Năm 2007 sắp kết thúc, trong khi các hoạt động TDTT vẫn tiếp tục diễn ra và NHM thể thao nước nhà sẽ lại có dịp được chứng kiến nhiều giải đấu hấp dẫn và hy vọng vào những thành tích không ngừng vươn xa của các VĐV tại các giải đấu, các sự kiện thể thao quan trọng trong thời gian sắp tới. Đã thành thông lệ, để có cái nhìn tổng quát về các hoạt động của ngành TDTT sau 365 ngày bận rộn, hối hả với nhiều niềm vui và cả nỗi buồn, Website TDTT (ubtdtt.gov.vn) đã thống kê 10 sự kiện diễn ra trong năm, như là nét chấm phá trong bức tranh muôn màu về thể thao Việt Nam. Những sự kiện này được bình chọn và sắp xếp một cách ngẫu nhiên không tuân theo thời gian hay mức độ quan trọng của sự kiện.
1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được thành lập theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 của Quốc hội khoá XII.
Ngày 31/7/2007, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá XII đã thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH12 về cơ cấu, tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII. Theo đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã được thành lập với tư cách là cơ quan của Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước các lĩnh vực Văn hoá, TDTT, Du lịch và gia đình.
Việc thành lập Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là một trong những biểu hiện cụ thể và mạnh mẽ của tiến trình cải cách nền hành chính quốc gia, mở ra quá trình phát triển mới của ngành văn hoá, thể thao và du lịch trong điều kiện Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Mặt khác, với lợi thế của một Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, các chủ trương, chính sách phát triển ngành sẽ có điều kiện được chỉ đạo, triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, hỗ trợ nhau cùng phát triển, tạo sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy sự nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch phát triển toàn diện, bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế quốc dân.
2. Luật TD,TT chính thức ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.
Có thể nói năm 2007 là năm bận rộn của Thể thao Việt Nam với hàng loạt các sự kiện trọng đại của thể thao thành tích cao như tham dự SEA Games 24 tại Thái Lan, ASIAN Indoor Games II tại Ma Cao - Trung Quốc và hàng loạt các giải Vô địch trẻ khu vực và Châu lục. Riêng đối với công tác quản lý Nhà nước, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của toàn ngành, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý để triển khai hoạt động TDTT tại các đơn vị, địa phương. Là một trong những bộ luật được các đại biểu Quốc hội biểu quyết với số phiếu khá cao (80%), luật TD,TT ra đời đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội, tạo đà trong quá trình hội nhập của TDTT trước ngưỡng cửa WTO. Trong gần 2 năm, được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ngành TDTT cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban ngành cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của Ban soạn thảo Luật nói riêng và toàn ngành TDTT nói chung, Luật TD,TT đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.
3. Đoàn TTVN đứng thứ 3 tại SEA Games 24 và lần thứ 3 liên tiếp nằm trong tốp 3 nước đứng đầu Đại hội ĐNA.
Tại SEA Games 24 được tổ chức tại Thái Lan từ ngày 06 đến 15/12/2007, đoàn TTVN tham gia với lực lượng gồm 572 VĐV, 271 HLV và cán bộ. Tham gia tranh tài ở 368/474 nội dung của 32/45 môn thể thao, đoàn TTVN đã đạt được những thành tích ấn tượng tại các môn thể thao Olympic và cũng là thế mạnh của TTVN như Bắn súng, Vật, Thể dục dụng cụ, Điền kinh, Đua thuyền, Đấu kiếm... Các gương mặt VĐV tiêu biểu như: Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương (Điền kinh), Nguyễn Hữu Việt (Bơi lội), Đỗ Thị Ngân Thương (Thể dục dụng cụ)... đã đem lại niềm tự hào cho TTVN nói riêng và Tổ quốc nói chung. Với 64 HCV, 58 HCB, 82 HCĐ, đoàn TTVN xếp thứ 3 trong bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 24, tiếp tục giữ vững vị trí là 1 trong 3 nước đứng đầu Đại hội thể thao ĐNA, khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực, tạo niềm tin cho những người làm công tác thể thao hướng tới những mục tiêu mới trong những năm tiếp theo.
4. Điền kinh khẳng định thành tích vượt trội tại SEA Games 24 và tiệm cận với thành tích Châu lục và Olympic.
