10 Sự kiện nổi bật và 05 vấn đề nổi cộm trong năm 2007 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bình chọn

Chiều qua (24/12), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo công bố 10 sự kiện nổi bật và 05 vấn đề nổi cộm của năm 2007 do Bộ bình chọn. Buổi họp do Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Danh Thái chủ trì. Do là lần đầu tiên, các sự kiện được bình chọn trên cả ba lĩnh vực: Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên buổi họp đã thu hút sự chú ý, đặc biệt là của báo giới.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao

và Du lịch Nguyễn Danh Thái tại buổi

họp chiều ngày 24/12 (Ảnh: QH)

Chiều qua (24/12), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo công bố 10 sự kiện nổi bật và 05 vấn đề nổi cộm của năm 2007 do Bộ bình chọn. Buổi họp do Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Danh Thái chủ trì. Do là lần đầu tiên, các sự kiện được bình chọn trên cả ba lĩnh vực: Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên buổi họp đã thu hút sự chú ý, đặc biệt là của báo giới.

Phát biểu tại buổi họp, một số ý kiến chưa thống nhất về tiêu chí lựa chọn 10 sự kiện nổi bật và 5 vấn đề nổi cộm do Bộ bình chọn. Cụ thể như trong lĩnh vực TDTT, vẫn còn có những ý kiến cho rằng: Việc VĐV Điền kinh Trương Thanh Hằng đoạt HCV Châu Á cự ly 800m; hay ba VĐV Taekwondo: Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Hà Giang, Nguyễn Thị Hoài Thu vượt qua vòng loại giành vé tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 chỉ là một trong số những sự kiện mang đầy đủ tính đại diện, tiêu biểu, bởi còn rất nhiều các VĐV khác cũng đạt đươc những thành tích xuất sắc tương tự, như: Vũ Thị Hương (Điền kinh), đội tuyển Bóng đá nam tại vòng loại Olympic và ASIAN Cup… nhưng chưa được đề cập đến tại cuộc bầu chọn này

Theo đó, 10 sự kiện nổi bật gồm có:

1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được thành lập theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 của Quốc hội khoá XII.

2. Hội nghị Tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28 đến 30/9/2007. Hội nghị tôn vinh nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam, với sự tham gia của 910 đại biểu đại diện gia đình văn hóa, tiêu biểu xuất sắc từ 64 tỉnh, thành, thuộc hơn 40 dân tộc và tám thành phần tôn giáo trong cả nước.

3. Các hoạt động văn hóa tham dự Lễ hội Smithsonian 2007 với chủ đề “Mekong – dòng sông kết nối các nền văn hóa” tại Hoa Kỳ từ 27/6 đến 8/7, Tuần văn hóa Việt Nam tại Lào từ ngày 15 đến 21/7, Tuần văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc từ 12 đến 15/11… giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của Việt Nam trên toàn thế giới.

4. Ngày hội văn hóa người Hoa tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 28/2 đến 4/3, Ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 10 tại Yên Bái từ ngày 23 đến 26/10, Ngày hội văn hóa dân tộc Mường toàn quốc lần thứ nhất tại Hoà Bình từ ngày 14 đến 17/12, Liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ hai tại Cao Bằng từ ngày 3 đến 5/10… được tổ chức góp phần bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

5. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 tại Nam Định với số lượng phim tham dự lớn nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý tại Liên hoan phim lần này là sự góp mặt của các hãng phim tư nhân với nhiều giải thưởng dành cho phim tư nhân, phim hợp tác với nước ngoài.

6. Đoàn thể thao Việt Nam đứng thứ ba tại SEA Games 24 và lần thứ ba liên tiếp nằm trong tốp ba nước đứng đầu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Tại SEA Games 24, tổ chức từ ngày 6 đến 15/12, Đoàn thể thao với 572 vận động viên, 271 huấn luyện viên và cán bộ đã tham gia thi đấu 368/474 nội dung của 32/45 môn thể thao. Với 64 huy chương vàng, 58 huy chương bạc, 82 huy chương đồng, Đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ ba trong bảng tổng sắp huy chương.

7. VĐV Điền kinh Trương Thanh Hằng đoạt HCV Châu Á cự ly 800m; ba VĐV Taekwondo Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Hà Giang, Nguyễn Thị Hoài Thu vượt qua vòng loại giành vé tham dự Olympic Bắc Kinh 2008.

8. Du lịch Việt Nam đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế, vươn lên đứng thứ 5 trong khu vực về thu hút khách du lịch quốc tế. Với kết quả này, ngành du lịch đã hoàn thành kế hoạch năm đón từ 4 đến 4,4 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 56 nghìn tỷ đồng.

9. Lần đầu tiên hình ảnh du lịch Việt Nam được quảng bá chính thức trên kênh truyền hình quốc tế CNN. Đoạn phim quảng bá dài 30 giây, phát sóng định kỳ gần 200 lần vào các giờ vàng trong ngày và cuối tuần trên kênh truyền hình CNN châu Á trong ba tháng liên tiếp, bắt đầu từ ngày 10/10.

10. Năm Du lịch quốc gia 2007 tại Thái Nguyên với chủ đề “Về thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” và Festival Hoa Đà Lạt 2007. Với lễ công bố năm du lịch quốc gia tại thành phố Thái Nguyên ngày 27/2, cho đến kết thúc năm du lịch, đã có hơn một triệu lượt khách du lịch đến Thái Nguyên.

Festival Hoa Đà Lạt diễn ra từ 15 đến 21/12 là sự kiện văn hoá, thương mại, du lịch, với sự tham dự của 100 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoa ở 24 tỉnh thành trong cả nước và bảy quốc gia nổi tiếng về hoa trên thế giới.

05 vấn đề tồn tại:

1. Việc vi phạm di tích, danh lam, thắng cảnh, mất cắp cổ vật vẫn xảy ra ở một số địa phương.

2. Hoạt động kinh doanh dịch vụ quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường còn biểu hiện tiêu cực với những thủ đoạn tinh vi, tính chất vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

3. Đội tuyển bóng đá nam thi đấu không thành công tại SEA Games 24, gây thất vọng cho người hâm mộ bóng đá cả nước.

4. Vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong thể thao chưa được khắc phục có hiệu quả, bạo lực trong thể thao có chiều hướng gia tăng, một số trọng tài bóng đá bị đưa ra xét xử vì dính líu đến tiêu cực.

5. Sản phẩm du lịch còn nghèo, chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao, tình trạng thiếu buồng khách sạn chất lượng cao, người bán hàng rong đeo bám khách tại một số điểm du lịch chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Thịnh Hường


 

Ảnh trong bài
  •  10 Sự kiện nổi bật và 05 vấn đề nổi cộm trong năm 2007 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch bình chọn