Bản tin Phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Thể dục Thể thao số 11/2006

 

THÔNG TIN TỪ TRUNG ƯƠNG

 

1. Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI đã diễn ra từ ngày 17 tháng 10 đến ngày 10 tháng 11 năm 2006 và từ ngày 21 tháng 11 năm 2006 đến ngày 29 tháng 11 năm 2006. Khoảng thời gian giữa 2 đợt họp, từ ngày 11 đến 20/11/2006, Quốc hội không làm việc để tạo điều kiện cho việc tổ chức Hội nghị APEC thành công.

 

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề sau: Nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007; Cho ý kiến và thông qua một số dự án luật; Thực hiện chức năng giám sát thông qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội, xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giám sát theo chuyên đề; Quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

 

Có 05 Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp là: Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2007; Nghị quyết phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO); Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007; Nghị quyết về chương trình giám sát của  Quốc hội năm 2007; Nghị quyết về việc điều chỉnh dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

 

Có 11 dự án luật đã được thông qua tại kỳ họp gồm:

 

Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm 8 chương 80 điều quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Luật bình đẳng giới gồm 6 chương 44 điều quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động sửa đổi, bổ sung Chương 14 Bộ Luật lao động về Giải quyết tranh chấp lao động gồm các điều từ Điều 157 đến Điều 179 Bộ Luật lao động

 

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người gồm 6 chương 40 điều quy định về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

 

Luật dạy nghề gồm 11 chương 92 điều quy định về tổ chức, hoạt động của cơ sở dạy nghề; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề.

Luật quản lý thuế gồm 14 chương 120 điều quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật.

 

Luật đê điều gồm 8 chương 48 điều quy định về quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều, quản lý, bảo vệ đê, hộ đê và sử dụng đê điều.

 

Luật chuyển giao công nghệ gồm 7 chương 61 điều quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài vào Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước; các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.

 

Luật cư trú gồm 6 chương 42 điều quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.

 

Luật công chứng gồm 8 chương 67 điều quy định về phạm vi công chứng, công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

 

Luật thể dục, thể thao gồm 9 chương 79 điều quy định về tổ chức và hoạt động thể dục, thể thao; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

 

2. Ngày 21/12/2006, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức buổi họp báo về lệnh của Chủ tịch nước công bố một số luật vừa được Quốc hội thông qua. Tại buổi họp báo, Lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước đã đọc Lệnh số 22/2006/L-CTN ngày 12/12/2006 công bố Luật thể dục, thể thao đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006.

 

3. Để hướng dẫn thi hành Luật thể dục, thể thao vừa được Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 10, vào các ngày 6/12 và 8/12/2006 Uỷ ban Thể dục thể thao đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức 02 cuộc hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, địa phương trong cả nước cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thể dục, thể thao.

 

Tại các cuộc hội thảo, đã có nhiều ý kiến tham gia đóng góp vào các nội dung, điều khoản cụ thể của dự thảo Nghị định cụ thể hoá Luật thể dục, thể thao về chính sách của nhà nước phát triển thể dục, thể thao; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao; phát triển thể dục, thể thao quần chúng; thể thao thành tích cao; câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, doanh nghiệp thể thao…Ban soạn thảo sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh văn bản và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành ở trung ương trước khi trình Chính phủ xem xét.

4. Ngày 7/11/2006, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/2006/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 10/2006. Một trong những nội dung của phiên họp là Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị định về Kinh doanh xổ số, đặt cược và trò chơi có thưởng. Nhu cầu về các hoạt động vui chơi, giải trí có thưởng là một thực tế trong xã hội. Việc Nhà nước cho phép tổ chức các hoạt động xổ số, đặt cược và trò chơi có thưởng là nhằm huy động sự đóng góp của nhân dân bổ sung nguồn vốn cho các công trình phúc lợi công cộng, với  phưong châm vừa ích nước, vừa lợi nhà và đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của dân cư. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh này có tính nhậy cảm và rủi ro cao, cần có sự kiểm soát của Nhà nước. Việc xây dựng một hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất đối với các hoạt động kinh doanh này là rất cần thiết.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về xổ số, trình Chính phủ ban hành.

 

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ủy ban Thể dục thể thao nghiên cứu đánh giá về hình thức kinh doanh đặt cược và đề xuất giải pháp quản lý cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào Quý I năm 2007.

 

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát các quy định pháp lý về tổ chức hoạt động các trò chơi có thưởng, casino, đề xuất quy hoạch mạng lưới và biện pháp quản lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 01 năm 2007.

 

5. Thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2006, trong tháng 12/2006, Uỷ ban Thể dục thể thao tổ chức đoàn công tác tiến hành đợt kiểm tra, khảo sát công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thể dục thể thao tại Tiền Giang và Đồng Tháp. Đoàn công tác đã đến làm việc với Sở Thể dục thể thao tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp cùng với các cơ quan có liên quan như Sở Tư pháp, đại diện Phòng Văn hoá thông tin -Thể thao các quận huyện để trao đổi, thảo luận về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để từ đó có biện pháp đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, đặc biệt là khi Luật thể dục, thể thao đã được Quốc hội thông qua.

 

____________________________

 

 

 

 

HOẠT ĐỘNG Ở MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG

 

1.    Đồng Tháp

Ngày 12/12/2006, Sở Thể dục thể thao Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành thể dục thể thao Đồng Tháp năm 2006. Tới dự hội thảo có đại diện Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của Uỷ ban Thể dục thể thao, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Tháp, Sở Tư pháp Đồng Tháp, đại diện các tổ chức xã hội Liên đoàn, hiệp hội thể thao của Đồng Tháp, các cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác thể dục thể thao tại các Phòng văn hoá– thông tin- thể thao, Trung tâm thể dục thể thao và các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thể dục thể thao Đồng Tháp. Tại Hội thảo, Giám đốc Sở Thể dục thể thao Đồng Tháp đã báo cáo tình hình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Thể dục thể thao trong năm 2006. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến, nêu ra một số biện pháp, hình thức phổ biến có hiệu quả để áp dụng trong năm 2007.

Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 06/02/2006, Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 03/4/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Sở Thể dục thể thao Đồng Tháp ban hành kế hoạch hành động nhằm: ngăn ngừa và kiên quyết xoá bỏ tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của toàn ngành thể dục thể thao Đồng Tháp; nâng cao hiệu quả hoạt động ngành góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức trực thuộc Sở; của từng cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên trong ngành thể dục thể thao Đồng Tháp về công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí; đưa công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của toàn ngành.

 

2. Tiền Giang

Ngày 11/12/2006, Sở Thể dục thể thao Tiền Giang làm việc với Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của Uỷ ban Thể dục thể thao về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2006 và phương hướng, nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2007. Nhìn chung, công tác giáo dục pháp luật của ngành đã được tiến hành thường xuyên, đảm bảo chất lượng thông tin, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, vận động viên và học sinh về việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong năm 2006, Sở đã tổ chức phổ biến bằng các hình thức như: tổ chức đợt sinh hoạt chính trị của ngành nhân dịp 60 năm ngày truyền thống ngành thể dục thể thao Việt Nam và 30 năm Thể thao Tiền Giang; hàng tháng tổ chức sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chủ điểm lồng ghép với nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên cho dự án Luật thể dục, thể thao; mời báo cáo viên của Sở Tư pháp tỉnh báo cáo Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí cho toàn cơ quan; thường xuyên phổ biến các văn bản mới của Đảng, Nhà nước tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên và học sinh đặc biệt là các văn bản về chống tiêu cực, giáo dục chính trị, tư tưởng.