Trong số những thành tích đã đạt được tại SEA Games 24, chúng ta không thể không kể đến thành công vượt trội của đội tuyển Điền kinh với việc giành được 8 HCV, đặc biệt thành tích mà các VĐV đạt được đã tiệm cận với thành tích Châu lục và Olympic, tiêu biểu phải kể đến như: Trương Thanh Hằng: chạy 1.500 m với 4.11.60 (phá kỷ lục SEA Games 4.17.30), chạy 800 m với thành tích 2.02.39 (vượt trội so với thông số đoạt HCV của Ðỗ Thị Bông ở SEA Games 23, Manila - 2.03.65). Việc Thanh Hằng phá sâu kỷ lục 1.500 m đã cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng của Điền kinh Việt Nam và khả năng còn tiến xa hơn nữa tại các giải đấu cấp Châu lục.
Tiếp theo là Vũ Văn Huyện, HCV mười môn phối hợp đạt 7.457 điểm, bỏ xa VĐV về Nhì của Thái Lan (6.921 điểm); Bùi Thị Nhung nhảy qua 1m88 đoạt HCV, dù thấp hơn so với khả năng thực tế nhưng vẫn duy trì thành tích tương đương tại giải Châu Á. Tuyệt vời nhất là Vũ Thị Hương - nữ hoàng tốc độ ĐNA đã không hổ danh khi giành 2 HCV ở các cự ly chạy 100 m và 200 m. Dù xuất phát không tốt và bị dẫn trước những những bước bứt tốc cuối cùng của Hương đã chứng tỏ đẳng cấp và phong độ của cô tại Đại hội, khiến nhiều VĐV phải nể phục.
5. Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực Thể thao.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực TDTT, trong tổng số 59/64 tỉnh, thành phố đã báo cáo, có 52 tỉnh, thành đã ra Quyết định phê duyệt Đề án phát triển XHH hoạt động TDTT theo đúng tinh thần của Ngành về công tác xã hội hoá TDTT đến năm 2010. Qua tổng hợp báo cáo, có 30 địa phương làm tốt công tác phát triển XHH với nhiều kinh nghiệm, mô hình tốt có thể học tập và nhân rộng. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách riêng. Kết quả tích cực nhất của việc triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 05 là những chuyển biến mạnh mẽ trong phương thức chỉ đạo, điều hành và tổ chức các hoạt động TDTT, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. XHH TDTT đã huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế và của đông đảo nhân dân trong cả nước vào các hoạt động, đóng góp xây dựng các thiết chế, công trình TDTT từ trung ương tới địa phương, góp phần phát triển phong trào TDTT quần chúng và nâng cao thành tích thể thao nước nhà.
6. Khoa học TDTT ngày càng đạt được những bước tiến vững chắc.
Trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, khoa học TDTT đã trở thành mắt xích quan trọng trong tiến trình đưa thể thao Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. Năm 2007, lĩnh vực khoa học TDTT đã đạt được những thành tích đáng biểu dương trong việc hỗ trợ, đổi mới trong công tác quản lý ngành TDTT. Nhiều chương trình khoa học có giá trị đã được ứng dụng, góp phần vào công tác tuyển chọn, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ VĐV các môn thể thao thành tích cao và đóng góp thiết thực cho thành tích TTVN tại đấu trường quốc tế. Qúa trình làm việc tích cực, hiệu quả của các Nhà khoa học sẽ góp phần nâng cao hơn nữa sức khoẻ và tầm vóc con người Việt Nam. Sự kiện Hội nghị quốc tế về Khoa học TDTT (diễn ra vào trung tuần tháng 11/2007) với sự tham dự của đông đảo nhà khoa học đầu Ngành cùng những chuyên gia hàng đầu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền thể thao phát triển như: Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan... đã đánh dấu bước phát triển tích cực của lĩnh vực Khoa học TDTT. Với mục đích giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tham dự, qua những báo cáo được trình bày tại Hội nghị, chắc chắn các Nhà khoa học thuộc lĩnh vực TDTT của Việt Nam sẽ có những phát minh, nghiên cứu giúp công tác khoa học TDTT đạt được nhiều thành tựu tích cực trong tương lai.
7. Hội thi Thể thao Văn nghệ Người khuyết tật toàn quốc lần thứ 3 năm 2007 được tổ chức tại Thừa Thiên Huế.
Với chủ đề "Đoàn kết - Hòa nhập - Công bằng - Nhân ái", Hội thi Thể thao, Văn nghệ toàn quốc lần thứ III - 2007 khai mạc ngày 21/7 tại Trung tâm Thể thao thành phố Huế là hoạt động mang đậm tính nhân văn cao cả, biểu hiện rõ nét nhất sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội dành cho những con người kém may mắn nhưng đã biết vượt lên số phận.
