Sáng nay (12/9), Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Danh Thái đã có buổi làm việc với Ban soạn thảo Đề án phát triển TDTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2008 - 2015.
Tại buổi làm việc, ông Lê Anh Thơ, phụ trách lĩnh vực thể dục thể thao Quần chúng đã báo cáo trước Thứ trưởng và các thành viên Ban soạn thảo nội dung chi tiết của dự thảo Đề án bao gồm 8 phần: Căn cứ xây dựng đề án; Cơ quan lập và tổ chức thực hiện đề án; Tính cấp thiết của đề án; Đối tượng, phạm vi tác động của đề án; Mục tiêu và chỉ tiêu đến năm 2015; Nội dung, nhiệm vụ của đề án; Các giải pháp chính và Tổ chức thực hiện.
Theo khảo sát của Ban soạn thảo Đề án, hiện nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm có 11.257 thôn, bản; 4.384 xã của 53 tỉnh có đường biên giới giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia với dân số khoảng 11 triệu người thuộc 53 dân tộc thiểu số. Thực trạng đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội trong đó có thể dục thể thao (TDTT) của các địa phương này còn ở mức rất thấp, cách biệt xa so với các địa phương trong mỗi tỉnh. Do đó, nếu Đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho sự nghiệp phát triển TDTT ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự thảo Đề án đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn 2008 - 2015 là tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước được tham gia và hưởng thụ ngày một nhiều các giá trị của TDTT nhằm nâng cao sức khoẻ, thể lực, vui chơi giải trí và lối sống văn hoá lành mạnh...Bên cạnh đó việc bảo tồn và phát huy những mặt tích cực của các trò chơi vận động dân gian trong đời sống vốn có của các dân tộc, từng bước phát triển nhanh các môn thể thao dân tộc, gắn với xây dựng các thiết chế và cơ sở tập luyện, thi đấu TDTT một cách phù hợp với các xã, buôn làng cùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong cả nước với những chỉ tiêu cụ thể; sưu tầm, thống kê phân loại các trò chơi vận động trong dân gian trong các lễ hội truyền thống hàng năm của từng dân tộc thiểu số Việt Nam, lựa chọn một số trò chơi đặc sắc nhất của từng dân tộc để luật hoá; xây dựng phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại gắn liền với cuộc vận động xây dựng các làng, bản văn hoá - thể thao...hàng năm tổ chức các giải thi đấu thể thao, các hoạt động giao lưu văn hóa TDTT từ cơ sở đến cấp huyện, tỉnh và toàn quốc...
Bản dự thảo Đề án đã nhận được sự đóng góp ý kiến của lãnh đạo các đơn vị toàn ngành.... Nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều thống nhất đánh giá cao tinh thần làm việc của Ban soạn thảo Đề án. Tuy nhiên cơ cấu cũng như quy mô của dự thảo đề án chưa thực sự thuyết phục, chưa tương xứng với một đề án trình Chính phủ; cần đánh giá thực trạng một cách kỹ lưỡng, rõ ràng để có thể đưa ra những con số chính xác, mang tính thuyết phục cao...
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp từ phía các thành viên Ban soạn thảo cũng như các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Danh Thái đã kết luận: Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, xem xét bổ sung, hoàn thiện Đề án. Cần có đánh giá chính xác về thực trạng hoạt động TDTT của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc đưa ra quan điểm, định hướng phát triển, chỉ tiêu tổng quát và chỉ tiêu cụ thể là bắt buộc đối với một Đề án trình Chính phủ. Sau khi hoàn tất Đề án, cần tiến hành Hội thảo lấy ý kiến cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là ý kiến từ các địa phương trong khu vực. Đây là một hoạt động hết sức thiết thực bởi việc lấy ý kiến như vậy sẽ giúp bản Đề án có hiệu quả mang tính thực thi cao hơn, cũng như việc triển khai thực hiện nếu Đề án khi được Chính phủ phê duyệt.
A.T