 

3. Lào Cai

Ngày 11/12/2006, Ban Văn hoá- xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đã có báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc quản lý và hoạt động của các Trung tâm văn hoá cấp tỉnh, huyện, thành phố và nhà văn hoá cộng đồng cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Trong lĩnh vực thể dục, thể thao, kết quả giám sát cho thấy: phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển, số người tham gia tập luyện thường xuyên chiếm 16,7% dân số, thể thao thành tích cao đã được chú trọng đầu tư. Toàn tỉnh hiện nay có 8 vận động viên kiện tướng, 5 dự bị kiện tướng, 6 vận động viên cấp 1. Hệ thống các lớp năng khiếu được duy trì, công tác tuyển chọn vận động viên được mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh, các công trình phục vụ cho tập luyện và thi đấu thể thao đã từng bước được đầu tư xây dựng, trung tâm văn hoá- thông tin- thể thao các huyện, thành phố đã quan tâm tổ chức các giải thi đấu nhằm tạo không khí thi đua, hưởng ứng phong trào luyện tập thể dục, thể thao trong các tầng lớp nhân dân.

 

__________________________________

 

 

 

VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THỂ DỤC THỂ THAO

 
LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO

 

 

CỦA QUỐC HỘI KHOÁ XI, KỲ HỌP THỨ 10

 

SỐ 77/2006/QH11 NGÀY 29 THÁNG 11 NĂM 2006

 

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

 

Luật này quy định về thể dục, thể thao.

 

 

 

Chương I 

 

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

 

Luật này quy định về tổ chức và hoạt động thể dục, thể thao; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thể dục, thể thao tại Việt Nam.

 

Điều 3. Áp dụng Luật thể dục, thể thao

1. Hoạt động thể dục, thể thao và quản lý hoạt động thể dục, thể thao phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

 

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phát triển thể dục, thể thao

1. Phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc người Việt Nam, góp phần cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về thể thao, nâng cao sự hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng dần đầu tư ngân sách nhà nước, dành quỹ đất và có chính sách phát huy nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu thể thao để đào tạo thành những tài năng thể thao, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thể dục, thể thao, phát triển một số môn thể thao đạt trình độ thế giới.

2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, thành lập cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân, bảo đảm để các cơ sở thể thao công lập và tư nhân được bình đẳng trong việc hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai theo quy định của pháp luật.

3. Ưu tiên đầu tư phát triển thể dục, thể thao ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc.

 

Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao

 

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thể dục thể thao.

 

2. Uỷ ban Thể dục thể thao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thể dục thể thao.

 

3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao thực hiện quản lý nhà nước về thể dục thể thao theo thẩm quyền.

 

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về thể dục thể thao ở địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

 

Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về thể dục, thể thao

 

1. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển thể dục, thể thao, các văn bản quy phạm pháp luật về thể dục, thể thao.

 

2. Tổ chức, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho thể dục, thể thao.

 

3. Kiểm tra, đánh giá phát triển thể dục, thể thao quần chúng và hoạt động thi đấu thể thao.

 

4. Tổ chức, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

 

5. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.

 

6. Tổ chức, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động thể dục, thể thao.

 

7. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện hợp tác quốc tế về thể thao.

 

8. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thể dục, thể thao.

 

Điều 7. Thanh tra thể dục, thể thao

1. Thanh tra thể dục, thể thao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

 

2. Tổ chức và hoạt động của thanh tra thể dục, thể thao được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

 

Điều 8. Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thể dục, thể thao

 

            Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thể dục, thể thao được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

Điều 9. Thông tin, tuyên truyền về thể dục, thể thao

1. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các cấp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của thể dục, thể thao, vận động mọi người tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

2. Đài phát thanh, truyền hình có trách nhiệm phát sóng hàng ngày chương trình thể dục buổi sáng.

3. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền về hoạt động thể dục, thể thao trong nước và quốc tế phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

 

Điều 10. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao

 

1. Lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng con người, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hoá dân tộc.

 

2. Sử dụng chất kích thích, phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao.

 

3. Gian lận trong hoạt động thể thao.

 

4. Bạo lực trong hoạt động thể thao.

 

5. Cản trở hoạt động thể dục, thể thao hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.

 

 

 

Chương II

 

THỂ DỤC, THỂ THAO CHO MỌI NGƯỜI

 

Mục 1

 

THỂ DỤC, THỂ THAO QUẦN CHÚNG

 

Điều 11. Phát triển thể dục, thể thao quần chúng

 

1. Nhà nước có chính sách đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể dục, thể thao quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, sức khoẻ, tình trạng khuyết tật được thực hiện quyền hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, vui chơi, giải trí.

 

2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng các công trình thể thao công cộng, bảo đảm nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ thể dục, thể thao; xây dựng mạng lưới cộng tác viên thể dục, thể thao cơ sở đáp ứng yêu cầu hoạt động thể dục, thể thao của cộng đồng dân cư.

 

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm vận động hội viên tham gia hoạt động thể dục, thể thao nhằm rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao tổ chức biểu diễn và thi đấu thể thao quần chúng.

 

4. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các cấp phối hợp với  tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao vận động mọi người tham gia phát triển phong trào thể dục, thể thao, phổ biến kiến thức, hướng dẫn tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với sở thích, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cộng tác viên thể dục, thể thao cơ sở.

5. Cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình được tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

 

Điều 12. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng

 

1. Nhà nước phát động phong trào thể dục, thể thao quần chúng nhằm động viên, khuyến khích mọi người tham gia tập luyện thể dục, biểu diễn và thi đấu thể thao, hình thành thói quen rèn luyện thân thể cho mọi người.

 

2. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được đánh giá bằng chỉ tiêu số người tập luyện thường xuyên và gia đình thể thao. Việc tổ chức, đánh giá  phong trào thể dục, thể thao quần chúng tại địa phương được thực hiện theo hướng dẫn của Uỷ ban Thể dục thể thao.

 

Điều 13. Thi đấu thể thao quần chúng

 

1. Uỷ ban Thể dục thể thao chỉ đạo tổ chức thi đấu thể thao quần chúng ở cấp quốc gia.

 

2. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo tổ chức thi đấu thể thao quần chúng tại địa phương mình.

 

3. Cơ quan, tổ chức được tổ chức thi đấu thể thao quần chúng trong phạm vi quyền hạn của mình.

 

4. Cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng phải tuân theo quy định của Luật này và có trách nhiệm quy định nội dung, hình thức, chế độ bồi dưỡng, giải thưởng và bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức giải thi đấu.

 

Điều 14. Thể dục, thể thao cho người khuyết tật

1. Nhà nước tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khoẻ, hoà nhập cộng đồng; bảo đảm cơ sở vật chất và chế độ, chính sách cho vận động viên thể thao khuyết tật tập luyện và thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

 

3. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các cấp phối hợp với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao, cơ quan, tổ chức có liên quan tạo điều kiện, hướng dẫn người khuyết tật tham gia các hoạt động thể dục, thể thao.

 

4. Công trình thể thao phải được thiết kế phù hợp để người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

 

Điều 15. Thể dục, thể thao cho người cao tuổi

 

1. Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích tổ chức, cá nhân chăm lo việc tập luyện, biểu diễn và thi đấu thể thao cho người cao tuổi.