Quy tụ 951 người, bao gồm 93 cán bộ và lãnh đạo đoàn, 83 HLV, 637 VĐV và 138 người tham dự, Hội thi đã thực sự hấp dẫn với các cuộc tranh tài ở những môn thể thao như: Điền kinh, Bóng bàn, Bơi lội... và đặc biệt các tiết mục văn nghệ của 34 đoàn trên cả nước đã để lại dấu ấn tốt đẹp, động viên, cổ vũ tinh thần những Người khuyết tật tham gia vào các hoạt động thể thao, văn nghệ.
8. Tuần lễ Thể thao Việt - Lào tại thủ đô Viêng Chăn.
Kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 30 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt - Lào, từ 10 đến 17/7, Tuần văn hoá Việt Nam tại Lào và Tuần văn hóa Lào tại Việt Nam được tổ chức. Đây là sự kiện văn hóa quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam, Uỷ ban TDTT (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với các cơ quan hữu quan của nuớc CHDCND Lào tổ chức. Đoàn TTVN đã tham gia các hoạt động thi đấu, biểu diễn 3 môn thể thao là Dance Sport (15 VĐV), Vovinam (15 VĐV) và Bóng đá (U18) tại sự kiện trọng đại này. Tại Lào, Việt Nam cử đoàn nghệ thuật trình diễn thời trang và biểu diễn những tiết mục ca ngợi tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước, tổ chức trưng bày "Không gian Việt Nam" giữa thủ đô Viêng Chăn với mô hình cổng làng Việt truyền thống, Khuê Văn Các, khu phố cổ Hà Nội, triển lãm ảnh giới thiệu Việt Nam và quan hệ hợp tác Việt - Lào... Riêng đối với lĩnh vực TDTT, năm 2007 còn đánh dấu bước tiến vững chắc trong quan hệ hữu nghị 2 nước khi Việt Nam quyết định giúp đỡ Lào xây dựng một số hạng mục công trình và công tác chuyên môn, tập huấn Trọng tài, VĐV chuẩn bị cho việc đăng cai SEA Games 25.
9. Việt Nam nhận đăng cai ASIAN Indoor Games III năm 2009.
Ngày 29/9/2005, Hội đồng Olympic Châu Á đã chính thức trao quyền đăng cai ASIAN Indoor Games 3 cho Việt Nam. Đây không chỉ là vinh dự cho ngành TDTT mà đối với một quốc gia đó còn là dấu hiệu cho thấy sự phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị, đảm bảo tổ chức thành công các sự kiện lớn trong khu vực trên con đường hội nhập. Theo kế hoạch, ASIAN Indoor Games 3 sẽ diễn ra ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tp. Hồ Chí Minh... Các địa điểm thi đấu của SEA Games 22 năm 2003 phù hợp với ASIAN Indoor Games sẽ được tận dụng. Ðịa điểm thi đấu chính và quan trọng nhất là Cung thể thao Điền kinh trong nhà đã và đang được gấp rút hoàn thành. Ngoài sân bãi, cơ sở vật chất, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp các dịch vụ phụ như: khách sạn, truyền thông, giao thông, an ninh... trong đó nạn ùn tắc giao thông đã thành mối quan tâm lớn của các Nhà quản lý. Vừa qua, tại Lễ bế mạc ASIAN Indoor Games 2 - Ma Cao (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Danh Thái đã nhận Cờ đăng cai ASIAN Indoor Games 3. Các tiết mục văn nghệ đặc sắc của Việt Nam chào mừng sự kiện trọng đại này đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho khán giả tại buổi lễ.
10. Ngành TDTT hưởng ứng Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ngày 21/3/2007, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ) đã tuyên bố phát động Cuộc vận động trong toàn Ngành. Tính đến thời điểm này, nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Uỷ ban TDTT (trước đây) đã thực hiện tốt việc triển khai trên và thu được những kết quả đáng biểu dương. Toàn thể cán bộ ngành TDTT nói chung và thế hệ trẻ nói riêng đã có dịp được tìm hiểu về lối sống giản dị, tinh thần yêu thích thể thao cũng như những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Người qua các tác phẩm, tài liệu học tập của Cuộc vận động, từ đó ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, nhiệm vụ được giao.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng cùng sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, ngành TDTT đã nghiêm chỉnh thực hiện lời Bác. Do đó, phong trào TDTT phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, hợp tác quốc tế..., đặc biệt, trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới, thành tích của các VĐV trẻ Việt Nam không ngừng được nâng cao. Đó không chỉ kết quả của những tháng ngày tập luyện miệt mài mà hơn hết tự bản thân mỗi cá nhân đã ý thức được nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Ban biên tập