Đề cương giới thiệu Luật thể dục, thể thao

 

 

BỘ TƯ PHÁP

VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

 

 

UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO

VỤ PHÁP CHẾ

 

 

 

 

 

 

 

ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU

 

 

 

LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO

 

 

 

 

              Ngày 12/12/2006, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh công bố Luật thể dục, thể thao được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2006 tại kỳ họp thứ 10. Luật thể dục, thể thao có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.

 

 

 

 

 

 

 

 

I- SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO

 

 

 

 

1. Trong những năm qua, sự nghiệp thể dục, thể thao đã và đang phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới đất nước, từng bước đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Các hoạt động thể dục, thể thao cho mọi người đã được mở rộng trong các đối tượng và địa bàn; giáo dục thể chất trong trường học được chú trọng; thành tích thể thao đã có những bước tiến đáng khích lệ theo hướng chuyên nghiệp hoá; hệ thống cơ sở vật chất thể dục thể thao từng bước được quy hoạch và nâng cấp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thể dục, thể thao ngày càng mở rộng. Cùng với các thành tích trên, chủ trương xã hội hoá thể dục, thể thao mà Đảng và Nhà nước ta đề ra đang được tích cực triển khai và bước đầu thu được kết quả khả quan.

 

 

 

 

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế, công tác thể dục, thể thao trong thời gian tới phải đáp ứng được những mục tiêu và nhiệm vụ mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển thể dục, thể thao là: “…Đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao cả về quy mô và chất lượng. Khuyến khích và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Phát triển mạnh thể thao quần chúng, thể thao nghiệp dư, trước hết là trong thanh niên, thiếu niên. Làm tốt công tác giáo dục thể chất trong trường học. Mở rộng quá trình chuyên nghiệp hoá thể thao thành tích cao. Đổi mới và tăng cường hệ thống đào tạo vận động viên trẻ. Từng bước chuyển các đơn vị sự nghiệp thể dục, thể thao công lập sang áp dụng chế độ tự chủ tài chính, tiến tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện như các tổ chức cung ứng dịch vụ công cộng khác. Khuyến khích các doanh nghiệp ngoài công lập đầu tư và kinh doanh cơ sở luyện tập, thi đấu thể thao. Phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các tổ chức liên đoàn, hiệp hội thể thao. Chuyển giao hoạt động tác nghiệp về thể thao cho các tổ chức xã hội và các cơ sở ngoài công lập thực hiện”.

 

 

 

 

Để thực hiện mục tiêu và các nhiệm vụ nêu trên, một trong những đòi hỏi cấp thiết là phải có hành lang pháp lý nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mới trong lĩnh vực thể dục, thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn trong nước và hội nhập quốc tế, trong đó Luật thể dục, thể thao đóng vai trò chủ đạo.

 

 

 

 

2. Pháp lệnh thể dục, thể thao được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25/9/2000 và có hiệu lực từ ngày 9/10/2000 đã tạo điều kiện để phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thể dục, thể thao những năm qua. Pháp lệnh thể dục, thể thao ra đời góp phần tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức của xã hội về giá trị của thể dục, thể thao, về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thể dục thể thao trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, Pháp lệnh thể dục, thể thao đã bộc lộ nhiều bất cập, các quy định trong Pháp lệnh chưa cụ thể, mang tính định hướng nhiều hơn tính quy phạm; các chế định còn mang tính nguyên tắc, chưa thể hiện được rõ nét tư tưởng chỉ đạo và các biện pháp để thực hiện trong từng lĩnh vực hoạt động thể dục, thể thao; chủ trương xã hội hoá thể dục, thể thao chưa thể hiện rõ. Cụ thể là:

 

 

 

 

Thứ nhất, về thể dục, thể thao quần chúng, Pháp lệnh thể dục, thể thao chưa điều chỉnh một cách cụ thể những vấn đề mang tính cốt yếu nhằm xây dựng, duy trì và phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng như: việc xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên thể dục thể thao, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động thể dục, thể thao quần chúng trong đơn vị mình; trách nhiệm của chính quyền cơ sở…Do đó, công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý hoạt động thể dục, thể thao quần chúng chưa đạt hiệu quả cao; chưa nâng cao được trách nhiệm của các ngành, các cấp về công tác thể dục, thể thao, chưa góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động thể dục, thể thao;