 

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội người cao tuổi có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người cao tuổi tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

 

Điều 16. Thể dục phòng bệnh, chữa bệnh

 

1. Cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức tập luyện thể dục phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong cơ quan và doanh nghiệp của mình.

 

2. Uỷ ban Thể dục thể thao phối hợp với Bộ Y tế tổ chức biên soạn các bài tập thể dục phòng bệnh, chữa bệnh và phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

 

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở y tế, cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng sử dụng phương pháp chữa bệnh bằng thể dục, thể thao.

 

Điều 17. Các môn thể thao dân tộc

1. Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy các môn thể thao dân tộc theo quy định của Luật di sản văn hoá và Luật này; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, chú trọng các loại hình thể thao của các dân tộc thiểu số.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn tập luyện, biểu diễn và thi đấu các môn thể thao dân tộc; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan phổ biến các môn thể thao dân tộc ra nước ngoài.

 

Điều 18. Thể thao giải trí

 

1. Nhà nước tạo điều kiện phát triển các môn thể thao giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội.

 

2. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn hoạt động thể thao giải trí.

 

Điều 19. Thể thao quốc phòng

Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn việc tổ chức hoạt động thể thao quốc phòng trong nhân dân.

 

 

Mục 2

 

GIÁO DỤC THỂ CHẤT VÀ THỂ THAO TRONG NHÀ TRƯỜNG

 

Điều 20. Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường

 

1. Giáo dục thể chất là môn học chính khoá thuộc chương trình giáo dục nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học thông qua các bài tập và trò chơi vận động, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

2. Hoạt động thể thao trong nhà trường là hoạt động tự nguyện của người học được tổ chức theo phương thức ngoại khoá phù hợp với sở thích, giới tính, lứa tuổi và sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người học thực hiện quyền vui chơi, giải trí, phát triển năng khiếu thể thao.

 

Điều 21. Trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường

 

1. Nhà nước có chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các bậc học.

 

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao xây dựng chương trình giáo dục thể chất, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên thể dục thể thao, hướng dẫn nội dung hoạt động thể thao ngoại khoá trong nhà trường.

 

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng cơ sở vật chất, bố trí giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các trường thuộc phạm vi quản lý của mình.

 

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm sau đây:

 

a) Quy hoạch đất đai, xây dựng cơ sở vật chất, nhà tập đa năng, bảo đảm trang thiết bị, dụng cụ thể thao, chỉ tiêu biên chế giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các trường công lập thuộc địa phương;

 

b) Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai theo quy định của pháp luật đối với trường tư thục, trường dân lập để các trường này có điều kiện xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường.

 

Điều 22. Trách nhiệm của nhà trường

 

1. Tổ chức thực hiện chương trình môn học giáo dục thể chất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

2. Quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường.

 

3. Tổ chức cho người học tham gia các hoạt động thể thao ngoại khoá.

 

4. Bảo đảm an toàn cho người dạy và người học trong các hoạt động thể dục, thể thao.

 

5. Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu thể thao.

 

Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của giáo viên, giảng viên thể dục thể thao

 

1. Giảng dạy môn học giáo dục thể chất theo đúng chương trình.

 

2. Tổ chức hoạt động thể thao ngoại khoá, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu thể thao.

 

3. Tôn trọng, đối xử công bằng và thực hiện các quy định bảo đảm an toàn cho người học.

 

4. Được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của người học

 

1. Thực hiện nhiệm vụ học tập môn học giáo dục thể chất.

 

2. Được tham gia hoạt động thể thao theo sở thích.

 

3. Được tuyển chọn vào các trường năng khiếu thể thao.

 

4. Được sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường.

 

Điều 25. Thi đấu thể thao trong nhà trường

 

1. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo các cấp, nhà trường có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể thao để động viên phong trào thể dục, thể thao trong học sinh, sinh viên.

 

2. Nội dung, hình thức và các quy định về thi đấu thể thao phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học và điều kiện cơ sở vật chất.

 

Điều 26. Trách nhiệm của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể thao

Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao có trách nhiệm phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khoá cho người học.

 

Mục 3
THỂ DỤC, THỂ THAO TRONG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

 

Điều 27. Hoạt động thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang

 

1. Huấn luyện thể lực nhằm nâng cao sức khoẻ cho cán bộ, chiến sỹ để đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang.

 

2. Tổ chức hoạt động thể thao tự nguyện cho cán bộ, chiến sỹ.

 

3. Tổ chức huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.

 

Điều 28. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang

 

1. Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên cho hoạt động thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang.

 

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm sau đây:

 

a) Tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu thể thao trong lực lượng vũ trang;

 

b) Phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao ban hành và áp dụng tiêu chuẩn rèn luyện thể lực; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên, vận động viên, quy định các giải thể thao trong lực lượng vũ trang.

 

Điều 29. Trách nhiệm của các đơn vị trong lực lượng vũ trang

 

1. Tổ chức thực hiện chương trình huấn luyện thể lực cho cán bộ, chiến sỹ.

 

2. Tổ chức và tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ tham gia hoạt động thể thao.

 

3. Quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị thể dục, thể thao.

 

Điều 30. Quyền và nghĩa vụ của cán bộ, chiến sỹ

 

1. Thực hiện chương trình huấn luyện thể lực theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

 

2. Được tham gia hoạt động thể thao.

 

3. Được tuyển chọn vào các đội tuyển thể thao tham gia thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế.

 

 

 

 

Chương III
THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO

 

Mục 1

 

THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO

 

Điều 31. Phát triển thể thao thành tích cao

 

Nhà nước có chính sách phát triển thể thao thành tích cao, đầu tư tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao, tham gia các giải thể thao quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao.

 

Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao

 

1. Trong thời gian tập luyện và thi đấu, vận động viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Được bảo đảm trang thiết bị, phương tiện tập luyện và thi đấu thể thao;

 

b) Được chăm sóc và chữa trị chấn thương;

 

c) Được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền công theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

 

d) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn;

 

đ) Thực hiện chương trình, giáo án tập luyện của huấn luyện viên;

 

e) Chấp hành quy định của luật thi đấu thể thao và điều lệ giải thể thao.

 

2. Được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật; được học tập văn hoá, chính trị, chuyên môn.

 

3. Rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức; nâng cao ý chí, lòng tự hào dân tộc.

 

4. Vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thể thao quốc gia và quốc tế được hưởng các chế độ ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chăm sóc sức khoẻ, tiền thưởng và các chế độ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

 

5. Vận động viên không còn khả năng thi đấu thể thao được Nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm theo quy định của pháp luật.

 

Điều 33. Quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao

1. Trong thời gian làm nhiệm vụ huấn luyện thi đấu, huấn luyện viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền công theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

 

b) Xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình huấn luyện thể thao;

 

c) Tuyển chọn vận động viên;

 

d) Quản lý, giáo dục vận động viên;

 

đ) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho vận động viên;

 

e) Chấp hành quy định của luật thi đấu thể thao và điều lệ giải thể thao.

2. Được học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn; được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

 

3. Huấn luyện viên huấn luyện vận động viên đạt thành tích xuất sắc trong các giải thể thao quốc gia và quốc tế được hưởng chế độ ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chăm sóc sức khoẻ, tiền thưởng và các chế độ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Điều 34. Quyền và nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao

 

1. Được bảo đảm an toàn trong quá trình làm nhiệm vụ.

 

2. Được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.

 

3. Được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật.

 

4. Điều hành thi đấu theo quy định của luật thi đấu thể thao và điều lệ giải thể thao.

