Sau 5 năm thực hiện, Pháp lệnh Thể dục, Thể thao đã từng bước đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong việc điều chỉnh các hoạt động TDTT, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp TDTT ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Pháp lệnh Thể dục, Thể thao cũng đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, đòi hỏi được sửa đổi bổ sung và nâng lên thành Luật. Cùng với sự đi lên của đất nước, mọi lĩnh vực, ngành nghề đều có nhu cầu tự thân phải tiến kịp sự phát triển của xã hội trong đó có TDTT. Trước thực tế khách quan, sự ra đời của Luật Thể dục thể thao là điều tất yếu, đáp ứng yêu cầu thực tế của sự nghiệp TDTT nước ta. Luật Thể dục thể thao ra đời trong thời điểm này được đông đảo những người làm công tác TDTT và quần chúng nhân dân ủng hộ. Thời điểm này 5 năm trước, Ngành TDTT cũng đang xây dựng Pháp lệnh và sau bao nỗ lực đáng biểu dương của toàn thể những người làm công tác TDTT, Luật Thể dục thể thao ra đời sẽ đánh dấu bước phát triển đột phá của nền TDTT nước nhà.
Ban soạn thảo dự án Luật đã căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10) là hoàn toàn phù hợp với quy định của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Việt Nam về việc xây dựng Luật, Pháp lệnh. Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật còn căn cứ báo cáo tình hình 5 năm thực hiện Pháp lệnh Thể dục, Thể thao (từ 2000 - 2005). Qua đó, Ban soạn thảo đã đánh giá khách quan về những tồn tại cần khắc phục của Pháp lệnh, lấy đó để khắc phục, xây dựng Luật phù hợp hơn với thực tế khách quan.
Để đảm bảo chất lượng bản dự án Luật Thể dục thể thao, Ban soạn thảo đã tham khảo Luật Thể dục thể thao các nước (Liên bang Nga và Trung Quốc). Tuy nhiên, Bộ Luật Thể dục thể thao của Trung Quốc được soạn thảo kết hợp nhiều Luật riêng (Thể dục thể thao bao gồm nhiều mặt, ứng với mỗi mặt là một Luật) như: Luật kinh tế Thể dục Thể thao, Luật đầu tư Thể dục Thể thao, Luật Thể thao trường học... tất cả tạo thành Bộ Luật Thể dục thể thao với khả năng đáp ứng cao về mọi khía cạnh, yêu cầu của thực tế xã hội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới TDTT. Theo các nhà chuyên môn, việc soạn thảo Luật như vậy đảm bảo chi tiết, chặt chẽ, tạo thuận lợi trong các hoạt động TDTT. Việc tham khảo, nghiên cứu kỹ càng, lựa chọn những điểm phù hợp với tình hình phát triển của nền TDTT Việt Nam là rất cần thiết.
Pháp lệnh có tên "Pháp lệnh Thể dục, thể thao", khiến một số người nghĩ rằng Pháp lệnh chỉ bao hàm hai ý nghĩa Thể dục (thể thao quần chúng) và thể thao (thể thao thành tích cao). Trong khi đó, TDTT có rất nhiều mặt như đã nhắc đến ở trên. Việc Ban soạn thảo thay đổi tên gọi từ Luật Thể dục, Thể thao thành Luật Thể dục thể thao (bỏ dấu "," ở giữa "thể dục" và "thể thao") là phù hợp. Điều đó cũng hợp lý với tên gọi của Ngành (Ngành Thể dục thể thao) và tên gọi cơ quan cao nhất của Ngành (trước kia là Tổng cục Thể dục thể thao, nay là Uỷ ban Thể dục thể thao).
Bản dự án Luật Thể dục thể thao (bao gồm 10 chương và 82 điều) đã thể hiện chi tiết các vấn đề về: mục tiêu, chính sách phát triển, xã hội hoá, cơ quan quản lý nhà nước, nội dung quản lý nhà nước, thanh tra và những hành vi bị cấm trong hoạt động TDTT. Đồng thời, dự án Luật đã cụ thể hoá các mục trong chương TDTT quần chúng, TDTT trường học, TDTT trong lực lượng vũ trang, thể thao thành tích cao... Tuy nhiên, bản dự thảo cũng còn một số tồn tại cần khắc phục. Tại điều 3 (Giải thích từ ngữ) còn thiếu một số từ ngữ có liên quan chưa được đề cập đến: nhắc đến thể thao chuyên nghiệp nhưng chưa có thể thao nghiệp dư và thể thao nhà nghề, tổ chức xã hội về thể dục thể thao nhưng lại thiếu cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao, nói đến HLV nhưng chưa nói về hướng dẫn viên thể dục thể thao là gì ?... Điều 20 ghi rõ "Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với TDTT trường học", nếu đề cập đến TDTT trường học (do Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý) thì đó là một trong những bộ phận thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (HTGDQD). Trong HTGDQD còn có TDTT tại các trường học của lực lượng vũ trang (do Quân đội quản lý) và TDTT tại các trường giáo dưỡng (do Bộ Công an quản lý). Ngoài ra, Điều 21 chỉ đề cập đến học sinh, sinh viên còn các đối tượng khác nằm trong HTGDQD thì chưa thấy được nhắc tới, thiết nghĩ, những dạng vấn đề trên cũng là điểm đáng để các chuyên gia, các thành viên trong Ban soạn thảo lưu tâm.
Việc khảo sát, xây dựng và hoàn chỉnh Luật Thể dục thể thao là một quá trình, có ý nghĩa to lớn với không chỉ riêng ngành Thể dục thể thao, những người làm công tác TDTT mà còn có sự ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá của cả xã hội nhất là trong giai đoạn phát triển của nước ta hiện nay. Vì vậy, việc đầu tư nghiên cứu tạo tiền đề cho sự ra đời của dự án Luật TDTT hoàn chỉnh, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn là một việc làm cần thiết và rất đáng lưu tâm.
HX