 

 

 

 

Thứ hai, Pháp lệnh thể dục, thể thao chưa xác định được cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chính về công tác thể dục, thể thao trường học là Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Uỷ ban Thể dục thể thao. Hệ thống giải thi đấu thể thao trong trường học chưa quy định ai là chủ thể quản lý, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong tổ chức các giải đấu thể thao trường học hiện nay. Vấn đề cơ sở vật chất cho thể dục, thể thao trường học; việc đảm bảo giáo viên thể dục thể thao cho các cấp học chưa có quy định cụ thể; chưa rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia và có trách nhiệm với hoạt động thể dục, thể thao trường học;

 

 

 

 

Thứ ba, Pháp lệnh thể dục, thể thao chưa có những quy định riêng về thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang để xác định tính chất đặc thù của hoạt động thể dục, thể thao phục vụ trực tiếp xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, hiện đại. Vì vậy, chưa phát huy được tính ưu việt của thể dục, thể thao đối với rèn luyện sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ, cũng như tiềm năng thể thao thành tích cao của cán bộ, chiến sĩ đóng góp cho sự nghiệp thể dục, thể thao chung của đất nước. Trong thực tế, thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang có tầm quan trọng và đặc thù riêng, là nội dung rèn luyện thể lực bắt buộc;

 

 

 

 

Thứ tư, Pháp lệnh thể dục, thể thao mới chỉ dừng lại ở các quy định mang tính khái quát về thể thao thành tích cao. Quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài chưa được xác định. Thể thao chuyên nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, lao động, truyền hình…đòi hỏi phải được cụ thể hoá để triển khai có hiệu quả. Các vấn đề pháp lý nói trên chưa tạo lập cơ sở pháp lý chặt chẽ đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tiễn hiện nay. Quy định về quản lý tổ chức giải thi đấu thể thao còn mang tính hành chính, bao cấp, chủ yếu đề cập đến thủ tục hành chính mà chưa quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc thu hút mọi nguồn lực trong xã hội tham gia;

 

 

 

 

Thứ năm, Pháp lệnh thể dục, thể thao chưa điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội về thể thao của các ngành và các địa phương. Đây cũng là một hạn chế cần được khắc phục, vì số lượng các tổ chức này là tương đối nhiều và hiện đang phát triển theo chiều hướng gia tăng, đòi hỏi phải có sự quản lý, định hướng hoạt động để đóng góp vào quá trình phát triển chung của sự nghiệp thể dục, thể thao.

 

 

 

 

3. Thể dục, thể thao là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước; đồng thời có tính xã hội rộng rãi, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, các quy định pháp luật liên quan đến chính sách phát triển thể dục thể thao phải phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và liên quan đến nhiều ngành, nhiều hệ thống quản lý và nhiều loại văn bản pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực tế hiện nay, nhiều lĩnh vực liên quan đến thể dục, thể thao đã có văn bản luật điều chỉnh như: Luật giáo dục, Luật du lịch, Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật thanh niên…Do vậy, để điều chỉnh những mối quan hệ liên ngành có liên quan đến thể dục, thể thao đòi hỏi phải tạo lập văn bản có giá trị pháp lý cao - Luật thể dục, thể thao.

 

 

 

 

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT

 

 

 

 

1.     Thể chế hoá được quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác thể dục, thể thao. Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao rộng khắp nhằm nâng cao sức khoẻ mọi người, góp phần phát triển toàn diện nhân cách, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao thành tích thể thao để phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân và tham gia các hoạt động thể thao quốc tế nhằm tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế;

 

 

 

 

2.     Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao, coi thể dục, thể thao là sự nghiệp của toàn xã hội, khuyến khích và tạo điều kiện để mọi người dân được tham gia, đóng góp cho hoạt động thể dục, thể thao và hưởng thụ các thành quả do thể dục thể thao mang lại;

 

 

 

 

3. Kế thừa các quy định của Pháp lệnh thể dục, thể thao, khắc phục những bất cập trong hoạt động thể dục, thể thao và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

 

 

 

 

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO

 

 

 

 

Luật thể dục, thể thao gồm 9 chương, 79 điều, bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:

 

 

 

 

Chương I - Những quy định chung gồm 10 điều (từ Điều 1 đến Điều 10) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc áp dụng Luật thể dục, thể thao; chính sách của nhà nước phát triển thể dục, thể thao; cơ quan quản lý nhà nước và nội dung quản lý nhà nước về thể dục, thể thao; thanh tra thể dục, thể thao; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thể dục, thể thao; thông tin, tuyên truyền về thể dục, thể thao và những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao.

