCB đã phối hợp cùng Trung tâm tin học tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho các cán bộ, viên chức, công chức của Uỷ ban.

Trên đây chỉ là đánh giá hết sức sơ lược của Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT, năm 2005 vừa qua, TTVN còn có rất nhiều sự kiện nổi bật trên khắp các lĩnh vực: Quan hệ quốc tế, Bộ máy tổ chức...bên cạnh thành tích và hiệu quả công tác, thông qua một cái nhìn xây dựng, chúng ta nhận thấy một sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của tập thể lãnh đạo, cán bộ toàn ngành TDTT nhằm hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân tin tưởng giao phó.
 

Chu Hưng
 

Ảnh trong bài
  • Thể thao Việt Nam - một năm nhìn lại.