 

5. Trung thực, khách quan trong điều hành thi đấu.

 

Điều 35. Đội thể thao quốc gia, đoàn thể thao quốc gia

1. Đội thể thao quốc gia là tập thể cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên từng môn thể thao và nhân viên y tế được thành lập để tập huấn và thi đấu quốc tế.

2. Đoàn thể thao quốc gia gồm các đội thể thao quốc gia được thành lập để thi đấu tại các đại hội thể thao khu vực và thế giới.

3. Kinh phí tập huấn và thi đấu của đội thể thao quốc gia, đoàn thể thao quốc gia được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước, kinh phí do Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam, liên đoàn thể thao quốc gia, hiệp hội thể thao quốc gia (sau đây gọi chung là liên đoàn thể thao quốc gia) cấp và các nguồn thu hợp pháp khác.

4. Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý đoàn thể thao quốc gia; liên đoàn thể thao quốc gia chịu trách nhiệm quản lý đội thể thao quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao quy định trình tự, thủ tục thành lập đoàn thể thao quốc gia, đội thể thao quốc gia.

 

Điều 36. Tiêu chuẩn vận động viên đội thể thao quốc gia

 

1. Vận động viên được tuyển chọn vào đội thể thao quốc gia phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

 

a) Là công dân Việt Nam;

 

b) Có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu tuyển chọn của ban huấn luyện đội tuyển;

 

c) Có phẩm chất đạo đức tốt.

 

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này được tuyển chọn vào đội thể thao quốc gia phù hợp với pháp luật Việt Nam và quy định của các tổ chức thể thao quốc tế.

 

Điều 37. Giải thi đấu thể thao thành tích cao

 

1. Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới; giải vô địch từng môn thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam.

 

2. Đại hội thể dục thể thao toàn quốc.

 

3. Giải thi đấu vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia hàng năm từng môn thể thao.

 

4. Giải thi đấu vô địch từng môn thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

Điều 38. Thẩm quyền tổ chức giải thể thao thành tích cao

 

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức các giải thể thao quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 37 của Luật này theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao.

 

2. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao quyết định tổ chức các giải thể thao quy định tại khoản 3 Điều 37 của Luật này theo đề nghị của các liên đoàn thể thao quốc gia.

 

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tổ chức giải thể thao quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này.

 

Điều 39. Thẩm quyền ban hành điều lệ giải thể thao thành tích cao

 

1. Điều lệ giải thể thao quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này được thực hiện theo quy định của các tổ chức thể thao quốc tế.

 

2. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao phê duyệt điều lệ đại hội thể dục thể thao toàn quốc.

 

3. Chủ tịch liên đoàn thể thao quốc gia phê duyệt điều lệ giải thể thao quy định tại khoản 3 Điều 37 của Luật này.

 

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều lệ giải thể thao quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này.

 

Điều 40. Thủ tục đăng cai tổ chức giải thể thao thành tích cao

 

1. Hồ sơ xin phép đăng cai tổ chức giải thể thao bao gồm:

 

a) Đơn xin đăng cai tổ chức giải thể thao, trong đó nêu rõ mục đích tổ chức, nguồn tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật;

 

b) Điều lệ giải thể thao;

 

c) Danh sách ban tổ chức giải thể thao;

 

d) Chương trình thi đấu và các hoạt động khác của giải thể thao;

đ) Tên giải thi đấu; huy chương, huy hiệu, cờ hiệu, biểu tượng của giải.

 

2. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người có thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 38 của Luật này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, nếu không cho phép phải nêu rõ lý do.

 

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người có thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, nếu không cho phép phải nêu rõ lý do.

 

Điều 41. Công nhận thành tích thi đấu thể thao thành tích cao

 

Liên đoàn thể thao quốc gia công nhận kỷ lục quốc gia các môn thể thao, kết quả thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.

 

Điều 42. Đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao thành tích cao

 

1. Đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao nhằm đánh giá trình độ chuyên môn của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

 

2. Liên đoàn thể thao quốc gia công nhận đẳng cấp cho vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

 

3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

 

Điều 43. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao

Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn Việt Nam và phù hợp với quy định của các tổ chức thể thao quốc tế hoặc đạt tiêu chuẩn quốc tế.

 

Mục 2
THỂ THAO CHUYÊN NGHIỆP

 

Điều 44. Phát triển thể thao chuyên nghiệp

 

1. Thể thao chuyên nghiệp là hoạt động thể thao, trong đó huấn luyện viên, vận động viên lấy huấn luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao là nghề của mình.

 

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

 

Điều 45. Quyền và nghĩa vụ của vận động viên chuyên nghiệp

 

1. Vận động viên chuyên nghiệp phải ký hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

 

2. Quyền và nghĩa vụ của vận động viên chuyên nghiệp được thực hiện theo hợp đồng lao động đã ký với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp.

 

3. Hợp đồng lao động ký giữa vận động viên chuyên nghiệp với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và phù hợp với quy định của tổ chức thể thao quốc tế tương ứng.

 

Điều 46. Quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên chuyên nghiệp

 

1. Huấn luyện viên chuyên nghiệp phải ký hợp đồng lao động với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp hoặc liên đoàn thể thao quốc gia.

 

            2. Quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên chuyên nghiệp được thực hiện theo hợp đồng lao động đã ký với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp hoặc với liên đoàn thể thao quốc gia.

 

3. Hợp đồng lao động ký giữa huấn luyện viên chuyên nghiệp với câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp hoặc với liên đoàn thể thao quốc gia theo quy định của pháp luật về lao động và phù hợp với quy định của tổ chức thể thao quốc tế tương ứng.

 

Điều 47. Chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp

1. Việc chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp giữa hai câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp trong nước được thực hiện bằng hợp đồng khi hợp đồng lao động của vận động viên chuyên nghiệp còn hiệu lực.

2. Việc chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp giữa câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp Việt Nam và câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định về chuyển nhượng của liên đoàn thể thao quốc tế.

 

3. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp do liên đoàn thể thao quốc gia quy định phù hợp với pháp luật Việt Nam và các quy định của liên đoàn thể thao quốc tế mà mình là thành viên.

 

Điều 48. Hợp đồng chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp

 

1. Hợp đồng chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thông lệ quốc tế.

 

2. Hợp đồng chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp do các bên thoả thuận bằng văn bản, bao gồm những nội dung sau đây:

 

a) Đối tượng chuyển nhượng;

 

b) Các bên tham gia chuyển nhượng;

 

c) Hình thức và phạm vi chuyển nhượng;

 

d) Thời gian chuyển nhượng;

 

đ) Giá chuyển nhượng và phương thức thanh toán;

 

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng;

 

g) Trách nhiệm và mức bồi thường của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;

 

h) Cơ quan giải quyết tranh chấp;

 

i) Các nội dung khác do các bên thoả thuận.

 

Điều 49. Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp

 

Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp là doanh nghiệp do tổ chức, cá nhân thành lập để thực hiện đào tạo, huấn luyện vận động viên và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp; kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực thể thao và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

 

Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp thành viên của liên đoàn thể thao quốc gia.

 

Điều 50. Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp

 

1. Có đội ngũ cán bộ, nhân viên thể thao đáp ứng yêu cầu của hoạt động thể thao chuyên nghiệp.

 

           2. Có vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên chuyên nghiệp.

 

           3. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với hoạt động thể thao chuyên nghiệp.

