Nhiệm vụ chính năm 2008 là Olympic

Tiếp tục chương trình công tác duyệt kế hoạch của các Bộ môn năm 2008, sáng 22/2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã chủ trì buổi làm việc với 2 Bộ môn: Điền kinh và Đua thuyền. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Văn Phòng, một số Vụ liên quan và toàn thể cán bộ Bộ môn.

Tiếp tục chương trình công tác duyệt kế hoạch năm 2008 của các Bộ môn, sáng 22/2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã chủ trì buổi làm việc với 2 Bộ môn: Điền kinh và Đua thuyền. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Văn Phòng, một số Vụ liên quan và toàn thể cán bộ Bộ môn.

Năm 2007 vừa qua, đặc biệt tại kỳ SEA Games 24 là năm thành công rực rỡ của Điền kinh Việt Nam khi đã giành tới 8 HCV mà chỉ từ 5 VĐV. Trong đó, phá 2 kỷ lục SEA Games, phá 6 kỷ lục quốc gia. Phong trào tập luyện môn thể thao nữ hoàng này phát triển cả về số lượng và chất lượng trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, trong năm 2007 Điền kinh Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước với những công việc như: Soạn thảo và ban hành điều lệ các giải trong nước, đặc biệt là phối hợp cùng Uỷ ban Olympic quốc gia nghiên cứu điều lệ môn Điền kinh của SEA Games 24 đã phát hiện những điểm chưa hợp lý và có kiến nghị kịp thời… Tuy nhiên, tại giải Đi bộ thể thao tổ chức trong nước vẫn còn để xảy ra kiến nghị, khiếu nại, cần được rút kinh nghiệm trong những lần tổ chức sau.

Tiếp tục phát huy tiềm lực của môn thể thao này, trong năm 2008, Bộ môn đã xác định nhiệm vụ trọng tâm chính là đầu tư cho các VĐV vượt qua vòng loại để đạt được mục tiêu từ 2 đến 3 VĐV giành vé đến Olympic Bắc Kinh trong tháng 8 này. Nếu thực hiện được chỉ tiêu đó, Bộ môn cũng đề ra mục tiêu là VĐV của chúng ta sẽ lọt vào vòng 1/16. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Bộ môn đã lập kế hoạch riêng cho việc đầu tư 5 VĐV tham gia các giải đấu tích điểm. Đây là một cách làm đúng, khoa học sẽ tạo điều kiện tốt cho Điền kinh Việt Nam hướng đến Olympic. Bên cạnh nhiệm vụ đó, trong năm 2008, Điền kinh Việt Nam còn thực hiện một số nhiệm vụ chính như: chuẩn bị cho SEA Games 25 (2009, Lào), Indoor Games 3 (2009, Việt Nam); chuẩn bị lực lượng trẻ cho đội tuyển quốc gia; nâng cao chất lượng đào tạo VĐV cho các địa phương; tiếp tục phát triển phong trào môn Điền kinh...

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp tích cực của các thành viên trong buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã có những chỉ đạo thiết thực đối với Bộ môn. Theo ông Vương Bích Thắng, trong kế hoạch, Bộ môn cần đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2007, đồng thời bổ sung vào kế hoạch những phần như: triển khai Luật TD,TT, chuyển dần việc tác nghiệp của các hoạt động sự nghiệp cho các đơn vị tổ chức xã hội. Phó Tổng cục trưởng cũng đã đề nghị Bộ môn trong năm 2008 cần xây dựng chiến lược phát triển môn Điền kinh, phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Điền kinh Việt Nam xây dựng hướng phát triển Điền kinh chuyên nghiệp.

Rút kinh nghiêm cho các Bộ môn tiếp theo khi bảo vệ kế hoạch trước lãnh đạo Tổng cục TDTT, kế hoạch của Bộ môn cần có sự thống nhất của các thành viên trong Bộ môn và đặc biệt là lãnh đạo Vụ tương ứng. Tránh trường hợp của môn Điền kinh, thiếu sự thống nhất nên buổi làm việc đã kéo dài và tập trung đóng góp quá nhiều vào vấn đề chuyên môn của Bộ môn.

Do đặc thù của môn Đua thuyền (cơ sở vật chất) nên việc phát triển rộng rãi môn thể thao này trên phạm vi toàn quốc là điều khó thể thực hiện được. Tuy nhiên, tính đến kết thúc năm 2007, cả nước đã có 18 địa phương phát triển môn thể thao dưới nước này (chỉ gồm Canoeing và Rowing). Tạo điều kiện phát triển môn thể thao này, trong năm 2007, Bộ môn Đua thuyền đã đề nghị và được lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định (số 1695) về việc phát triển 9 nội dung của Canoeing nữ. Và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí là Châu Á trong việc phát triển 9 nội dung này.

Mặc dù chưa được phát triển khắp trên cả nước, song Đua thuyền cũng đã đạt được những thành tích nhất định. Tiếp tục phát huy thành tích, trong năm 2008, Bộ môn cũng xác định, lọt qua vòng loại Olympic là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì SEA Games 25 không có nội dung đua thuyền nên Bộ môn cũng xác định trong năm 2008 sẽ đầu tư tập trung đào tạo VĐV trẻ để chuẩn bị lực lượng cho SEA Games năm 2011, đào tạo lực lượng VĐV kế cận. Bên cạnh đó, Bộ môn sẽ tích cực hướng dẫn cho các địa phương đầu tư lực lượng, cơ sở vật chất phát triển 9 nội dung mới cũng như chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI. Song song với các nhiệm vụ trên, Bộ môn còn động viên các địa phương đã phát triển môn thể thao này sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa và từ 2- 3 địa phương phát triển môn này đồng thời sẽ hướng phát triển thêm 3 trung tâm phát triển Đua thuyền (Ngoài Hà Nội sẽ phát triển thêm các trung tâm ở Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ). Một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng đã được Bộ môn quan tâm và thể hiện trong kế hoạch đó là xây dựng chiến lược phát triển môn Đua thuyền đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Nguyễn Siêm 
 

Ảnh trong bài
  • Nhiệm vụ chính năm 2008 là Olympic