Sau 45 năm xây dựng phong trào gia đình văn hóa (GĐVH), lần đầu tiên, Hội nghị tuyên dương những GĐVH tiêu biểu xuất sắc với quy mô toàn quốc đã được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia trong 2 ngày (29, 30/9). Trong số hơn 1.400 đại biểu tham dự, có 910 đại biểu đại diện cho hơn 13 triệu hộ gia đình được công nhận là GĐVH đến từ khắp các vùng, miền trên cả nước. Đây không chỉ là dịp để tuyên dương các GĐVH mà còn là cơ hội để các đại biểu được gặp gỡ, chia sẻ về truyền thống cao đẹp của mỗi dân tộc, mỗi gia đình đã được gây dựng, vun đắp qua nhiều thế hệ. Hội nghị đã vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương tới dự.
Trong báo cáo phong trào xây dựng GĐVH giai đoạn 2002 - 2006, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng GĐVH như là một trong 7 phong trào cụ thể của Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Trong những năm qua, phong trào xây dựng GĐVH là nội dung cốt lõi của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực và mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân từ trung ương đến địa phương. Bộ trưởng khẳng định: "Từ thực tiễn trong những năm qua, phong trào xây dựng GĐVH được triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn quốc với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, thu được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam."
Ông Huỳnh Đảm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cần tránh bệnh thành tích trong việc đánh giá, công nhận danh hiệu các GĐVH. Không nên chạy theo số lượng mà ảnh hưởng tới chất lượng của phong trào. Mọi người, mọi ngành phải làm sao để những gia đình được công nhận danh hiệu này cảm thấy thực sự vinh dự, tự hào. Tuỳ từng vùng, miền, dân tộc, tôn giáo khác nhau mà có những định hướng tiêu chí xây dựng GĐVH phù hợp để phong trào thực sự có chất lượng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa văn hóa sâu sắc trong đời sống xã hội, nhằm đánh giá những kết quả của phong trào đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tôn vinh và đề cao ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, qua đó nhân rộng những điển hình tiêu biểu, xuất sắc ra toàn quốc. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những ảnh hưởng của mặt trái xã hội hiện nay đối với những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Các tệ nạn xã hội như: ma tuý, cờ bạc, rượu chè, mại dâm... diễn ra dưới nhiều hình thức đang dần thâm nhập cuộc sống gia đình, đe doạ hạnh phúc gia đình. Thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào giữ vững và phát huy được truyền thống văn hóa trong cộng đồng nhà-làng-nước của dân tộc để phát triển.
Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao tặng thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên bức trướng có ý nghĩa như sự tôn vinh nơi khởi nguồn của một phong trào toàn quốc rất có ý nghĩa này và khen thưởng cho 64 GĐVH tiêu biểu đại diện cho các hộ GĐVH của 64 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với đại diện một số GĐVH đặc biệt tiêu biểu xuất sắc từ mọi miền đất nước. Ông Trần Ngọc Chiếu - tỉnh Cà Mau cho rằng cần chú trọng đến bữa ăn trong gia đình, là một yếu tố gắn kết các thành viên với nhau: "Tôi đặc biệt chú trọng bữa cơm trong gia đình. Cả gia đình ba thế hệ nhà tôi cùng ăn cơm vui vẻ với nhau. Theo tôi, mỗi gia đình cần phải có nền nếp, có lối sống tốt đẹp để mọi người cùng trao đổi và học tập". Ông Bùi Quang Huy (Phú Thọ) - nguyên là giáo viên đã nghỉ hưu lại chia sẻ suy nghĩ của mình: "Việc xây dựng GĐVH không chỉ ở các nhà giáo mà toàn xã hội, ai cũng có thể đạt được bằng cách thực hiện tốt ba tiêu chí mà cuộc vận động đã đưa ra".
Đặc biệt trong buổi nói chuyện với đại diện các đại biểu dự Hội nghị tuyên dương GĐVH tiêu biểu xuất sắc toàn quốc năm 2007, diễn ra vào chiều 29/9, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã khẳng định: phát huy truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam chính là tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Tổng Bí thư đã nêu rõ các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về vai trò quan trọng của gia đình trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới và con người mới. Tổng Bí thư đã chỉ ra những biểu hiện xuống cấp, mai một các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam và nêu ra một số nội dung chủ yếu cần tập trung trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, BCĐ các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác xây dựng GĐVH, làm cho phong trào thực sự đi vào mỗi người dân, gia đình, cộng đồng dân cư, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc và tiến bộ.
Có thể khẳng định sự kiện này thật sự là một "Ngày hội" nhằm tôn vinh những GĐVH. Mỗi gia đình về dự Hội nghị không chỉ mang theo những câu chuyện cảm động về truyền thống gia đình mà còn cả những nét đẹp văn hoá độc đáo, những nỗ lực xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, phù hợp với thời đại mới của mỗi dân tộc, mỗi địa phương mà họ là đại diện. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình chính là những minh chứng sinh động nhất cho truyền thống văn hoá gia đình của dân tộc Việt Nam.
Tính đến nay, cả nước đã có gần 15 triệu trên tổng số 18 triệu hộ, chiếm gần 82% hộ đăng ký xây dựng GĐVH, trong đó có hơn 13 triệu hộ đạt chuẩn văn hóa, chiếm gần 73% tổng số hộ gia đình Việt Nam.
Hiện cả nước đã có 58 Trung tâm VH-TT cấp tỉnh, 388 Trung tâm VH-TT cấp huyện, 4.197 nhà văn hoá cấp xã và 41.676 nhà văn hoá làng, thôn, ấp, bản...
Đại biểu trẻ nhất: Anh Mô Hâm Med (1979, dân tộc Chăm, tỉnh An Giang); chị Y Sao (1982, dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum).
Đại biểu nhiều tuổi nhất: Ông Vũ An Ngọc (1920, dân tộc Kinh, Hà Nội); bà Vũ Phạm Thị Thăng (1924, dân tộc Kinh, Hà Nội)
Tỉnh có số lượng GĐVH nhiều nhất tham dự Hội nghị là Thanh Hoá (34 gia đình).
Các đại biểu tham dự Hội nghị đại diện cho hơn 40 dân tộc và 8 tôn giáo khác nhau
|
T.Dương