 

4. Có nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động của câu lạc bộ.

 

Điều 51. Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp

 

1. Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp; việc phá sản câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật phá sản.

 

2. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp.

 

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh phải gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao cùng cấp.

 

3. Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp chỉ được kinh doanh hoạt động thể thao khi đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 50 của Luật này.

 

4. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao bao gồm:

 

a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận;

 

b) Bản tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 50 của Luật này.

 

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải kiểm tra các điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp theo quy định tại Điều 50 của Luật này để cấp giấy chứng nhận; trường hợp không cấp giấy chứng nhận phải có văn bản nêu rõ lý do.

 

Điều 52. Nhiệm vụ, quyền hạn của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp

 

1. Tham gia thi đấu giải thể thao chuyên nghiệp do liên đoàn thể thao quốc gia, liên đoàn thể thao quốc tế tổ chức.

 

2. Đào tạo, huấn luyện vận động viên chuyên nghiệp.

 

3. Phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng năng khiếu thể thao.

 

4. Ký hợp đồng lao động với vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên chuyên nghiệp.

 

5. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao.

 

6. Bảo đảm nguồn tài chính hoạt động của câu lạc bộ.

 

7. Được sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

 

8. Được hưởng chính sách ưu đãi trong sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị do Nhà nước quản lý.

 

9. Được Nhà nước tạo điều kiện để tăng nguồn thu hợp pháp.

 

10. Được tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

 

Điều 53. Quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp

 

1. Việc bảo hộ quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được thực hiện theo pháp luật về dân sự và pháp luật về sở hữu trí tuệ.

 

2. Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức.

 

3. Chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp được chuyển nhượng quyền sở hữu đối với giải thể thao cho tổ chức, cá nhân theo hợp đồng do các bên thoả thuận.

 

4. Chính phủ quy định chi tiết về quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp.

 

 

 

 

Chương IV

 

CƠ SỞ THỂ THAO

 

Điều 54. Loại hình cơ sở thể thao

 

1. Cơ sở thể thao bao gồm:

 

a) Trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao;

 

b) Trung tâm hoạt động thể thao;

 

c) Cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao;

 

d) Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp;

 

đ) Trường năng khiếu thể thao.

 

2. Các loại hình hoạt động của cơ sở thể thao bao gồm doanh nghiệp thể thao và đơn vị sự nghiệp thể thao.

 

Điều 55. Doanh nghiệp thể thao

 

1. Doanh nghiệp thể thao được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

2. Điều kiện hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao bao gồm:

 

a) Có đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động;

 

b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động thể thao;

 

c) Có nguồn tài chính bảo đảm hoạt động kinh doanh.

 

3. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao theo quy định của Luật doanh nghiệp.

 

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh phải gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao cùng cấp.

 

4. Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 2 của Điều này.

 

5. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao bao gồm:

 

a) Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận;

 

b) Bản tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải kiểm tra các điều kiện hoạt động của doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều này để cấp giấy chứng nhận; trường hợp không cấp giấy chứng nhận thì phải có văn bản nêu rõ lý do.

 

6. Việc thành lập và hoạt động của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp được thực hiện theo quy định tại các điều 49, 50, 51 và 52 của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

7. Việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thể thao do tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

8. Trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể doanh nghiệp thể thao được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp; việc phá sản doanh nghiệp thể thao được thực hiện theo quy định của Luật phá sản.

 

Điều 56. Hộ kinh doanh hoạt động thể thao

 

1. Hộ kinh doanh hoạt động thể thao thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp.

 

2. Hộ kinh doanh hoạt động thể thao sử dụng thường xuyên từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp.

 

Điều 57. Đơn vị sự nghiệp thể thao

 

1. Đơn vị sự nghiệp thể thao được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

2. Thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập đơn vị sự nghiệp thể thao:

 

a) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao quyết định thành lập trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên quốc gia;

 

b) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao, trung tâm hoạt động thể thao, cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao trực thuộc;

 

c) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp quyết định thành lập, cho phép thành lập trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao, trung tâm hoạt động thể thao, cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao trên địa bàn.

 

Điều 58. Đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp thể thao

 

1. Đơn vị sự nghiệp thể thao bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp sau đây:

 

a) Vi phạm nghiêm trọng các quy định về tổ chức và thực hiện nhiệm vụ;

 

b) Không bảo đảm quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn;

 

c) Vi phạm quy định về quản lý tài chính.

 

2. Đơn vị sự nghiệp thể thao bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

 

a) Không khắc phục được tình trạng theo quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày bị đình chỉ;

 

b) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân xin thành lập đơn vị sự nghiệp thể thao.

 

3. Người quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập thì có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp thể thao.

 

Điều 59. Nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao

 

1. Tổ chức huấn luyện, thi đấu thể thao.

 

2. Chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức học tập văn hóa, giáo dục đạo đức cho vận động viên.

 

3. Tuyển dụng, quản lý, sử dụng nhân sự.

 

4. Quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị.

 

5. Bảo đảm an toàn cho vận động viên.

 

6. Được tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân.

 

Điều 60. Nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm hoạt động thể thao, cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao

 

1. Tổ chức hoạt động thể dục, thể thao theo đúng nội dung đã đăng ký.

 

2. Cung cấp các dịch vụ phục vụ người tập.

 

3. Bảo đảm an toàn cho người tập trong quá trình tập luyện, thi đấu tại cơ sở.

 

4. Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhân sự .

 

5. Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

 

6. Được tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân.

 

7. Giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

 

Điều 61. Trường năng khiếu thể thao

 

1. Trường năng khiếu thể thao là loại trường chuyên biệt được thành lập để phát triển năng khiếu của học sinh trong lĩnh vực thể thao.

 

Tổ chức và hoạt động của trường năng khiếu thể thao được thực hiện theo quy định của Luật giáo dục và Luật này.

 

2. Điều kiện thành lập trường năng khiếu thể thao:

 

a) Có chương trình giáo dục đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về các môn thể thao do hiệu trưởng nhà trường tổ chức xây dựng và quyết định;

 

b) Có đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục về thể thao và văn hoá;

 

c) Có trường sở, thiết bị và tài chính bảo đảm đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường.

 

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trường năng khiếu thể thao.

 

            4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao quy định chương trình văn hoá phổ thông giảng dạy trong trường năng khiếu thể thao trên cơ sở bảo đảm kiến thức văn hoá phổ thông cho học sinh, tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu thể thao.

 

Điều 62. Nhiệm vụ, quyền hạn của trường năng khiếu thể thao

 

1. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về các môn thể thao theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 61 của Luật này.

 

2. Tổ chức giảng dạy chương trình văn hoá phổ thông theo quy định tại khoản 4 Điều 61 của Luật này.

 

3. Tham gia thi đấu thể thao.

 

4. Tổ chức giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh.

 

5. Chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng, bảo đảm sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí cho học sinh.

 

6. Tuyển dụng, quản lý, sử dụng nhân sự.

 

7. Quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị.

 

8. Được tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân.

 

Điều 63. Quyền và nghĩa vụ của học sinh trường năng khiếu thể thao

 

1. Được học văn hoá.

 

2. Được tập luyện môn thể thao theo năng khiếu.

 

3. Được ăn, ở nội trú.

 

4. Được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

 

5. Được chăm sóc sức khoẻ và bảo đảm an toàn trong tập luyện, thi đấu thể thao.

 

6. Được tham gia các giải thi đấu thể thao.

