Hai "mỏ vàng" Thể dục và Wushu tích cực chuẩn bị cho năm 2008

Chiều qua (21/2/2008), tại trụ sở Tổng Cục TDTT, 2 môn Thể dục và Wushu đã có báo cáo kế hoạch công tác năm 2008 trước lãnh đạo Tổng Cục, lãnh đạo các Vụ TTTT Cao 1, 2 cũng như đại diện lãnh đạo các Vụ liên quan.

Chiều qua (21/2/2008), tại trụ sở Tổng Cục TDTT, 2 môn Thể dục và Wushu đã có báo cáo kế hoạch công tác năm 2008 trước lãnh đạo Tổng Cục, lãnh đạo các Vụ TTTT Cao 1, 2 cũng như đại diện lãnh đạo các Vụ liên quan.

Đối với Bộ môn Thể dục, do đặc thù bao gồm tới 4 môn là Thể dục Dụng cụ, Thể dục Nghệ thuật, Thể dục Aerobic và Khiêu vũ thể thao nên khối lượng công việc khá lớn thế nhưng với mục tiêu phát triển, bộ môn đã có những động thái chuẩn bị đầy đủ và tích cực. Ngoài việc ráo riết chuẩn bị cho việc giành 1 suất tham dự Olympic Bắc Kinh 2008, Bộ môn Thể dục còn chú trọng xây dựng phong trào tập luyện cụ thể cho các môn.

Báo cáo nhấn mạnh thực trạng phát triển các môn Thể dục thông qua việc xây dựng phong trào. Mặc dù trong những năm qua phong trào tập luyện các môn Thể dục luôn được duy trì và phát triển thế nhưng đối với môn Thể dục Dụng cụ trên thực tế chỉ chú trọng phát triển mạnh ở 1 số đơn vị như: Hải Phòng, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, TTHL TT Quốc gia I, Quân đội. Đối với môn Thể dục Nghệ thuật mới chỉ có 2 thành phố chính đào tào VĐV. Môn Thể dục Aerobic, ngoài Tp Hồ Chí Minh, Hải phòng thì một số các địa phương khác cũng đã xây dựng và phát triển lực lượng VĐV như Bà Rịa, Vũng Tàu, Khánh Hoà, Trà Vinh... Số lượng các CLB Khiêu Vũ, Thể thao Aerobic... ngày càng gia tăng thể hiện đúng đắn chủ trương xã hội hoá TDTT của ngành. Một số địa phương đã đưa các môn Thể dục như: Thể dục Dụng cụ, Thể dục Aerobic vào chương trình tập luyện thu hút nhiều VĐV trẻ tham gia, góp phần tích cực phát triển phong trào tập luyện. Riêng Khiêu vũ Thể thao do là môn thể thao còn khá mới mẻ ở nước ta nên phong trào tập luyện chưa được phát triển rộng rãi, chủ yếu tập trung tại một số đơn vị, thành phố lớn. Tuy nhiên đến nay chúng ta hình thành được đội tuyển Khiêu vũ quốc gia và tham gia thi đấu 1 số giải lớn trong khu vực và trên thế giới.

Tiếp theo, để chuẩn bị cho các giải thi đấu lớn, đặc biệt là các kỳ SEA Games, Bộ môn cũng đã lên một kế hoạch chi tiết cho công tác xây dựng lực lượng, tổ chức thi đấu. Ngoài việc nâng cao chất lượng tập luyện của VĐV, Bộ môn còn chú ý tới việc nâng cao về trình độ tổ chức và chất lượng các giải đấu nhằm thúc đẩy phong trào.

Nhiệm vụ trước mắt của Bộ môn Thể dục là tuyển chọn các VĐV xuất sắc tập trung tập huấn đội tuyển quốc gia, chuẩn bị lực lượng tham dự các giải thi đấu quốc tế như Olympic và các Đại hội Thể thao Châu lục và năm 2009 là Indoor Games III. Với thành tích đã đạt được môn Thể dục Dụng cụ của Việt Nam hiện đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á và trong Tốp 5 của Châu Á, có những nội dung đứng ở Tốp 10 thế giới. Môn Thể dục Aerobic đứng trong Tốp 3 Châu Á, tốp 10 thế giới. Hy vọng, Thể dục Việt Nam sẽ làm nên những điều bất ngờ ngoài dự đoán.

Cũng như môn Thể dục, môn Wushu được kỳ vọng rất lớn. Mặc dù mới du nhập vào Việt Nam nhưng môn này đã phát triển rất nhanh. Thành tích thuyết phục tại SEA Games 24 cùng với 8 suất tham dự Olympic là cơ sở để tập trung phát triển chiều sâu cho môn này. Ngoài việc chú trọng cho nội dung biểu diễn, nội dung mạnh của Wushu Việt Nam, nội dung đối kháng cũng cần được tập trung. Thái cực cũng là một nội dung cần được khôi phục và khai thác. Lực lượng kế cận của môn Wushu cũng là một vấn đề mà báo cáo kế hoạch 2008 của bộ môn đề cập tới.

Sau khi nghe báo cáo kế hoạch năm của 2 môn nêu trên, chủ trì cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã có kết luận chỉ đạo cho từng môn như sau. Đối với môn Thể dục, cần tập trung ưu tiên phát triển cho các môn Olympic như Thể dục Dụng cụ, và Thể dục Nghệ thuật. Đối với Aerobic, các nội dung tham dự Indoor Games 3 cũng phải được chú ý. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với địa phương phải chặt chẽ trong việc tổ chức thi đấu và tập huấn. Tập huấn trẻ cần được tính toán hợp lý. Cần có quy chế quản lý hoạt động của các CLB. Trong tương lai, nếu có thể Bộ môn Thể dục quản lý 4 môn với đặc thù khác nhau, nên hướng tới việc tách riêng để dễ dàng phát triển....

Còn đối với môn Wushu, yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao, đòi hỏi các HLV phải nâng cao trình độ. Việc tập luyện các kỹ thuật mới cũng khiến các VĐV dễ gặp chấn thương hơn do đó các thiết bị tập luyện bổ trợ phải được ưu tiên tính đến. Wushu cũng nên xây dựng quy trình quản lý đối với các CLB....

Mong rằng được sự chỉ đạo và quan tâm sát sao, trực tiếp của các cấp lãnh đạo Tổng cục TDTT, các môn thể thao sẽ không ngừng phát triển cả trên phương diện quản lý, tổ chức đến các vấn đề chuyên môn.

A.T

 

Ảnh trong bài
  • Hai "mỏ vàng" Thể dục và Wushu tích cực chuẩn bị cho năm 2008