Theo kế hoạch công tác, sáng nay (21/2) tại trụ sở Tổng cục TDTT, 2 bộ môn: Xe đạp - Môtô Việt Nam và Bắn súng - Bắn cung Việt Nam đã có buổi bảo vệ kế hoạch năm 2008. Chủ trì buổi họp, ông Vương Bích Thắng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã có lời phát biểu quan trọng. Theo đó, ông Vương Bích Thắng đặc biệt nhấn mạnh với các bộ môn về việc bám sát chương trình kế hoạch công tác năm của ngành TDTT cũng như các đề án, chương trình lâu dài mà ngành đang xây dựng, trình Chính phủ trong việc xây dựng chi tiết kế hoạch của bộ môn mình.
Bắn súng - Bắn cung
Được coi là một trong những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam và là "mỏ Vàng" tại các kỳ Đại hội lớn, Bắn súng Bắn cung đã đạt được nhiều thành tích đáng biểu dương trên tất cả các lĩnh vực hoạt động trong năm 2007. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến thành tích 7 HCV mà đội tuyển giành được tại SEA Games 24, đã góp phần không nhỏ giúp đoàn TTVN thực hiện thắng lợi mục tiêu là một trong 3 nước dẫn đầu Đại hội.
Năm 2008, mặc dù không có SEA Games nhưng được coi là năm bản lề để Bắn súng - Bắn cung Việt Nam chuẩn bị, tạo đà cho bước phát triển vững chắc sau này. Chính bởi vậy, bên cạnh việc tham dự giải SEASA 32, phấn đấu có từ 2 đến 4 suất tới Bắc Kinh 2008 thì công tác chuẩn bị lực lượng VĐV kế cận hùng mạnh nhất để tới SEA Games 25 tại Lào là những nhiệm vụ trọng tâm và hết sức nặng nề đối với tập thể cán bộ, HLV, VĐV Bắn súng - Bắn cung.
Tính đến thời điểm này, mọi khó khăn về cơ sở vật chất, súng đạn, quần áo cho tập luyện đã được trang bị tương đối, nhưng điều đáng ngại và rất có thể sẽ là rào cản trong việc thực hiện các trọng trách được giao của bộ môn Bắn súng - Bắn cung là lực lượng VĐV rất mỏng. Danh sách các VĐV quốc gia đến nay chỉ còn duy nhất 2 xạ thủ là của lớp VĐV trước, còn lại chủ yếu được bổ sung từ nguồn đào tạo VĐV trẻ của Trung tâm HLTT Quốc gia II và Trung tâm đào tạo VĐV trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí còn hạn chế nên 1 số VĐV thực sự có khả năng phát triển vẫn chưa được gọi lên tuyển. Đây cũng là kiến nghị mà Bộ môn rất mong lãnh đạo ngành quan tâm và có hướng giải quyết.
Xe đạp - Môtô
Chỉ vẻn vẹn có 15 CLB nam và 8 CLB nữ với khoảng 120 VĐV trên cả nước nhưng Xe đạp Việt Nam đã có được bước phát triển vượt bậc và thu được những thành tích đáng biểu dương trong các hoạt động sự nghiệp cũng như thành tích tại đấu trường khu vực, Châu lục, tiêu biểu phải kể đến 4 HCV tại các kỳ SEA Games 21, 22, 23 và 24 của xe đạp đường trường và địa hình.
Tuy nhiên, trước sự đầu từ mạnh mẽ của các quốc gia cũng như sự tiến bộ nhanh chóng của các VĐV bạn, việc tranh chấp huy chương của các VĐV Việt Nam ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đã vậy, hầu hết các HLV của Xe đạp Việt Nam đều xuất thân từ VĐV hay điều chuyển từ môn khác sang nên công tác chuyên môn vẫn chưa thể đảm bảo đạt kết quả như mong muốn; cơ sở vật chất cũng còn nhiều hạn chế (nhất là xe đua và sân tập lòng chảo cho xe đạp đường trường); kinh phí tập huấn có hạn nên các VĐV chủ yếu tập trung tập huấn trong nước, ít có điều kiện ra nước ngoài cho "có thầy có bạn"... là những nguyên nhân khiến Xe đạp Việt Nam chưa phát triển đúng với thực lực của mình.
Năm 2008, bộ môn tập trung vào các nhiệm vụ chính sau: Các giải đấu quốc tế, đặc biệt là giải Vô địch Châu Á; chuẩn bị lực lượng VĐV kế cận; xây dựng quy chế chuyển nhượng HLV, VĐV; thành lập Hội đồng trọng tài Xe đạp quốc gia; xây dựng chiến lược phát triển lâu dài của môn Xe đạp; chuyển giao các hoạt động sự nghiệp cho Liên đoàn, Hiệp hội...
Thịnh Hường