 

7. Được tuyển chọn đi tập huấn ở nước ngoài.

 

8. Chấp hành tốt nội quy, quy chế của nhà trường.

 

9. Tích cực học tập văn hoá, tu dưỡng đạo đức, tập luyện chuyên môn để phát triển năng khiếu thể thao.

 

10. Trường hợp có nguyện vọng không học tiếp ở trường năng khiếu thể thao thì được chuyển sang học tập ở các trường phổ thông phù hợp với trình độ văn hoá đang theo học.

 

 

 

Chương V

 

NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN THỂ DỤC, THỂ THAO

 

Điều 64. Nguồn tài chính cho thể dục, thể thao

 

1. Ngân sách nhà nước.

2. Khoản thu từ hoạt động thi đấu, biểu diễn, dịch vụ hoạt động thể thao; chuyển nhượng quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp.

 

3. Nguồn đầu tư, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

4. Các nguồn thu hợp pháp khác.

 

Điều 65. Đất đai dành cho thể dục, thể thao

 

1. Trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân phải dành đất đai để xây dựng công trình thể thao.

 

2. Đất đai dành cho xây dựng công trình thể thao phải được bố trí ở những nơi thuận tiện để mọi người tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

 

3. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình thể thao được giao đất và cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

 

4. Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai dành cho thể dục, thể thao phù hợp với quy hoạch phát triển thể dục, thể thao.

 

Điều 66. Nhân lực cho phát triển thể dục, thể thao

 

Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.

 

Điều 67. Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao

 

1. Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao được thành lập nhằm hỗ trợ các tài năng thể thao.

 

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập, tài trợ, ủng hộ Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao.

 

3. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

 

 

Chương VI

 

UỶ BAN Ô-LIM-PÍCH VIỆT NAM VÀ

 

TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP VỀ THỂ THAO

 

Mục 1

 

 UỶ BAN Ô-LIM-PÍCH VIỆT NAM

 

Điều 68. Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam

1. Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam là tổ chức xã hội về thể thao, đại diện cho thể thao Việt Nam trong phong trào Ô-lim-pích quốc tế.

 

2. Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật.

 

3. Việc thành lập, giải thể, chuẩn y điều lệ tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về hội, phù hợp với quy định của Uỷ ban Ô-lim-pích quốc tế.

 

Điều 69. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam

 

1. Tham gia xây dựng và phát triển phong trào thể dục, thể thao trong nước; mở rộng quan hệ về thể thao với các nước trong phong trào Ô-lim-pích quốc tế.

 

2. Tuyên truyền, vận động mọi người lòng yêu thích và tinh thần thể thao cao thượng.

 

3. Giúp đỡ các liên đoàn thể thao quốc gia, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao ngành, địa phương hoạt động.

 

4. Phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao chuẩn bị cho đoàn thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế.

 

5. Kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách phát triển phong trào thể dục, thể thao.

 

6. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và cấp kinh phí cho các nhiệm vụ do Nhà nước uỷ quyền theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

 

7. Được nhận tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ này theo quy định của pháp luật.

 

 

 

 

 

Mục 2

 

TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP VỀ THỂ THAO

 

Điều 70. Liên đoàn thể thao quốc gia

1. Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng.

2. Liên đoàn thể thao quốc gia hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền, nghĩa vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật.

3. Việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuẩn y điều lệ tổ chức và hoạt động của liên đoàn thể thao quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về hội, phù hợp với quy định của liên đoàn thể thao quốc tế.

 

Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của liên đoàn thể thao quốc gia

 

1. Tập hợp, đoàn kết, động viên các thành viên tham gia phát triển môn thể thao trong nước.

 

2. Tuyên truyền lợi ích, tác dụng của môn thể thao.

 

3. Kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách phát triển môn thể thao.

 

4. Huy động mọi nguồn lực phát triển môn thể thao; tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ hoạt động thể thao theo quy định của pháp luật.

 

5. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và cấp kinh phí cho các nhiệm vụ do Nhà nước uỷ quyền theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

 

6. Được nhận tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ này theo quy định của pháp luật.

 

7. Tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia và giải thể thao quốc tế tại Việt Nam theo thẩm quyền.

 

8. Quản lý vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài môn thể thao; cử vận động viên, đội tuyển thể thao tham gia thi đấu quốc tế.

 

9. Xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển thể thao chuyên nghiệp của môn thể thao và tổ chức triển khai, quản lý, điều hành sau khi được Uỷ ban Thể dục thể thao phê duyệt.

 

10. Hướng dẫn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao ở ngành, địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ.

 

11. Công nhận thành tích thi đấu thể thao, đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

 

Điều 72. Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao ngành, địa phương

1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao ngành, địa phương hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền, nghĩa vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật.

2. Việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuẩn y điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao ngành, địa phương được thực hiện theo quy định của pháp luật về hội.

 

Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao ngành, địa phương

 

1. Tổ chức các giải thể thao theo thẩm quyền; quản lý vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao của ngành, địa phương.

 

2. Thực hiện phát triển thể thao chuyên nghiệp ở ngành, địa phương.

 

3. Các quyền và nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 71 của Luật này.

 

 

 

Chương VII

 

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ THỂ THAO

 

Điều 74. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về thể thao

 

Nhà nước mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về thể thao trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

 

Điều 75. Nội dung hợp tác quốc tế về thể thao

 

1. Tham gia các tổ chức thể thao quốc tế, ký kết, gia nhập, phê duyệt các điều ước quốc tế về thể thao.

 

2. Tổ chức, tham gia tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế tại Việt Nam.

 

3. Tham gia thi đấu và biểu diễn thể thao.

 

4. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài thể thao.

 

5. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thể thao.

 

6. Trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong thể thao.

 

7. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về thể thao.

 

8. Xây dựng và thực hiện chương trình, dự án hợp tác về thể thao.

 

9. Giao lưu, giới thiệu các môn thể thao dân tộc.

 

10. Chống tiêu cực trong các hoạt động thể thao.

 

 

 

Chương VIII

 

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

 

Điều 76. Khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp cho sự nghiệp thể dục, thể thao

 

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong xây dựng và phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, trong hoạt động thể dục, thể thao được khen thưởng theo quy định của Luật này và pháp luật về thi đua, khen thưởng.

 

2. Chế độ thưởng vật chất cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc gia và quốc tế do Thủ tướng Chính phủ quy định.

 

Điều 77. Xử lý vi phạm

1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về thể dục, thể thao thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

 

 

 

Chương IX

 

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 78. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.

 

2. Pháp lệnh thể dục, thể thao ngày 25 tháng 9 năm 2000 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực.

 

Điều 79. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều 4, 10, 11, 21, 28, 31, 50, 53, 55, 56, 57, 65, 67 và 77 của Luật này.

 

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006.