 

 

 

 

Luật thể dục, thể thao xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật là quy định về tổ chức và hoạt động thể dục, thể thao; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao (Điều 1). Luật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao; tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động thể dục thể thao tại Việt Nam (Điều 2).

 

 

 

 

Chương II - Thể dục, thể thao cho mọi người gồm 20 điều (từ Điều 11 đến Điều 30) cấu trúc thành 3 mục:

 

 

 

 

Mục 1- Thể dục, thể thao quần chúng:

 

 

 

 

Mục này quy định về phát triển thể dục, thể thao quần chúng; phong trào thể dục, thể thao quần chúng; thi đấu thể thao quần chúng; thể dục, thể thao người khuyết tật; thể dục, thể thao cho người cao tuổi; thể dục phòng, chữa bệnh; các môn thể thao dân tộc; thể thao giải trí và thể thao quốc phòng.

 

 

 

 

Luật đã cơ bản khắc phục được cách quy định còn chung chung trong các văn bản hiện hành. Điều 11 của Luật xác định chính sách phát triển thể dục, thể thao quần chúng; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phát triển thể dục thể thao; trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để người lao động trong đơn vị mình tham gia hoạt động thể dục, thể thao. Luật còn có quy định về phong trào thể dục, thể thao, thi đấu thể thao. Đây là những vấn đề mang tính cốt yếu để xây dựng, duy trì và phát triển thể dục, thể thao quần chúng.

 

 

 

 

Một trong những điểm mới của Luật là Điều 14 quy định riêng về thể dục, thể thao cho người khuyết tật nhằm thể chế hoá đường lối của Đảng và Nhà nước về vấn đề này, tạo mọi điều kiện để người tàn tật tham gia các hoạt động xã hội, hoà nhập cộng đồng.

 

 

 

 

Mục 2- Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường:

 

 

 

 

Mục này quy định về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của nhà trường; quyền và nghĩa vụ của giáo viên, giảng viên thể dục thể thao; quyền và nghĩa vụ của người học; thi đấu thể thao trong nhà trường; trách nhiệm của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao.

 

 

 

 

Khắc phục hạn chế trong Pháp lệnh thể dục, thể thao, Luật quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trách nhiệm phối hợp của Uỷ ban Thể dục thể thao, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 21), trách nhiệm của nhà trường (Điều 22) đối với giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường nhằm bảo đảm cho hoạt động thể dục, thể thao trong trường học đi vào nề nếp, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thể dục, thể thao.

 

 

 

 

Mục 3- Thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang:

 

 

 

 

Mục này quy định về hoạt động thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang; trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang; trách nhiệm của các đơn vị trong lực lượng vũ trang; quyền và nghĩa vụ của cán bộ, chiến sỹ.

 

 

 

 

Thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang được coi là một nội dung quan trọng và tương đối đặc thù nhằm rèn luyện thể lực, sức chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ để xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, phục vụ công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Bên cạch đó, lực lượng vũ trang cũng đã cung cấp nhiều vận động viên xuất sắc, đóng góp vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam. Do đó, Luật dành riêng một mục quy định về vấn đề này và đây cũng là một trong những điểm mới của Luật.

 

 

 

 

Chương III - Thể thao thành tích cao  gồm 23 điều (từ Điều 31 đến Điều 53) được cấu thành 2 mục.

