Tiêu chuẩn nghiệp vụ HLV, HDV thể dục thể thao

Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức ngành Thể dục thể thao được thực hiện theo Quyết định số 408/TCCP-VP ngày 29/5/1993 của Bộ trưởng – Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) gồm các ngạch huấn luyện viên cao cấp, huấn luyện viên chính, huấn luyện viên và hướng dẫn viên. Tiêu chuẩn nghiệp vụ này là căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức thi nâng ngạch, nâng bậc lương và chuyển ngạch cho cán bộ làm công tác đào tạo, huấn luyện thể thao, góp phần tích cực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Thể dục thể thao.

Do tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức ngành Thể dục thể thao được xây dựng từ đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, thời kỳ đầu thực hiện chuyển đổi cơ chế quản lý nên đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập như chưa nêu được đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, các yêu cầu về hiểu biết, trình độ của từng ngạch viên chức cũng như tiêu chí chung quy định về trình độ chưa rõ ràng, không còn phù hợp với đặc điểm yêu cầu của từng loại công việc, vì vậy đội ngũ viên chức ngành Thể dục thể thao đã bộc lộ những hạn chế làm ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo quản lý, thực hiện chế độ chính sách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả của hoạt động thể dục thể thao. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, viên chức còn yếu chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; phương pháp làm việc chậm đổi mới, thiếu sáng tạo trong công tác; năng lực nghiên cứu lý luận kết hợp với thực tiễn còn nhiều bất cập, chưa thực sự bám sát thực tiễn trong công tác huấn luyện, đặc thù hoạt động thể dục thể thao của nước nhà để xây dựng kế hoạch cho phù hợp; trình độ ngoại ngữ, tin học còn yếu, nên  không có điều kiện để nghiên cứu, tiếp thu tham khảo tài liệu nước ngoài và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các huấn luyện viên, chuyên gia nước ngoài. Thiếu cập nhập, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến liên quan đến công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên nên chưa có nhiều nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp huấn luyện làm hạn chế thành tích của vận động viên.

Trước những yêu cầu phát triển của sự nghiệp thể dục, thể thao nước nhà trong giai đoạn mới nhằm góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực cho nhân dân, nâng cao thành tích thể thao Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, cần phải tiến hành đồng thời những giải pháp cải cách cần thiết trong lĩnh vực thể dục thể thao, đặc biệt là đổi mới cơ chế quản lý đối với hoạt động thể dục thể thao mà cốt lõi là đổi mới cơ chế quản lý nguồn nhân lực thể dục thể thao. Trong đó việc cải cách thể chế sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp quy trong đó tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch viên chức ngành Thể dục thể thao rất cần được quan tâm, ưu tiên. Chính vì những yêu cầu bức thiết và cấp bách đó, ngày 10 tháng 3 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 12/2008/QĐ-BVHTTDL ban hành tiêu chuẩn các ngạch viên chức ngành Thể dục thể thao gồm Huấn luyện viên cao cấp mã số ngạch 18.179; Huấn luện viên chính (18.180); Huấn luyện viên (18.181) và Hướng dẫn viên (18.182). Gắn với mỗi ngạch viên chức có 04 tiêu chí đánh giá về chức trách, nhiệm vụ, hiểu biết và tiêu chuẩn về trình độ. Quyết định này ra đời là cơ sở pháp lý để quản lý, sử dụng các ngạch viên chức ngành Thể dục thể thao phù hợp trong tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp Thể dục thể thao trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước. 

 

Mời bạn đọc nhấn vào tài liệu dưới đây để xem toàn văn quyết định số 12/2008/QĐ-BVHTTDL. 

 

 

Phương Thuỷ

Ảnh trong bài
  •  Tiêu chuẩn nghiệp vụ HLV, HDV thể dục thể thao