|
Tổng cục phó Tổng cục TDTT
Vương Bích Thắng. Ảnh: Thế Thiện
|
Chính thức được thành lập từ năm 2004, sau 3 năm hoạt động, Bộ môn Đấu kiếm đã dần đưa Việt Nam trở thành 1 trong những quốc gia có phong trào tập luyện môn Đấu kiếm phát triển mạnh của khu vực Đông Nam Á. Tuy lực lượng VĐV còn mỏng, chỉ khoảng 100 VĐV, nhưng Đấu kiếm Việt Nam đã dần khẳng định ưu thế của mình trên đấu trường khu vực. Thành tích nổi bật của Đấu kiếm Việt Nam trong năm 2007, đó là việc vượt chỉ tiêu đề ra tại SEA Games 24 với 3 HCV.
Báo cáo về hiện trạng của Đấu kiếm Việt Nam trong những năm qua, trưởng Bộ môn Đấu kiếm Phùng Lê Quang cho biết: hiện tại môn Đấu kiếm chỉ mới phát triển ở 6 đơn vị: Hà Nội, Tp.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên. Tuy nhiên, do môn thể thao đòi hỏi việc đầu tư kinh phí khá lớn nên mới chỉ có Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã có đầu tư bài bản cả về trang thiết bị và lực lượng VĐV. Vì vậy, việc phát triển Bộ môn cũng như phát triển phong trào Đấu kiếm còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, lực lượng HLV và Trọng tài của môn Đấu kiếm còn ít. Để đưa Đấu kiếm phát triển mạnh hơn nữa ở Việt Nam, trong bản kế hoạch, Bộ môn Đấu kiếm cũng định hướng trong năm 2008, Đấu kiếm Việt Nam sẽ tập trung vào việc đào tạo, huấn luyện lực lượng HLV và Trọng tài; tăng cường tập huấn trong nước và nước ngoài; tham dự các giải đấu quan trọng như giải Vô địch Đông Nam Á, giải trẻ Đông Nam Á,… xây dựng Luật Đấu kiếm; phấn đấu giành 1 suất tham dự Olympic Bắc Kinh.
Đánh giá về kết quả đạt được, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định" "trong những năm qua, Đấu kiếm Việt nam đã đầu tư đúng hướng với những kết quả khả quan tại các kỳ SEA Games. Trong năm 2008, Bộ môn Đấu kiếm cần tập trung vào các giải đấu vòng loại Olympic cũng như chuẩn bị lực lượng tham dự ASIAD 2010. Hoàn thành việc xuất bản Luật Đấu kiếm và từng bước xây dựng Liên đoàn Đấu kiếm. Cần đầu tư trọng điểm về trang thiết bị cơ sở vật chất để đưa phong trào môn Đấu kiếm phát triển hơn nữa trong cả nước".
V.A