 

 

 

 

Đây là một chương quan trọng, có tính chất quyết định đến việc thực hiện mục tiêu nâng cao trình độ thể thao đã được xác định tại Điều 4 của Luật. Quán triệt tinh thần này, Luật đã quy định hết sức cụ thể về quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao nhằm thể chế hoá chính sách đãi ngộ của Nhà nước dành cho những đối tượng đặc biệt này, đồng thời cũng đặt ra nghĩa vụ phải nỗ lực tập luyện và thi đấu đạt thành tích cao mang lại vinh quang về cho Tổ quốc; chuyển giao hầu hết các công việc tác nghiệp cho liên đoàn, hiệp hội thể thao phù hợp với chủ trương xã hội hoá và hội nhập quốc tế về thể thao trong giai đoạn hiện nay.

 

 

 

 

Mục 1 - Thể thao thành tích cao:

 

 

 

 

Quy định về phát triển thể thao thành tích cao; quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao; đoàn, đội thể thao quốc gia; tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao quốc gia; giải thi đấu thể thao thành tích cao; công nhận thành tích trong thi đấu thể thao; đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên và trọng tài; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.

 

 

 

 

Mục 2 - Thể thao chuyên nghiệp:

 

 

 

 

Quy định về phát triển thể thao chuyên nghiệp; quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên chuyên nghiệp; chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp; câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp.

 

 

 

 

Chương IV - Cơ sở thể thao gồm 10 điều (từ Điều 54 đến Điều 63).

 

 

 

 

Chương này quy định về loại hình cơ sở thể thao; doanh nghiệp thể thao; hộ kinh doanh hoạt động thể thao; đơn vị sự nghiệp thể thao; đình chỉ hoạt động, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp thể thao; nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ sở thể thao; trường năng khiếu thể thao.

 

 

 

 

Chương này thể hiện rõ chủ trương xã hội hoá thể dục, thể thao, khuyến khích mọi tiềm năng trong xã hội đầu tư cho thể dục, thể thao. Cụ thể là: khuyến khích phát triển mạnh mẽ các cơ sở thể thao ngoài công lập và phát huy tối đa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở thể thao công lập. Điều này được thể hiện ở những quy định về các loại hình cơ sở thể thao đa dạng; điều kiện, trình tự thủ tục thành lập thông thoáng, đơn giản; các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng…Đồng thời, Luật cũng xác định quyền và nghĩa vụ của các cơ sở thể thao nhằm quản lý và định hướng phát triển phù hợp với đường lối, chủ trương chung.

 

 

 

 

Chương V - Nguồn lực phát triển thể dục, thể thao  gồm 4 điều (từ Điều 64 đến Điều 67) quy định về nguồn tài chính đầu tư cho thể dục thể thao; đất đai dành cho thể dục, thể thao; nhân lực cho phát triển thể dục, thể thao; quỹ hỗ trợ phát triển tài năng thể thao.

 

 

 

 

Chương này xác định về nguyên tắc các nguồn lực phát triển thể dục, thể thao, từ đó có chính sách cụ thể để tập trung đầu tư cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.

 

 

 

 

Chương VI - Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam và tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao  gồm 6 điều (từ Điều 68 đến Điều 73) cấu trúc thành 2 mục.

 

 

 

 

Điểm mới của Luật là không chỉ điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam, các liên đoàn thể thao quốc gia, mà còn điều chỉnh các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao của ngành, địa phương. Điều này xuất phát từ tình hình thực tế là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao ở địa phương, ngành đang phát triển hết sức mạnh mẽ, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao cũng như nâng cao thành tích thể thao. Do vậy, Luật quy định vấn đề này nhằm tăng cường quản lý cũng như có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cần thiết để các tổ chức hoạt động ngày càng đa dạng và có hiệu quả.

 

 

 

 

Mục I - Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam bao gồm khái niệm, cơ chế hoạt động; nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam;

 

 

 

 

Mục II - Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao bao gồm khái niệm, cơ chế hoạt động; quyền và nghĩa vụ của Liên đoàn thể thao quốc gia, tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao ngành, địa phương.

 

 

 

 

Chương VII - Hợp tác quốc tế về thể thao  gồm 2 điều (Điều 74 và Điều 75) quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế về thể thao; nội dung hợp tác quốc tế về thể thao.

 

 

 

 

Chương VIII - Khen thưởng và xử lý vi phạm  gồm 2 điều (Điều 76 và Điều 77) quy định về khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp cho sự nghiệp thể dục, thể thao và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

 

 

 

 

Chương IX - Điều khoản thi hành  gồm 2 điều, Điều 78 và Điều 79.