 

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Phú Trọng

 

 

__________________________

 

 

 

 

 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

 

Của Bộ Tài chính và Uỷ  ban Thể dục thể thao số 106/2006/TTLT-BTC-UBTDTT ngày 17/11/2006 quy định chế độ chi tiêu tài chính cho các giải thi đấu thể thao

 

 

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

 

Liên tịch Bộ Tài chính - Uỷ ban Thể dục thể thao quy định chế độ chi tiêu tài chính cho các giải thi đấu thể thao tổ chức tại Việt Nam như sau:

 

 

 

I - QUY ĐỊNH CHUNG

 

1. Phạm vi áp dụng:

 

Thông tư này quy định chế độ chi tiêu tài chính áp dụng cho các giải thi đấu thể thao trong nước và các giải thi đấu thể thao quốc tế chính thức tổ chức tại Việt Nam được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của ngành thể dục thể thao quyết định (trừ các giải thi đấu bóng đá thuộc hệ thống giải thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam), sau đây gọi tắt là giải thi đấu thể thao bao gồm:

 

1.1- Các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia:

-  Đại hội thể dục thể thao toàn quốc,

 

- Giải thi đấu thể thao cấp quốc gia của từng môn thể thao;

 

- Giải thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc;

 

1.2- Các giải thi đấu cấp khu vực, tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương:

 

- Đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh;

 

- Giải thi đấu thể thao cấp tỉnh của từng môn thể thao;

 

- Hội thi thể thao quần chúng khu vực, cấp tỉnh.

 

- Giải thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật.

 

1.3-  Giải thi đấu thể thao quốc tế chính thức tổ chức tại Việt Nam (trừ các Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới).

 

Ngoài các giải thi đấu thể thao trên, những giải thể thao khác do Bộ, ngành, địa phương tổ chức sẽ căn cứ vào Thông tư này để quy định mức chi cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế của Bộ, ngành, địa phương.

 

2. Đối tượng áp dụng:

 

a) Thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Đại hội thể dục thể thao, hội thi thể thao;

 

         b) Thành viên Ban tổ chức và các tiểu ban chuyên môn từng giải thi đấu;

 

         c) Trọng tài, giám sát điều hành các giải thi đấu;

 

         d) Vận động viên, huấn luyện viên;

 

         e) Công an, y tế, bảo vệ, nhân viên phục vụ tại các điểm thi đấu.

 

 

 

II - NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

1. Nội dung chi:

- Chi ăn, chi tiền thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên;

- Chi tiền tầu xe đi về, tiền thuê chỗ ở cho các đối tượng quy định tại điểm 2 phần I "Quy định chung" của Thông tư này.

- Chi tiền ăn, chi bồi dưỡng làm nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, các tiểu ban chuyên môn, trọng tài và giám sát;

- Chi bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên y tế, công an, lực lượng làm nhiệm vụ trật tự, bảo vệ và nhân viên phục vụ khác;

- Chi thuê địa điểm, tiền điện, nước tại địa điểm thi đấu;

- Chi đi lại, thuê phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị phục vụ công tác tổ chức giải;

- Chi tổ chức lễ khai mạc, trang trí, tuyên truyền, bế mạc, họp Ban tổ chức, tập huấn trọng tài, họp báo;

- Chi in vé, giấy mời, biên bản, báo cáo kết quả thi đấu;

- Chi làm huy chương, cờ, cúp;

- Các khoản chi khác có liên quan đến việc tổ chức giải.

2. Mức chi:

2.1 Đối với các giải thi đấu thể thao trong nước:

2.1.1 Chi tiền ăn:

a/ Tiền ăn trong quá trình tổ chức giải cho các đối tượng được quy định tại điểm a, b, c mục 2 phần I "Quy định chung" của Thông tư này: (bao gồm cả thời gian tối đa 2 ngày trước làm công tác chuẩn bị tập huấn trọng tài và 1 ngày sau thi đấu) như sau:

- Đối với các giải thi đấu cấp quốc gia (kể cả chính thức và mở rộng): Không quá 45.000đồng/người/ngày.

- Đối với các giải thi đấu cấp khu vực và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Từ  20.000đồng/người/ngày - 40.000 đồng/người/ngày.

Đối với các đối tượng thuộc diện hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã được đảm bảo chế độ chi tiền ăn trong thời gian tham dự giải thi đấu thể thao sẽ không được thanh toán phụ cấp tiền ăn theo quy định tại chế độ công tác phí trong thời gian tham dự giải thi đấu thể thao.

 

b/ Tiền ăn của vận động viên, huấn luyện viên thực hiện theo Thông tư liên tịch số 103/2004/TTLT/BTC-UBTDTT ngày 05/11/2004 của Liên Bộ Tài chính-Uỷ ban Thể dục Thể thao hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

2.1.2 Tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ thực tế từng ngày, buổi (hoặc trận đối với các môn Bóng chuyền, Bóng ném, Bóng rổ, Bóng nước, Cầu mây, Quần vợt):

Tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ thực tế được tính theo ngày làm việc, hoặc theo buổi thi đấu, trận đấu. Đối với các đối tượng mà tiền bồi dưỡng không tính được theo ngày làm việc mà tính theo buổi thi đấu, hoặc trận đấu, thì mức thanh toán tiền bồi dưỡng được tính theo thực tế, nhưng tối đa không  được vượt quá 2 buổi hoặc 2 trận đấu/người/ngày (trường hợp đặc biệt nếu vượt quá mức trên, Ban Tổ chức giải phải trình cấp có thẩm quyền quyết định trong phạm vi dự toán đã được phê duyệt).  

a/ Đối với các giải thi đấu cấp quốc gia (kể cả chính thức và mở rộng):

- Trưởng, phó Ban chỉ đạo, Ban tổ chức; Trưởng, phó các tiểu ban chuyên môn; thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức: 80.000 đồng/người/ngày.

- Thành viên các tiểu ban chuyên môn: 60.000 đồng/người/ngày.

- Giám sát, trọng tài chính: 50.000 đồng/người/buổi.

- Thư ký, trọng tài khác: 40.000 đồng/người/buổi.

- Bộ phận y tế: 30.000 đồng/người/buổi.

- Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ dẫn đường theo yêu cầu riêng của một giải thi đấu thể thao (nếu có); Lực lượng làm nhiệm vụ trật tự, bảo vệ, nhân viên, phục vụ: 25.000 đồng/người/buổi.

b/ Đối với các giải thi đấu cấp khu vực và tỉnh, thành phố trực thuộc TW:

- Trưởng, phó Ban chỉ đạo, Ban tổ chức; Trưởng, phó các tiểu ban chuyên môn; thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức: 25.000 - 50.000 đồng/người/ngày.

-Thành viên các tiểu ban chuyên môn: 20.000 - 40.000 đồng/người/ngày.

- Giám sát, trọng tài chính: 25.000 - 40.000 đồng/người/buổi.

- Thư ký, trọng tài khác: 20.000 - 30.000 đồng/người/buổi.

- Bộ phận y tế: 15.000 - 25.000 đồng/người/buổi.

- Lực lượng làm nhiệm vụ trật tự, bảo vệ, nhân viên phục vụ:  10.000 – 20.000 đồng/người/buổi.

 

2.1.3. Mức chi tổ chức đồng diễn, diễu hành đối với các Đại hội thể dục thể thao toàn quốc và cấp tỉnh như sau:

 

 

 

 

a/ Chi sáng tác, dàn dựng, đạo diễn các màn đồng diễn: thanh toán theo hợp đồng kinh tế giữa Ban tổ chức với các tổ chức hoặc cá nhân, mức chi căn cứ Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 của Chính phủ về việc quy định chế độ nhuận bút và Thông tư liên tịch số 21/2003/TTLT-VHTT-BTC ngày 01/7/2003 giữa Bộ Văn hoá Thông tin và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chi trả chế độ nhuận bút, trích lập và sử dụng quỹ nhuận bút cho một số tác phẩm được quy định tại Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 của Chính phủ.

 

 

 

 

b/ Bồi dưỡng đối tượng tham gia đồng diễn, diễu hành, xếp hình, xếp chữ:

 

 

 

 

- Người tập:

 

 

 

 

+ Tập luyện: 10.000 - 15.000 đồng/người/buổi.

 

 

 

 

+ Tổng duyệt (tối đa 2 buổi):  15.000 - 25.000 đồng/người/buổi.

 

 

 

 

+ Chính thức: 30.000 - 50.000 đồng/ người/buổi.

- Giáo viên quản lý, hướng dẫn: 20.000 - 40.000 đồng/người/buổi.

2.2. Đối với các giải thi đấu thể thao quốc tế chính thức được tổ chức tại Việt Nam:

 

 

 

 

a/ Tiền ăn trong quá trình tổ chức giải: (bao gồm cả thời gian tối đa 2 ngày trước làm công tác chuẩn bị tập huấn trọng tài và 1 ngày sau thi đấu) như sau:

- Đối với thành viên Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, các tiểu ban chuyên môn, trọng tài và giám sát người Việt Nam: Thực hiện theo chế độ tổ chức các giải thi đấu thể thao trong nước cấp quốc gia.

- Đối với các quan chức, trọng tài, giám sát người nước ngoài: Thực hiện theo thực tế nhưng không được vượt quá chế độ tiếp khách nước ngoài của Nhà nước quy định tại Thông tư số 100/2000/TT-BTC ngày 16/10/2000 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

b/ Tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ thực tế từng ngày, buổi (hoặc trận của các môn Bóng chuyền, Bóng ném, Bóng rổ, Bóng nước, Cầu mây, Quần vợt):

- Đối với các quan chức, giám sát, trọng tài người nước ngoài: được hưởng chế độ theo quy định của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc tế.

- Trưởng, phó Ban chỉ đạo, Ban tổ chức (người Việt Nam): 120.000 đồng/người/ngày.

- Giám sát, trọng tài chính (người Việt Nam): 75.000 đồng/người/ngày.

- Các đối tượng khác (người Việt Nam) được hưởng theo chế độ tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia.

c/ Tiền thuê phiên dịch cho người nước ngoài (nếu có): không quá 200.000 đồng/người/ngày.

d/ Tiều tàu xe, chỗ ở cho các quan chức, trọng tài, giám sát người nước ngoài: Thực hiện theo thực tế nhưng không được vượt quá chế độ tiếp khách nước ngoài của Nhà nước quy định tại Thông tư số 100/2000/TT-BTC ngày 16/10/2000 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

2.3 Đối với các giải thi đấu thể thao do các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao tổ chức tại Việt Nam:

- Về nguyên tắc, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao tự cân đối kinh phí tổ chức giải.

- Về chế độ chi tiêu tài chính cho các giải thi đấu thể thao này: được vận dụng theo chế độ chi tiêu tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia.

- Việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao (nếu có) được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 123/2003/TT-BTC ngày 16/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn Quyết định số 21/2003/QĐ-TTg  ngày 29/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức chính trị  xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước.

 

 

 

 

3. Các khoản chi khác:

- Tiền tàu xe đi về, tiền thuê chỗ ở cho các đối tượng nêu tại điểm 2 phần I "Quy định chung" của Thông tư này thực hiện theo Thông tư số 118/2004/TT-BTC ngày 8/12/2004 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

- Tiền thưởng vận động viên, huấn luyện viên thực hiện theo Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên  thể thao.

 

 

 

 

- Các khoản chi cho in ấn, huy chương, cờ, cúp, trang phục, đạo cụ, khai mạc, bế mạc: tuỳ theo quy mô, tính chất giải để chi phù hợp với nguồn thu và nguồn kinh phí được ngân sách nhà nước cấp. Đồng thời, căn cứ theo chế độ hiện hành, hoá đơn, chứng từ hợp pháp, hợp lệ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

- Trường hợp một người được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau trong quá trình điều hành tổ chức giải chỉ được hưởng một mức bồi dưỡng cao nhất.

- Các khoản chi khác không quy định tại Thông tư này thì thực hiện theo các quy định chi tiêu tài chính hiện hành.

 

 

 

 

4. Nguồn kinh phí:

 

 

 

 

4.1. Kinh phí chi trả cho các chế độ quy định tại Thông tư này được đảm bảo từ các nguồn:

 

 

 

 

- Nguồn thu bán vé xem thi đấu.

 

 

 

 

- Nguồn thu tài trợ, quảng cáo, bán bản quyền phát thanh, truyền hình.

 

 

 

 

- Nguồn ngân sách nhà nước.

 

 

 

 

- Nguồn thu khác

 

 

 

 

4.2. Kinh phí chi trả cho các chế độ quy định tại Thông tư này từ các nguồn thu huy động được và nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, theo nguyên tắc:

 

 

 

 

- Cơ quan chủ trì tổ chức giải thi đấu thể thao chịu trách nhiệm cân đối nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác tổ chức giải, gồm: Chi phí thuê sân bãi, thông tin, tuyên truyền, trọng tài, làm huy chương, cờ, cúp, công an, bảo vệ, y tế, duy trì hoạt động của Ban tổ chức (chi phí đi lại, thuê chỗ nghỉ, chi tiền ăn, tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ theo chế độ quy định) trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và các nguồn thu huy động được, Ngân sách trung ương không chi hỗ trợ cho việc tổ chức giải.

 

 

 

 

- Cơ quan cử vận động viên tham gia thi đấu chịu trách nhiệm cân đối nguồn kinh phí cho việc đi lại, ăn, thuê chỗ nghỉ, bảo hiểm tai nạn, chăm sóc, khám, chữa bệnh, khắc phục tai nạn,.. cho vận động viên, huấn luyện viên và các cán bộ trực thuộc đoàn thể thao được cử tham gia thi đấu.  

 

 

 

 

5. Công tác lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí:

 

 

 

 

5.1. Hàng năm, căn cứ vào chương trình, kế hoạch tổ chức các giải thi đấu thể thao, nguồn thu dự kiến từ bán vé xem thi đấu, tài trợ, quảng cáo, bán bản quyền phát thanh, truyền hình,… (nếu có), cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao ở các cấp lập dự toán chi ngân sách cho các giải thi đấu thể thao do cấp mình tổ chức trình cấp có thẩm quyền theo quy định hiện hành.

 

 

 

 

5.2. Căn cứ vào dự toán chi NSNN đã được cấp có thẩm quyền giao, Uỷ ban Thể dục Thể thao và các địa phương phân bổ và giao dự toán chi tổ chức các giải thi đấu thể thao cho các đơn vị thực hiện theo quy định.

 

 

 

 

5.3. Trước khi tổ chức các giải thi đấu thể thao, Ban tổ chức các giải thi đấu thể thao lập dự toán chi tiết gửi cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và tổ chức chi tiêu trong phạm vi dự toán được duyệt.

 

 

 

 

5.4. Khoản chi tiêu cho các giải thi đấu thể thao được hạch toán vào các mục tương ứng theo chương, loại, khoản quy định của mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

 

 

 

 

5.5. Sau khi kết thúc giải 15 ngày, Ban tổ chức giải thi đấu thể thao có trách nhiệm tập hợp chứng từ thu chi và quyết toán kinh phí theo đúng các quy định về chế độ quản lý tài chính hiện hành.

 

 

 

 

III - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

 

 

 

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Những quy định về chế độ chi tiêu tài chính cho các giải thi đấu thể thao trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

 

 

 

 

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Thể dục Thể thao để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

___________________________

 

 

 

Ảnh trong bài
  •  Bản tin Phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Thể dục Thể thao số 11/2006