 

 

 

 

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 79 Luật thể dục, thể thao nêu rõ: “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn các điều 4, 10, 11, 21, 28, 31, 50, 53, 55, 56, 57, 65, 67 và 77 của Luật này”. Thực hiện quy định trên, Uỷ ban Thể dục thể thao đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thể dục, thể thao. Dự thảo Nghị định đã được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, một số bộ, ngành và địa phương tại 2 cuộc hội thảo khu vực phía Bắc và phía Nam vào ngày 6 và 8/12/2006. Ban soạn thảo đã tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ ban hành, bảo đảm khi Luật có hiệu lực là Nghị định hướng dẫn thi hành cũng đồng thời có hiệu lực.

 

 

 

 

Căn cứ các quy định trong Luật thể dục, thể thao về việc giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành văn bản quy định về những nội dung cụ thể, Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ sớm tiến hành rà soát, hệ thống hoá, trên cơ sở đó bãi bỏ hoặc trình cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ những văn bản hết hiệu lực; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành, liên tịch ban hành mới, cũng như yêu cầu các bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật khi Luật thể dục, thể thao chính thức có hiệu lực thi hành. Cụ thể như sau:

 

 

 

 

Uỷ ban Thể dục thể thao:

 

 

 

 

-    Chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền công cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao (Điều 32).

 

 

 

 

-    Chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ quy định về các chế độ ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chăm sóc sức khoẻ, tiền thưởng và các chế độ khác đối với vận động viên, huấn luyện viên có thành tích xuất sắc (Điều 32).

 

 

 

 

-    Quy định trình tự, thủ tục thành lập đoàn thể thao quốc gia, đội thể thao quốc gia (Điều 35).

 

 

 

 

-    Quy định tiêu chuẩn phong đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao (Điều 42).

 

 

 

 

-    Chủ trì soạn thảo quy định về chế độ thưởng vật chất cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao đạt thành tích xuất sắc tại các giải thể thao quốc gia và quốc tế (Điều 76).

 

 

 

 

-    Chỉ đạo các Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia quy định các nội dung chuyên môn về công nhận thành tích thi đấu (Điều 41); công nhận đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao (Điều 42); trình tự, thủ tục chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp (Điều 47).

 

 

 

 

Bộ Quốc phòng:

 

 

 

 

-    Phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn tổ chức hoạt động thể thao quốc phòng trong nhân dân (Điều 19).

 

 

 

 

-    Quy định về giải thi đấu thể thao trong quân đội (Điều 28).

 

 

 

 

-    Phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao ban hành tiêu chuẩn rèn luyện thể lực trong quân đội (Điều 28).

 

 

 

 

Bộ Công an:

 

 

 

 

-    Phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao ban hành tiêu chuẩn rèn luyện thể lực trong lực lượng công an nhân dân (Điều 28).

 

 

 

 

-    Quy định về giải thi đấu thể thao trong lực lượng công an nhân dân (Điều 28).

 

 

 

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo:

 

 

 

 

-    Phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao ban hành Chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường (Điều 21).

 

 

 

 

-    Phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn hoạt động thể thao ngoại khoá (Điều 21).

 

 

 

 

-    Chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đặc thù đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao (Điều 23).

 

 

 

 

-    Phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao quy định chương trình văn hoá phổ thông giảng dạy trong trường năng khiếu thể thao trên cơ sở bảo đảm kiến thức văn hoá phổ thông cho học sinh, tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu thể thao (Điều 61).

 

 

 

 

-    Chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ dinh dưỡng đặc thù của học sinh trường năng khiếu thể thao (Điều 63).

 

 

 

 

Trong năm 2007, Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật thể dục, thể thao đến các đối tượng có liên quan và toàn thể nhân dân nhằm tạo điều kiện để mọi người nắm bắt và thực hiện tốt các quy định của Luật, từ đó góp phần phát triển mạnh mẽ sự nghiệp thể dục, thể thao trong tình hình mới.

 

 

 

 

_____________________

Ảnh trong bài
  • Đề cương giới thiệu Luật thể dục, thể thao